Tôi không đồng tình với những người trong lúc nước sôi lửa bỏng chống dịch lại “vạch lá tìm sâu”, thậm chí còn xuyên tạc, dựng chuyện làm cho việc chống dịch đã khó càng lâm vào tình trạng rối rắm hơn. Lúc bấy giờ tốt nhất là chia sẻ, chia sẻ tối đa khả năng chia sẻ của mỗi người và của cả cộng đồng. Chí ít cũng ngồi yên tại nhà, đừng làm khó những người đang trên tuyến đầu chống dịch. Dù có hạ nhiệt, song dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Nhìn lại những việc đã làm, những bất cập cần khắc phục kịp thời, thiết nghĩ là việc làm cần thiết. Điều cấp thiết là phải chấm dứt ngay tình trạng “rút cái sợi dây kinh nghiệm” dài lê thê làm suy giảm trầm trọng niềm tin của nhân dân vào cán bộ.
Văn hóa Việt Nam có câu: “Trên kính dưới nhường”, “Có dung kẻ dưới mới là lượng trên”. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là bao che, dung túng cho những sai lầm, khuyết điểm của cấp dưới. Như vậy chỉ làm hỏng cấp dưới và không loại trừ làm hỏng chính bản thân mình. Không sâu sát, không nắm được cấp dưới làm việc như thế nào, làm sao hoàn thành chức trách người đứng đầu?
Gần đây, việc kiểm tra một cách gắt gao tình hình chống dịch tại tỉnh Kiên Giang của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được dư luận đặc biệt quan tâm. Chúng tôi thực sự chia sẻ với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khi bị truy hỏi như vậy thì lúng túng thật. Tuy nhiên, nếu nắm chắc tình hình, theo sát diễn biến của dịch bệnh thì có lúng túng ban đầu rồi cũng trả lời được vì những câu hỏi ấy chỉ tập trung vào vấn đề nhất thiết người đứng đầu phải nắm được. Với Thủ tướng Chính phủ, nói đơn giản, dễ hiểu, dễ triển khai là quan trọng bậc nhất trong thực hiện nhiệm vụ chống dịch, nhất là trong tình huống “đang xanh bỗng đỏ quạch” ở Kiên Giang.
Bản thân người đứng đầu Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Áo ướt đẫm mồ hôi, ông đến tận cơ sở, kiểm tra, nhắc nhở, động viên, khích lệ anh chị em trên tuyến đầu chống dịch. Tại đây, ông kiểm tra đường dây nóng xem có “nóng” thật không? Nếu “nóng thật” thì dân gọi phải có người nghe 24/7! Rồi khi bay ra Hà Nội, ông lại kiểm tra phường Thanh Xuân Trung theo cách không báo trước. Và ở đó, “lỗ hổng” người đứng đầu đã được kịp thời khắc phục.
Cách làm việc như vậy không chỉ khẳng định quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ khi phát lệnh “Sức khỏe và tính mạng của nhân dân trước hết, trên hết!” không phải là khẩu hiệu mà là quyết tâm chiến lược thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân! Nó gửi đi thông điệp cho tất cả những người đứng trong bộ máy của Nhà nước (dù ở cấp nào) và toàn thể nhân dân rằng: Không thể chấp nhận thái độ thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm, yếu kém trong phòng, chống dịch khi dịch bệnh đang trong tình huống hết sức "nóng"! Đồng thời cũng gửi đi thông điệp cần chấm dứt ngay tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn tồn tại lâu nay như một vật cản con đường phát triển của đất nước.
