Cũng trong năm 2019, Tập đoàn Viettel được vinh danh tại 10 hạng mục của Giải thưởng Kinh doanh Quốc tế 2019 (International Business Awards - IBA Stevie Awards). Đây là số lượng giải thưởng nhiều nhất mà một doanh nghiệp Việt Nam có được tại IBA Stevie Awards từ trước đến nay.

“Năm đặc biệt” ấy là thành tựu của những nỗ lực, những sáng tạo không ngừng nghỉ của mỗi con người Viettel. Trong đó, có những “người đặc biệt”.

“Người đặc biệt” ở Myanmar

Sau 8 năm làm việc cho các hãng viễn thông quốc tế tại Singapore và Malaysia, Kuang Htet Lu trở lại quê nhà Myanmar để làm việc. Thêm hai năm “du ngoạn” ở hai nhà mạng trong nước khác, Lu quyết định gắn bó với Mytel (Công ty Viettel Myanmar, Tổng công ty Viettel Global). Chia sẻ về lý do đầu quân cho Mytel, Lu cho biết: Mytel có rất nhiều tiềm năng phát triển ở Myanmar và làm việc ở đây sẽ đem đến nhiều bài học từ những thử thách mới. “Ayeyarwady cũng là quê hương tôi nên tôi muốn được đóng góp cho chính nơi mình sinh ra và lớn lên”, Lu chia sẻ về lý do chọn thành phố nằm trên vùng châu thổ dòng sông Ayeyarwady cùng tên để làm việc.

Bước đi đầu tiên của Lu tại mảnh đất quê hương là: “Đầu tiên, tôi nghiên cứu và đánh giá thực trạng của thị trường viễn thông dựa trên những yếu tố và cách thức khác nhau. Tôi cũng tìm hiểu và phân tích đâu là sự khác nhau giữa Mytel với các đối thủ cạnh tranh. Cùng với đó, tôi tìm kiếm giải pháp để thâm nhập vào thị trường…”.

leftcenterrightdel
Kuang Htet Lu, Phó giám đốc chi nhánh Mytel Ayeyarwady.

Một bộ máy kinh doanh tốt kết hợp với hạ tầng 4G và cáp quang tốt nhất Myanmar đã giúp cho chi nhánh Ayeyarwady của Lu phát triển mạnh mẽ. Hiện tại, sau gần hai năm cung cấp dịch vụ, chi nhánh Mytel Ayeyarwady, nơi Lu đang làm việc, chiếm thị phần số 1 cả về thuê bao di động, thuê bao di động tổ chức, doanh nghiệp và thuê bao Internet cáp quang. Là phó giám đốc chi nhánh đầu tiên người Myanmar của Mytel, kết quả đạt được cho thấy những am hiểu sâu sắc của Lu về các vấn đề kinh doanh viễn thông và đã tìm đúng mảnh đất phù hợp để phát triển.

Trong điều hành, Lu trực tiếp tham gia vào hầu hết các dự án của chi nhánh Ayeyarwady, đặc biệt là kinh doanh. Lập kế hoạch, thâm nhập và giám sát thị trường cũng như theo dõi và kiểm soát hoạt động, giám sát kết quả và những phản hồi từ khách hàng giúp Lu, đồng nghiệp có những thay đổi phù hợp và linh hoạt để có kết quả tốt nhất. Lu và các đồng đội tại Mytel Ayeyarwady chọn cách dùng chính chất lượng trong các sản phẩm, dịch vụ của mình để thuyết phục khách hàng.

Là người Myanmar đầu tiên và duy nhất hiện nay được giao nhiệm vụ Phó giám đốc Kinh doanh chi nhánh tỉnh, Lu cho biết vị trí hiện tại là cơ hội tốt để anh có thể đóng góp cho công ty nhiều hơn. “Không chỉ bản thân mà cả gia đình tôi cũng rất tự hào về điều này”, Lu chia sẻ. Thực tế, Tập đoàn Viettel luôn đặt mục tiêu đưa nhiều người bản địa lên nắm các vị trí quan trọng tại các thị trường nước ngoài ngay khi phát hiện ra các ứng viên. Lu là người Myanmar đầu tiên ở Mytel và sẽ còn có những người khác trong tương lai.

