Hà Nội những ngày này khá lạnh, nhưng công chúng yêu hội họa Thủ đô vẫn dành thời gian đến với không gian hội họa mang tên “Chung bước quân hành” được trưng bày tại Nhà triển lãm Mỹ thuật (16 Ngô Quyền, Hà Nội). Ông Chu Đình Ngọc, một cựu chiến binh có nhiều năm gắn bó với cánh rừng Trường Sơn đến từ rất sớm, ông dạo một vòng rồi dừng lại rất lâu bên tác phẩm “Gặp ở Trường Sơn” của họa sĩ Đặng Công Ngoạn. Các nhân vật trong tranh chân thực, sống động, giàu cảm xúc, gợi lại biết bao kỷ niệm tuổi trẻ của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước”. Đồng đội ông, những chàng trai trẻ đang mắc võng tranh thủ nghỉ ngơi giữa cánh rừng già, thủ thỉ kể nhau nghe chuyện về quê hương mình. Tuổi thơ với lũy tre xanh và con đê làng uốn lượn, hằng ngày đám trẻ thường chăn trâu, thả diều, có lúc cao hứng cởi chiếc áo đang mặc, nhét cỏ khô vào trong rồi buộc túm lại thành quả bóng cho lũ bạn đá, hậu quả là buổi tối hôm đó, cậu bị phạt vì tội làm rách chiếc áo đi học duy nhất. Chuyện chỉ có người trong nhà biết, chả hiểu sao cô bé hàng xóm cứ cười tủm tỉm, làm mặt cậu nóng bừng, chân tay bối rối. Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, gặp lại cô gái ấy trong bộ quân phục màu xanh như lá cây rừng, sao con tim xao xuyến đến lạ. Hơn ai hết, họ cảm nhận trọn vẹn tuổi thơ trong veo đang ùa về, nhảy múa trong tâm thức mình. Thời khắc gặp nhau quá ngắn, mà sự nhớ thương thì dài bất tận. Thay điều muốn nói, họ động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, hẹn gặp lại nhau khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Ông Chu Đình Ngọc cho rằng, để vẽ được tác phẩm này, người họa sĩ không chỉ giỏi nghề mà còn là người trong cuộc mới chuyển tải được hết thần thái và cảm xúc của những người lính Trường Sơn.

“Bình minh bình yên”. Tranh của ĐOÀN VĂN THÂN

88 tác phẩm của 82 tác giả được chọn trưng bày lần này là tác phẩm có chất lượng tốt, trong đó có nhiều tác phẩm đẹp về người lính biên phòng. Những người lính mang quân hàm xanh không chỉ bảo vệ phên giậu Tổ quốc, mà còn là điểm tựa của đồng bào các dân tộc. Tình cảm ấy được các nghệ sĩ khai thác ở nhiều góc độ khác nhau như “Hành quân qua bản” của Trương Thị Mai San, “Tình quân dân” của Vũ Tuyên, “Xuân sớm vùng biên” của Kiều Hải, “Tuyên truyền pháp luật” của Minh Phương... Dù trên rẻo cao biên giới, hay miền sông nước mênh mông thì trong mỗi tác phẩm hội họa, người nghệ sĩ tìm tòi những chi tiết biểu cảm của người lính vừa gần gũi, vừa giản dị, giúp đỡ bà con bằng tấm lòng chân tình, điều đó càng bồi đắp mối quan hệ quân dân thêm bền chặt. Đúng như nhà thơ Hoàng Trung Thông từng viết “Các anh về mái ấm nhà vui”.

“Tuyên truyền pháp luật”. Tranh của MINH PHƯƠNG

Quân đội ta là quân đội cách mạng, đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất. Để phản ánh chân thực và sinh động các hoạt động của bộ đội, các họa sĩ đã thâm nhập thực tế, đồng hành với người lính thợ, hiểu được khó khăn, thử thách mà họ vượt qua càng thêm cảm phục. Tác phẩm “Bảo dưỡng” của họa sĩ Ngân Chài nói về những kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, làm việc trong môi trường đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Với bố cục và góc nhìn đẹp, hình khối vững, màu sắc uyển chuyển, diễn tả thâm sâu gương mặt và hành động, người xem càng cảm nhận rõ hơn công việc miệt mài và thầm lặng của những người lính thợ phía sau các thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Cùng chung chủ đề này, họa sĩ Bùi Anh Hùng thể hiện “Những người lính thợ” ở một góc nhìn khác rộng hơn. Ở đó, người xem có thể hình dung công việc của nhiều bộ phận, với tính chất phức tạp, đòi hỏi trình độ cá nhân kết hợp với tinh thần đồng đội thật hoàn hảo. Dù công việc vất vả, nhưng được chăm sóc những “cánh chim” bảo vệ bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc là niềm vinh dự lớn của người lính không quân. Ngoài ra, các đề tài như phòng, chống thiên tai, dịch bệnh của bộ đội nơi tuyến đầu đã được các nghệ sĩ thể hiện thành công như: “Mùa lũ” của Đinh Văn Trọng, “Khi cơn lũ đi qua” của Hoàng Kim Tiến, “Giúp dân tránh bão” của Cao Minh Hồng, “Bộ đội trong lòng dân” của Đào Hữu Đạt...

“Ngã ba Cò Nòi vào chiến dịch”. Tranh của CAO BAN BAN

Thực tế nhiều năm nay, hoạt động sáng tác về lực lượng vũ trang luôn được coi là khó. Nhưng trong triển lãm này, các nghệ sĩ đã có cách tiếp cận người lính ở nhiều giác độ khác nhau, từ sinh hoạt đời thường, tâm tư tình cảm cá nhân, thỏa sức tìm tòi sáng tạo, đa dạng về đề tài, phong phú về chất liệu. Đó là những tác phẩm: “Khoảnh khắc bình yên” của Lê Đức Biết, “Giấc mơ” của Phạm Thu Hương, “Tình ca Tây Bắc” của Trần Thị Lệ Thủy, hay “Tình yêu” của Nguyễn Trí Cường...

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất quan tâm đến hội họa. Năm 1946, Người đồng ý để 3 họa sĩ vào Bắc Bộ phủ vẽ chân dung. Ngày 10-12-1951, nhân dịp triển lãm hội họa tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang (Chiến khu Việt Bắc) Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng các họa sĩ. Người căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Khắc ghi lời dạy của Bác, các họa sĩ càng thêm tự hào, đồng thời thấy rõ trách nhiệm nặng nề của người chiến sĩ văn hóa trong tình hình mới. Nghệ thuật không chỉ có nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn tôn vinh được hình ảnh và phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Có thể nói, “Chung bước quân hành” là “khẩu lệnh” cho cuộc hành trình khám phá đi tìm cái đẹp về người lính. Ngoài những họa sĩ đang công tác trong quân đội, rất cần sự đồng hành, chung tay của các văn nghệ sĩ trên khắp mọi miền đất nước.

PHÙNG MINH