Vào một chiều hè nắng lửa, Bùi Văn Định miệt mài, lặng lẽ làm việc bên chiếc laptop thân quen của mình, mặc cho bên ngoài phòng khách các đồng nghiệp trò chuyện rôm rả. “Sự tập trung cao độ trong công việc khiến gương mặt anh đôi khi trở nên nghiêm nghị và lạnh lùng. Thế nhưng, TS Bùi Văn Định là người thầy rất hiền, tận tình, trách nhiệm, hết mình giúp đỡ đồng nghiệp và các học viên...”-TS Tạ Ngọc Ánh, Chủ nhiệm Bộ môn Toán, Khoa CNTT mở đầu câu chuyện với chúng tôi về người đồng nghiệp của mình như thế.

Bùi Văn Định sinh năm 1978 tại xã Giao Hà (Giao Thủy, Nam Định). Anh mồ côi cha khi mới lên 3 tuổi. Tuổi thơ thiếu thốn tình cảm của người cha, anh lại phải sớm cùng mẹ bươn chải trong cuộc mưu sinh. Tuy nhiên, hoàn cảnh khó khăn đã nuôi dưỡng ý chí cho chàng trai nghèo nỗ lực học tập để lập thân, lập nghiệp. Tốt nghiệp cử nhân rồi sau đó là thạc sĩ toán học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2003, anh được tuyển dụng vào Học viện KTQS qua kỳ thi tuyển cán bộ, giảng viên.

leftcenterrightdel
TS Bùi Văn Định

Thật tình cờ, Tạ Ngọc Ánh và Bùi Văn Định đều được tuyển dụng về công tác tại Học viện KTQS cùng một ngày, cùng đi huấn luyện sĩ quan dự bị một đợt tại Trường Quân sự Quân khu 3 và làm việc gắn bó với nhau ở Bộ môn Toán hơn 16 năm qua. TS Tạ Ngọc Ánh vẫn ấn tượng mãi về chàng học viên Bùi Văn Định tại trường quân sự cách đây hơn 10 năm: Vóc dáng cao dong dỏng, chạy nhanh thoăn thoắt, thích đá bóng lại hay hát hay đàn, tham gia hoạt động văn hóa-thể thao rất sôi nổi... Giờ đây, trong mắt đồng nghiệp, TS Bùi Văn Định là một cán bộ, giảng viên có uy tín về chuyên môn, tâm huyết với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ… Hai năm qua, TS Bùi Văn Định đã công bố 6 bài báo khoa học, trong đó, 2 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI, 2 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục Scopus (ISI và Scopus là hai cơ sở dữ liệu thư mục uy tín, được cộng đồng khoa học thế giới công nhận) và 2 bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín khác.

Vì sao anh lại công bố được nhiều bài như vậy? TS Bùi Văn Định tâm sự, đó là nhờ quá trình tích lũy kinh nghiệm từ khi bắt đầu làm nghiên cứu sinh tại Học viện KTQS rồi tham gia các khóa học, thực tập sinh sau tiến sĩ, hội thảo quốc tế ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và được gặp gỡ, làm việc với nhiều chuyên gia quốc tế. Trong công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và nghiên cứu khoa học, TS Bùi Văn Định là cái tên được nhiều đồng nghiệp tin tưởng lựa chọn nhờ hướng dẫn. Anh thường được mời tham gia các hội đồng chấm luận án tiến sĩ toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; hướng dẫn và tham gia hội đồng chấm luận văn thạc sĩ tại học viện và nhiều trường, như: Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Thăng Long... Để có kinh nghiệm nghiên cứu và hợp tác quốc tế, TS Bùi Văn Định thường tham dự các hội thảo quốc tế về lý thuyết tối ưu và ứng dụng, hội nghị quốc tế về ứng dụng toán học. Anh được mời phản biện cho các tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành và có cơ hội tiếp cận sớm hơn các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học khác. Đặc biệt, anh từng được Liên đoàn Toán học thế giới và Hội Toán học Hàn Quốc tài trợ tham dự Đại hội Toán học thế giới tại Seoul (Hàn Quốc), được mời báo cáo và làm trưởng tiểu ban trong Hội nghị tối ưu và giải tích phi tuyến châu Á tại Nhật Bản...

Nhiều năm qua, Học viện KTQS thường xuyên nằm ở tốp đầu trong các cơ sở đào tạo của cả nước về phong trào Olympic môn Toán và nhiều môn học khác. TS Bùi Văn Định là một trong những cán bộ đóng góp nhiều công sức vào việc nâng cao thành tích đó. Đặc biệt, trong hai năm 2018 và 2019, anh chủ trì huấn luyện đội tuyển Olympic môn Giải tích giành 6 giải nhì, 4 giải ba. Thầy trò còn lập nhóm trên các trang mạng để thường xuyên tương tác trao đổi kiến thức và giải đáp mọi thắc mắc của các em. Anh thường khuyên các bạn trẻ rằng, không có thứ gì là tồn tại mãi mãi, thất bại hay thành công của chúng ta hiện nay cũng chỉ là tạm thời. Vì vậy, để có được thành công, niềm vui, hạnh phúc, cần có thái độ tích cực trong mọi hoàn cảnh, không ngừng học tập và lao động chăm chỉ. Không có sự thành công nào mà không có dấu ấn của lao động. Chỉ có học tập và lao động chăm chỉ mới làm cho con người ta thay đổi về chất, đưa ta lên tầm cao hơn...

Bài và ảnh: MINH THÀNH