Gặp tôi chưa lâu, nhưng Thượng tá Nguyễn Trần Nam, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân (sau đây gọi tắt là Lữ đoàn 131) đã thông tin như với người thân quen lâu ngày. Anh bảo, năm nay, ngoài hoàn thành tốt các nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, xây dựng công trình, Lữ đoàn 131 còn gặt hái được một thành công rất ý nghĩa trong công tác kỹ thuật. Rồi anh Nam hối tôi đi kiểm chứng thực tế để thấy được cái tâm huyết, trách nhiệm và cả tình yêu với “vũ khí” rất riêng của lính công binh hải quân.

Chúng tôi rời phòng khách nhà chỉ huy để rồi gần 10 phút sau có mặt ở khu kỹ thuật. Chuẩn bị kết thúc giờ thứ tám, khu kỹ thuật khá thưa vắng người. Tôi và anh Nam di chuyển về phía cuối dãy nhà xưởng rộng thênh thang, nơi có nhóm thợ đang cặm cụi làm việc. Anh Nam kéo một người mặc áo thợ và giới thiệu.

- Đây là Thượng úy QNCN Lý Văn Anh, thợ sửa chữa thuộc Phòng Kỹ thuật và cũng là điển hình trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng của đơn vị.

Sau khi làm quen, khơi gợi và cả động viên, người thợ sửa chữa Lý Văn Anh mới mạnh dạn kể, năm 2023, tham gia Hội thi Xe tốt, lái xe giỏi toàn quân, Lữ đoàn đoạt giải cao. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của Lý Văn Anh. Tuy nhiên, khi trò chuyện với tôi, Lý Văn Anh cho rằng: Hơn 20 năm gắn bó với công việc sửa chữa, nên anh thấy việc làm của mình là hết sức bình thường. Đúng, với Lý Văn Anh hẳn là bình thường, nhưng với suy nghĩ của tôi, đó thực sự là những đóng góp rất đáng khâm phục. Bởi những thành tích đạt được đó thể hiện sự nỗ lực, cố gắng lớn của Lý Văn Anh: Tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi.

Có lẽ, chính nhờ sự tìm tòi, sáng tạo ấy đã giúp Lý Văn Anh có nhiều sáng kiến, như: Cải tiến máy bơm hơi kết hợp máy bơm nước rửa xe; cải tiến phương tiện vận chuyển đất đá trong hầm lò khẩu độ nhỏ; lắp đặt hệ thống phun hơi nước làm giảm nồng độ bụi khi khoan đá; gia công giá kéo, hạ thủy xuồng TKCN CQ-01; mô hình hệ thống điều hòa không khí cơ bản trên xe ô tô...

leftcenterrightdel

Thợ sửa chữa của Lữ đoàn 131 làm việc tại xưởng. 

Lý Văn Anh rỉ rả tâm tình với tôi những điều tâm huyết rằng, lính thợ ở Lữ đoàn 131 dành thời gian và tình yêu với máy, với xe, với công việc chẳng kém gì so với người thân trong gia đình. Bởi với các anh, thời gian ở xưởng không nhiều bằng thời gian làm nhiệm vụ tại các công trình. Tiến độ thi công không cho phép lính thợ làng nhàng, hời hợt với "sức khỏe" của xe-máy. Có lúc, lực lượng thi công về nghỉ, sau ca trực vận hành máy trơn tru, dù là trưa nắng hay khi trời tối thì lính thợ vẫn phải trần mình ra sửa chữa, khắc phục những hỏng hóc từ nhỏ đến lớn. Nếu không nghe ngóng, nếu không yêu nó thì không khám ra bệnh chứ đừng nói là chữa bệnh. Bởi nếu không cẩn thận, tỉ mỉ, chỉ cần sao nhãng một chút khi lắp gioăng, lắp đệm là phải làm lại từ đầu, rất mất thời gian. "Sức khỏe" của xe-máy cũng giống như trẻ con, nó thường không “ốm” ngay nếu không có triệu chứng. Nếu không yêu nó thì rất khó phát hiện ra những dấu hiệu mệt mỏi, rệu rã, hỏng hóc sẽ nặng hơn và thời gian khắc phục, sửa chữa cũng sẽ dài hơn, khó hơn.

