Phát hiện gây chấn động

Năm 1907, trong quá trình làm việc, một công nhân mỏ ở Đức đã đào được xương hàm của người Homo heidelbergensis (người đứng thẳng), giống người sống khoảng 400.000 đến 600.000 năm trước, được coi là tổ tiên chung của người Hiện đại và người Neandertal. Khi ấy, các nhà khoa học tự nhiên nước Anh luôn tự hào với việc đứng đầu thế giới về các phát kiến khoa học. Vì thế, không có gì lạ khi người Anh vô cùng “ấm ức”.

Chỉ một năm sau, năm 1908, khi đào bới con mương phủ đầy cát sỏi gần làng Pin-tơ-đao (Piltdown) ở Sút-xếch (Sussex), Anh, hai công nhân làm đường đã phát hiện một hộp sọ đã hóa thạch. Hộp sọ được chuyển đến cho nhà khảo cổ học nghiệp dư kiêm luật sư Sác-lơ Đao-xơn (Charles Dawson). Đao-xơn tiếp tục thuê các công nhân này tìm kiếm. Kết quả, chỉ vài ngày sau, các công nhân tìm thêm được những mảnh vỡ giống như sọ dừa trong bãi cát. Sau khi kiểm tra kỹ càng, nhà khảo cổ học nghiệp dư xác định, những mảnh vụn được tìm thấy là sọ người.

Từ năm 1908 đến 1911, Đao-xơn liên tục tìm được nhiều mảnh xương hóa thạch, trong đó có một mảnh xương sọ lớn. Ông ta cho rằng, mảnh sọ này thuộc cùng một hộp sọ với mấy mảnh sọ tìm được trước đó. Đao-xơn đã đưa những mảnh sọ tìm được cho Lê-uýt Áp-bót (Lewis Abbott), thợ kim hoàn có hiểu biết về ngành khảo cổ học và cũng là nhà sưu tầm hóa thạch. Áp-bót đánh giá đây là những hiện vật có giá trị đặc biệt và khuyên Đao-xơn nên tìm các chuyên gia hỏi ý kiến.

Chợt nhớ tới người bạn cũ đang làm việc tại Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Anh, Đao-xơn đã liên hệ với A-thơ Xmít Uốt-oát (Arthur Smith Woodward). Uốt-oát rất ấn tượng về những mảnh sọ của Đao-xơn và quyết định mở cuộc khai quật trên quy mô rộng hơn tại địa điểm khảo cổ trước đây. Với sự trợ giúp của cha xứ Pi-e Tên-hát đơ Xác-đin (Pierre Teilhard de Chardin), nhà thần học và nhà cổ sinh vật học rất được kính trọng, Đao-xơn và Uốt-oát đã tìm thêm được nhiều hiện vật độc đáo ở Pin-tơ-đao. Trong số đó có nửa hàm dưới bên phải của một con vật giống như khỉ, một vài mẩu xương hàm của voi, răng voi, hóa thạch hải ly và vài mảnh xương sọ. Sau khi phân tích các mẫu vật, ba người cùng nhau đưa ra một kết luận có tính chất lịch sử đối với quá trình tiến hóa của con người: Những hiện vật có tuổi đời khoảng 500.000 năm, thuộc về một tổ tiên của loài người, là một mắt xích còn thiếu của thuyết tiến hóa, là một loài chuyển tiếp giữa người và khỉ. Họ tin rằng “Người đàn ông Piltdown” là bằng chứng của việc con người đã tiến hóa từ vượn người.

leftcenterrightdel
 Năm 1953, cuộc họp của Hội Địa chất Anh thông báo “Người đàn ông Piltdown” là vụ lừa đảo thế kỷ. Ảnh: Dailymail 
Phát hiện của ba người được trình bày trước Hội đồng Nghiên cứu thuyết tiến hóa của Anh. Ngay lập tức, Hội đồng công nhận phát hiện này. Thậm chí, họ còn đặt cho phát hiện này cái tên “Downson’s Dawn Man” (tạm dịch: Người đàn ông Đao của Đao-xơn) dựa theo tên của người đầu tiên tìm ra các bằng chứng khảo cổ. Tuy nhiên sau đó, dựa vào vị trí phát hiện, các hóa thạch này được biết đến nhiều hơn với tên gọi “Người đàn ông Piltdown”.

