Ngày 20-8 vừa qua, tôi có cơ hội tìm câu trả lời cho vấn đề đặt ra từ 4 năm trước đã khai mở khi được tham gia Hội thao tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn đường không năm 2024 do Quân chủng Phòng không-Không quân tổ chức.

Hơn 7 giờ, hồ Đồng Mô (Hà Nội) tĩnh lặng như chiếc gương khổng lồ. Thỉnh thoảng có cơn gió nhẹ lướt tới, những con sóng lăn tăn nô đùa như những đứa trẻ tinh nghịch. Từng chùm tia nắng thu yếu ớt thi nhau xuyên qua lớp sương mỏng manh rọi xuống mặt hồ lấp lánh, lung linh tựa như được dát vàng, dát bạc.

Ngồi trong đài quan sát, Thượng tá Nguyễn Bá Đức, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 916 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân) nói với tôi, sắp đến giờ thao diễn, anh xem lại công tác chuẩn bị đi.

leftcenterrightdel

Trực thăng thả treo cứu hộ phi công nhảy dù xuống nước trong Hội thao tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn đường không năm 2024. Ảnh: GIANG HUY 

Thượng tá Nguyễn Bá Đức là một trong những phi công trực thăng có nhiều kinh nghiệm của Trung đoàn 916, đặc biệt, khi làm nhiệm vụ bay trong điều kiện thời tiết phức tạp. Trên đường từ Trung đoàn 916 ra đài quan sát, anh kể sơ lược với tôi, tháng 6 và tháng 7 vừa rồi, anh cùng đồng đội phối hợp vận chuyển quân, thả treo trên biển để phục vụ một đơn vị hải quân Vùng 1 huấn luyện đạt kết quả tốt. Anh cũng nói, thả treo máy bay trực thăng trên mặt nước cũng giống như thủy thủ tổ chức neo tàu.

Sau khi kiểm tra lại đồ nghề tác nghiệp, tôi yên tâm hướng mắt ra hồ Đồng Mô mênh mông nước. Vài phút sau, tiếng động cơ trực thăng từ xa vọng tới. Rồi một bóng người từ trong trực thăng nhảy ra. Rất nhanh sau đó, một chiếc dù màu vàng cam bung nở giống như bông hoa in trên nền trời. Thượng tá Nguyễn Bá Đức thuyết minh, đây là tình huống giả định phi công nhảy dù sau khi nhận được lệnh thoát ly máy bay. Phi công này sẽ tiếp nước, cắt dù và sinh tồn trên đó. Phi công sẽ dùng thiết bị chuyên dùng phát tín hiệu để chờ đồng đội tìm kiếm và cứu hộ, đưa về bằng trực thăng.

Đúng như kịch bản Thượng tá Nguyễn Bá Đức giới thiệu, ít phút sau, tôi thấy chiếc trực thăng như chú chim sắt khổng lồ bay đến. Sau khi lượn một vòng để tìm kiếm, xác định vị trí đối tượng cứu hộ, chiếc trực thăng từ từ thả cẩu và giảm tốc độ, di chuyển chậm về phía mục tiêu dưới nước. Rồi nó đứng im như neo trên không. Cánh quạt xoay tít, đẩy áp lực xuống mặt nước, tạo ra một vòng tròn sóng nối nhau liên tiếp. Chỗ máy bay trực thăng neo là tâm khiến mặt nước trũng sâu như chiếc nón lộn ngược. Cẩu thả xuống chỗ người ở dưới nước rồi từ từ kéo lên. Khi người đã vào khoang, trực thăng nghiêng bụng, di chuyển một hình vòng cung rồi lại trở lại vị trí mục tiêu, tiếp tục thả dây và bay treo để cứu những người khác. Thượng tá Nguyễn Bá Đức thuyết minh, lần 1 là thả loại móc treo tải trọng 150kg để kéo một người. Lần 2 thì thả loại móc treo tải trọng 300kg để cứu hai người cùng lúc.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chiếc trực thăng vút đi trả lại sự yên tĩnh cho mặt hồ. Tôi so đồng hồ, toàn bộ quá trình cứu phi công nhảy dù trong cả hai lần cầu cáp diễn ra chỉ hơn 3 phút.

leftcenterrightdel
Trực thăng thả treo cứu hộ phi công nhảy dù xuống nước trong Hội thao tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn đường không năm 2024. Ảnh: GIANG HUY

Tôi quay sang hỏi anh Đức: "Làm thế nào để phi công neo máy bay trực thăng trên mặt nước?".

- Cũng chẳng có bí mật gì đâu, nhưng để lý giải cặn kẽ thì mất thời gian lắm. Hẹn anh lúc khác thôi...

Gần 10 giờ, khi những chiếc trực thăng của các đơn vị tham gia hội thao lần lượt thực hiện xong bài thi trơn mượt, an toàn; buổi rút kinh nghiệm vừa xong, cũng là lúc Thượng tá Nguyễn Bá Đức mới dành cho tôi chút thời gian để giải thích về kỹ thuật thả treo trực thăng, cứu người bị nạn dưới nước. Anh Đức nói, bình thường, tổ bay chỉ gồm 3 người, một phi công lái chính, một cơ giới trên không và một dẫn đường. Tuy nhiên, khi đi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn dưới nước, tổ được bổ sung thêm một nhân viên cơ giới có nhiệm vụ vận hành cẩu. Quá trình thả treo trên mặt nước thường khó hơn trên cạn vì nhiều lý do, một là không có địa tiêu làm chuẩn và hai là bị chi phối bởi gió từ nhiều hướng tới.

