Camera là một sản phẩm công nghệ được dùng để ghi lại những hình ảnh động của con người, sự vật, hiện tượng xảy ra trong tự nhiên, xã hội, qua đó làm nguyên liệu phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau: Làm tư liệu; phục vụ điện ảnh... Xét dưới góc độ văn hóa, camera là một sản phẩm văn hóa rất sáng tạo ra đời từ cuộc cách mạng khoa học-công nghệ và yêu cầu của cuộc sống.

Theo một số tài liệu thì camera quan sát (CCTV) đầu tiên ra đời tại Đức vào năm 1942, do kỹ sư Walter Bruch nghiên cứu, phát triển và lắp đặt với mục đích ghi lại quá trình phóng của tên lửa V-2. Sau đó, năm 1949, tại Mỹ, hệ thống CCTV được thương mại hóa với tên gọi Vericon 9. Đến năm 1973, hệ thống CCTV của Mỹ được phát triển và lắp đặt tại quảng trường Times (New York).

Đến nay, cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, camera quan sát ngày càng được thiết kế nhỏ gọn và truyền tải dữ liệu thuận tiện với dung lượng lớn trong thời gian ngắn. Không chỉ có camera quan sát cố định mà còn có cả camera cầm tay, camera di động gắn trên các thiết bị bay không người lái hết sức nhỏ gọn. Hiện camera quan sát, giám sát hay bảo vệ an ninh đã phổ biến tới mức khó có thể kiểm soát.

leftcenterrightdel

 Sử dụng camera sao cho văn hóa. Minh họa: Lê Anh

Ở nước ta, việc sản xuất camera đã có từ khá lâu và cũng bắt nhịp được theo xu hướng hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, theo một số đánh giá của ngành chức năng, camera sản xuất trong nước chỉ chiếm thị phần khiêm tốn vì giá thành cao. Nguồn cung chủ yếu đáp ứng nhu cầu sử dụng camera trong nước vẫn là từ nước ngoài. Loại hàng này được nhập vào Việt Nam theo nhiều con đường, có đường chính ngạch, tiểu ngạch hoặc mua linh kiện về nước lắp ráp.

Qua quan sát thực tế nhận thấy, cá nhân, tổ chức thường sử dụng hai loại camera. Loại thứ nhất là camera được tích hợp trên smartphone cá nhân và loại thứ hai là camera giám sát được sử dụng ở gia đình, công sở, nơi công cộng, kho tàng, bến bãi và trên các phương tiện giao thông... Cả hai loại camera này đều rất tiện ích và có ý nghĩa tích cực.

Người dùng camera tích hợp trên điện thoại di động thông minh thường sử dụng để quay những hình ảnh đẹp của cá nhân, người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... để lưu giữ làm kỷ niệm. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần thúc đẩy nhu cầu du lịch của mọi tầng lớp trong xã hội. Đôi khi những hình ảnh quay từ camera tích hợp trên smartphone của người nào đó bắt trúng một sự việc, sự vụ nào đó xảy ra bất ngờ nơi công cộng hoặc trên đường giao thông rồi được cơ quan chức năng trưng dụng để phục vụ mục đích điều tra, giống như việc cung cấp một bằng chứng trung thực góp phần giải quyết sự việc có lý, có tình, đúng quy định của pháp luật.

Ví dụ như trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội tăng đột biến, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội ra văn bản và phổ biến đến nhân dân, đề nghị phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Khi phát hiện vi phạm, người dân ghi lại bằng hình ảnh, video clip, phản ánh trực tiếp hoặc gửi bằng chứng, cung cấp thông tin qua số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội Zalo để Phòng Cảnh sát giao thông tiếp nhận, kịp thời xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Nhờ có ý tưởng này mà ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao.

