Chúng tôi gặp Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đoàn Thanh Bình vào một buổi chiều muộn tại Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội. Ngoài trời đã tắt bóng nắng nhưng cô trò vẫn say sưa đàn hát và tập diễn các trích đoạn của vở chèo “Quan Âm Thị Kính”. Không chỉ hướng dẫn bằng lý thuyết, nghệ sĩ ngoài 70 tuổi này còn trực tiếp hát, múa, thực hiện động tác mẫu cho các em làm theo. Hơn một năm qua, kể từ khi thành lập Giáo phường Đình làng Việt, NSƯT Đoàn Thanh Bình dường như cũng bận rộn hơn với lịch tập luyện cho các học trò của mình như vậy và còn đưa các em đi biểu diễn ở rất nhiều đình làng. Hiện bà đảm nhiệm vai trò Quản giáp của giáo phường, vừa là chuyên gia cố vấn và trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy các môn nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ ở đây.

Giáo phường Đình làng Việt ra đời nhằm mục đích tạo sân chơi cho những người yêu nghệ thuật để cùng nhau tuyên truyền, quảng bá, đưa chèo và một số loại hình nghệ thuật diễn xướng trở về với sân đình, làm cho nghệ thuật gần hơn với cuộc sống nhân dân. Cùng với đó, giáo phường còn đào tạo, nâng cao kỹ năng biểu diễn nghệ thuật cho các nghệ sĩ trẻ để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Định kỳ hằng tháng, sân đình Hạ Hiệp trở thành nơi trình diễn nghệ thuật của các thành viên giáo phường, trong đó có những nghệ sĩ gạo cội của nước ta về chèo, ca trù, hát xẩm… và cả những học sinh, sinh viên chuyên ngành Chèo Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội. Ngoài ra, giáo phường còn có nhiều thành viên ở TP Hải Phòng, Nam Định tham gia rất nhiệt tình như: Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thu Hằng, Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh, Nghệ nhân dân gian Hoàng Khoa, Nghệ nhân Mai Thiện, nhạc công Lại Hồng Toan... Hầu như các nghệ sĩ, thành viên giáo phường đều tham gia với tinh thần tự nguyện, không có thù lao bồi dưỡng như ở nhiều sân khấu khác. Với họ, sự hưởng ứng nồng nhiệt của người dân chính là thù lao giá trị nhất để họ gắn bó và ngày càng thăng hoa hơn với nghệ thuật.

leftcenterrightdel
NSƯT Đoàn Thanh Bình và các thành viên biểu diễn trong Lễ kỷ niệm một năm thành lập Giáo phường Đình làng Việt tại phố cổ ngày 24-12-2017.

Là người chơi đàn nhị của Nhà hát Chèo Nam Định nhưng anh Lại Hồng Toan ít khi vắng mặt trong các sự kiện của Giáo phường Đình làng Việt tại Hà Nội. Anh chia sẻ: “Tham gia các hoạt động của giáo phường từ ngày đầu thành lập đến nay, tôi thực sự cảm thấy rất ý nghĩa. Đến đây, tôi được làm việc với nhiều nghệ sĩ mẫu mực, không quản tuổi tác vẫn hết lòng vì nghệ thuật dân gian như NSƯT Đoàn Thanh Bình và chồng bà-NSƯT Vũ Ngọc... Chương trình biểu diễn nghệ thuật của giáo phường cũng khá bài bản và mang tính chuyên nghiệp cao nên các nghệ sĩ trẻ có cơ hội rèn giũa về chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm xử lý sân khấu… Mỗi lần đi biểu diễn tại các đình làng, người xem ngồi kín tứ phía, chúng tôi cũng thấy phấn khởi vì đã góp phần giúp người dân hiểu hơn, yêu quý hơn loại hình nghệ thuật của dân tộc”.

Thời gian qua, giáo phường đã phối hợp tổ chức chương trình Tết Việt, tổ chức nhiều chiếu chèo sân đình đậm đà bản sắc dân tộc tại các đình làng cổ ở Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Bắc Giang, Quảng Ninh, TP Hải Phòng, trong đó có một số lễ hội lớn của địa phương như: Lễ hội đền Bình Đà (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), Lễ hội Xuống đồng của thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh)... Hầu như ở đâu giáo phường cũng để lại ấn tượng tốt trong lòng người xem. Chiều chủ nhật vừa qua (24-12), đúng dịp kỷ niệm một năm tuổi, Giáo phường Đình làng Việt đã đem đến cho khán giả tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm) một chương trình diễn xướng đặc biệt với tất cả những tinh hoa nghệ thuật chèo, ca trù, hát cửa đình, hát xẩm, múa bỏ bộ… Tiếng hát của các nghệ nhân hòa cùng tiếng đàn nhị, phách, trống... đã làm sống động một không gian phố cổ-nơi trước đây từng là rạp hát chèo đầu tiên của Hà Nội, cũng là nơi hoạt động nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ chèo nổi tiếng của nước ta như: NSND Cả Tam, NSND Tư Liên… Việc tổ chức trình diễn nghệ thuật tại đây thật là ý nghĩa, như một hình thức để nối dài truyền thống nghệ thuật dân gian. NSƯT Đoàn Thanh Bình tâm sự: “Mỗi lần đưa các em đi thực tế biểu diễn nghệ thuật ở các đình làng hay tại các không gian cổ kính, được người dân cổ vũ, ủng hộ nồng nhiệt, chúng tôi thực sự cảm thấy rất xúc động, như được sống lại với không gian nghệ thuật của các cụ, ông bà ta xưa. Có người còn nói rằng, mấy chục năm nay mới được xem diễn chèo ngoài đời thực mà lại có nhiều nghệ sĩ trẻ trình diễn như vậy thật là quý”.

Năm 2018 đang đến và lịch biểu diễn phục vụ lễ hội mùa xuân của Giáo phường Đình làng Việt đang ngày càng dày lên thực sự là tin vui đối với những ai yêu nghệ thuật dân tộc. Được biết, giáo phường mong muốn sẽ phát triển hoạt động biểu diễn nghệ thuật hát cửa đình, chiếu chèo sân đình trong các lễ hội truyền thống khu vực Bắc Bộ. Để góp phần bảo tồn, lưu truyền nghệ thuật cổ truyền tốt hơn thì việc đào tạo người nghe, người xem cũng là việc rất quan trọng. Do đó, giáo phường hy vọng sẽ đưa chèo đến gần với trẻ em trong các trường học Thủ đô nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung trong một thời gian không xa. 

Bài và ảnh: MINH THÀNH