Người thực hiện “điệp vụ bất khả thi”

Viettel là nhà mạng đầu tiên và duy nhất đã triển khai thử nghiệm 5G tại Việt Nam và cũng là nhà mạng đầu tiên và duy nhất hiện nay cung cấp eSIM trên Apple Watch. Cả hai dự án này đều đưa tên viễn thông Việt Nam nằm trong danh sách những nhà mạng đầu tiên triển khai trên thế giới.

Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Trung tâm Chất lượng mạng lưới và Đổi mới công nghệ/VTNet (người vừa được vinh danh là một trong 8 cá nhân xuất sắc nhất toàn cầu của Tập đoàn Viettel tại Viettel’s Stars 2019) cho biết, để chạy đua cho việc ra mắt eSIM đầu tiên trên Apple Watch tại Việt Nam vào ngày 13-12-2019, Viettel phải test trước với Apple hàng tháng trời. Để Viettel được Apple công nhận là có hỗ trợ eSIM thì nhà mạng này phải test trước hàng trăm case và phải hoàn thành việc thử nghiệm giữa tháng 10-2019. “Đây là lý do đội dự án từ nhiều đơn vị trong Viettel phải làm ngày làm đêm, phối hợp cùng lúc với nhiều đối tác ở Mỹ, Israel, Pháp, Hàn Quốc và Singapore. Nếu mình thất bại thì sẽ phải chờ đến lần ra mắt phần mềm (release software) mới. Như thế tức là có thể mất ít nhất 3 tháng, thậm chí là 6 tháng”- Việt Anh cho biết.

Để kịp tiến độ của dự án eSIM cho iPhone và Apple Watch, ba đơn vị có liên quan chính là VTNET, Apple, Viettel Telecom  phải tương tác liên tục, cấp chỉ huy cũng phải họp hàng tuần để đôn đốc, xử lý các vấn đề và tăng tốc việc triển khai. “Trong bối cảnh cả 3 nhà mạng đều chạy đua để ra mắt eSIM đầu tiên thì Viettel có áp lực là không thể đi sau được”, Việt Anh chia sẻ. Và cuối cùng, ngày ra mắt eSIM Viettel trên Apple Watch thành công không phải là quý 1-2020 như Apple dự báo mà vào tháng 12, với một ngày đặc biệt-thứ sáu ngày 13-12-2019.

Việc triển khai hạ tầng thử nghiệm 5G tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là một dự án đặc biệt khác mà Viettel thực hiện. Không như một số nhà mạng khác trên thế giới, 5G của Viettel là triển khai trực tiếp trên các thiết bị đang phục vụ hàng triệu thuê bao 3G, 4G và được nâng cấp lên để hỗ trợ 5G. Khi làm trên chính hạ tầng hiện tại, Viettel phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.  “Ở các nước khác họ có thể đầu tư hẳn một hệ thống mới, hoặc làm theo kiểu mô hình lab thì sẽ không nhiều thách thức như mình. Mình là nâng cấp từ hệ thống đang vận hành, nên với các phần liên quan đến mạng lõi, để không làm gián đoạn dịch vụ của khách hàng thì phải làm đêm, từ 0h đêm đến 5h sáng”- Việt Anh tiết lộ.

leftcenterrightdel
Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Trung tâm Chất lượng mạng lưới và Đổi mới công nghệ/VTNet.

Giải thích thêm thách thức khi triển khai 5G của Viettel, ông Nguyễn Việt Anh cho biết: Quốc gia được coi là đi đầu về 5G như Hàn Quốc cũng mới khai trương mạng 5G hồi tháng 4, thì đầu tháng 5-2019 Viettel đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên. “Bản chất về 5G các quốc gia khác cũng chưa có kinh nghiệm triển khai nhiều. Vì vậy trong quá trình làm nếu có vướng mắc bế tắc thì Viettel và đối tác phải phối hợp trực tiếp, chứ không thể áp thẳng các bài học kinh nghiệm của các quốc gia khác vào trường hợp của Việt Nam”, Nguyễn Việt Anh nhận xét.

Cho tới ngày Viettel thương mại hóa 5G, việc đi song hành cùng thế giới về công nghệ này sẽ còn khiến các kỹ sư của VTNET gặp nhiều thách thức. Thế nhưng, Nguyễn Việt Anh cho biết, bản thân anh và đội ngũ VTNET luôn xác định “càng thách thức sẽ giúp mình học hỏi được nhiều hơn”.

