QĐND - Bộ đội Mài đã mang Tết Đoàn kết về cho bà con buôn làng đó.

Ông Ma Seo Vảng, người dân tộc Mông, cư trú ở xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông nói với chúng tôi như vậy. Bộ đội Mài mà ông Ma Seo Vảng nói chính là Đại tá Vũ Văn Mài, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 720, Binh đoàn 16. Bà con ở các buôn làng trong vùng dự án mới còn coi anh Mài là già làng, “già làng Giàng Seo Mài”. Nghe chúng tôi thuật lại việc ấy, Trung đoàn trưởng Vũ Văn Mài cười :

- Bà con thương mà gọi thế, tôi chỉ là người lính bình thường như bao chiến sĩ khác của trung đoàn này thôi.

Ở Đăk Ngo có 312 hộ đồng bào người Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Phong tục, tập quán của bà con người Mông là sống du canh, du cư. Thời gian đầu, bà con sống rải rác trong rừng, trên các núi cao. Cái đói, cái nghèo, bệnh tật và những hủ tục lạc hậu cứ đeo bám bà con hết khu rừng này sang ngọn núi nọ. Kể từ khi Trung đoàn 720 về xây dựng, bà con được đưa về định cư trên vùng dự án. Ông Ma Seo Vảng kể:

- Lúc đầu bà con đồng bào người Mông chưa muốn về vùng dự án của Trung đoàn, vì từ bao đời nay, bà con cứ phát rừng làm rẫy, đến khi đất bạc màu thì chuyển tới cánh rừng khác. Nếu về vùng dự án thì sẽ không có cái ăn, không có đất để phát nương, làm rẫy. Nhưng khi nghe chú Mài giải thích, vận động thì bà con từ chỗ còn e ngại, nửa tin, nửa ngờ đã bảo nhau nghe theo. Vì chúng tôi tin ở bộ đội Mài.

Đại tá Vũ Văn Mài luôn gần gũi bà con trong bản làng. Ảnh: PV

 

Nhìn bề ngoài, anh Mài trông từng trải hơn so với gần 40 năm tuổi quân của mình. Anh bám trụ ở vùng đất cao nguyên này đến nay đã gần hết cuộc đời quân ngũ. Anh coi bà con dân tộc thiểu số ở đây như những người ruột thịt của mình. Miệng nói, tay làm, anh cùng đơn vị giúp nhân dân dựng nhà cửa, làm đường, xây trường học, đưa điện, nước sạch về tận các gia đình. Có nước, nhà nào cũng có vườn rau, vườn cây ăn trái, có điện là có máy xay xát, bà con không còn phá rừng để lấy củi đun hằng ngày, rừng cây ngày càng xanh tốt.

Ngày ấy, về với vùng dự án của trung đoàn, 312 hộ dân đồng bào người Mông đều rất nghèo. Nhiều gia đình chỉ có tay nải với dăm ba bộ đồ cũ, vài cái soong, bát, đĩa và chút ít dụng cụ thô sơ để sản xuất. Thời gian đầu, buôn làng khá lộn xộn. Vậy nhưng Trung đoàn 720 đã có nhiều biện pháp hay, hợp lòng dân nên mọi việc đều ổn cả, từ cắm mốc đất làm nhà, đất canh tác cho từng gia đình đến hướng dẫn bà con phương thức trồng lúa nước, cây công nghiệp, cung cấp kỹ thuật, giống cây, phân bón... Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 720 đã nhường bớt khẩu phần ăn giúp bà con. Hằng tuần, y tá, bác sĩ của đơn vị đến từng gia đình khám, chữa bệnh sốt rét. Điều rất vui mừng là năm đầu tiên canh tác lúa nước, toàn buôn làng được mùa lớn. Vụ thu hoạch lúa nước đầu tiên, toàn buôn làng vui như trẩy hội, nhà nào cũng tổ chức lễ cúng mừng cơm mới và mời cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đến dự. Trước đây, đồng bào có Tết riêng gọi là Tết mừng cơm mới. Từ khi về vùng dự án định cư thành buôn làng, Trung đoàn 720 đã tổ chức cho bà con ăn Tết Nguyên đán. Trung đoàn trưởng Vũ Văn Mài chỉ đạo đơn vị cấp gạo nếp, thịt heo, gà và hướng dẫn bà con cách gói bánh chưng, bánh tét, gói giò. Thế rồi, nhân dân vùng đất nam Tây Nguyên gọi Tết Nguyên đán là Tết đoàn kết các dân tộc, Tết của tình quân dân cá nước.

Năm vừa qua, tuy chịu ảnh hưởng của bão, lũ, nhưng bà con ở Đăk Ngo vẫn được mùa. Cuộc sống của bà con đã khá giả, nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh, xe máy... Bộ đội Trung đoàn 720 giờ không phải cấp gạo nếp, thịt heo cho bà con vào những dịp Tết như trước đây nữa.

Trung đoàn trưởng Vũ Văn Mài nói với chúng tôi:

- Cuộc đời người chiến sĩ không có gì hạnh phúc hơn khi được góp công để cuộc sống nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có nơi ăn, chốn ở ổn định, có ruộng đất canh tác, trẻ em có trường học. Với tôi, vùng đất này đã là quê hương thứ hai, tôi xem buôn này như chính làng quê mình vậy.

NGUYỄN MẠNH CƯƠNG