Bài viết này chỉ là một ghi chép nhỏ, mong có thêm một góc nhìn về thần thái của người anh hùng giữa trời Tây, về sự kính trọng và hâm mộ của cộng đồng phi công Mỹ với phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy...

Cứ chỗ nào đông nhất là lao vào

Tuy là học viên bay khóa 2, sau lớp của các phi công Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh, Lâm Văn Lích, Nguyễn Nhật Chiêu... nhưng với kỹ thuật bay tốt và quyết tâm rất cao, Nguyễn Văn Bảy luôn là người được phân công trong những trận đánh của năm 1965. Trận không chiến đầu tiên của Nguyễn Văn Bảy diễn ra ngày 7-10-1965, trong biên đội Huyền-Huyên-Bảy-Chao gặp tốp F-105 được F-4 yểm hộ ngay trên bầu trời sân bay Kép (Bắc Giang). Trận này tuy chưa bắn rơi được máy bay Mỹ nhưng sau nhiều vòng quần nhau với giặc lái, ông và đồng đội đã bắn bị thương chiếc F-4 và buộc đội hình F-105 phải cắt bom ngoài mục tiêu. Trong trận không chiến này, chiếc MiG-17 của ông bị dính mảnh tên lửa của Mỹ, máy bay bị 84 lỗ thủng nhưng ông vẫn bình tĩnh điều khiển máy bay hạ cánh an toàn. Phải nửa năm sau, trong trận ngày 26-4-1966, Nguyễn Văn Bảy mới có cơ hội cất cánh và bắn rơi chiếc F-4C đầu tiên, mở ra chặng đường chiến đấu anh dũng, mưu trí với 7 lần lập chiến công xuất sắc.

Khi được hỏi tại sao ông luôn bắn ở cự ly gần và bắn chính xác như vậy, ông đã nói: “Tôi vẫn nhớ, khi đến thăm bộ đội không quân, Bác Hồ nhìn khắp một lượt rồi hỏi, ở đây có chú nào là người miền Nam không? Tôi giơ tay đứng lên. Người rất vui và căn dặn, các chú phải học tập đồng bào miền Nam, không sợ Mỹ đông và mạnh, ta phải biết cách đánh, nắm thắt lưng địch mà đánh... Lời dạy của Bác in sâu trong lòng nên khi thấy đội hình máy bay Mỹ rất đông, tôi quyết định lao thẳng vào chỗ đông nhất, địch rối loạn và không dám bắn vì quá gần, sợ bắn vào máy bay của chúng. Tôi chọn chiếc gần nhất mà bám chặt và điểm xạ một loạt ngắn, kiểm tra xem đường đạn nổ phía trước hay phía sau để chỉnh lại cho chính xác. Tôi đã nổ súng thì máy bay địch khó thoát, thường là vỡ tan buồng lái”. Không ngờ, câu chuyện về lối đánh táo bạo và mưu trí ấy của Nguyễn Văn Bảy đã được lưu truyền trong các phi công Mỹ và khi họ được gặp người phi công Việt Nam anh hùng bằng xương bằng thịt tại đất Mỹ, họ đã hết sức kính nể.

leftcenterrightdel
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy và cựu phi công Mỹ, Marshall L.Michel nắm tay trên con đường dẫn vào nhà ông Nguyễn Văn Bảy (năm 2018). Ảnh: HOÀNG NHƯỠNG

Mùa hè năm 2015, sau khi tiếp các cựu phi công Mỹ tại trang trại của mình, lão phi công Nguyễn Văn Bảy tâm sự với chúng tôi: “Đã có khá nhiều cựu phi công Mỹ quay trở lại Việt Nam, thăm lại chiến trường xưa và nhiều người trong số họ đã đến thăm trang trại này”. Điều đó khiến ông cảm thấy trong quan hệ hai nước đã có một bầu không khí mới. Ông-sau khi đã đi một vòng thăm hỏi thân nhân, thắp hương cho các liệt sĩ Không quân nhân dân Việt Nam tại quê nhà, khi quan hệ ngoại giao hai nước đã bình thường hóa-muốn đến thăm nước Mỹ. Đó không chỉ là chuyến đi để ông xem nước Mỹ giàu có thế nào, không quân Mỹ hùng mạnh ra sao mà lại thua MiG của Việt Nam, mà hơn thế nữa, cử chỉ thắp một nén nhang cho các phi công Mỹ đã bị bắn rơi trước mũi súng của ông là thông điệp để khép lại quá khứ, hướng tới nền hòa bình bền vững, cho con cháu không bao giờ phải chịu cảnh bom đạn chiến tranh. Ông biết rằng việc này rất khó nhưng nếu thực hiện được thì thật là ý nghĩa.

