Tạm bớt bao nhiêu điều quan trọng

Một nhà xã hội học người Nga từng nói: “Một công chức hạnh phúc là một công chức sáng sáng muốn tới cơ quan và chiều chiều muốn trở về nhà”. Tôi là một viên chức, đang thuộc biên chế của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Tôi vừa làm công tác nghiên cứu, vừa làm công tác giảng dạy. Hơn thế, tôi còn hoạt động tích cực trong lĩnh vực truyền thông-báo chí. Tuân thủ quyết định trên, tôi đã phải tự cách ly, đồng nghĩa với việc bớt đi rất nhiều hoạt động thường nhật: Dừng đến công sở, ngừng việc giảng dạy và đào tạo, bỏ các cuộc tiếp xúc, trao đổi… Toàn những “cái bớt” vô cùng cần thiết với một người như tôi.

Đã phải ở nhà liên tục một tuần theo yêu cầu “đóng cửa cơ quan” từ ngày 8 đến 15-3-2020 của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, bây giờ lại “ngồi yên tại nhà” 15 ngày nữa, tôi đã rơi vào tình thế khó xử vô cùng. Biết “ăn làm sao, nói làm sao, tác nghiệp làm sao” bây giờ? Tôi vốn dĩ chưa quen với việc nghỉ ngơi, lại càng chưa quen với việc “chơi” dài dài. Nhưng sức khỏe của mỗi người, của toàn cộng đồng là vô cùng hệ trọng. Vì vậy, tôi cũng như mọi người, phải có trách nhiệm tuân thủ: Ở nhà làm việc công và việc riêng.

leftcenterrightdel
PGS, TS Phạm Văn Tình tại  Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 8-2005. Ảnh chụp lại.

Cố “tìm trong yên lặng” những điều tiềm tàng đang có và cả những điều mới lạ nảy sinh trong cuộc sống bất bình thường hôm nay. Và một niềm vui bất ngờ khi tôi tiến hành “lục tìm trong sách báo” (câu nói của C.Mác), công việc mà thường ngày bận rộn tôi không thể làm được, đã tìm thấy một tấm ảnh quý bị thất lạc bấy lâu nay. Tấm ảnh ấy phải nói là đặc biệt và ý nghĩa với tôi. Đặc biệt vì tôi chụp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 8-2005) là lần đầu tiên, duy nhất cho đến nay tôi được dự. Bao nhiêu năm tôi tìm bức ảnh này vì không biết nó nằm ở đâu trong đống sách vở và tài liệu mênh mông kia. Thế mà trong thời gian ở nhà chống dịch, một ngày mưa gió, ngập chìm trong đống giấy tờ đang được gỡ ra xếp vào giá sách, tôi bỗng thấy bức ảnh kỷ niệm đáng quý ấy.

Cô sinh viên và đề tài “trên trời rơi xuống”

Cũng may, trong những “cái bớt” cần bớt, tôi lại phát hiện ra cho mình nhiều “cái thêm” bất ngờ và thú vị.

Có khá nhiều sinh viên Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (nơi tôi đang giảng dạy) đang học năm cuối cùng, vào mùa khóa luận. Đa số họ đã chuẩn bị xong đề tài (từ trước Tết). Chỉ có một cô sinh viên (không hiểu vì lý do gì) mà đến đầu tháng 3 vẫn chưa thông qua đề tài. Đùng một cái, virus Corona chủng mới xuất hiện làm đảo lộn thế giới, đảo lộn luôn kế hoạch làm việc của hai thầy trò chúng tôi. Tôi phải hủy bỏ nhiều cuộc gặp với cô sinh viên (thực sự thiết tha với Ngôn ngữ học). Với điều kiện bây giờ, làm việc qua email, Messenger, Zalo… thật đơn giản và hiệu quả chẳng kém gì với việc “mặt đối mặt”. Nhưng khổ một nỗi, có rất nhiều vấn đề cần thực mục sở thị, như phải nhận bản phô tô tài liệu, phải trao đi đổi lại trên ngữ liệu cụ thể, phải ký mọi giấy tờ, thủ tục… Không gặp trực tiếp không được. Thời gian cứ trôi, việc chọn đề tài cứ giậm chân tại chỗ.

Bỗng nhiên, cô sinh viên nọ đọc bài tôi viết trên báo (và trên Facebook), phát hiện ra những từ mới tôi đang bàn rất là “thời sự”. Nào là “Corona-từ vương miện hóa ra thảm họa”; nào là “Nhân chuyện viết tắt từ Covid”; nào là “toang” hay “dương tính, cả thế giới đang lo”… Cô đề nghị tôi hướng dẫn em đề tài về “Từ mới tiếng Việt hôm nay”. Quả là một ý kiến mang tính phát hiện cao mà tôi không ngờ tới. Tôi đã từng có tư liệu về các từ mới “nội sinh” và “ngoại sinh” trong tiếng Việt những năm gần đây (như: Soái ca, chém gió, thảo mai, phượt, năm ăn năm thua, nóng và nguội,

hooligan, game thủ, chat chit, check-in, check-out…). Bây giờ, khi đang dịch Covid-19 lại có khá nhiều từ mới ra lò… Ôi, đề tài kia cứ như “trên trời rơi xuống” vậy. Chính đại dịch đã gỡ bí cho thầy trò chúng tôi “một bàn thua trông thấy”.