Ý nghĩa tích cực của sử dụng camera giám sát khó có thể đong đếm. Trước hết, nó ngăn ngừa những hành vi cố tình vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật của con người, qua đó giúp mỗi người điều chỉnh hành vi trong giải quyết các mối quan hệ theo hướng chuẩn mực và văn hóa hơn. Nói một cách khác, nó gián tiếp ngăn ngừa cái xấu có thể xảy ra trong xã hội. Thế nên, không lạ khi nhà nhà lắp camera giám sát. Những gia đình ở mặt đường, mặt phố, sử dụng để kinh doanh, lắp camera an ninh, chủ động ngăn ngừa, phát hiện bất chắc thì đã rõ, nhưng ngay cả những gia đình trong ngõ phố hoặc ở nông thôn cũng lắp camera an ninh. Họ cho rằng, camera an ninh chính là một biện pháp, một phương tiện bảo vệ hữu hiệu. Thực tế cho thấy, các công ty, công sở lắp camera giám sát không chỉ nhằm ngăn ngừa đối tượng xấu xâm nhập, gây rối an ninh trật tự mà còn qua đó để giám sát hành động của nhân viên, tạo cơ sở xây dựng môi trường làm việc văn hóa lành mạnh, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, ngăn chặn hành vi gian dối.  

Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng camera giám sát chưa được quản lý chặt chẽ nên có nhiều lỗ hổng. Trước hết, không phải ai cũng có ý thức văn hóa cao trong sử dụng phương tiện này. Thậm chí, một số đối tượng trong xã hội lợi dụng công cụ này để làm việc xấu. Ví dụ trường hợp chủ nhà trọ ở quận Hà Đông (TP Hà Nội) lắp camera giấu kín ở nhà vệ sinh nữ trong thời gian dài mới bị phát hiện và bị xử phạt. Camera trong tay một số học sinh phổ thông không được sử dụng vào mục đích tốt đẹp mà trở thành công cụ để tán phát những hành vi bạo lực học đường. Nhiều trường hợp lắp đặt camera giấu kín để ghi lại những hình ảnh tình tứ, riêng tư và lấy đó làm bằng chứng tống tiền. Nguy hiểm hơn, có những trường hợp lắp đặt camera trong phòng ngủ và bị trộm thông tin rồi bán cho bên thứ ba. Những thông tin, hình ảnh nhạy cảm chốn phòng the lan truyền trên mạng với con số nhân...

Tất cả những việc này đều dẫn đến hậu quả xấu hoặc rất xấu. Nhẹ nhất là khiến nạn nhân bị sang chấn tâm lý ở các mức độ khác nhau và phải mất rất nhiều thời gian mới lấy lại được cân bằng. Có trường hợp không chịu được sức ép dư luận đã rơi vào trầm cảm, thậm chí ly hôn, tự vẫn khi tuổi đời còn rất trẻ.

Hiện nay, điểm yếu nhất trong sử dụng camera giám sát là người dùng mua sản phẩm trôi nổi trên thị trường với giá rẻ và được quản lý bằng các phần mềm do hãng đó cung cấp. Khi lắp đặt thiết bị camera, người chủ sử dụng thường giao phó hoàn toàn cho bộ phận kỹ thuật của bên bán thiết bị tiến hành cài đặt. Những người cài đặt thường có thói quen đặt mật khẩu mặc định để truy cập camera dễ dàng. Từ lỗ hổng này, kẻ xấu sử dụng thiết bị dò quét, tự động kết nối với camera an ninh giống như chủ nhân đang kết nối. Kẻ xấu sẽ nắm được các thói quen, nền nếp sinh hoạt của gia đình và tìm cơ hội trộm cắp tài sản. Cá biệt, hiện tượng trộm cắp thông tin nhạy cảm từ camera giám sát để rao bán công khai trên mạng xã hội không còn là điều hiếm gặp.

Để sử dụng camera hiệu quả tích cực, góp phần lan tỏa những cái đẹp, cái tốt, giúp xã hội ngày càng văn minh hơn, người dùng cần tự mình tìm hiểu kỹ thuật trong lắp đặt, khai thác, sử dụng camera và đặt mật khẩu mạnh, bảo mật thông tin. Đặc biệt, để tránh những hậu quả khó lường, người dùng nên lựa chọn những nhà cung cấp thiết bị uy tín, tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin làm việc xấu. Đó cũng chính là nếp sống văn hóa trong thời đại số.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rõ ràng và phổ biến rộng trong xã hội, kịp thời ngăn ngừa hành vi trộm cắp thông tin hoặc sử dụng camera với động cơ không trong sáng.

Đại tá, TS NGUYỄN ĐỨC ĐỘ