Hưởng ứng tinh thần khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Thủ đô và khắp nơi trong cả nước, 79 năm trước, ông Nguyễn Cửu Châu cùng bạn bè và người dân Huế đã có những đêm không ngủ, xuống đường biểu dương lực lượng cách mạng.

Theo ông Nguyễn Cửu Châu kể lại thì trong ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) ông bỏ học. Được thầy giáo Tôn Quang Phiệt tuyên truyền giáo dục, các đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Lâm Hồng Phấn giải thích, động viên nên ông và các bạn bè hăng hái chuyền tay nhau bí mật đọc những bài báo cách mạng in nhanh, ngắn gọn, hấp dẫn đối với lứa tuổi thanh niên, học sinh, sinh viên. Không ngần ngại, họ còn thích thú rủ nhau đi dự các buổi huấn luyện tự vệ, phân công nhau đi rải truyền đơn kháng Nhật, cứu quốc, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Tuổi mười tám, đôi mươi, những chàng trai, cô gái Huế trẻ, khỏe thời ấy thật say sưa với phong trào cách mạng. Bầu nhiệt huyết sục sôi. Họ hiểu biết về cách mạng rất giản đơn nhưng rất cụ thể. Tổ quốc đối với họ lúc đó là nước mình, dân mình phải được độc lập, tự do. Thế thôi!

Đêm 22-8-1945, Huế rộn ràng, rầm rập khắp các nẻo đường lớn nhỏ, nhân dân đủ mọi thành phần ở các địa phương khí thế sục sôi, nô nức không ngủ, xuống đường chuẩn bị cho sáng hôm sau tham gia giành chính quyền theo tiếng gọi của Việt Minh. Ông Nguyễn Cửu Châu cùng bạn là ông Dũng Chi chạy qua Trường Bán công (nay là Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế) nằn nì mượn cho được bộ trống đồng và suốt đêm đó tập đánh trống theo bước đi đều để được đứng trong hàng ngũ biểu tình biểu dương lực lượng cách mạng.

Người trống to, người trống nhỏ nhịp nhàng đánh không biết mệt mỏi theo bước đi hăng hái, sôi nổi của đoàn người từ các địa phương đổ dồn về thành phố. Đoàn người cứ ngày càng đông, rồi nhiều đoàn sáp nhập lại thành một làn sóng trùng trùng, điệp điệp với khí thế sôi sục, náo nức của ngày đầu khởi nghĩa. Khi ấy ai nấy đều hồi hộp, tất cả đều sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho ngày khởi nghĩa. Cả một đêm không ngủ, chỉ trông cho trời mau sáng để tham gia cùng bà con, cùng dòng người yêu nước...

leftcenterrightdel

Nhân dân Thừa Thiên Huế tham gia giành chính quyền và kéo vào cửa Thượng Tứ ngày 23-8-1945, ngày cách mạng thắng lợi tại Huế. Ảnh: TTXVN

 

Đoàn biểu tình hiên ngang bước qua mũi súng của bọn Nhật đứng gác trước trụ sở của chúng với bộ mặt bực tức và không giấu nỗi lo âu trước lực lượng cách mạng. Những bài hát: "Lên đàng", "Tiếng gọi thanh niên", "Xếp bút nghiên"... như có một sức mạnh, sức hấp dẫn lôi cuốn lạ thường, cổ vũ, khích lệ người người, lớp lớp lao vào làn sóng cách mạng và họ mặc nhiên được đứng trong hàng ngũ cách mạng vĩ đại.

Cho đến mãi sau này, ông Châu vẫn nhớ như in lời ca, giai điệu: "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu/ Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân/ Sơn hà xao xuyến tiến ta tiến/ Một lòng yêu non sông vì dân ta liều thân/ Thấy đoàn ta tiến tới nước non chào mời". Từ giờ phút đó, ông Nguyễn Cửu Châu đã trở thành anh giải phóng quân, lực lượng vũ trang mới được khai sinh của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế sau khi chính quyền nhân dân thành lập.

Những ngày đầu khi cuộc khởi nghĩa thành công, 6 phân đội giải phóng quân đầu tiên được chính quyền cách mạng giao vũ khí. Trang bị lúc bấy giờ thật nghèo nàn, thô sơ, thiếu thốn; lấy vũ khí của địch đánh địch. Mỗi chiến sĩ được nhận một khẩu súng mousqueton hay indochinois cũ kỹ, 2 kẹp đạn (10 viên) và 2 quả lựu đạn. Quân trang là áo quần “sọt” của lính Tây lấy trong kho ra phát cho mỗi người một bộ, thiếu thì tự túc. Sau khi nhận quân trang về, các chiến sĩ tự phân phối cho nhau, tùy theo thân hình, kích cỡ của mỗi người... Giày dép không có, mỗi người phải tự mình tìm kiếm. Có một số người xin được đôi giày “săn đá” (giày của lính Tây) tuy không vừa chân nhưng vẫn mang đi lộp cộp cho có khí thế. Những ngày đầu, gót chân sây sát, thậm chí rớm máu nhưng vẫn bước đi tự nhiên, vẫn hào hứng đều đặn, rồi cũng quen...

Sau vài ngày huấn luyện sử dụng súng và tập đội ngũ, các chiến sĩ giải phóng quân được ra khỏi doanh trại (địa điểm Trường Quốc học Huế hiện nay), các phân đội đội ngũ chỉnh tề, đi đều, hát vang những bài ca cách mạng. Bà con cô bác, các bạn thanh niên nhìn anh em cán bộ, chiến sĩ giải phóng quân với tình cảm trìu mến, tin tưởng, thân thương như ruột thịt.

"Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng/ Kiếm nguồn tươi sáng/ Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông/ Từ nay ra sức anh tài/ Đoàn ta chen vai nề chi chông gai, lên đàng/ Ta người Việt Nam/ Nhìn tương lai huy hoàng/ Đoàn ta bước lên đàng, cùng hiên ngang hát vang"... Lời bài hát như tiếng kèn giục giã các anh nắm chắc tay súng trong giờ phút cam go nhất, trước sự sống và cái chết. Những điệp khúc thiêng liêng đó, sau này đã giúp họ giữ vững lời thề làm tròn trách nhiệm Bộ đội Cụ Hồ cho đến ngày thống nhất đất nước.

TRẦN VĂN TOẢN