Làm chủ công nghệ
Như các bài viết trước đã đề cập, chúng tôi có cơ hội tham quan, tìm hiểu VCS. Tại đây, chúng tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc VCS và có cuộc trò chuyện khá thú vị với anh. Tóc cắt ngắn, vầng trán rộng, anh là một trong những người gắn bó với VCS từ ngày đầu thành lập. Nói về VCS, anh Hải giới thiệu ngắn gọn: "Trung bình mỗi năm, hệ thống phòng thủ của chúng tôi ngăn chặn hơn 25.000 cuộc tấn công an ninh mạng của hacker (tin tặc) trên thế giới vào hệ thống của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức ở Việt Nam".
Xuất phát chỉ là một ban (năm 2011) với 6 nhân sự, đến nay, VCS đã có bước phát triển không ngờ. Trong buổi tọa đàm cấp cao lãnh đạo công nghệ thông tin và an toàn thông tin diễn ra tháng 9 mới đây, nhận định về vai trò, vị trí của VCS trong công tác giữ gìn an toàn thông tin trên không gian mạng của nước ta, ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đánh giá: Viettel là đơn vị cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh mạng hàng đầu Việt Nam hiện nay.
Có được điều này là nhờ sự cống hiến không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, nhân viên VCS, với gần 400 nhân sự. Hiện công ty không chỉ cung cấp dịch vụ giám sát và bảo đảm an toàn thông tin 24/7 cho Viettel, 11 thị trường Viettel đầu tư viễn thông mà còn cho rất nhiều khách hàng thuê dịch vụ thuộc khối ban, bộ, ngành ở Trung ương, doanh nghiệp lớn, khối tài chính ngân hàng. Và VCS đang tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa.
    |
 |
Quang cảnh Trung tâm Giám sát an toàn thông tin của VCS. Ảnh: VĂN NGUYỄN |
Ở VCS, có hai điều mà đội ngũ cán bộ, nhân viên rất tự hào: Trách nhiệm và tiên phong. Về trách nhiệm, chúng tôi đã truyền tải tới bạn đọc ở hai kỳ trước về những con người đang làm việc tại VCS. Họ luôn cung cấp các dịch vụ tốt hơn so với những gì cam kết, coi hệ thống của khách hàng như hệ thống của mình. Đó là văn hóa quan trọng, văn hóa cốt lõi trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ của VCS một cách có chất lượng. Văn hóa này đã thấm sâu trong từng thành viên của công ty.
Về tiên phong, điều này thể hiện rõ ở chỗ, tuy VCS không phải là công ty an toàn thông tin đầu tiên tại Việt Nam, thậm chí còn thành lập sau rất lâu, thế nhưng họ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong một số mảng ở lĩnh vực an toàn thông tin. Nổi bật trong đó, VCS được biết đến là công ty an toàn thông tin đầu tiên của Việt Nam xây dựng được hệ sinh thái giải pháp do chính các chuyên gia trong nước nghiên cứu và phát triển, kết nối hoàn chỉnh. Đó là hệ sinh thái các sản phẩm giám sát và phản ứng an toàn thông tin, hệ sinh thái các giải pháp trên nền điện toán đám mây, hệ sinh thái các sản phẩm chống tấn công có chủ đích. Hệ sinh thái này thiết kế đồng bộ, dễ sử dụng, giúp bảo vệ toàn diện hệ thống công nghệ thông tin của khách hàng. Công nghệ của VCS đang hoạt động trên phạm vi toàn cầu, có khả năng phát hiện, phân tích, phản ứng, ngăn chặn và điều tra truy vết các sự cố về an toàn thông tin, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống công nghệ thông tin.