Người “dò đá qua sông”

Không chỉ xa lạ với người dùng, Dịch vụ Giải pháp tích hợp còn là thuật ngữ mới với những người làm tại Tổng công ty CP Công trình Viettel (mã CK: CTR), đơn vị xưa nay được biết đến chủ yếu trong vai trò xây lắp viễn thông. Tuy nhiên, nó lại được coi là chìa khóa để tăng doanh thu cũng như sẵn sàng cho tương lai của CTR khi Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế phát triển trên nhiều lĩnh vực. Phó giám đốc Trung tâm Vận hành Khai thác của CTR - Nguyễn Sinh Dũng cho biết Dịch vụ Giải pháp tích hợp gồm: Tư vấn, thiết kế, kinh doanh, bán các sản phẩm dịch vụ Viễn thông/CNTT, smarthome và năng lượng mặt trời cho cá nhân, hộ gia đình và các doanh nghiệp....

Được giao phụ trách quản lý điều hành một “cột trụ mới” của CTR - Dịch vụ Giải pháp tích hợp năm 2019, anh Dũng cho rằng thách thức lớn nhất trong quá trình quản lý, điều hành “trụ” này chính là thay đổi nhận thức của người làm. Những giải pháp được đưa ra để giúp nhân viên kỹ thuật đơn thuần có thể chuyển sang làm kinh doanh các giải pháp tích hợp trên nền tảng kỹ thuật.

Với một lĩnh vực hoàn toàn mới, ngoài chuẩn bị lực lượng từ các nguồn sẵn có, CTR cũng tiến hành xã hội hóa công tác bán hàng và triển khai thi công. Việc thay đổi tổ chức bộ máy cũng được triển khai để đáp ứng những đòi hỏi mới. Dù có sự chuẩn bị nhưng anh Dũng mô tả việc làm Dịch vụ Giải pháp tích hợp ở CTR chính là hành trình “dò đá qua sông, vừa làm vừa sửa” vì thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, chính nhờ tinh thần này mà nhiều giải pháp sáng tạo đã được đưa ra để giải quyết những vấn đề khó, phát sinh trong quá trình triển khai “trụ” mới.

Trong tâm thế của những người “dò đá qua sông”, anh Dũng và đồng đội vừa phải điều hành, quản lý Dịch vụ Giải pháp tích hợp vừa phải theo kịp mục tiêu chuyển đổi số 90% quy trình nghiệp vụ lõi mà CTR đặt ra trong năm 2019. Chính vì thế, những quy trình của "trụ" này sẽ phải chuyển đổi số khi chưa kịp chứng minh hiệu quả. Việc một ứng dụng hỗ trợ kinh doanh được nâng cấp 6 lần trong 9 tháng phần nào thể hiện điều đó.

leftcenterrightdel
Nguyễn Sinh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Vận hành Khai thác của CTR.

Hiện tại, CTR có ứng dụng AIO để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Dịch vụ Giải pháp tích hợp. “Bước đầu tiên, chúng tôi hội ý và đi thực tế tại tỉnh để xây dựng quy trình hoạt động sau đó mới tiến hành số hóa các khâu trong quy trình. Sau đó, chúng tôi tìm hiểu các phần mềm, ứng dụng tương tự như đang có trên thị trường để học hỏi xem họ đang làm thế nào, có những tính năng gì phù hợp với mình, cái gì cần cải tiến, bổ sung mới để phù hợp hơn. Từ đó, chúng tôi có những bài toán công nghệ thông tin để giải quyết”, anh Dũng nói.

Tính đến hết tháng 12-2019, doanh thu lũy kế của "trụ" này đạt 153/93,4 tỷ đồng, tương đương 163% kế hoạch năm. Kết quả này cho thấy sự thành công trong đường lối phát triển của CTR với Dịch vụ Giải pháp tích hợp. Anh Nguyễn Sinh Dũng cũng lọt vào danh sách 1 trong 8 nhân viên xuất sắc nhất Tập đoàn tại Viettel’s Stars 2019.

NGUYỄN HƯƠNG