Tôi ghé vào tai ông:

- Mình có bị bất ngờ về việc Mỹ sử dụng B-52 đánh phá Hà Nội cuối năm 1972 không, thưa bác?

Ông ngẩng mặt suy nghĩ giây lát rồi tâm tình:

- Quả thật, nhiều người đã hỏi tôi câu đó. Tôi bảo, chúng ta có đủ chứng cứ, có 3 nguồn tư liệu khẳng định không bao giờ bất ngờ và bị ảo tưởng bởi lời hứa “hòa bình trong tầm tay” cũng như công hàm của Mỹ gửi Chính phủ ta. Một là tin của Cục II, hai là tin của radar phòng không, ba là tin ngoại giao. Trong đó, tin trinh sát kỹ thuật của Cục II là rất chính xác. Họ rất giỏi. Họ ở Quảng Bình, lên những đỉnh cao nhất để thu tin và đã giải mã được đâu là hệ chỉ huy của không quân chiến lược B-52, đâu là không quân chiến thuật ở Thái Lan, đâu là hệ thông tin của Hạm đội Thái Bình Dương. Thậm chí là cả hệ thống chỉ huy không quân tiếp dầu ở phía Đông Philippines, anh em cũng thu và giải mã được.

leftcenterrightdel

 Máy bay B-52 trút bom. Ảnh tư liệu

Năm 1972, ông Ninh là trợ lý ở Cục Tác chiến, có nhiệm vụ chuyên theo dõi phòng không-không quân (PK-KQ) nên nắm rất rõ công tác chuẩn bị của ta, đặc biệt là những thông tin, dấu hiệu Mỹ dùng B-52 đánh phá Hà Nội. Vốn thường xuyên tiếp xúc với đồng chí Phan Mạc Lâm, người hỏi cung tù binh phi công Mỹ nên ông Ninh cũng biết trước nhiều thông tin quan trọng. 

Ông say sưa kể, từ năm 1972 trở về trước, Mỹ sử dụng B-52 đánh phá Khu 4 và đường Trường Sơn là chủ yếu. Từ nửa cuối tháng 4-1972, Mỹ bắt đầu đưa B-52 ra đánh phá miền Bắc. Đáng kể là trận đánh vào Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, gây cho ta rất nhiều khó khăn, số người thương vong rất lớn. Đây là dấu hiệu thực tế cho thấy, trong thời gian gần, Mỹ sẽ sử dụng B-52 đánh Hà Nội.

Những câu hỏi: Mỹ có dùng B-52 đánh phá Hà Nội không? Nếu đánh thì vào thời điểm nào, ban ngày hay ban đêm và lực lượng đánh là bao nhiêu?... khiến ông Ninh và đồng đội đau đầu. Thế rồi, những câu hỏi ấy dần được trả lời trong cuộc họp quan trọng của BTTM ngày 6-7-1972.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh. Ảnh: PHAN LƯƠNG

