Ở nước ta, người chỉ huy dàn nhạc với cây đũa trên tay chưa phải là hình ảnh quen thuộc với người dân, cũng vì thế mà càng ít người theo đuổi nghề lắm chông gai này. Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phạm Ngọc Khôi, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có những chia sẻ giúp bạn đọc hiểu hơn về nghề chỉ huy dàn nhạc.
|
|
Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi. |
Phóng viên (PV): Thưa NSND Phạm Ngọc Khôi, có thể nói, ông là một trong số ít chỉ huy dàn nhạc ở nước ta hiện nay. Nhiều người vẫn nói chỉ huy dàn nhạc là một nghề lắm chông gai, yêu cầu của nghề này chắc hẳn không hề dễ dàng?
NSND Phạm Ngọc Khôi: Tôi may mắn có xuất phát điểm thuận lợi khi bố tôi là thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của Việt Nam sau năm 1954 được đi học ở Trung Quốc, sau đó giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Qua bố, từ năm 2-3 tuổi tôi đã được đi nhà hát nghe nhạc, được tiếp cận nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. 5 tuổi tôi được học piano và 7 tuổi vào học ở Nhạc viện Hà Nội cho đến khi tốt nghiệp đại học rồi tiếp tục học chỉ huy âm nhạc và gắn bó cho đến giờ.
Trong âm nhạc chuyên nghiệp trên thế giới từ xưa đến nay, giao hưởng hay opera-ballet vẫn được cho là mô hình nghệ thuật đỉnh cao ở sân khấu cổ điển. Ở đó, chỉ huy dàn nhạc luôn là người chịu trách nhiệm cao nhất về nghệ thuật trong buổi hòa nhạc. Hãy thử tưởng tượng một đêm hòa nhạc với hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn cho hàng nghìn khán giả. Quyết định thành bại của đêm diễn phụ thuộc vào người chỉ huy, phải làm sao dẫn dắt được tất cả nghệ sĩ và khán giả vào cảm xúc chung.
Có thể nói, lớp chúng tôi được học khá bài bản, được kế thừa từ các thầy như GS Trọng Bằng, NSND Trần Quý, NSND Quang Hải là những chỉ huy dàn nhạc đầu ngành của Việt Nam và các chuyên gia Liên Xô. Nền tảng cơ bản rất quan trọng với người chỉ huy dàn nhạc cũng như có nền móng tốt mới xây dựng được những cao ốc. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà mọi người vẫn nói muốn học lý-sáng-chỉ (lý luận-sáng tác-chỉ huy âm nhạc) thì phải học piano trước. Người chơi piano dùng 10 ngón tay, không kể có nhiều loại đàn có cả những nốt ở chân, giống như đang thay cả dàn nhạc. Cùng với đó, người chỉ huy dàn nhạc cần một kiến thức sâu rộng về chuyên môn và các lĩnh vực, bộ môn khác... Khi chỉ huy một buổi biểu diễn ba lê, phải có kiến thức về ba lê, phải đồng điệu, hiểu được từng bước múa của nghệ sĩ; khi chỉ huy buổi hòa nhạc có ca sĩ hát, người chỉ huy dàn nhạc còn phải giúp ca sĩ thể hiện được năng lượng của mình qua những phần trình tấu giọng hát, phải đồng điệu, lấy hơi cùng với ca sĩ... Người chỉ huy cũng phải hiểu được tác giả và... “giao tiếp” với những tác giả có khi sống cách đây vài trăm năm để cảm thụ được âm nhạc mà tác giả muốn truyền tải, rồi làm sao truyền được cảm xúc ấy tới cả dàn nhạc, và chỉ huy dàn nhạc truyền cho người nghe... làm cho cả dàn nhạc, người nghe đồng hơi với người chỉ huy. Để nói chi tiết, cụ thể thì rất khó nhưng tất cả những điều đó đòi hỏi người chỉ huy không chỉ cần làm đúng mà còn phải trên cả đúng, phải hay, hấp dẫn.
PV: Ở Việt Nam, nghề chỉ huy dàn nhạc được quan tâm như thế nào, thưa ông?
