Hơn 40 năm qua, cán bộ, chiến sĩ “bộ đội bảo vệ Lăng” đã không quản ngày đêm, mưa nắng mang trên mình trọng trách thiêng liêng: Giữ gìn lâu dài, bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và khách quốc tế bằng tinh thần làm việc trách nhiệm, ân cần, chu đáo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.
Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày truyền thống Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29-8-1975/29-8-2017), phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Tư lệnh kiêm Trưởng ban quản lý Lăng và Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phóng viên (PV): Thưa Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, đồng chí có thể cho biết vài nét tình hình đón tiếp nhân dân vào Lăng viếng Bác hiện nay?
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm: Lượng khách đến thăm Lăng, viếng Bác ngày càng tăng. Những năm trước, thường chỉ vào dịp 30-4, 19-5, 2-9 thì bây giờ thứ bảy, Chủ nhật nào cũng rất đông, có những ngày lên tới hơn 3 vạn người. Vừa qua, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, số lượng đoàn đại biểu người có công ở các tỉnh, mà đặc biệt là các tỉnh phía Nam tới khá nhiều, có cả các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Có mẹ xấp xỉ 100 tuổi. Tâm sự với chúng tôi, các mẹ bộc bạch rằng: Đây là tâm nguyện cả đời, nay đã thực hiện được. Mẹ cảm động lắm! Đó là điều khiến những người lính chúng tôi rất xúc động.
PV: Tình cảm mà nhân dân ta hướng về Bác thật sâu đậm. Chúng tôi đã chứng kiến những cựu thanh niên xung phong miền Tây Nam Bộ tích cóp, tiết kiệm từng đồng để ra Hà Nội thăm Lăng, viếng Bác. Vậy đơn vị đã có hoạt động gì để đáp lại tấm lòng của đồng bào?
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm: Trước tình hình nhu cầu thăm viếng ngày càng cao, cũng là mong muốn đã ấp ủ từ lâu, những năm gần đây vào dịp 30-4, 19-5, 2-9, Ban quản lý Lăng đã dành phần quỹ phúc lợi của đơn vị, kết hợp vận động các nhà hảo tâm để gây quỹ, mua bánh mì và nước uống phục vụ miễn phí đồng bào, khách quốc tế đến viếng Bác. Dịp 30-4, 19-5 và những ngày lễ vừa qua, ngày nhiều nhất chúng tôi phục vụ 2,7 vạn suất bánh mì và nước uống miễn phí cho nhân dân và khách quốc tế.
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm.
Ngày 20-8 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Khu Di tích K9 và làm việc với Ban Quản lý Lăng. Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, mãi mãi thi hài Bác là niềm vinh dự, trọng trách và cũng là nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng biểu dương thành tích, nỗ lực của Bộ Quốc phòng, UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị thuộc Ban Quản lý Lăng đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt việc mở cửa, đón tiếp du khách gần xa tới tham quan, học tập tại Khu Di tích K9.
Du khách đến viếng Bác ngoài việc được đón tiếp ân cần còn có thể truy cập thông tin với hệ thống mạng wifi miễn phí. Khi truy cập internet, du khách sẽ có tất cả các thông tin về Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xung quanh Lăng có 6 ki-ốt điện tử, ở Khu di tích K9-Đá Chông có 4 ki-ốt liên thông với nhau, có thể truy cập thông tin về các điểm di tích như Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Nhà Quốc hội, Bảo tàng Hồ Chí Minh,... Màn hình lớn để giới thiệu các hoạt động, màn hình nhỏ để nhân dân truy cập, sử dụng.
Với nhiệm vụ trọng tâm hiện nay "Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới", chúng tôi xác định văn hóa ở đây ngoài cảnh quan đẹp, không gian tốt thì vấn đề đón tiếp, thái độ đón tiếp của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ các đơn vị trong Ban Quản lý Lăng mới là căn cốt. Chúng tôi đang có nhiều đề tài nhằm tiến tới xây dựng văn hóa ứng xử riêng của đơn vị.
Bác Hồ của chúng ta lúc sinh thời luôn tiếp khách với phong thái giản dị, gần gũi. Nay chúng tôi thay mặt Bác, đón tiếp khách tới thăm Bác. Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của đơn vị tự hiểu rằng đây là nơi nhân dân, du khách quốc tế có thể cảm nhận rõ nhất hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ cho nên việc rèn luyện tác phong, thái độ ân cần, chu đáo là hết sức cần thiết.
Chúng tôi tập trung rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên có phong cách khiêm tốn, giản dị, tận tình, chu đáo khi đón tiếp nhân dân. Đây không phải là điều tự dưng có. Đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng đều có sự tuyển chọn kỹ lưỡng.