Đánh giá cao vai trò và vị trí của VCS, Giải thưởng Frost & Sullivan đã trao danh hiệu “Nhà cung cấp dịch vụ quản lý an ninh mạng tốt nhất Việt Nam năm 2020” trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho công ty. Giải thưởng Frost & Sullivan được biết đến là một trong những giải thưởng quốc tế uy tín nhất, được đánh giá bởi hơn 1.200 chuyên gia phân tích và tư vấn ngành trong 19 lĩnh vực của các tổ chức nghiên cứu và phân tích thị trường hàng đầu thế giới.
Đón đầu xu hướng
Tốc độ thay đổi, phát triển của công nghệ thông tin diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Vì thế, cách tiếp cận cũ như: Sử dụng khung an ninh dựa trên đánh giá rủi ro, áp dụng kiểm toán và tư vấn... không còn thích hợp với bối cảnh hiện nay. Thực tiễn yêu cầu cần phải có cách tiếp cận mới để quản lý, quản trị an toàn thông tin một cách linh hoạt, có tính liên tục hơn. Thiếu tá Nguyễn Sơn Hải cho rằng, cách thức quản trị an toàn thông tin theo đó cũng phải nhanh nhất, tăng tính liên tục. Phải luôn tự đặt câu hỏi: Hạ tầng hệ thống đã đáp ứng được chưa? Những người thực hiện đã làm tốt chưa? Năng suất lao động ra sao? Khả năng phát hiện một cuộc tấn công có đủ nhanh để giảm thiệt hại không? Trong thời gian đó, bao nhiêu vụ xử lý tự động, bao nhiêu vụ xử lý bằng người?
“Trước những câu hỏi trên, chúng tôi xác định phải tạo ra nền tảng thống nhất, trong đó tích hợp các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, bởi bảo mật mà phức tạp thì không hiệu quả. Đặc biệt, phải thông minh hóa, tự động hóa hệ thống phòng thủ tối đa, vì nếu không tự động hóa trong việc phát hiện, tự động hóa trong việc xử lý sẽ không có đủ nhân lực”, anh Hải nói.
Các sản phẩm tiếp theo của VCS ra đời từ yêu cầu đó. Tháng 9 vừa qua, tại Tọa đàm Cấp cao Lãnh đạo công nghệ thông tin và an toàn thông tin năm 2021, VCS đã ra mắt Giải pháp điều phối, tự động hóa và phản ứng an ninh mạng với tên gọi VCS-CyCir. Hệ thống này được xây dựng dựa trên công nghệ tự động hóa, thông qua việc tích hợp với các công nghệ bảo mật thông tin, theo những kịch bản xử lý được định nghĩa tự động. VCS-CyCir giúp đơn vị sử dụng đạt được mục tiêu tối ưu hóa hiệu quả trong quá trình quản lý và vận hành các hệ thống an toàn thông tin. Nó còn có thể thực hiện tự động hóa chuỗi hành động theo kịch bản chỉ trong vài giây, so với hàng giờ khi thực hiện thủ công.
Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hầu hết doanh nghiệp, tổ chức đều tiến hành dịch chuyển sang hình thức làm việc từ xa. Việc kết nối các thiết bị từ hệ thống mạng bên ngoài đến mạng nội bộ tiềm ẩn nhiều điểm yếu về bảo mật, cũng như các nguy cơ lộ, lọt và mất an toàn thông tin.
Nhận thấy bài toán mới cần giải quyết, VCS đã cung cấp giải pháp Viettel Enterprise Mobility Suite (VCS M-Suite) giúp các tổ chức, doanh nghiệp làm việc từ xa an toàn mà vẫn tối ưu hóa hiệu quả. VCS M-Suite tích hợp công nghệ tiên tiến, bảo đảm tuân thủ những nguyên tắc cốt lõi trong lĩnh vực bảo mật và an ninh mạng, tính năng cũng như lợi ích sánh tầm với các sản phẩm bảo mật trên thế giới. Hoạt động với các nguyên tắc cơ bản: Không tin tưởng, luôn xác minh, muốn truy cập thì phải chứng minh đúng người, đúng thiết bị, thiết bị an toàn và bảo đảm phiên truy cập đủ tin cậy.
