Sở dĩ lần này tôi quyết tâm có mặt ở hội thi cán bộ huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh giỏi của Quân đoàn 1 là vì một lời thầm hứa với anh linh Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo. Tròn 10 năm trước, tháng 8-2008, tôi được Thượng tướng Hoàng Minh Thảo dành cho những cuộc “phỏng vấn thoải mái” với ý định viết chân dung về ông, một nhà lý luận quân sự tài ba của quân đội. Ông khuyên tôi: Nhà báo quân đội thời bình thì vẫn phải bám bộ đội, nhất là các hội thi, hội thao, diễn tập; vì đó là những biện pháp tốt nhất để nâng cao sức chiến đấu cho mỗi đơn vị. Ít ngày sau cuộc trò chuyện đó, ngày 8-9-2008, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo thanh thản ra đi, về với thế giới người hiền. Tôi luôn nhớ lời khuyên của ông, nhưng quả không dễ để bám sát các hội thi và diễn tập lớn của các binh đoàn chủ lực. Lần này, theo lời Đại tá Nguyễn Bá Ngọc, Quân đoàn 1 tổ chức một hội thi quy mô, chính quy, sát thực tế với quyết tâm đổi mới cao độ nên tôi tự giao nhiệm vụ cho mình phải tham gia bằng được.

6 giờ sáng, tôi có mặt tại Sư đoàn 390, đứng chân trên mảnh đất Bỉm Sơn mà trong lòng đất còn tầng tầng lớp lớp trầm tích văn hóa quân sự. Ngay trong khuôn viên của Sở chỉ huy Sư đoàn có hồ Bến Quân, tương truyền là nơi người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ hợp luyện binh mã lần chót trước khi hành quân thần tốc ra Thăng Long đập tan đạo quân xâm lược Mãn Thanh. Những tên núi, tên làng, tên sông quanh Sư đoàn 390, tên nào cũng gợi huyền tích về cuộc hành binh huyền thoại của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ. Chắc đó cũng là lý do mà thao trường Sư đoàn 390 được Bộ tư lệnh Quân đoàn chọn để tổ chức hội thi! Đại tá Nguyễn Bá Ngọc, Phó tham mưu trưởng Quân đoàn, phụ trách huấn luyện từng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390 nên anh hiểu rõ hào khí anh hùng của mảnh đất Biện Sơn xưa, nơi mà mỗi tấc đất là một trang sử thi có thật về tinh thần thượng võ-yêu nước của cha ông có thể tiếp thêm cho mỗi sĩ quan trẻ nguồn động lực tinh thần to lớn đã chảy suốt hàng nghìn năm lịch sử.

leftcenterrightdel
Một buổi lên lớp huấn luyện kỹ thuật công binh tại hội thi

Lời tuyên bố khai mạc hội thi của Phó tham mưu trưởng Quân đoàn vừa dứt thì một cơn mưa ập đến. “Nắng tốt dưa, mưa tốt lính”, từng có câu châm ngôn như vậy. Mưa quả là tốt cho hội thi vì nó kiểm chứng ngay tinh thần sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Loáng một cái, các thí sinh-những sĩ quan trẻ cấp trung đội, đại đội đã thao tác xong hành động rút tăng bạt ra che chắn cho vật chất bảo đảm cho hội thi, nhất là hệ thống bia bảng ngoài trời. “Cứ như thể mưa theo kế hoạch ấy nhỉ”, một thượng tá, giám khảo, đã từng trải qua chiến đấu, không giấu giếm sự nể phục với thế hệ sĩ quan trẻ, thốt lên như vậy.

Cơn mưa ào ạt khiến tôi phải tìm một hầm chữ A được che chắn rất kín để trú chân. Hầm được chính các thí sinh đào nên rất chuẩn về kỹ thuật, có cả cái rãnh thoát nước đề phòng mưa kéo dài. Rãnh thoát nước làm tôi nhớ đến cuộc trò chuyện với Đại tá, cựu chiến binh Trần Ngọc Long, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390) trong 81 ngày đêm bi tráng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đại tá Trần Ngọc Long đã dành cả ngày chủ nhật để chia sẻ với tôi về “một thời Quảng Trị”. Ông nhắc đến kỷ niệm về mưa. Những cơn mưa đầu mùa vào tháng 8-1972 thực sự là một kẻ thù của bộ đội ta. Nước sông Thạch Hãn, Vĩnh Định, Nhùng dâng cao tràn vào công sự bộ đội ta đang phòng thủ bảo vệ Thành cổ. Trên mặt đất là bom đào, pháo trộn; dưới chiến hào thì ngập nước làm sức chiến đấu của bộ đội ta bị ảnh hưởng rõ rệt. “Chiến lệ ở Quảng Trị có được các đồng chí đưa vào giáo án huấn luyện chiến đấu không?”-tôi hỏi một thí sinh trú cùng hầm. “Có anh ạ. Với cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 thì những chiến lệ ở Quảng Trị được đưa vào rất nhiều trong các bài giảng kỹ, chiến thuật. Đặc biệt là các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Quảng Trị thường xuyên đến giao lưu, nói chuyện, truyền thụ kinh nghiệm. Điều đó rất có ích cho chúng tôi. Việc đào rãnh thoát nước thế này cũng là một kinh nghiệm đề phòng hầm hào sụt lở, một kinh nghiệm quý mà thế hệ cha anh đã đổi bằng máu mới có”-Thượng úy Lê Xuân Quang, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn Huấn luyện, Sư đoàn 390 tự tin trả lời.

Huấn luyện sát thực tế chiến đấu là một yêu cầu của công tác huấn luyện thời bình. Nhưng chiến đấu trong một cuộc chiến tranh công nghệ cao (nếu xảy ra) sẽ thế nào? Không dễ để có câu trả lời đầy đủ. Đi cùng Đại tá Nguyễn Bá Ngọc giám sát các bàn thi, tôi dần tìm được câu trả lời sau những tâm sự rỉ rả của anh. “Trước hết phải giải quyết vấn đề tâm lý cho bộ đội. Lênin nói, xét đến cùng, trạng thái tinh thần của người lính quyết định thành bại của chiến trường. Chúng tôi huấn luyện cho bộ đội có bản lĩnh vững vàng trước tiếng nổ, thành thục các kỹ thuật bắn súng, đánh thuốc nổ, sử dụng thủ pháo… Muốn chiến sĩ giỏi thì trước hết phải có cán bộ giỏi. Cán bộ miệng nói, tay làm; lý thuyết đi sát thực hành; lấy thực hành của cán bộ làm mẫu và tạo niềm tin cho bộ đội. Cũng vì lẽ đó mà có hội thi hôm nay. Với chúng tôi, hội thi không phải chỉ để tìm ra giải nhất, giải nhì mà hội thi là một phương pháp huấn luyện. Chúng tôi tổ chức thi từ cấp phân đội, đến cấp quân đoàn thì chọn được 54 sĩ quan giỏi, tập hợp về đây để tìm ra những người giỏi nhất”.