Do đặc thù nhiệm vụ, nhiều năm qua, Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân luôn phải tổ chức nhiều lực lượng đi các hướng, các mũi thi công các công trình có quy mô khác nhau. Thường xuyên hoạt động ở những nơi khó khăn, khí hậu, thời tiết phức tạp dài ngày nên việc bảo dưỡng, sửa chữa xe-máy, trang bị kỹ thuật của Lữ đoàn chiếm nhiều thời gian, công sức. Thượng tá Nguyễn Trần Nam thông tin chi tiết, xe-máy, phương tiện kỹ thuật hoạt động liên tục, dài ngày, cường độ cao, lại thường xuyên phải phơi nắng, phơi sương, chịu sự ăn mòn lớn của thời tiết, khí hậu nên rất nhanh hư hỏng, xuống cấp. Do đó, nếu không có đội ngũ nhân viên chuyên môn tận tụy và nhiệt tâm với công tác bảo dưỡng, sửa chữa thì đơn vị không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

Anh Nam dẫn ra những ví dụ hết sức khách quan trong công tác. Nếu trong giai đoạn chuyển tải vật liệu, chỉ cần một chiếc xuồng máy bị hỏng là mất thời cơ. Bởi thời gian con nước đủ điều kiện chuyển tải không nhiều và không dài. Xuồng hỏng, không vận chuyển được vật liệu sẽ kéo theo những việc ở phía sau bị ùn tắc. Hay nếu không bảo dưỡng tốt, máy ép hơi đột ngột hỏng thì công tác khoan nổ, lắp dựng cốp pha, cốt thép, đổ bê tông cũng phải dừng lại.

Thượng tá Nguyễn Trần Nam cho biết:

- Nói lên một vài điểm để anh thấy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác bảo dưỡng, sửa chữa và làm chủ được máy móc, phương tiện. Chỉ khi nào đội ngũ những người lính thợ nắm chắc tình trạng trang bị, phương tiện thì khi đó đơn vị mới đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, những năm gần đây, đơn vị được cấp trên giao thêm không ít nhiệm vụ mới; đồng thời cũng được trang bị nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại. Vì vậy, thuận lợi có nhiều, nhưng yêu cầu đặt ra cũng không ít, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa và khai thác trang bị, phương tiện. Vì vậy, chẳng có cách nào khác là chúng tôi phải động viên, khuyến khích mọi người tự học, tự nghiên cứu; đồng thời nhân rộng phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Theo đó, mỗi năm, Lữ đoàn có từ 3 đến 5 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ra đời.

Trong số những nhân vật có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, được anh Nam giới thiệu, tôi đặc biệt ấn tượng với Trung tá Vũ Đức Thịnh, Chủ nhiệm kỹ thuật Lữ đoàn. Anh Thịnh từng nhiều lần được Bộ tư lệnh Hải quân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh, khen thưởng, là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu, xuất sắc của Quân chủng Hải quân. Vũ Đức Thịnh đã nghiên cứu, sáng chế, cải tiến ra nhiều trang thiết bị có giá trị, như: Sáng kiến gia công cải tiến giá di chuyển máy ép hơi thành giá máy phát điện 100kVA; rùa thả neo bến thủy phi cơ; lò hủy đạn bộ binh cấp trung-lữ đoàn; cải tiến kết hợp máy bơm nước và máy ép hơi...

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Dương Xuân Nam, Cục trưởng Cục Xe-Máy (Tổng cục Kỹ thuật) kiểm tra công tác kỹ thuật xe-máy tại Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân. 

Từng thi công nhiều công trình trong điều kiện phức tạp nên tôi rất hiểu giá trị của xe-máy và phương tiện thi công. Nó không chỉ giúp bộ đội công binh giảm công sức, mà quan trọng hơn tạo ra năng suất lao động và nâng cao chất lượng các công trình. Thế nên, việc những người lính công binh ở Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân yêu xe, yêu máy, chăm sóc chúng như chăm người thân cũng là dễ hiểu. Tình yêu ấy của mỗi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân dành cho trang bị, phương tiện không những bảo đảm để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị, mà còn là cách để họ bảo vệ tài sản của Quân đội, của Nhà nước, của nhân dân. Và đó cũng là cách để họ thể hiện tình yêu với Tổ quốc.

Với họ, tiếng máy reo là tình yêu và là liều thuốc tinh thần quý hơn cả!

Bài và ảnh: XUÂN DŨNG