Ông Trần Quang Anh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hội cho biết: Địa danh Tổng Gối nay chỉ còn trong ký ức, nhưng người dân quê hương Tân Hội ngày nay ai cũng tự hào vì có điệu hát chèo tàu Tổng Gối xưa đang được gìn giữ và phát huy. Chèo tàu ở Tổng Gối có từ bao giờ? Chỉ biết, ngày xưa, hội chèo tàu 20 năm mới tổ chức một lần, diễn ra liên tục trong 7 ngày 7 đêm, vào dịp rằm tháng Giêng tại miếu Voi Phục và lăng Văn Sơn, thu hút rất nhiều người dân khắp xứ Đoài đến xem. Một thời gian dài từ năm 1922 đến 1998, môn chèo tàu bị quên lãng. Đến năm 1999, bộ môn nghệ thuật độc đáo này được khôi phục. Gần 20 năm nay, Hội hát chèo tàu đã được tổ chức hằng năm tại địa phương trong ba ngày, từ 14 đến 16 tháng Giêng.
Hội có ba phần, đầu tiên là thỉnh đức thánh bằng những bài hát thờ thần, sau đó là 7 bài chèo tàu trên thuyền rồng (vừa chèo vừa hát), cuối cùng là hát giao duyên: Tháng Giêng đóng đám ngoài đình, trong dư năm tỉnh nức lòng người xem/ Tưởng cờ trong kiệu đôi bên/ Giữa thì tàu hát hai bên thuyền đôi voi...
Theo các nghệ nhân, từ cách diễn xướng đến hát chèo tàu của đất Tổng Gối nay vẫn giữ được cốt cách như xưa. Chèo tàu còn có tên khác là hát chèo tượng vì người diễn xướng thường phải đóng những con voi và thuyền lớn bằng gỗ. Họ được phân vai chúa tàu, cái tàu (người chỉ huy), quản tượng… và hát theo những làn điệu dân ca cổ. Vai chúa tàu thường do người từ 50 đến 55 tuổi có gương mặt đẹp, giọng hát hay, lại phải có tư cách đảm nhiệm. Con tàu có 10 em, tuổi từ 13 đến 16, đứng thành hai hàng dọc trong lòng tàu, tay cầm mái chèo đưa con tàu (bơi cạn) vòng quanh sân đình. Đồng thời, có hai con voi luôn đứng hai bên tàu để bảo vệ. Nét độc đáo của lối diễn xướng chèo tàu chính là từ chúa tàu, ca nhi, cái tàu, quản tượng đều là nữ.
Nghệ nhân dân gian Đông Sinh Nhật là người đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về môn hát chèo tàu. Ông cho biết, có người cho rằng trong các cuộc hành quân, Hai Bà Trưng thường cưỡi voi đi đầu đoàn quân trên bộ, dưới sông quân ngồi trên thuyền. Khi truy đuổi giặc, Hai Bà Trưng cùng đoàn quân thủy bộ kéo qua địa phận Tổng Gối. Để nhớ công ơn Hai Bà Trưng cùng quân khởi nghĩa, người Tổng Gối mở hội tế lễ, hát múa diễn lại cảnh hành quân giết giặc, vì thế, hát chèo tàu mới có mô hình con tàu (thuyền), voi (tượng) và con hát phải là phụ nữ. Giả thuyết khác là vào đầu thế kỷ 15, ở Tân Hội có một chàng trai hiếu nghĩa, học giỏi tên là Văn Dĩ Thành. Một hôm đi học về qua cánh đồng làng, bỗng dưng thấy mây cuồn cuộn, trời đổ cơn mưa, bỗng chốc một gò đất mới nổi lên rồi Văn Dĩ Thành hóa tại nơi đây. Từ khi Văn Dĩ Thành hóa, trong làng không còn dịch bệnh, người dân sống an lành, hạnh phúc. Để tưởng nhớ Văn Dĩ Thành, dân làng tôn ông là Thành hoàng làng, đồng thời mở hội múa hát chèo tàu để tế lễ, cầu mong ông phù hộ giúp mùa màng tươi tốt, nhà nhà sung túc, mạnh khỏe. Nghệ nhân dân gian Đông Sinh Nhật nghiêng về giả thuyết thứ hai bởi nhiều câu ca trong các làn điệu chèo tàu nói lên điều đó như: Trùng quang kế tự đời Trần/ Một đình một miếu bốn dân phụng thờ/ Anh linh bảo hộ từ xưa/ Dân khang vật thịnh đội nhờ Thánh Công. Và, Mừng nay gặp cảnh thanh bình/ Bốn dân định hội đóng dinh chèo tàu (hát trên thuyền rồng).
NGUYỄN ĐÌNH PHƯỢNG