leftcenterrightdel
Ban tổ chức giám sát kết quả thi bắn súng ngắn K54

Để bộ đội có bản lĩnh trước tiếng nổ, người cán bộ huấn luyện trước hết phải biết “khử nỗi sợ” cho chiến sĩ. Tôi chợt nhớ đến Trần Quang Hiếu ở Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. Năm 2000, Hiếu là chiến sĩ dưới quyền tôi, khi đó là cán bộ chính trị đại đội. Mới nhập ngũ, Hiếu “sợ tiếng nổ” đến mức tìm đủ lý do để được đi bệnh xá trung đoàn trong dịp kiểm tra. Thế mà khi được động viên, kiểm tra “3 tiếng nổ” Hiếu đều đạt giỏi. Trong đợt diễn tập sau đó, Hiếu còn được “phong” là “xạ thủ B41” vì tất cả những lần bắn B41, em đều diệt gọn mục tiêu. Kỷ niệm ấy chợt ùa về khi tôi chứng kiến Đại úy Hoàng Lê Duy, thí sinh đến từ Khoa Binh chủng hợp thành, Trường Quân sự Quân đoàn 1 thực hành giảng buổi 2, bài 1 “Cách gói buộc lượng nổ khối, lượng nổ dài bằng thuốc nổ bánh, thuốc nổ bột, gói buộc thủ pháo, liên kết đồ dùng gây nổ vào lượng nổ”. “Nếu trong thực tế chiến đấu, không có khuôn thì đồng chí gói buộc thuốc nổ bánh thế nào?” - Đại tá Nguyễn Bá Ngọc ra tình huống cho Hoàng Lê Duy. “Báo cáo đồng chí, trong trường hợp đó tôi lợi dụng địa hình đào hố xuống đất theo hình thù định gói để thay khuôn” -người sĩ quan trẻ trả lời rất nhanh. Duy còn rất trẻ, nhưng đã có nhiều năm làm trung đội trưởng ở Sư đoàn 312 trước khi về trường làm thầy giáo. Nói chuyện với anh hồi lâu, tôi chợt nhớ ra đã có lần gặp anh trên thao trường Sư đoàn 312. Hồi đó, tôi rất ấn tượng trước việc Duy mang theo máy tính cá nhân ra thao trường. Giờ giải lao, anh mở những clip tải từ trên mạng về các loại mìn bộ binh thường gặp cho chiến sĩ xem. Những thước phim sống động cùng tiếng nổ thực sự đã khiến bộ đội thích thú với bài giảng. Duy còn có sáng kiến đề nghị cấp trên cho chiến sĩ làm quen với nụ xùy. Huấn luyện đánh thuốc nổ có cái khó hơn so với huấn luyện bắn súng là tiếng nổ rất lớn mà chiến sĩ lại không được “đánh thử” như khi huấn luyện bắn súng. Việc cho chiến sĩ “giải trí” bằng các clip thực tế cũng như làm quen với nụ xùy là một thủ thuật tạo tâm lý vững vàng cho bộ đội…

“Hội thi lần này có cả bài kiểm tra chạy 3.000m. Sĩ quan giỏi thì trước hết phải khỏe” - Đại tá Nguyễn Bá Ngọc dẫn chúng tôi vượt qua những quả đồi bạch đàn để hướng về khu huấn luyện thể lực, nơi diễn ra các bàn thi chạy 3.000m. Tính cơ động - một điều mà lúc sinh thời, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo từng viết khá nhiều bài báo khoa học gây được sự chú ý của các đơn vị. Tôi từng được nghe ông kể về Sư đoàn 320 cơ động chặn quân đoàn 2 của ngụy khi chúng tháo chạy khỏi Tây Nguyên trên đường số 7, tháng 3-1975. Sau khi ta đánh đòn điểm huyệt giải phóng Buôn Ma Thuột, địch luống cuống và sợ hãi, mắc sai lầm chiến lược khi rút lui toàn bộ khỏi Tây Nguyên. Bọn chỉ huy đầu sỏ lên máy bay trực thăng rút chạy trước, cả một quân đoàn giẫm đạp lên nhau rút chạy theo đường số 7 tạo nên sự hỗn loạn kinh hoàng. Thời gian bấy giờ là lực lượng, phải tranh thủ từng giờ, từng phút đánh bại đoàn quân như rắn mất đầu ấy, không cho chúng co cụm về đồng bằng. Tất cả đều nằm trên đôi chân thần tốc của người chiến sĩ. Tình huống diễn ra quá nhanh, ta cũng không ngờ địch “vỡ trận” sớm đến thế. Cho nên, tốc độ đôi chân người chiến sĩ là yếu tố quyết định thành bại của chiến trường Tây Nguyên lúc đó…

Tôi nhìn thấy tốc độ ấy của 54 thí sinh, 54 sĩ quan giỏi của Binh đoàn Quyết Thắng-Quân đoàn 1. Rất nhiều người trong số họ chạy 3.000m trong vòng 14 phút, đạt tiêu chuẩn “kiện tướng chạy” trước đây…

Lẽ ra họ còn nhanh hơn thế, bởi buổi thi diễn ra trong mưa, mưa rất to, gió rất lớn. Nhìn những người về đích đẫm mồ hôi trong cơn mưa bỏng rát, tôi bỗng thấm thía câu “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.

Đó đâu chỉ là một khẩu hiệu. Đó là bài học quý nhất mà thế hệ cha anh đã đánh đổi bằng máu xương để trao truyền lại cho thế hệ chiến sĩ hôm nay.

Tam Điệp - Bỉm Sơn, tháng 7-2018

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG HẢI