Cảm hứng từ những giao thoa văn hóa, lịch sử

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển nghệ thuật của Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân-sông Hồng chia sẻ, dự án này lấy cảm hứng từ chính địa thế hết sức đặc trưng, là nơi giao thoa nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử của mảnh đất Thăng Long-Kẻ Chợ.

leftcenterrightdel
Check-in bên tác phẩm “Thuyền” của họa sĩ Vũ Xuân Đông.

Phúc Tân-cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền, chứng kiến bao mùa nước nổi của sông Hồng. Cửa ngõ ấy cũng đã gắn với ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây. “Tuy có vị trí ven sông Hồng lịch sử nhưng bãi Phúc Tân nói riêng cũng như những khu vực chạy dọc ven sông lại chưa được ứng xử như mặt tiền của thành phố giống nhiều nước trên thế giới. Khu vực ven sông từ cách tiếp cận của lịch sử vẫn bị coi là mặt sau của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải. Từ bối cảnh đó, nhóm nghệ sĩ chúng tôi có ý tưởng thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng ngay trên bức tường vốn có tác dụng ngăn sự lấn chiếm của người dân địa phương nơi đây”-họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.

Khởi động từ tháng 6-2019 với việc lên kịch bản, đến đầu năm 2020, những “đứa con tinh thần” của các nghệ sĩ được ra đời. Bên bức tường đã nhuốm màu thời gian ven bờ vở bãi Phúc Tân, tác giả trẻ Cấn Văn An tạo ra một con thuyền chống lũ của người dân vùng lũ sông Hồng với tác phẩm “Phản chiếu song hành”, trên đó gắn 5.000 mảnh gương để phản chiếu hình ảnh cây cầu Long Biên. Vương Văn Thạo với “Lịch sử vỡ” sắp đặt 36 đĩa gốm đường kính 30cm để tương tác với câu chuyện về ngôi làng cổ ven sông-làng gốm Bát Tràng. Còn Vũ Xuân Đông thì gợi nhớ về một bến sông tấp nập buôn bán xưa kia qua hình ảnh những cánh buồm và những con sóng lô nhô trong tác phẩm “Thuyền” được làm từ vỏ chai nhựa, vỏ chai dầu nhớt kết hợp với khung sắt...

Song hành cùng các tác phẩm được gợi nguồn cảm hứng từ những câu chuyện bên dòng sông mẹ là nhiều tác phẩm in dấu dòng chảy của văn hóa lịch sử chốn kinh kỳ-Kẻ Chợ. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế với “Bức tường danh vọng” gợi nhắc ký ức về những cánh cửa của các căn nhà Tây bị biến mất trong quá trình phát triển đô thị. Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn ngoài kể chuyện về người gánh hàng rong, những người lao động đã từng tụ tập tại bến sông này, anh còn có hai bức phù điêu phiên bản phục dựng lại của bức “Ngư nghiệp và nông nghiệp”. Tác giả Phạm Khắc Quang gửi gắm niềm luyến lưu với Hà Nội qua việc tái hiện hình ảnh của hai toa tàu điện, ở đó phảng phất hình bóng của những nghệ nhân hát xẩm và phố phường Hà Nội xưa…

Tác phẩm của hai họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lam và Nguyễn Đức Phương đi theo mạch nguồn di sản văn hóa truyền thống nhưng thể hiện một cách nhìn độc đáo, tươi mới. Nguyễn Xuân Lam đã đưa di sản tranh Hàng Trống vào tác phẩm của mình, kết hợp cùng tạo hình của những thanh tò he theo hình thức sắp đặt 3D gần gũi với đời sống. Nguyễn Đức Phương tái hiện nền móng của một ngôi chùa thế kỷ 16 đã bị biến mất từ sự kết hợp của bụi thành phố với phù sa của sông Hồng và các mảnh sành được thu lượm từ dưới đáy sông.

Gửi gắm thông điệp sống xanh

Trải dài trên những bức tường còn sót lại kéo dài gần 200m, 16 tác phẩm sắp đặt của 16 nghệ sĩ đã làm cho khu vực ven bờ sông Hồng trở nên sinh động. Phần lớn trong số 16 tác phẩm ở dự án lần này đều được các nghệ sĩ sử dụng những vật liệu phế thải làm nguyên liệu chính để tái tạo ra. Câu chuyện về rác thải, bảo vệ môi trường cũng là những lời thầm thì mà không ít tác giả muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình.