NSND Phạm Ngọc Khôi: Ở Việt Nam, Nhà nước đã có sự quan tâm đầu tư cho văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc từ thập niên 1950, bằng việc cử người đi học nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài về nước giảng dạy, thành lập dàn nhạc... Tuy nhiên, trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, có nhiều hoạt động bị gián đoạn và phải đến sau khi đất nước thống nhất mới thành lập lại Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, thành lập Dàn nhạc Dân tộc Quốc gia Việt Nam-một việc rất hiếm với các nước trong khu vực châu Á. Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được đề cập trong nhiều văn bản quan trọng, đặc biệt từ Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, làm sao vừa giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại. Vì vậy, cùng với xây dựng các dàn nhạc, phải bồi dưỡng cả con người định hướng, điều hành dàn nhạc-người chỉ huy-và không phải một mà cần có nhiều người.
Thế nhưng, nói đến nghề chỉ huy dàn nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay thì có thể nói chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Phía Bắc hiện có tôi, phía Nam có NSƯT Trần Phương Thạch, đều sắp nghỉ hưu, một vài nghệ sĩ nữa thì đã chuyển sang làm quản lý. Lớp sau tôi có ít quá và cũng cần có thêm thời gian bởi làm nghề này phải hết sức tập trung, chuyên tâm, phải được tạo điều kiện, môi trường để đi sâu, bớt phải lo lắng những chuyện khác.
Khoảng trống thế hệ của nghề này hiện rất lớn và khó lấp. Để làm được và đứng vững với nghề này cần có nền tảng rất tốt, đòi hỏi không chỉ đam mê mà phải có sự thông minh, sáng tạo, kiên trì và năng khiếu, đặc biệt muốn chỉ huy được dàn nhạc thì phải rất giỏi ít nhất một nhạc cụ, thường là piano. Nhưng lâu nay, chúng ta không đề cập đến những yêu cầu ấy vì đôi khi ở ta có suy nghĩ có thể “đi tắt đón đầu”... Nhưng thiếu nền tảng cơ bản thì không thể “đi dài” được. Không có sự đầu tư, rèn luyện nghiêm túc, bài bản thì khi cần đến chắc chắn sẽ lúng túng.
PV: Thực tế, nhạc giao hưởng, nhạc không lời ở Việt Nam không phải là lĩnh vực hấp dẫn số đông khán giả, vậy nên ít nghệ sĩ theo đuổi nghề chỉ huy dàn nhạc cũng là dễ hiểu và phù hợp với quy luật cung-cầu, thưa ông?
NSND Phạm Ngọc Khôi: Ví dụ, bây giờ Nhà nước muốn tổ chức một chương trình hòa nhạc lớn cần huy động 500 nghệ sĩ biểu diễn, chắc chắn sẽ khó khăn. Âm nhạc cũng cần chuẩn mực và phải giữ thủ thế chứ không phải đến lúc cần lại không lấy đâu ra người làm.
Công tác đào tạo chỉ huy dàn nhạc hiện nay hổng lớn vì ngành này quá khó, yêu cầu cao, học tốn thời gian, vất vả, nhất là xã hội hiện nay đang phổ biến âm nhạc chủ yếu là ca nhạc, khí nhạc rất lép vế. Hơn nữa, muốn có khán giả tốt thì khán giả cũng cần được đào tạo, được phổ cập văn hóa âm nhạc ở mức độ nhất định. Chúng ta bị đứt gãy từ cái nhỏ nhất nên chỉ huy dàn nhạc đứt gãy cũng không khó hiểu. Với một số lĩnh vực không thể cào bằng được mà cần có sự quan tâm đầu tư đặc biệt, từ sớm. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam 7 năm nay mới tuyển được 1 chỉ tiêu đại học chỉ huy dàn nhạc, đó là chưa kể học xong ra có theo nghề không?! Đó thực sự là điều khiến những người như chúng tôi lo lắng. Không có chỉ huy dàn nhạc thì những nhạc cụ học xong ra cũng khó phát triển và âm nhạc khó để hội nhập.