Giải pháp này được nghiên cứu và triển khai không chỉ ở Việt Nam mà phát triển thị trường tại nhiều nước trên thế giới, như: Peru, Myanmar, Lào, Campuchia... Gần đây nhất, trong quý I-2021, VCS triển khai VCS M-Suite cho nhà mạng Mytel tại Myanmar để bảo đảm năng suất, cũng như an toàn trong quá trình làm việc từ xa, trong bối cảnh đất nước này đang đối mặt với tình hình dịch bệnh và căng thẳng về chính trị tăng cao. Số liệu cho thấy, khi Mytel sử dụng VCS M-Suite đã có khoảng 50.000 kết nối/ngày đi qua hệ thống, năng suất lao động trung bình tăng khoảng 30% khi nhân viên có được một kết nối thuận tiện và an toàn.
Phía sau hệ thống phức tạp là những con người
Nhớ lại những ngày đầu, Thiếu tá Nguyễn Sơn Hải vẫn không thể quên cảm giác vui sướng, tự hào khi các thành viên của VCS tìm kiếm được những lỗi 0-day đầu tiên, cho đến nay đã phát hiện hơn 300 lỗ hổng 0-day, là những lỗi chưa từng được phát hiện trên thế giới của các hệ thống bảo mật uy tín toàn cầu. Trong đó, nhiều lỗ hổng tìm ra đã được các công ty lớn như Google, Facebook, Microsoft... vinh danh và trao thưởng.
Giờ đây, anh Hải và những đồng nghiệp của mình đã quen với chuyện làm việc quên ăn, quên ngủ để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Đặc thù nghề nghiệp đã có nhiều thay đổi, nhưng lãnh đạo VCS xác định rõ điều cốt lõi của hệ thống vẫn là vấn đề con người. Vì vậy, “công ty an ninh mạng chúng tôi cũng là một công ty với định hướng xây dựng con người một cách bài bản. Ngoài công tác tuyển dụng, chúng tôi nghĩ đến câu chuyện giữ gìn, thu hút nhân lực. Phải hình thành một nghề, một không gian để anh em hoạt động trong lĩnh vực này có một nghề gắn bó và có thể sống được với nó”, Thiếu tá Nguyễn Sơn Hải chia sẻ.
Không gian của công ty luôn dành diện tích nhất định cho các hoạt động giải trí. Có bàn bi-a, khu vực đọc sách, khu vực thư giãn với các trò chơi vận động nhẹ; có đủ các loại đồ ăn, thức uống đi kèm... Để thu hút, giữ gìn, phát huy trí tuệ của đội ngũ nhân lực, VCS đã phối hợp, liên kết với nhiều trường đại học, các tổ chức xã hội để ươm mầm, phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ nhân sự, với không ít chính sách thu hút và phát triển tài năng hấp dẫn. Bởi thế, công ty trở thành nơi tụ họp của những chuyên gia người Việt hàng đầu trong lĩnh vực an ninh mạng, sở hữu nhiều chứng chỉ an toàn thông tin uy tín và danh tiếng được thế giới công nhận, như: CISSP, CCIE, CEH, SANS, OSCP...
Rời trụ sở VCS, chúng tôi vẫn không khỏi bồi hồi. Gần 400 nhân sự, phần lớn trong số họ đang ở độ tuổi đôi mươi, tràn đầy nhựa sống. Đa số chưa phải là sĩ quan, nhưng làm việc chẳng khác một người lính thực thụ, với thái độ tích cực, trách nhiệm, kỷ luật và kiên trì. Họ cống hiến như những cỗ máy tốc độ cao, tự học, tự vận hành những hệ thống phức tạp nhiều năm qua. Suốt thời gian ấy, chưa giây phút nào họ thấy nhàm chán, xa rời vị trí, nhiệm vụ của mình.
HOÀNG LIÊN VIỆT