“Nhà nổi” của Lê Đăng Ninh được làm bằng thùng phuy sắt, alu gương và đèn LED như một cuộc đối thoại thú vị với những người nhập cư sống lênh đênh trên “du thuyền”. Cũng từ những chiếc thùng phuy sắt cũ và đèn LED, nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm tạo nên một thành phố ven sông bằng nghệ thuật với những viễn cảnh về sự phát triển của đô thị. Trịnh Minh Tiến sử dụng các vành bánh xe máy, xe đạp cũ kết hợp với nhựa màu tái chế và kỹ thuật vẽ bằng súng phun sơn tạo nên một tác phẩm sắp đặt lấy cảm hứng từ giao thông trong đô thị. Nghệ sĩ Ưu Đàm chọn vật liệu tái chế để tạo nên tác phẩm sắp đặt diễn tả trận chiến cho một cuộc sống xanh. Bằng việc thu thập, phân loại và tái chế các nắp chai nhựa, Nguyễn Hoài Giang lại tạo ra các viên gạch nhựa màu hình vuông, sau đó tạo hình thành tác phẩm chuyển tải thông điệp về bảo vệ môi trường.

Hai họa sĩ nước ngoài tham gia dự án này cũng chọn những “thứ bỏ đi” để làm nguyên liệu cho tác phẩm. Diego Cortiza-một kiến trúc sư, nhà thiết kế người Tây Ban Nha gắn bó với Hà Nội gần 25 năm đã thu nhặt những bu gà bỏ đi ở chợ Long Biên để sơn màu, biến chúng thành những lồng đèn nhiều màu sắc chiếu sáng vào con rồng được vẽ trên tường kết hợp xếp gương vỡ thành hình cầu Long Biên. Ngoài ra, anh còn thiết kế một dãy ghế sắt tái chế từ những khung cửa sổ sắt cũ để thành nơi nghỉ chân cho du khách và người dân. Còn Goerge Burchett-nghệ sĩ người Australia với tác phẩm “Con voi vàng” và “Sống xanh” cũng gửi gắm tới mọi người thông điệp “Làm cho Hà Nội sạch và xanh, con người hòa mình cùng thiên nhiên”.

Họa sĩ Vũ Xuân Đông chia sẻ, khi cùng các nghệ sĩ tham gia đề án, anh đã xác định sử dụng vật liệu phế thải làm “nguyên liệu” cho tác phẩm. Một điều rất thú vị là khi thực hiện chương trình thu gom chai nhựa, anh đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của nhiều trường học trên địa bàn thành phố và sự góp sức của chính những người dân ở Phúc Tân. “Tác phẩm không chỉ chuyển tải câu chuyện lịch sử của vùng đất này mà còn chuyển tải những thông điệp về bảo vệ môi trường”-họa sĩ Vũ Xuân Đông bày tỏ.

Hứa hẹn một điểm đến thú vị

Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân thuộc Dự án cải tạo bức tường bảo vệ hành lang bờ vở sông Hồng của phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Nơi đây từng là điểm “nóng” của những cuộc lấn chiếm đất đai, đổ rác thải gây ô nhiễm môi trường. Cũng từ mong muốn phát huy lợi thế của một không gian đẹp ven sông, tạo dựng cảnh quan thân thiện, chống lấn chiếm bờ vở, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường cho nhân dân và du khách… mà quận Hoàn Kiếm nhờ đến nhóm nghệ sĩ tìm lời giải.

Bà Nguyễn Thị Tám, Tổ trưởng Tổ dân phố số 11, phường Phúc Tân cho biết, trước khi Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân-sông Hồng được triển khai, phường đã tổ chức hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo quận và các nghệ sĩ để thông tin về dự án, xin ý kiến nhân dân. Người dân đều phấn khởi bởi họ rất mong muốn dự án sẽ góp phần cải thiện môi trường khu vực ven sông.

leftcenterrightdel
Họa sĩ Nguyễn Xuân Lam đang hoàn tất tác phẩm “Phúc Tân Gang”.

Đến nay, khi những tác phẩm đã cơ bản hoàn tất, đoạn đường bờ vở ngày nào đã thay đổi hẳn. “Trước đây rác nhiều lắm, nhưng giờ đã hạn chế hơn rất nhiều, nhiều du khách trong và ngoài nước đã tìm đến tham quan dự án. Người dân trong phường thì rỉ tai nhau “ra mà xem bờ sông, họ làm đẹp lắm!”-bà Vũ Thanh Giang, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi phường Phúc Tân chia sẻ.

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: “Với thiết kế có thể mang tới hiệu quả cả ban ngày cũng như hiệu ứng ánh sáng ban đêm, hy vọng dự án này sẽ là một điểm nhấn tiếp theo của thành phố, có khả năng thu hút người dân và khách tham quan du lịch, mang lại lợi ích về văn hóa cho địa phương”. Để phát huy được lợi thế của không gian văn hóa nghệ thuật mới này, biến nơi đây thành một điểm đến thú vị của Thủ đô thì việc cải tạo con đường, tăng cường công tác vệ sinh, môi trường, an ninh trật tự… là những việc hết sức cần thiết. Đây cũng chính là mong muốn của các nghệ sĩ tham gia dự án và cả người dân nơi đây.

Bài và ảnh: GIA PHÚ