Cuối năm 1912, câu chuyện về “Người đàn ông Piltdown” được công bố rộng rãi trên báo chí. Uốt-oát và Đao-xơn trở thành những nhà khảo cổ học nổi tiếng, chuyên đi diễn thuyết về “phát hiện thế kỷ”. Hầu hết các nhà khảo cổ học hàng đầu thế giới đều rất háo hức với những khám phá về “Người đàn ông Piltdown”. Tuy nhiên, vẫn còn một vài người nghi ngờ. Họ cho rằng, các hiện vật có tuổi đời chỉ chừng vài trăm năm.

Đến năm 1913 và 1914, tất cả những nghi ngờ về “Người đàn ông Piltdown” đã dịu xuống khi một vài hiện vật khác được tìm thấy ở xung quanh khu vực khai quật đã góp phần củng cố giả thuyết về “Người đàn ông Piltdown”. Tiếp đó, năm 1915, Đao-xơn tìm thấy thêm nhiều cổ vật có giá trị lịch sử ở địa điểm khai quật khác gọi là “Piltdown II”. Khám phá này đã góp phần thuyết phục những ai còn hoài nghi về câu chuyện của Đao-xơn. Sau đó, mọi người đều công nhận giả thuyết của Đao-xơn và Uốt-oát.

Với phát hiện mang tính lịch sử, Sác-lơ Đao-xơn được vinh danh như một trong những nhà khảo cổ học vĩ đại nhất thế giới. Thậm chí, ông “suýt” được phong tước hiệp sĩ nếu không bị mất vì bệnh nhiễm trùng máu vào năm 1916.

Vụ lừa thế kỷ

Gần 4 thập kỷ sau đó, các nhà khảo cổ đều “yên tâm” với câu chuyện về “Người đàn ông Piltdown”. Tuy nhiên, đến năm 1953, sự thật bắt đầu hé lộ.

Tại một hội thảo quốc tế về nguồn gốc của loài người, nhà địa chất học Ken-nét Oác-cơ-li (Kenneth Oakley) thuộc Bảo tàng Quốc gia Anh, đã gặp Giô-dép Uê-nơ (Joseph Weiner), nhà nhân chủng học người Nam Phi. Hai người đều nghi ngờ độ tuổi của “Người đàn ông Piltdown”, mối nối của chiếc hàm với hộp sọ và tình trạng lộn xộn của những hóa thạch thu thập được. Oác-cơ-li và Uê-nơ quyết định làm một loạt kiểm nghiệm để xác định chính xác niên đại của hộp sọ, răng và những mảnh xương hàm. Họ đã áp dụng phương pháp kỹ thuật đo lượng fluorine có trong xương. Theo phương pháp này, xương hóa thạch thẩm thấu fluorine từ đất và nước, do đó những xương hóa thạch nằm trong cùng một khu đất và trải qua cùng một thời gian sẽ có cùng một lượng fluorine xấp xỉ như nhau. Kết quả kiểm nghiệm của Oác-cơ-li và Uê-nơ cho thấy, các mảnh xương của “Người đàn ông Piltdown” có cùng chỉ số fluorine, có nghĩa là dường như thuộc cùng một cơ thể. Tuy nhiên, chúng “trẻ” hơn rất nhiều so với đánh giá lúc ban đầu-chỉ khoảng 50.000 năm tuổi thay vì 500.000 năm như đánh giá trước đây.

leftcenterrightdel

Sác-lơ Đao-xơn (người ngồi) tại vị trí “phát hiện” “Người đàn ông Piltdown”. 

