Theo huyền tích dân gian, Thanh Trì là một làng vào loại cổ nhất của Thăng Long-Hà Nội. Từ thời Hùng Vương thứ 18, người dân đã tụ họp về đây khai khẩn đất và được An Quốc, con trai Vua Hùng dạy cày cấy. Nghề làm bánh cuốn cũng được hình thành từ đó. Nếu đúng đây là sự thật thì ngay từ xa xưa, các cụ nhà ta đã thực là khéo, chế ra món bánh dân dã mà lại dễ ăn.
Người làng Thanh Trì từ nhỏ đã được bố mẹ, ông bà truyền cho hết ngón nghề làm bánh cuốn. Điều tôi nhớ hơn cả là cách thưởng thức ẩm thực tinh tế ấy khác hẳn lối ăn bánh cuốn kèm theo chả nướng của làng Kênh-Nam Định, Phủ Lý-Hà Nam, hay ăn kèm chả quế rán béo ngậy như bánh cuốn Hải Dương, bánh cuốn trứng Lạng Sơn, hoặc ăn bánh cuốn nhân thịt có pha thêm mộc nhĩ, dùng với nước xương thịt của Cao Bằng.
Người Hà thành vốn kỹ tính trong ăn uống nên bánh cuốn Thanh Trì làm khá công phu, dù chất liệu làm bánh rất đơn giản. Chọn được thứ gạo tẻ ngon (thường là Khang Dân), người làm bánh đem ngâm gạo khoảng 3 tiếng đồng hồ rồi vo sạch, xay nhuyễn thành thứ bột nước trắng ngần. Khi bánh chín, người thợ dùng chiếc đũa tre xọc ngang một cái, nguyên một lá bánh mỏng tang được nhấc ra. Người làm bánh thoa thêm một chút mỡ hành cho bóng bẩy rồi gấp lại, rắc thêm lá hành đã phi thơm bóng mỡ lên trên. Những lá bánh cuốn xếp so le trên đĩa trông rất hấp dẫn.
Cứ sáng sớm, bánh cuốn Thanh Trì theo chân những chuyến xe vào Thủ đô, đến các ngõ xóm, vào tận những nhà hàng sang trọng. Giờ có bạn bè phương xa đến chơi, cứ phải dẫn đi ăn bún thang, bún ốc, chả cá... và khi nào mọi người muốn thưởng thức đồ ăn giản dị mà nhẹ bụng, không gì tuyệt vời hơn là một đĩa bánh cuốn Thanh Trì chính hiệu. Nói như nhà văn Vũ Bằng thì bánh cuốn Thanh Trì ngon đến độ “chưa đến môi đã trôi xuống cổ”.
Miếng bánh cuốn đi qua nước mắm pha với chanh, tỏi, ớt, tiêu, vào đến miệng thơm mát mùi đồng quê. Hồi xưa, bánh cuốn Thanh Trì ăn chuẩn chỉ có dùng với nước chấm, rắc thêm chút hành khô. Giờ ông bà, bố mẹ hay thương con trẻ, cứ “ủi” thêm vào bát nước chấm giò, chả, thịt băm... ăn không đúng điệu chút nào. Vốn là thứ bánh chay nên bánh cuốn Thanh Trì ngày trước hay được bày bán ở cổng chùa. Các bà, các cô lễ Phật xong thường mua chút bánh về làm quà cho trẻ nhỏ. Trong “Hà Nội băm sáu phố phường”, nhà văn Thạch Lam viết: “Bánh cuốn Thanh Trì là quà chính tông của người Hà Nội. Lá bánh mỏng như tờ giấy, trong như lụa, dẻo và thơm, ăn với chả lợn béo hay đậu rán nóng”.
Thực tình mà nói, với cá nhân tôi, thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì mà có thêm mấy miếng chả quế thì khoái vô cùng. Có điều quan trọng hơn cả, đó là hành phi ăn với bánh cuốn phải là hành phi chuẩn, thêm chút rau mùi, húng Láng thì càng tuyệt, có như vậy lại càng thêm phần tôn vinh thứ quà quê nổi tiếng ở vùng đất Thanh Trì.
THU HIỀN