Theo sử sách và truyền thuyết, Hát Môn là nơi đã diễn ra 3 sự kiện quan trọng trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (Hai Bà): Nơi Hai Bà tụ binh, phát động cuộc khởi nghĩa chống nhà Đông Hán năm 40; nơi Hai Bà xưng vương năm 41; nơi Hai Bà gieo mình xuống dòng sông Hát để bảo toàn danh tiết năm 43. 

Về sự kiện thứ nhất, do Hát Môn (Cửa Hát) xưa là nơi sông Đáy tiếp nước từ sông Hồng nên đó là một điểm hội tụ và kết nối một loạt dòng sông ở vùng trung du và vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Việc Hai Bà chọn Hát Môn là nơi tụ binh, phất cờ khởi nghĩa cho thấy quân khởi nghĩa chủ yếu đến đây bằng thuyền. Giỏi dùng thuyền là một truyền thống Lạc Việt, điều đó được thể hiện rõ trên trống đồng Đông Sơn.

Từ Hát Môn, quân khởi nghĩa có thể đi thuyền về phía Bắc theo sông Hồng tới Hợp Phố (Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay), về phía Nam theo sông Đáy, ra biển rồi tới Cửu Chân (gồm một phần Ninh Bình và toàn bộ 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay), xa hơn theo đường biển tới tận Nhật Nam (từ Quảng Bình đến Phú Yên ngày nay).

Điều này góp phần lý giải vì sao cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã được sự hưởng ứng và phối hợp của các thủ lĩnh Bách Việt ở cả 3 quận trên, từ đó, trong thời gian ngắn giành được tới 65 thành trì ở khắp Lĩnh Nam (vùng đất gồm Bắc Việt Nam, Quảng Đông và Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay).

Tướng Hán Mã Viện, khi đem quân tới đàn áp cuộc khởi nghĩa cũng đã xuất quân từ Hợp Phố với 2.000 chiến thuyền. Khi viên tướng chỉ huy đoàn thuyền chết, thấy số thuyền trên không đủ để chở 2 vạn quân, Mã Viện đã dùng thuyền chủ yếu để chở quân lương, còn cho quân men theo đường ven biển tiến vào Giao Chỉ (Bắc Bộ ngày nay). Tiếp đó, sau khi đánh bại quân Hai Bà tại Hát Môn, Mã Viện cũng dùng thuyền đưa quân đi đàn áp số quân khởi nghĩa còn lại do Đô Dương chỉ huy ở Cửu Chân.

Về sự kiện thứ hai, các tư liệu mới cho thấy, lễ xưng vương của Hai Bà ở Hát Môn, theo truyền thống Lạc Việt là nghi lễ trở thành khun chương hay vua thần.

Trong tiếng Bách Việt xưa, khun là một từ chỉ thủ lĩnh, vua, là gốc của từ Hùng trong Hùng Vương và cũng là từ chỉ thủ lĩnh, vua trong tiếng Thái, Mường, Chăm sau này. Còn chương có gốc Yang là từ chỉ thần hay trời, hiện vẫn còn trong tiếng Mông, Ê Đê, Bru-Vân Kiều, thường được dịch là giàng trong tiếng Việt. Chương cũng là từ chỉ những vị vua anh hùng trong các sử thi của người Thái, Lào. Từ thời Đinh, chương hóa thành trương-được coi là “thiên tính” (họ trời). Từ đó, thành họ của hai vị thần sông-thần rắn nước với tên dân gian là Ông Dài-Ông Cụt, tên chữ là Trương Hống-Trương Hát. Hai ngài được tôn là Thành Hoàng của 372 làng ven các sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Thương. Bài thơ “Thần”- được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của Việt Nam-đã vang lên như lời sấm truyền từ đền của hai ngài.

leftcenterrightdel

Đền Hát Môn.  Ảnh: THANH TÙNG 

Thực chất, họ Trưng của Hai Bà có gốc Chương. Tên Trưng Trắc và Trưng Nhị có gốc từ Chương Nhất và Chương Nhị, tức Vua Thần Nhất và Vua Thần Nhì. Thời Hai Bà, tiếng và chữ Hán đã được dùng trong giới lạc hầu, lạc tướng. Trống đồng Cổ Loa đúc thời Tây Vu Vương vào cuối thế kỷ 2 trước Công nguyên đã có khắc chữ Hán. Vì thế, việc Hai Bà dùng từ Hán-Việt trong vương hiệu của mình là điều có thể hiểu.

Về sự kiện thứ ba, trong tâm thức người Việt, để bảo toàn khí tiết, Hai Bà đã nhảy xuống Hát Giang tự vẫn. Bài hát "Hồn tử sĩ", lời Phan Mai, nhạc Lưu Hữu Phước vốn có tên là "Hát Giang trường hận", viết năm 1942-1943 để tưởng nhớ đến tấm gương hy sinh của Hai Bà. Sau giai điệu của bài hát đã trở thành giai điệu chính thức trong nghi thức tang lễ ở Việt Nam.

Quan niệm Hai Bà đã hy sinh ở Hát Giang không phải đến các thời sau này mới có, mà đã có ngay sau khi Hai Bà mất. Một bằng chứng khảo cổ cho điều này chính là pho tượng Hai Bà trên cán một thanh kiếm ngắn thời cuối Đông Sơn, thế kỷ 1 sau Công nguyên.

Trong văn hóa Đông Sơn, có nhiều dạng kiếm ngắn hay dao găm trên cán có hình người hay thú, nhưng chỉ có một dạng kiếm ngắn trên cán có hình hai chị em ngồi trên lưng con voi hai đầu, chân của con voi đó lại được hai con cá sấu ngậm nâng đỡ. Nhà khảo cổ học Nguyễn Việt đã có lý khi cho rằng hai tượng nữ đó có liên quan tới Hai Bà.

Trước hết, tượng Hai Bà đều đội một dạng mũ cao hình tròn với nhiều khía giống tia mặt trời; đều có khuôn mặt hình đầu và mỏ chim với đôi mắt to tròn như mắt chim Lạc trên trống đồng, tương tự nhiều tượng nữ trên cán kiếm hay dao găm Đông Sơn. Đó là cách thể hiện các vị nữ anh hùng con cháu Bà Tổ Chim-Mặt trời, sau hóa thành Mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết. Tục thờ Bà Tổ Chim-Mặt trời-chim Lạc được thể hiện rõ trên mặt trống đồng Đông Sơn.

Tiếp đó, hình ảnh Hai Bà cưỡi voi đã thấm sâu vào tâm thức người Việt. Hầu hết tranh, tượng hay nghi thức trong lễ hội xưa và nay đều thể hiện Hai Bà ngồi trên lưng voi, thậm chí đứng trên lưng voi khi xung trận. Các bằng chứng khảo cổ cho thấy việc săn bắt-nuôi-luyện voi chiến rất phát triển vào thời cuối Đông Sơn. Chắc chắn, khi chỉ huy quân tướng đánh thành trì, Hai Bà đã cưỡi voi chiến.

Xưa, tại nhiều nước có truyền thống dùng voi chiến, khi ra trận, vua hoặc các tướng chỉ huy thường cưỡi voi. Voi trở thành một biểu tượng của vua nên hình voi hai đầu hàm ý hai người trên lưng voi là hai vị vua, tức Hai Bà. 

Điều này cũng rất phù hợp với một quan niệm truyền thống ở Hát Môn, theo đó, tại đền, các lễ khí thờ Hai Bà luôn thành đôi: Hai hương án, hai long ngai, hai kiệu rước...

leftcenterrightdel

Tượng Hai Bà Trưng trên cán kiếm Đông Sơn.

      Ảnh: NGUYỄN VIỆT 

Mặt khác, tượng Hai Bà cưỡi voi lại cũng rất phù hợp với quan niệm truyền thống “Hai Bà sống trên lưng voi, thác trên lưng voi” và sau khi mất, Hai Bà vẫn mãi ngự trên lưng voi như hai vị thần hộ quốc của người dân xã Mê Linh (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) nơi cũng có đền thờ Hai Bà.

Trong khi đó, hình hai con cá sấu ngậm chân con voi hai đầu Hai Bà cưỡi lại phản ánh quan niệm về cách ra đi về với tổ tiên của Hai Bà.

Thời Đông Sơn, cá sấu cũng là một biểu tượng của thần nước-thần sông biển, tức ông tổ rồng, sau hóa thành Lạc Long Quân trong truyền thuyết. Tượng hai con cá sấu ngậm chân con voi chở Hai Bà có hàm ý thần nước-ông tổ rồng đưa đón Hai Bà về, tương tự việc thần rùa vàng làm phép rẽ nước đưa đón An Dương Vương xuống biển.

Đặc biệt, khác với các pho tượng nữ Đông Sơn khác, tượng Hai Bà có tư thế áp hai tay chéo trước ngực và ngồi xổm. Tư thế áp chéo hai tay trước ngực thể hiện sự thành tâm và tôn kính trước tổ tiên, vì thế được coi là tư thế của người chết thiêng, hồn được tổ tiên đón nhận. Tư thế ngồi xổm là tư thế cũng thường dành cho những pho tượng thể hiện tổ tiên hay thần linh, như những pho tượng nhà mồ ở Tây Nguyên.

Thời Đông Sơn, các thanh kiếm ngắn cán hình người hay các con vật chủ yếu là một lễ khí. Tượng người trên cán thường thể hiện những vị anh hùng đã hóa thần linh, còn tượng các con vật cũng thường là các con vật tổ. Điều đó khiến kiếm trở thành một biểu tượng cho ý chí anh hùng, một vật thiêng có thể đem lại sức mạnh và may mắn cho người chủ. Khi người chủ kiếm qua đời, kiếm được chôn theo chủ hoặc được chôn vào núi, thả xuống sông để cúng các vị tổ tiên-thần linh đó.

Như vậy, rất có thể thanh kiếm có tượng Hai Bà cưỡi voi trên đã được quân tướng hay con cháu của Hai Bà đúc dùng làm lễ khí trong các lễ cúng Hai Bà, không chỉ là hai nữ anh hùng dân tộc mà còn là hai vị thần sông nước-thần mưa của người Việt. Kiếm được thả xuống sông vừa tái hiện cách hy sinh của Hai Bà vừa để cúng Hai Bà như thần sông nước. Điều này lý giải vì sao thanh kiếm trên còn khá nguyên vẹn và có màu sắc đẹp so với nhiều thanh kiếm Đông Sơn được biết khác...

TẠ ĐỨC