Chưa dừng lại ở đó, Oác-cơ-li và Uê-nơ tiếp tục áp dụng những phương pháp phân tích hóa học mới. Kết quả cho thấy, xương hàm và răng của “Người đàn ông Piltdown” không cùng độ tuổi với hộp sọ và thậm chí không thể được coi là hóa thạch, mà chỉ là những mảnh xương đã cũ. Một số xương đã được tẩm màu bằng những chất hóa học và một số khác đã được tô vẽ bằng màu thông thường để làm cho chúng ăn khớp với nhau và lẫn với màu đất ở nơi chúng được tìm thấy. Cuối cùng, Oác-cơ-li và Uê-nơ đã đi tới kết luận “Người đàn ông Piltdown” là đồ giả. Và đó là một vụ lừa đảo được chuẩn bị công phu và cẩn thận nhất từ xưa tới nay. Việc làm giả xương hàm dưới đạt trình độ khéo léo đến mức đáng kinh ngạc. Kết quả của cuộc kiểm nghiệm đã gây chấn động toàn thể giới khoa học. Thậm chí những cuộc kiểm nghiệm sau đó còn cho thấy, “tuổi đời” của “Người đàn ông Piltdown” chỉ khoảng 500 năm.

Gần đây, vào năm 2009, I-xa-ben Đơ Gru-tê (Isabelle De Groote), nhà sinh vật nhân chủng học thuộc Đại học Liverpool, Anh, đã quyết định lật lại “vụ lừa đảo thế kỷ”. Với công nghệ quét hiện đại và phân tích AND, Gru-tê đi đến kết luận, tất cả hàm và răng của “Người đàn ông Piltdown” đều đến từ một con vượn có nguồn gốc ở Tây Nam Sa-ha-ra (Sahara). Thủ phạm có thể đã thu thập các mẫu vật từ một cửa hàng bán đồ cổ và đó là hộp sọ của một người Trung cổ sống cách đây khoảng 50.000 năm. Gru-tê còn phát hiện những chất bột trắng phủ trên bề mặt của hầu như tất cả mẫu xương nhằm tạo ra vẻ cổ xưa. Bên trong sọ trước và răng, Gru-tê còn tìm thấy những viên sỏi li ti được trộn vào cùng với chất bột trắng. Mục đích của việc này là nhằm để tăng trọng lượng của xương, bởi vì xương hóa thạch nặng hơn so với xương bình thường.

Những phát hiện của I-xa-ben Đơ Gru-tê đã được báo cáo tại Hiệp hội mở Khoa học Hoàng gia Anh. Các nhà khoa học đi đến kết luận rằng, có sự dàn dựng của một chủ mưu duy nhất trong trò lừa đảo. Đó chắc chắn là Sác-lơ Đao-xơn. Là nhà khảo cổ học nghiệp dư, ông ta thường tham gia các cuộc họp của những nhà địa chất và nhà nhân chủng học. Vì thế, Đao-xơn thu thập được đáng kể kiến thức về khảo cổ học. Ông ta cũng từng bị phát hiện làm giả một số mẫu vật khảo cổ. Điều đó góp phần củng cố nhận định về việc Đao-xơn đã cố tình tự tạo ra một phát hiện lớn. Hơn nữa, Đao-xơn là người rất biết nắm bắt cơ hội. Ông ta đưa ra “Người đàn ông Piltdown” vào đúng thời điểm giới khoa học Anh đang hiềm tị với phát hiện của người Đức.

Vụ “Người đàn ông Piltdown” đã xảy ra từ hơn 100 năm trước. Đây được coi là một trong những vụ lừa đảo khoa học thành công nhất trong lịch sử, không chỉ làm đảo lộn cộng đồng khoa học, mà còn làm dấy lên nghi ngờ rằng nhiều nhà khoa học danh tiếng đã tiếp tay trong vụ này. Trong khoảng thời gian từ năm 1955 tới 1992, điều tra cho thấy, có ít nhất 15 người dính líu tới “Người đàn ông Piltdown”. Trong đó có cả A-thơ Cô-nan Đoi-lơ (Arthur Conan Doyle)-nhà văn nổi tiếng với bộ truyện trinh thám lừng danh thế giới “Sherlock Holmes”.

VŨ PHONG ANH