Ngay từ ngày đầu chiến sĩ nhập ngũ về đơn vị, cán bộ tiểu đội, trung đội đã gặp gỡ tiếp xúc, phổ biến, quán triệt cho anh em tất cả quy định của đơn vị. Quán triệt, nhắc nhở anh em nếp sinh hoạt từ ngày đầu tiên của người bộ đội, từ cách xưng hô, chào hỏi và điều lệnh quân đội. Đó là một quá trình rèn luyện ngay từ khi chiến sĩ mới vào, là quá trình rèn luyện lâu dài, liên tục. Phẩm chất khiêm tốn, tác phong giản dị không phải tự dưng mà có. Tuy khó nhưng đã có cơ sở, có nền tảng thì phải cố gắng tập trung vào tu dưỡng, rèn luyện cho bằng được.
Nhân dịp cả nước thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, chúng tôi tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động động văn hóa-chính trị, như lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, kết nạp Đội, lễ báo công... Một số nhà trường quân đội như Trường Sĩ quan Lục quân I, Trường Sĩ quan Chính trị, Học viện Kỹ thuật Quân sự phối hợp với chúng tôi tổ chức cho học viên vào hứa hẹn, thể hiện quyết tâm với Bác đầu khóa học. Hoàn thành khóa học, các em lại về báo công với Bác về quá trình rèn luyện, phấn đấu. Tôi cho đó là một việc rất ý nghĩa.
PV: Thưa Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, nhân dân vào Lăng viếng Bác rất xúc động khi thấy những nét đặc trưng lúc sinh thời của Bác vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Đề nghị đồng chí cho biết đôi nét về công tác gìn giữ, bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương: Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong Ban Q uản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đồng chí Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Về đường lối, chính sách, đơn vị luôn được sự tạo điều kiện, quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Đề án “Giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới” được Bộ Chính trị thông qua ngày 19-10-2010 là một dấu mốc quan trọng trong nhiệm vụ của chúng tôi.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương. Ảnh: HOÀNG VIỆT
Trong công tác gìn giữ thi hài Bác, nhiều vấn đề quan trọng đã được các chuyên gia Nga chuyển giao công nghệ, trong đó có Dự án mang tên VN01-dự án chuyển giao công nghệ liên quan đến Viện Nghiên cứu khoa học Công nghiệp cao su Liên bang Nga. Quyết tâm thực hiện dự án để nâng cao tính tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi tìm đến chuyên gia các bộ, ngành để tìm hiểu và đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập một Tổ công tác Chính phủ, trong đó có rất nhiều bộ như Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp...
Quá trình đàm phán VN01 là một quá trình khéo léo, nỗ lực không ngừng. May mắn rằng cuối cùng buổi đàm phán đã đạt được kết quả đúng như ý của Tổ công tác. Tháng 10-2017, chúng tôi sẽ nghiệm thu kỹ thuật và tháng 5-2018 sẽ nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
Một điều nữa, do hiện nay chưa có một nhà máy nào của chúng ta có thể làm được công nghệ như trên, nên dự án chuyển giao công nghệ này sẽ đóng góp, phục vụ được rất nhiều cho quốc phòng-kinh tế.
PV: Chúng ta đã vươn lên từng bước làm chủ nhiều kỹ thuật, công nghệ hiện đại để chủ động trong nhiệm vụ chính trị đặc biệt nhờ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Đồng chí có thể chia sẻ đôi điều về vấn đề này?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương: Chúng tôi có thể vượt qua khó khăn chính là nhờ tình cảm, sự biết ơn vô hạn của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ đối với công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu. Bên cạnh đó, một yếu tố khác quan trọng không kém là tình cảm của bạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi nhắc đến Bác Hồ, nhắc đến đất nước Việt Nam, phía bạn đều cho thấy sự trân trọng đặc biệt, nhất là với những cán bộ lãnh đạo của Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Moscow và Viện Nghiên cứu khoa học tinh dầu Liên bang Nga. Phía bạn luôn chủ động trao đổi, đề xuất với ta những vấn đề một cách khoa học nhất. Hằng năm, bạn đều cử các chuyên gia sang Việt Nam để cùng nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khoa học liên quan đến nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Bác.
Trên quê hương của V.I.Lenin, thành phố Ulyanovsk, có một quảng trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Bác, một bức tượng Bác bằng đồng, cao 5m, được đặt ở vị trí trang trọng tại quảng trường này. Khi sang Ucraina, chúng tôi cảm nhận được người dân Ucraina có tình cảm hết sức đặc biệt với Bác Hồ. Ở thủ đô Kiev, có một ngôi trường trung học cơ sở số 76 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà chúng tôi rất ấn tượng khi đến thăm. Họ tổ chức các cuộc thi viết, kể chuyện và hát về Bác, cho thấy các em học sinh biết rất rõ về Người. Ở những đất nước xa xôi mà ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như vậy khiến chúng tôi thật xúc động, tự hào! Chính tình cảm đó đã ủng hộ, cổ vũ chúng tôi vượt qua mọi khó khăn để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ...
PV: Trân trọng cảm ơn hai đồng chí về cuộc trò chuyện!
HOÀNG LIÊN VIỆT (thực hiện)