- Giải quyết bài toán khó ấy bằng cách gì?

- Không hề đơn giản đâu. Một là phải luyện thật nhiều. Luyện nhiều sẽ giúp phi công và thành viên trong tổ hiệp đồng ăn khớp, xử lý chính xác các tình huống. Hai là, cần xác định hướng gió chính, gió cạnh. Thông thường thì phi công có kinh nghiệm sẽ chọn cách bay ngược chiều gió. Điều này giúp máy bay không bị tác động nhiều dẫn đến treo lệch vị trí. Ba là, cũng như lái ô tô, phi công lái chính phải xác định được độ trôi của máy bay trong thả treo để giữ cần điều khiển sao cho máy bay gần như đứng im tại vị trí. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi phản xạ, kỹ năng hết sức nhuần nhuyễn vì cần lái của trực thăng rất nhạy. Chỉ cần nhích quá là máy bay sẽ di chuyển không còn ổn định tại vị trí mong muốn.

Thông tin của Thượng tá Nguyễn Bá Đức khiến tôi nhớ lại những lần neo tàu ngoài Trường Sa. Trước khi ra lệnh thả neo, thuyền trưởng cũng phải chọn hướng để mũi tàu quay về đảo và ngược chiều gió. Mục đích là đề phòng gió lớn bất ngờ, neo bị đứt, tàu không bị trôi và mắc cạn.

Chỉ cho tôi thẩm thấu xong những kiến thức thuộc về chuyên ngành, Thượng tá Nguyễn Bá Đức nói tiếp, nếu như trên đất liền, máy bay thả treo cách mặt đất 10m, nhưng nếu áp dụng đúng độ cao này dưới nước thì không ổn vì các hạt nước sẽ bắn lên và bám vào kính chắn gió, ảnh hưởng tầm nhìn và quan sát của phi công. Thế nên thả treo máy bay trên mặt nước ở độ cao từ 15 đến 20m là hợp lý.

Theo lời giới thiệu của Thượng tá Nguyễn Bá Đức, chiều hôm ấy, tôi gặp và trò chuyện với Đại úy Vương Đình Long, Phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 916, là phi công lái chính trong đội tham dự hội thao. Long chia sẻ với tôi rằng, khi đến hiện trường cứu nạn, mỗi người trong tổ bay có một nhiệm vụ khác nhau. Lúc chuẩn bị vào thả treo, sự hiệp đồng giữa phi công và cơ giới trên không là quan trọng nhất. Phi công lái chính phải lái máy bay theo thông tin mà đồng chí cơ giới trên không cung cấp. Bởi đồng chí này căn được vị trí của mục tiêu phía dưới mặt nước với máy bay và đưa ra các thông tin lệch trái, lệch phải hoặc lùi, hoặc tiến một cách ngắn gọn. Căn cứ thông tin này để lái chính điều khiển máy bay ổn định ở vị trí thuận lợi nhất cho cẩu người lên.

Đại úy Vương Đình Long là một trong những phi công lái trực thăng có tuổi đời còn khá trẻ của Trung đoàn 916 hiện nay. Khi trò chuyện, điều tôi ấn tượng nhất ở anh là sự lạc quan. Trong những năm gần đây, chàng phi công trẻ tuổi này từng tham gia hầu hết nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Gần đây nhất, Long đã tham gia trong đội hình bay trình diễn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lái máy bay trực thăng là công việc tuy rất khó nhưng nhiều người lại mơ ước. Khi viết đến đây, tôi nhớ lại lời tâm sự của Thượng tá Nguyễn Bá Đức. Anh kể, lái máy bay trực thăng để vận chuyển hàng, người đã khó, nhưng lái máy bay trực thăng vũ trang trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu thì còn khó hơn. Những người được làm công việc này phải thông qua quá trình lựa chọn, đào tạo hết sức công phu. Với họ, quá trình tập luyện cũng chính là quá trình rèn luyện bản lĩnh để không bị động, bất ngờ trước các tình huống. Họ phải tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật kiểm tra, vận hành phương tiện cả trước và sau khi làm nhiệm vụ. Sự hiệp đồng trong tác chiến của họ được tính bằng giây nên đòi hỏi phải luôn tập trung cao độ trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Tạm biệt mảnh đất xứ Đoài, tạm biệt sân bay Hòa Lạc những ngày đầu thu, nơi có những phi công lái trực thăng đáng mến, hình ảnh chiếc trực thăng neo trên mặt hồ Đồng Mô để tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn các phi công cứ in mãi trong tôi.

Trước thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp, những phi công trực thăng ngày càng vất vả hơn. Họ đã luôn cố gắng để hoàn thành sứ mệnh đặc biệt, trong đó thả treo chỉ là một ví dụ điển hình.

ĐỨC TÂM