Tránh dịch, họ “xích lại gần nhau”

leftcenterrightdel
Đường phố Hà Nội yên ắng những ngày cách ly xã hội. Ảnh: MINH THÀNH  

Có một thống kê vui được lan truyền trên mạng xã hội rằng trong ngày đầu tiên Thủ đô Hà Nội thực hiện quy định cách ly xã hội (social distancing) phải ở nhà, toàn thành phố đã có: Trộm cắp: 0 vụ. Vượt đèn đỏ: 0 vụ. Tai nạn giao thông: 0 vụ. Đánh nhau: 0 vụ. Vợ chồng cãi nhau: 3.800 vụ. Rất hài hước. Đúng là việc “cả nước đứng yên”, “ai ở đâu nguyên đấy” là chuyện chưa từng có. Đất nước đúng là đang bước vào cuộc chiến sinh tử. Mỗi gia đình cũng đứng trước một thử thách. Có những cái bình thường bị khuất lấp, giờ đây có cơ hội nảy sinh mà chính ta cũng thấy bất ngờ.

Dân khoa học xã hội chúng tôi vẫn bị mọi người gán cho là “khoa học xả hơi” cũng có nhiều chuyện đáng nói. Nó liên quan tới đặc thù công việc và cuộc sống gia đình.

Có một nhà triết học (không muốn nêu tên) mà tôi chơi khá thân. Anh thông minh, giỏi giang, đầy nhiệt huyết. Nhưng không hiểu sao anh có lúc cực đoan tới mức hơi gàn. Cuộc sống vợ chồng anh cũng vì thế mà nhiều lúc chẳng “xuôi chèo mát mái”. Họ chưa đến nỗi “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” nhưng từ khi cậu con trai duy nhất lấy vợ sinh con, chị vợ đã lấy cớ “đi làm ô sin” rồi ở luôn với gia đình chúng (tại một căn hộ ngoại thành). Chị vốn là giáo viên dạy ngoại ngữ ở một trường đại học, mới nghỉ hưu. Với vốn liếng tiếng Tây Ban Nha (hiện nay là hiếm ở ta), chị được khá nhiều công ty du lịch lữ hành mời làm hướng dẫn viên du lịch. Thế là hai người đã “xa lại càng xa”. Họ họa hoằn mới gặp nhau năm đôi ba lần “chiếu lệ”.

Khi xuất hiện đại dịch Covid-19 vừa rồi, từ tháng 2, mẹ anh ở quê ra chơi và ở luôn cùng anh. Là đàn ông chăm mẹ già khi bản thân anh cũng thuộc diện người đang già, anh gặp nhiều khó khăn trong việc quán xuyến mọi thứ cho cuộc sống thường nhật. Nhân sự kiện cách ly triệt để vừa rồi, anh nhắn cho chị: “Mẹ nó về thăm bà và giúp bố thu xếp chuyện cơm nước mấy ngày nhé!”. Anh cũng chỉ muốn chị giúp anh mấy ngày căng thẳng thôi…

Ấy thế mà mọi chuyện lại diễn ra theo một “kịch bản” mà cả anh và chị khó có thể hình dung.

Khi biết mẹ chồng ốm vì một căn bệnh “tan máu” khá hiếm, chị tức tốc liên hệ với một bác sĩ chuyên khoa (mới quen trong một chuyến du lịch) đến tận nhà thăm khám. Rồi chị lo lắng chăm chút cho bà yên tâm “tin vào cuộc sống, sống vui, sống khỏe”. Là giáo viên, chị có tài nói chuyện, vừa tâm lý, vừa dí dỏm. Bà mẹ chồng ở quê ít ra, lần đầu chứng kiến và hiểu hơn tính nết cô con dâu thành thị mà rất chi quen thuộc với cuộc sống nhà nông. Và điều đáng nói là qua công việc, chị thêm hiểu anh và có trách nhiệm với anh hơn. Chị bớt đi định kiến cái môn Triết học “chết hóc” của anh. Anh đang phối hợp với các đồng nghiệp Cuba làm một đề tài về “Cách mạng 4.0 và sự thích nghi của Việt Nam và Cuba”. Thật may, những tài liệu tiếng Tây Ban Nha mà anh đang “đánh vật” đã được chị hỗ trợ rất tích cực. Trước đây, sách vở chủ yếu là tiếng Anh, tiếng Nga thì chị “kính nhi viễn chi”. Vợ chồng tự nhiên xoay trần với đống tài liệu, có nhiều lúc cãi nhau ra trò. Nhưng sự tranh luận học thuật này chỉ làm cho họ hiểu nhau, thông cảm với nhau hơn. Anh cũng vì thế mà khâm phục chị, thương chị hơn. Nhờ vậy, họ vượt qua những khúc mắc, định kiến hồi nào. Anh đùa: “Vợ chồng nhiều khi là sự thống nhất trong một cặp đối lập mà!”.

Tôi thật mừng cho anh chị khi biết chiều qua chị vào Zalo gọi cho con trai, nói “vợ chồng con sắp tới tạm lo liệu việc nhà sao cho ổn, mẹ sẽ ở nhà bên này khá lâu để chăm bà và giúp bố con một số việc cần thiết”. Không khí của một gia đình ấm cúng đang trở lại với hai nhà trí thức. Hỏi còn gì vui hơn?

Chỉ mấy “cái thêm” hết sức tình cờ như thế, tôi đã có thêm nhiều niềm vui nho nhỏ trong những ngày góp sức cùng “toàn dân đánh giặc Covid-19” đang vào giai đoạn quyết liệt nhất.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH