Việc thay đổi tên gọi đồng thời cũng thay đổi cách tiếp cận về đào tạo: Chương trình là cánh cửa đầu tiên từ cấp tập đoàn chào đón cởi mở, chào đón thành viên mới. Từ đó, bên cạnh những kiến thức là cách thức để mỗi cá nhân hòa mình với văn hóa Viettel, sớm định hướng phát triển sự nghiệp của bản thân với Tập đoàn Viettel. Nghĩa là mỗi người Viettel sẽ sống có khát vọng trong ngôi nhà chung, chứ không đơn thuần là một nơi làm việc.

Thời gian đào tạo của mỗi chương trình được dự kiến là 5 ngày, tuy nhiên, có thể cá thể hóa theo thực tiễn đối với từng nhóm học viên được chia theo các chuyên ngành khác nhau. Người học hầu hết là cán bộ, công nhân viên mới tuyển dụng 1-2 tháng hoặc những người đã làm việc 3-6 tháng nhưng chưa có điều kiện tham gia trước đó.

leftcenterrightdel
Người Viettel luôn sống có khát vọng

Nếu như trước đây, nhân viên mới ở bất kỳ đơn vị nào cũng được đào tạo nội dung kỹ thuật viễn thông-ngành nghề mang lại doanh thu chính cho tập đoàn-thì hiện nay, chương trình mới đã cá thể hóa cho phù hợp với từng nhóm đối tượng: Học viên khối nghiên cứu sản xuất sẽ học về tổng quan nghiên cứu sản xuất; học viên khối viễn thông sẽ học tổng quan kinh doanh-kỹ thuật viễn thông…

Trong khóa học đầu tiên theo hướng tiếp cận mới dành cho 31 đồng chí là các chuyên gia, kỹ sư mới của Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel và Viện Hàng không Vũ trụ Viettel từ ngày 13 đến 16-9-2017, giảng viên đã truyền tải một bức tranh khái quát về những sản phẩm tiêu biểu, định hướng, mục tiêu, một số phương châm, cách làm cụ thể cho người làm nghiên cứu sản xuất Viettel. Nội dung này được học viên của hai viện đánh giá rất cao và nhận định thực sự rất hữu ích đối với công việc của họ.

Ngay trong khóa học, nội dung đào tạo kỹ năng, văn hóa được tiến hành khảo sát lại và điều chỉnh bài giảng theo các chủ đề, tập trung vào những điểm mà học viên quan tâm trực tiếp như thực trạng thiếu liên kết trong làm việc theo đội nhóm, dự án tại đơn vị; thái độ chưa tích cực trong phối hợp, hỗ trợ công việc; chưa hòa nhập được vì chưa hiểu văn hóa Viettel…

Toàn bộ 100% học viên của lớp học đều thuộc chuyên ngành kỹ thuật, nghiên cứu, thích làm việc độc lập, tính cách tương đối trầm, ít cởi mở. Tuy nhiên, chỉ sau ngày huấn luyện đầu tiên, không khí học tập đã thay đổi hoàn toàn, học viên trở nên cởi mở, vui vẻ. Anh em học viên áp dụng ngay các kỹ thuật đã được học vào giao tiếp, làm việc nhóm, chia sẻ và tranh luận trong các hoạt động. Sở dĩ có sự thay đổi này là bởi học viện áp dụng triệt để các nguyên tắc đào tạo “lấy học viên làm trọng tâm”: Chỉ tập trung vào những nội dung học viên cần, học viên tự tham gia và là trung tâm của các bài giảng (học viên nghiên cứu chủ đề, thảo luận tình huống, trình bày giải pháp, tổ chức các trò chơi và tự đúc rút bài học và thuyết trình trước lớp…). 100% giờ học, học viên đều có trách nhiệm hợp tác và làm việc theo nhóm, các hoạt động khiến họ gần gũi và cảm thấy cần hợp tác tích cực để đạt điểm cao. Trong khi đó, giảng viên linh hoạt điều khiển lớp học để khuyến khích toàn bộ học viên tham gia bài giảng…

Sau 4 ngày đào tạo, đa số ý kiến học viên đều cảm thấy tiếc nuối vì thời gian trôi quá nhanh, muốn đề xuất tăng thời lượng cho chương trình, đặc biệt là với nội dung kỹ năng và văn hóa Viettel.

“Lúc có tên trong danh sách đi học, mình ngại lắm vì công việc tại đơn vị quá nhiều, nhưng bây giờ được đi học rồi thì chỉ muốn được kéo dài chương trình học, có thêm thời gian chia sẻ, học hỏi từ giảng viên và với mọi người trong lớp”, đồng chí Đặng Anh Quang-một học viên đến từ Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel chia sẻ.

Bài và ảnh: NGUYỄN QUANG HUY