Thực tế thì những năm gần đây, nước ta thường mời các dàn nhạc thế giới đến biểu diễn để người dân được tiếp cận, hưởng thụ đỉnh cao âm nhạc thế giới. Người Việt Nam cũng có nhiều điều kiện để tìm hiểu, tiếp cận với nghệ thuật thế giới và ngày càng khó tính, yêu cầu cao, tinh túy hơn trong thưởng thức nghệ thuật. Đỉnh cao của âm nhạc chính là nhạc không lời mà tạo được nhiều chiều cảm xúc, không có ước lệ không gian hay thời gian chính là nhờ vào người chỉ huy. Hằng năm, nước ta có khá nhiều chương trình hòa nhạc nhưng đa số do nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji chỉ huy. Ông đã ở Việt Nam và gắn bó với dàn nhạc 18 năm nay. Biểu diễn tác phẩm châu Âu thì nhạc trưởng Tetsuji làm rất tốt nhưng ông không biết tiếng Việt nên với những tác phẩm Việt Nam lại có hạn chế. Hoặc nếu ông về nước thì sao? Tôi cũng sắp đến tuổi nghỉ rồi.
PV: Ở tầm quốc tế, ông đánh giá trình độ nghệ sĩ nước ta ở mức độ nào?
NSND Phạm Ngọc Khôi: Tôi đã cùng dàn nhạc biểu diễn ở nước ngoài nhiều lần, chủ yếu là âm nhạc dân tộc. Về cơ bản, tôi thấy có sự giống nhau về trình độ, hiểu biết nhưng nếu ta có điều kiện làm việc tốt, chuyên sâu như họ thì sẽ không hề kém họ. Bằng chứng là qua 3 lần Liên hoan âm nhạc mới Á-Âu được tổ chức ở nước ta với hàng trăm nước tham gia, khi làm việc, tôi thấy các bên rất hiểu nhau, hòa đồng. Họ đánh giá nội lực của Việt Nam rất tốt. Âm nhạc không phải chỉ để giải trí, nó còn giúp khẳng định vị thế đất nước. Tôi nghĩ, Việt Nam cần phấn đấu không chỉ là địa chỉ tìm đến của du lịch mà cả văn hóa nghệ thuật nữa.
|
|
Một buổi hòa nhạc giao hưởng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: THU HÒA |
PV: Theo ông, trong việc này, chúng ta cần làm gì để hướng đến nền âm nhạc đỉnh cao hội nhập thế giới?
NSND Phạm Ngọc Khôi: Ở các nước phát triển, nhà hát opera chỉ hát opera, giao hưởng chỉ biểu diễn giao hưởng, ba lê chỉ biểu diễn ba lê... Ở nước ta, do yêu cầu, điều kiện cũng như nguồn lực thực tiễn nên nghệ sĩ rất đa tài và buộc phải thích ứng với các hoàn cảnh khác nhau để đáp ứng những yêu cầu của xã hội. Thực tế, trên con đường xây dựng, phát triển nghệ thuật, sự chăm sóc có khi không tập trung, nhất là bây giờ có sự chuyển hướng mở, xã hội hóa khiến tạo ra một mâu thuẫn: Chúng ta đang xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật sánh ngang thế giới, nhưng ở chính các đơn vị nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền luôn cần có nguồn lực tốt nhất thì chúng ta còn đang thiếu, không thu hút, hấp dẫn được người giỏi. Vì thế, Nhà nước cần có cơ chế, đầu tư đào tạo, đào tạo xong cần cơ chế để sử dụng phù hợp; người học cũng phải có trách nhiệm với nghề. Cần sớm có biện pháp để không lãng phí đội ngũ, tập trung nguồn lực như ta nắm chặt bàn tay thì mới có lực. Ở Anh, dàn nhạc giao hưởng được hoàng gia Anh nuôi dưỡng, đầu tư, có nhiệm vụ phục vụ hoàng gia và truyền bá hình ảnh nước Anh ra thế giới. Dàn nhạc này được đánh giá ở mức đỉnh cao của thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG THU (thực hiện)