Đó là cuộc họp rất hẹp, do đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam chủ trì; đồng chí Vương Thừa Vũ, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam dự. Thành phần dự họp gồm: Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri; Tư lệnh Binh chủng Không quân Đào Đình Luyện; Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự Hoàng Đình Phu; Phó tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ Dương Hán; đồng chí Trần Đại Nghĩa (lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước), đồng chí Phan Mạc Lâm và ông Ninh. Tại hội nghị này, đồng chí Mạc Lâm là đại diện của Cục II đã báo cáo rất chi tiết về việc Mỹ sẽ sử dụng B-52 đánh phá Hà Nội quy mô lớn. Theo ông Ninh, đồng chí Mạc Lâm mang đến một cuốn tài liệu rất dày, được chuẩn bị công phu hơn 3 tháng, thông tin về tính năng kỹ thuật, chiến thuật của B-52, đại loại là nó mang được 27-30 tấn bom. Nó sẽ bay từ hai căn cứ vào miền Bắc: Một là từ đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương rồi qua Philippines để tiếp dầu, sau đó sang Việt Nam; hai là từ sân bay Utapao ở Thái Lan sang Việt Nam. Đồng chí Mạc Lâm cũng chia sẻ với các đại biểu tham dự hội nghị một số phương tiện điện tử của địch đi kèm B-52 trong đánh phá... Hội nghị chất vấn một số vấn đề, yêu cầu đồng chí Mạc Lâm làm sáng tỏ, ví dụ: Địch dùng B-52 đánh ngày hay đánh đêm? Phan Mạc Lâm trả lời: "Đánh đêm!" (sau này chính xác là đánh đêm). Tiếp đó, cán bộ dự hội nghị lại hỏi về đường bay từ Utapao của B-52 lên đánh Hà Nội, Hải Phòng đồng chí ông Mạc Lâm trả lời chắc chắn là nó sẽ đi dọc sông Mê Công. Còn đường bay khác là từ Biển Đông vào, sau đó tiếp dầu trên không ở Đông Philippines, rồi vào Đà Nẵng và có hai phương án xảy ra. Một là bay sang phía Tây để nhận sự hỗ trợ của không quân chiến thuật (ở các sân bay trên đất Thái Lan) bảo vệ. Hoặc là bay lên Utapao và đi theo đường sông Mê Công. Thủ trưởng BTTM lại hỏi: “Cả đi và về, nó (B-52) hết bao nhiêu tiếng?”. Phan Mạc Lâm trả lời “Ở Guam, Thái Bình Dương vào đánh, chiếc nào còn sống sót thì về theo đường cũ, phải tiếp dầu ở Đông Philippines, về đến nơi mất 16-18 tiếng”.

Từ đây, các đơn vị của Quân chủng PK-KQ ráo riết chuẩn bị kế hoạch đánh B-52 tập kích, bảo vệ Hà Nội. Những ngày tiếp theo, ông Ninh thường xuyên nhận được những tin tức, dấu hiệu B-52 chuẩn bị đánh phá Hà Nội từ đồng chí Phan Mạc Lâm.

- Tôi nhớ, gần cuối giờ làm việc chiều 18-12-1972, Phan Mạc Lâm đến thông báo với tôi: "Mật lệnh JCS (Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ) gửi Bộ tư lệnh Thái Bình Dương về cuộc tập kích đường không đã bắt đầu. Có nhiều tốp máy bay B-52 cất cánh từ sân bay Anderson (đảo Guam) đến ném bom miền Bắc". Liền sau đó, trực ban phòng không Quân chủng PK-KQ cũng thông báo: Đại đội Ra-đa 16 và 45 của Trung đoàn 291 ở Đô Lương (Nghệ An) đã phát hiện nhiều tốp B-52 đang bay trên vùng trời dọc sông Mê Công ra phía Bắc. Tôi đã ghi trên bảng trong sở chỉ huy nội dung tin của Cục II như trên. Lúc ấy, chúng tôi đã nhận định dứt khoát tối hôm đó (18-12) địch sẽ đánh.

Cuối câu chuyện, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh lý giải, nhiều người nghĩ ta bị bất ngờ là vì hồi cuối tháng 11-1972, trên chỉ đạo điều Trung đoàn Tên lửa 261, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ vào Khu 4. Thực ra lúc đó địch đánh Khu 4, đường Trường Sơn rất ác liệt. Bộ đội ở chiến trường rất đói, thiếu vũ khí, xăng, dầu. Bộ hy vọng đưa tên lửa vào sẽ đánh bật không quân địch, bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược. Hơn nữa, lúc đó hai trung đoàn tên lửa SAM-3 đã chuẩn bị về nước. Cuối cùng, do thời gian quá gấp, dù cán bộ, chiến sĩ hai trung đoàn đã về nhưng những bộ khí tài SAM-3 vẫn nằm ở Bằng Tường (Trung Quốc). Nếu SAM-3 tham chiến thì số máy bay B-52 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội còn nhiều hơn nữa.

HÀ TĨNH