Anh sinh ra và lớn lên tại làng Quân giới, Nhà máy Z121, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Gia đình anh cả ba thế hệ đều là cán bộ, nhân viên công tác tại Nhà máy Z121. Khi được bổ nhiệm làm Tổ trưởng chuyên môn thuộc Phòng Cơ điện, Nhà máy Z121, mọi người thường trêu là “nhất hậu duệ”, nhưng là “hậu duệ” theo nghĩa tích cực.

Từ năm 2016 đến nay, Nguyễn Quốc Khánh đã chủ trì thực hiện 7 công trình cơ khí hóa-tự động hóa; 9 giải pháp sáng kiến cải tiến kỹ thuật; đồng tác giả và tham gia thực hiện 2 công trình cơ khí hóa-tự động hóa, góp phần tiết kiệm nguồn năng lượng, chi phí sản xuất, xây dựng môi trường sản xuất văn minh công nghiệp, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị trong quá trình sản xuất, làm lợi cho đơn vị mỗi năm hàng tỷ đồng. Công trình tiêu biểu của Nguyễn Quốc Khánh là đề tài “Nghiên cứu, thiết kế hệ thống giám sát trạm phân phối, cảnh báo khi có sự cố về điện bằng đường truyền GSM/GPRS (Giám sát trạm nguồn bằng thiết bị di động)”. Khánh cho biết: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, việc giám sát trạm phân phối và cảnh báo khi có sự cố về điện thường được tiến hành thủ công. Với đề tài nghiên cứu trên đã thay thế hoàn toàn việc đo đếm trực tiếp bằng thiết bị cầm tay, giảm thiểu rủi ro cho người công nhân và bảo đảm hoạt động cho trạm nguồn khỏi các sự cố quá tải, mất pha, lệch pha... Tự động cảnh báo các tín hiệu vượt ngưỡng theo quy định khi có sự cố. Tự động thông báo thông tin theo giờ đã đặt sẵn. Giao tiếp với người giám sát qua tin nhắn SMS... Giá trị làm lợi của đề tài gần 1,3 tỷ đồng”. Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy nén thủy lực tự động CXC-01/18 với độ chính xác cao (sai số lực nén < 5%) sử dụng cho các sản phẩm quốc phòng”, với việc kiểm soát hành trình và thời gian nén được thực hiện bằng các cảm biến (sensor) giám sát thông số áp suất dầu, hành trình; bảo đảm các yếu tố về an toàn, khách quan, chính xác... giá trị làm lợi hơn 600 triệu đồng.

 
 Nguyễn Quốc Khánh (bên trái) hướng dẫn đồng nghiệp kiểm tra các thông số trên thiết bị gia công chính xác CNC. Ảnh: MINH HÒA

Năm 2019, kỹ sư Nguyễn Quốc Khánh là thành viên công trình cấp Nhà nước “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất thuốc nổ nhũ tương trên dây chuyền (EEPL) của Tập đoàn EPC (Cộng hòa Pháp) dùng cho khai thác khoáng sản lộ thiên”. Công trình hoàn thành giai đoạn đầu đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019, góp phần đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm kinh tế chủ đạo của nhà máy, tạo công ăn việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Đây cũng là dây chuyền thiết bị được đánh giá hiện đại bậc nhất tại nhà máy nói riêng và trong khu vực nói chung về công nghệ sản xuất thuốc nổ nhũ tương tính đến thời điểm hiện tại. Chia sẻ về công trình này, Nguyễn Quốc Khánh nói: “Trong quá trình thực hiện dự án, được làm việc và giao lưu cùng các chuyên gia về kỹ thuật điện và tự động hóa của Pháp, có một tư duy của họ tôi thấy rất ấn tượng, đó là: “Back to basic” (nghĩa là “Quay lại cơ bản”). Đây có thể coi là kim chỉ nam và nguyên tắc vàng trong việc triển khai công việc. Tôi cũng đã học hỏi, xây dựng cho mình nguyên tắc làm việc theo tư duy “Back to basic”, luôn xây dựng mọi ý tưởng trên “cơ bản” và bám vào “cơ bản”-“lý thuyết cơ bản, nền tảng” để giải quyết các vấn đề phức tạp, vướng mắc”.

Với những cố gắng của bản thân, Nguyễn Quốc Khánh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (năm 2017, 2019, 2020); huy chương vàng Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Thọ năm 2020 và nhiều giải thưởng, phần thưởng khác.

DUY THÀNH