Một vài vấn đề chúng tôi đề cập trên trong điều kiện “chống dịch như chống giặc” giúp chúng ta dễ nhận thấy những bệnh đang ẩn náu trong nhiều cán bộ các cấp và đương nhiên sẽ là những khối u nguy hiểm đang chờ phát tác trong cơ thể của bộ máy nhà nước. Những kiểu đề bạt, bổ nhiệm theo “công thức 4 ệ” bất chấp cả việc bóp méo quy trình, “đẽo chân cho vừa giày”; rồi luân chuyển, cất nhắc cả những cán bộ đang có khuyết điểm, yếu kém ở nơi này đến nơi kia; rồi mất dân chủ, mất đoàn kết, biểu hiện lợi ích nhóm, trù dập... vẫn còn diễn ra nơi này, nơi nọ mặc cho Đảng đã ban hành không ít nghị quyết, chỉ thị, quy định về trách nhiệm nêu gương, về sàng lọc đảng viên, về cấm chạy chức, chạy quyền... Xử lý tham nhũng không có vùng cấm đang được thực hiện một cách nghiêm cẩn và mạnh mẽ, nhưng tiêu cực dường như vẫn chưa giảm được là bao. Những tồn tại như vậy không chỉ trong chống dịch mà ngay trong phát triển kinh tế-xã hội cũng không được phép tồn tại nếu muốn thực hiện mục tiêu phát triển như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Những thách thức trong chống dịch cũng như chống tụt hậu của đất nước đang đặt ra nhiều vấn đề lớn trong công tác cán bộ. Không những phải chấm dứt ngay những tồn tại, yếu kém cũ mà còn phải triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp mới, nâng cao năng lực thích ứng của cán bộ trong tình hình mới. Thích ứng không phải là thuật ngữ thời thượng mà là thuật ngữ chỉ đúng yêu cầu có tính thời đại, thời cuộc khi mà thiên tai, nhân tai đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới với diễn biến phức tạp, khó lường. Thích ứng với khí hậu cực đoan, thích ứng với đại dịch Covid-19 đang là yêu cầu bức thiết đối với mọi quốc gia, với mọi thành viên xã hội, đặc biệt là người có chức, có quyền.
Những cái đúng của ngày hôm qua chưa chắc đã đúng với hôm nay! Có cần nhìn lại việc giãn cách xã hội trong thời gian qua hay không? Phong tỏa để làm gì, phong tỏa như thế nào cho phù hợp? Vừa chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh có nên để doanh nghiệp chủ động có kiểm soát hay vẫn duy trì “3 tại chỗ”?... Hàng loạt vấn đề mà các bộ, các ngành, cấc cấp, các địa phương phải vào cuộc đồng bộ, không cát cứ, cục bộ mới có thể giải quyết được. Phải chăng “Những việc cần làm ngay” thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cần cho sống lại!
Cuộc sống và những yêu cầu của nó gõ cửa hằng ngày, hằng giờ, không dung nạp cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” càng không dung nạp người đứng đầu “quan một cũng ừ, quan tư cũng gật”. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, quy trách nhiệm người đứng đầu về mọi vấn đề thuộc thẩm quyền đã được nhắc đến nhiều, lần này cần thực thi trong thực tiễn mạnh mẽ hơn, rõ nét hơn.
Vấn đề đặt ra cho cán bộ lúc này không chỉ là toàn tâm, toàn lực cho công việc mà còn là dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo và dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Không thể “ngậm miệng ăn tiền” hoặc “mồm miệng đỡ chân tay”. Cũng không thể đùn đẩy trách nhiệm, tranh công đổ lỗi hoặc “nằm im chờ thời” tránh khuyết điểm! Thích ứng an toàn với dịch bệnh đòi hỏi cán bộ phải hành động quyết đoán và sáng tạo. Không lao vào thực tiễn, không lắng nghe ý kiến chuyên gia thì vừa không có lý luận lại không có cả thực tiễn, làm sao có thể thích ứng được!
Làm việc theo kiểu hô khẩu hiệu “quyết tâm, tăng cường” đã lỗi thời rồi! Ngay cả khi đã có luật, có chỉ thị, nghị quyết cũng không thể hô hào suông được. Luật, nghị quyết muốn vào cuộc sống phải có nhân tố con người. Cán bộ và sự vận hành của bộ máy nhà nước là nhân tố vô cùng quan trọng. Những vấn đề đã nói phải làm ngay, không để kéo dài tình trạng “nói không đi đôi với làm”. Không để những kẻ phá hoại, cơ hội có lỗ hổng để rêu rao mãi luận điệu “không nghe cộng sản nói, hãy xem cộng sản làm”! Đã đến lúc phải làm trong sạch bộ máy công quyền, tạo môi trường tốt nhất cho cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm có “đất dụng võ”, thể hiện tài năng, nhiệt huyết vì một Việt Nam hùng cường. Bộ máy nhà nước phải là bộ máy tinh gọn, vận hành đồng bộ, có hiệu quả, thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Vị thế của đất nước ta, thực lực của đất nước ta hiện nay và tài sản vô giá là truyền thống làm nên những điều thần kỳ của nhân dân ta, dân tộc ta phải được phát huy tốt nhất để thích nghi an toàn với dịch bệnh. Và không chỉ loay hoay với dịch bệnh mà còn tiếp tục đà phát triển ngoạn mục của thời kỳ đổi mới, xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, để nhân dân được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc, đất nước nhịp bước phát triển cùng cộng đồng quốc tế!
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC