Ấn tượng nhất là Trung tá Hoàng Quốc Vinh, người vừa nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2016”. Thoạt nhìn vẻ ngoài thư sinh cùng với tuổi đời U40 của anh, ít người nghĩ anh đang đảm nhiệm trọng trách Giám đốc Nhà máy Z111, vốn là một trong hai nhà máy đầu tiên của ngành quân giới Việt Nam, hiện là nhà máy quốc phòng-an ninh hàng đầu của đất nước.
Những năm gần đây, vấn đề nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh, tăng doanh thu, bảo đảm công việc, ổn định thu nhập cho người lao động là bài toán nan giải đối với hầu hết các doanh nghiệp. Đảm nhận cương vị “đứng mũi chịu sào” ở một nhà máy có hơn 1.000 công nhân, Hoàng Quốc Vinh đã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh khai thác và khai thác có hiệu quả nguồn hàng quốc phòng nhóm II từ nhiều chương trình, nhiều nguồn ngân sách khác nhau. Hướng về các đơn vị cơ sở, luôn luôn suy ngẫm, nghiên cứu làm sao để phục vụ tốt hơn các đơn vị đang làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; Hoàng Quốc Vinh cùng tập thể nhà máy đã sản xuất ra nhiều sản phẩm quốc phòng có giá trị lớn, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị trong lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, anh tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng ưu tiên cho lĩnh vực thế mạnh của nhà máy là gia công cơ khí. Các sản phẩm phục vụ các đối tác truyền thống trong nhiều lĩnh vực như: Sản xuất xi măng, sửa chữa và lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp, giấy, công nghiệp thực phẩm... cùng với các sản phẩm mới như: Phụ tùng lắp xiết cho tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dung Quất; gia công lắp đặt thiết bị kết cấu thép cho Tập đoàn Siemen đều tăng trưởng vững chắc. Tốc độ tăng trưởng bình quân của nhà máy năm sau so với năm trước luôn ở mức khả quan, nộp ngân sách của nhà máy tăng 8,6%/năm; thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,9 triệu đồng/người/tháng.
Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm Nhà máy Z111 (tháng 7-2016).
Dấu ấn lớn nhất từ khi Hoàng Quốc Vinh đảm nhiệm cương vị giám đốc là việc nhà máy tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, cải tạo môi trường làm việc, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên và phát triển sản xuất kinh tế. Trong đó, dự án “đầu tư dây chuyền sản xuất súng bộ binh” được nghiệm thu kết thúc năm 2015 là dự án trọng tâm. Đây là dự án có quy mô lớn, chuyển giao công nghệ nước ngoài có độ phức tạp cao với 100% thiết bị của dây chuyền có xuất xứ từ Đức, Thụy Sĩ, Mỹ với công nghệ tiên tiến. Sản phẩm mục tiêu của dây chuyền là súng trường tấn công Galil Ace 31 và Galil Ace 32 với tính năng kỹ, chiến thuật nổi trội và ưu việt. Trên cương vị Trưởng ban quản lý dự án, Hoàng Quốc Vinh chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các nội dung; có nhiều giải pháp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ như vừa tổ chức chế thử sản phẩm, vừa phối hợp cùng đối tác tiến hành nghiệm thu công suất các dây chuyền đã đủ điều kiện phục vụ cho việc nghiệm thu toàn bộ dự án. Kết quả, nhà máy hoàn thành kịp tiến độ chế thử sản phẩm mục tiêu song song với việc sản xuất súng trường Galil Ace với hàng nghìn khẩu, bảo đảm phục vụ lễ diễu binh kỷ niệm các ngày lễ lớn như: 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-2015), 70 năm Ngày Quốc khánh (2-9-2015).
Nếu như “sức trẻ” Hoàng Quốc Vinh thể hiện tài thao lược của một người lãnh đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì “sức trẻ” của Thượng úy Nguyễn Thọ Tâm, kỹ sư, trợ lý kỹ thuật của nhà máy lại được “đo đếm” bằng sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chỉ từ năm 2013 đến nay, Nguyễn Thọ Tâm đã có 5 sáng kiến được đơn vị nghiệm thu, cho ứng dụng vào sản xuất. Những sáng kiến của anh như “Cải tiến gia công lẫy giữ hộp tiếp đạn súng K14VN”, “Thay đổi bước công nghệ gia công phay rãnh lắp nhíp cò, phay rãnh máng thân súng K54M2” đã thiết thực nâng cao chất lượng sản phẩm của nhà máy, được các đơn vị sử dụng hoan nghênh, đón nhận. Là một cán bộ Đoàn, Nguyễn Thọ Tâm có rất nhiều đóng góp cho phong trào thanh niên đơn vị, liên tục được tặng danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác Hồ dạy”. Anh còn là thầy giáo mát tay trong luyện thi đại học. Vốn giỏi Toán, Tâm đã mở lớp bồi dưỡng kiến thức cho con em cán bộ, công nhân viên nhà máy. Đến nay, đã có gần 30 em là “học sinh của thầy Tâm” đỗ vào các trường đại học lớn của quân đội và đất nước.
Đồng chí Thiếu tá Trần Văn Biên, Chủ nhiệm Chính trị của nhà máy dẫn chúng tôi tham quan Xưởng Gia công cơ khí, nơi vừa nhập một dây chuyền sản xuất hiện đại với 149 máy CNC (điều khiển số) và giới thiệu: “Đây là dây chuyền sản xuất bao gồm hệ thống máy móc hiện đại bậc nhất trên thế giới hiện nay, với năng lực sản xuất 25.000 khẩu súng Galil Ace mỗi năm. Điều khiển dây chuyền này đều là những cán bộ, công nhân trẻ tuổi. Có thể nói, một đặc điểm nổi bật trong công tác cán bộ của nhà máy những năm gần đây là quan tâm phát huy kinh nghiệm của những cán bộ có thâm niên công tác lâu năm, đồng thời mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ”.
Các đoàn viên trẻ Nhà máy Z111 vận hành máy phay CNC hiện đại.
Đúng là trẻ thật! Nhìn trong đội hình lãnh đạo, chỉ huy của nhà máy, thấy rất nhiều cán bộ trẻ đang đảm đương trọng trách: Đại úy Đặng Duy Thái, Phó giám đốc kinh doanh; Thiếu tá Lưu Trần Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch; Đại úy Chu Thăng Long, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ; Đại úy Nguyễn Minh Tiến, Trưởng phòng KCS; Đại úy Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Cơ điện; Thiếu tá Lý Hương Ly, Kế toán trưởng... Những cán bộ tuổi chỉ trên dưới 30, rất nhiều người vẫn đang tham gia sinh hoạt Đoàn, nhưng đã làm nòng cốt trong bộ máy lãnh đạo, điều hành nhà máy lớn mạnh không ngừng trong điều kiện mới.
Thiếu tá Trần Văn Biên chia sẻ: “Quan tâm phát huy kinh nghiệm của những cán bộ có thâm niên công tác lâu năm, đồng thời mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ là bài học kinh nghiệm xuyên suốt lịch sử 60 năm lớn mạnh, trưởng thành của nhà máy. Từ ngày đầu thành lập cho đến những thời điểm phát triển đột phá của nhà máy đều có dấu ấn nổi bật của cán bộ, công nhân trẻ tuổi”.
Quả đúng như vậy, từ năm 1956, những cán bộ, thanh niên xung phong vốn từng lăn lộn mở đường phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) đã cùng nhau hành quân về thung lũng Minh Quán (Trấn Yên, Yên Bái) để thành lập Công trường 12. Từ vùng rừng núi âm u, hẻo lánh, với sức trẻ và trí tuệ của hàng vạn thanh niên đã xây dựng lên Nhà máy Z1 (tiền thân của Nhà máy Z111), là một trong hai nhà máy lớn nhất của đất nước lúc đó làm nhiệm vụ sửa chữa và sản xuất vũ khí. Bằng sức trẻ và tinh thần “ba sẵn sàng”, từ các xưởng tạm, nửa chìm nửa nổi, hàng triệu ngòi nổ, hàng nghìn khẩu súng Tuyn, tiểu liên, trung liên, cối, súng chống tăng B40 và CT62 đã được xuất xưởng, kịp thời cung cấp cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 5 Anh hùng LLVT nhân dân và rất nhiều tướng lĩnh của quân đội hiện nay đã có một thời thanh niên sôi nổi cống hiến ở Nhà máy Z111...
Trong số các Anh hùng LLVT nhân dân đã từng công tác tại nhà máy, người cho chúng tôi ấn tượng đặc biệt là Anh hùng, liệt sĩ Phạm Ngọc Khánh. Phạm Ngọc Khánh vốn là cầu thủ “số 10” nổi tiếng của đội Thể Công. Do một chấn thương trong thi đấu, anh đã viết đơn tình nguyện vào chiến trường, tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Bài báo “Chiến trường chia nửa... giấc mơ” của chúng tôi viết về anh đăng trên số Xuân của Báo Quân đội nhân dân năm 2012 đã khắc họa cuộc đời như huyền thoại của một cầu thủ nổi tiếng, rồi đi thẳng vào chiến trường, chiến đấu và hy sinh anh dũng trên đỉnh 689 (Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) năm 1968. Hóa ra, lâu nay, chúng tôi mới chỉ biết về một cầu thủ-chiến sĩ Phạm Ngọc Khánh mà chưa biết anh còn là một người thợ giỏi của Nhà máy Z111.
Nhìn tấm ảnh của Anh hùng Phạm Ngọc Khánh treo trong Phòng truyền thống của nhà máy, chúng tôi miên man nghĩ về thời tuổi trẻ của anh: Làm công nhân, làm cầu thủ, làm trung đội trưởng trung đội mở cửa, đánh chiếm đầu cầu... Ở đâu, anh cũng say mê, hết mình, không bao giờ sợ khó, sợ khổ, cống hiến quên mình chẳng hề so đo, tính toán thiệt hơn. Phải chăng, tinh thần ấy đã hòa quyện vào “tinh thần Z111”, lan tỏa đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công nhân viên hiện nay.
Có lẽ vì thế mà những người trẻ của Z111 hiện nay, từ Giám đốc Hoàng Quốc Vinh đến những công nhân trong các phân xưởng, đều thích slogan: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”.
Bài và ảnh: VĂN BIÊN - VĂN HẠNH