Năm 2017, khi lão phi công Nguyễn Văn Bảy bước sang tuổi 82, có một linh tính nào đó thôi thúc chúng tôi quyết tâm tổ chức sớm chuyến đi lịch sử đến “thủ phủ” của hải quân Hoa Kỳ-San Diego (California), nơi có căn cứ không quân NAS Miramar, với chương trình huấn luyện TopGun nổi tiếng, nơi xuất phát của hầu hết chiến hạm Mỹ đến tham chiến tại Việt Nam. Ngày 20-9-2017, đoàn cựu phi công chiến đấu của Việt Nam gồm các phi công anh hùng: Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Văn Bảy, Lê Thanh Đạo, Phạm Phú Thái và một số cựu phi công chiến đấu đã lên đường, quá cảnh tại Đài Bắc để nối chuyến đi Los Angeles, rồi tiếp theo là 3 giờ ngồi xe hơi để đến San Diego. Cuộc hội ngộ lịch sử giữa các cựu phi công Việt Nam và Mỹ tại San Diego diễn ra theo một cách rất khác biệt, đúng “kiểu của phi công”. Từng cặp đối thủ năm xưa ngồi riêng từng bàn; các bản đồ, nhật ký bay đã vàng ố hơn 40 năm trước được giở ra; các “cựu thù” trao đổi, tranh luận, vẽ lên các trang giấy chi tiết các trận đánh, không khí rất sôi nổi. Đi một vòng quanh các bàn, nhìn gương mặt những chứng nhân của lịch sử nay tuổi đã trên dưới thất thập, tự nhiên trong tôi trào lên một cảm xúc rất lạ. Đó chính là niềm tự hào. Hơn 40 năm trước, Không quân nhân dân Việt Nam non trẻ bị coi thường là lạc hậu, nhỏ bé, không xứng là đối thủ trước lực lượng hùng hậu của không lực Hoa Kỳ. Vậy mà các phi công MiG của chúng ta không những dám đánh mà còn đánh thắng... Nay, ngay giữa “thủ phủ” của hải quân Mỹ, họ được đón tiếp trọng thị như những thượng khách và ngồi tranh luận với các phi công của không quân và hải quân hùng mạnh nhất thế giới, như các võ sĩ đồng hạng, tôn trọng lẫn nhau.

Các phi công Mỹ-vốn được coi là thành phần tinh hoa của xứ cờ hoa-và báo giới đã ngạc nhiên khi nghe phi công Việt Nam tranh luận, đối đáp, ứng khẩu thông minh, khúc chiết và đôi khi rất hài hước giữa một khán phòng gồm các phi công sừng sỏ của không quân và hải quân Hoa Kỳ. Trong các sự kiện diễn ra tại San Diego, lão phi công Nguyễn Văn Bảy, với vẻ bình dị của một lão nông Nam Bộ nhưng ở ông toát lên thần thái của một phi công huyền thoại, với những chiến công phi thường luôn là trung tâm chú ý của báo chí và cộng đồng phi công Mỹ. Đi đến đâu cũng có rất nhiều người hỏi thăm ông, xin chụp ảnh cùng, đề nghị được quay phim và phỏng vấn.

Trong cuộc đối thoại này, các phi công Mỹ đã hỏi Nguyễn Văn Bảy: “Có phải ông dùng MiG-17 bắn rơi 7 máy bay mà không phải nhảy dù lần nào không?”. Nguyễn Văn Bảy nở nụ cười hào sảng của lão nông Nam Bộ và trả lời: “Đúng là tôi đã xuất kích hàng trăm trận nhưng chưa biết mùi nhảy dù, mặc dù có lần khi hạ cánh, đếm được trên thân máy bay hơn 80 lỗ thủng do mảnh tên lửa văng vào nhưng tôi vẫn hạ cánh an toàn. Tuy nhiên, tôi biết không chiến với không quân và hải quân Mỹ, những phi công lão luyện trên các máy bay hiện đại thì không ai nói trước được điều gì, đây là cuộc đọ sức ác liệt... Một buổi tối, vào khoảng giữa năm 1967, khi đang chuẩn bị cho nhiệm vụ trực chiến ngày hôm sau thì có điện của cấp trên yêu cầu tôi dừng trực ban chiến đấu. Mãi về sau tôi mới biết, đó là lệnh từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói, nên rút chú Bảy khỏi nhiệm vụ trực ban chiến đấu để làm nhiệm vụ chỉ huy-huấn luyện ở mặt đất. Nếu chiến đấu hy sinh, sau này đất nước thống nhất, đồng bào miền Nam hỏi: Anh hùng Nguyễn Văn Bảy của chúng tôi đâu thì Bác không biết trả lời thế nào”. Nguyễn Văn Bảy mỉm cười, có ý chờ người phiên dịch, rồi nói tiếp: “Nếu còn xuất kích chiến đấu, tôi còn có thể bắn rơi 2-3 chiếc nữa, nhưng cũng có thể tôi không còn cơ hội đứng ở đây hôm nay để gặp các ông... Tôi đã sống sót qua cuộc chiến ác liệt... Sau khi Bác mất, được nghe những câu chuyện cảm động về tình cảm của Bác dành cho đồng bào Nam Bộ và cá nhân tôi, khi về nghỉ hưu, tôi quyết định để râu giống Bác Hồ để thờ Người”.

Nghe đến đây, có một phi công Mỹ với bộ ria mép rất điển hình của miền viễn tây đứng lên hóm hỉnh nói: “Tôi cũng rất cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vì may mà Người cho Nguyễn Văn Bảy nghỉ trực chiến, không cho ông xuất kích nữa, nên chúng ta không gặp nhau trên bầu trời năm ấy. Nếu không hôm nay, một số trong chúng tôi cũng không còn sống để có mặt ở đây...”. Cả hội trường vỗ tay.

Chiếc khăn rằn và chiếc bật lửa Zippo

Món quà mà phi công Nguyễn Văn Bảy mang theo để tặng các cựu phi công Mỹ là chiếc khăn rằn đặc trưng của đồng bào Nam Bộ và ông tự tay cuốn khăn cho từng người. Khi từ Mỹ trở về, món quà mà ông muốn mua tặng bạn bè không phải là rượu tây, thuốc lá hay các thứ lưu niệm sặc sỡ... mà là chiếc bật lửa Zippo-đặc trưng miền viễn tây Hoa Kỳ.

Khi cùng tôi và Đại tá Hà Quang Hưng đi dạo trên Đại lộ Danh vọng, ông nói: “Tao muốn tìm mua mấy chiếc bật lửa Zippo (nếu có 7 chiếc thì tốt) ngay giữa lòng nước Mỹ và phải do chính Mỹ sản xuất để làm quà cho bạn bè, và nếu có một con Zippo có logo hình không quân Mỹ thì để dùng, cũng là kỷ niệm chuyến đi này”. Tôi đã đi khắp các cửa hàng lưu niệm dọc Đại lộ Danh vọng và may mắn làm sao, tại một cửa hàng lưu niệm do chính người Việt làm chủ, tôi đã tìm được cho ông chiếc Zippo với hình logo không quân Mỹ. Khi biết tôi tìm mua cho phi công Ace Nguyễn Văn Bảy, một huyền thoại của Không quân nhân dân Việt Nam, người chủ cửa hàng đã nói: “Tôi đã nghe nói về phi công Cốc, phi công Bảy và cũng đã xem chương trình truyền hình về cuộc gặp của các ông trên tàu sân bay USS Midway. Ngày xưa, chúng tôi được nghe tuyên truyền 4 anh Việt Cộng bám cọng đu đủ không gẫy, vậy mà nay thấy các ông cao lớn, phong độ, đối đáp thông minh và ngang ngửa với các phi công, hải quân Mỹ, là người Việt, tôi thấy rất tự hào. Tôi biết từ xưa đến nay, các phi công, hải quân Mỹ chưa từng đón ai trọng thị như vậy”. Không hiểu bây giờ chiếc bật lửa với hình logo của không quân Mỹ có còn không hay với tấm lòng nhân hậu của mình, ông đã tặng cho bạn bè rồi. 

Một người anh hùng mà bình dị như ông, luôn sống mãi trong lòng đồng đội, bạn bè, người thân, làng xóm và trở nên bất tử như một huyền thoại.

Viết nhân ngày giỗ đầu của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy

NGUYỄN SỸ HƯNG, cựu phi công MiG