QĐND - Hiện nước ta đang có hàng chục nghìn người cần ghép tạng để suy trì sự sống. Khi một bộ phận cơ thể bị hư hỏng không thể chữa khỏi thì ghép tạng là biện pháp duy nhất, là tia hy vọng sống cuối cùng của người bệnh. Phóng viên Báo QĐND Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để hiểu rõ hơn về những khó khăn và thành quả đạt được trong lĩnh vực này.
Phóng viên (PV): Được biết tháng 9 tới đây Bệnh viện Việt Đức sẽ thực hiện ca ghép phổi cho người lớn đầu tiên từ người hiến chết não. Giáo sư (GS) có thể cho biết một số thông tin về ca ghép này?
GS, TS Trịnh Hồng Sơn: Đây là một ca ghép khó. Phổi là bộ phận ghép tạng dễ bị nhiễm trùng nhất, khâu hồi sức sau khi ghép cũng là một thách thức lớn. Do tính chất khó khăn của ca phẫu thuật, bệnh viện đã tính đến 3 phương án thực hiện. Mọi công tác chuẩn bị đều đã sẵn sàng.
PV: Thưa GS, hiện nay đã có 18 trung tâm ghép tạng trên cả nước. Một số ý kiến cho rằng nên tập trung lại thành một vài trung tâm cố định, không nên dàn trải. Ông suy nghĩ gì về quan điểm trên?
GS, TS Trịnh Hồng Sơn: Tôi nghĩ đó là mục tiêu về lâu dài, còn hiện nay tôi rất ủng hộ những bệnh viện đủ năng lực triển khai được ghép tạng. Nếu có đủ năng lực thì nên tiến hành ngay. Đây là điều pháp luật không cấm, được Nhà nước cho phép. Khi các cơ sở y tế có đủ năng lực về cơ sở vật chất cũng như con người, được Bộ Y tế thẩm định thì các cơ sở này mới được quyền ghép tạng.
PV: Mỗi cơ sở y tế cần đầu tư lớn mới đáp ứng được các yêu cầu đó. Như vậy có xảy ra tình trạng lãng phí không, thưa ông?
GS, TS Trịnh Hồng Sơn: Nếu không có ca ghép tạng thì các bệnh nhân khác vẫn được hưởng lợi ích từ cơ sở vật chất này. Những thiết bị đắt tiền các cơ sở có thể phối hợp với các trung tâm để mượn.
Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn.
Hơn nữa, ghép tạng là một quy trình của cả một tập thể chứ không phải của riêng cá nhân nào. Tôi là người trực tiếp ghép nhưng không có những khâu khác như gây mê hồi sức, xét nghiệm, vận chuyển... thì không thể ghép thành công. Các khâu này phải được tổ chức hoạt động rất tốt, nhuần nhuyễn, thống nhất, đoàn kết và phải làm rất khẩn trương. Tinh thần đó khi được ứng dụng vào tất cả các quy trình khác là một điều rất tốt. Thực hiện nhuần nhuyễn ghép tạng sẽ thúc đẩy sự phát triển nhiều chuyên ngành khác của y tế, đây là lợi ích rất lớn.
PV: Với 18 cơ sở, đến nay chúng ta đã đạt được những thành quả cụ thể ra sao, thưa GS?
GS, TS Trịnh Hồng Sơn: Năm 2006, Quốc hội đã ban hành những quy định về hiến, cho tạng và bắt đầu thực thi vào năm 2007. Đặc biệt là sau khi các trung tâm ghép tạng ra đời, có thể nói các trung tâm này đều có điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ và trình độ kỹ thuật không thua kém nước phát triển nào trên thế giới mà chi phí phẫu thuật lại rẻ hơn rất nhiều. Năm 2013, Chính phủ ký quyết định để Bộ Y tế thành lập Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Năm 1992, chúng ta có ca ghép tạng thành công đầu tiên là ghép thận. Năm 2004 chúng ta ghép được gan, năm 2010 chúng ta ghép được tim và năm 2011 ghép được tụy. Từ năm 2006 đến nay cả nước có hơn 1.000 người được ghép mô, tạng. Đội ngũ chuyên gia ghép tạng quốc gia đã sẵn sàng cho những lĩnh vực ghép mới như ghép tứ chi, ghép mặt, ghép ruột, ghép tử cung...
Hiện nguồn mô, tạng để thực hiện phẫu thuật chủ yếu từ người đang sống, người thân hiến một quả thận, một phần gan, còn lại nguồn tạng từ người cho chết não (não ngừng hoạt động không hồi phục) rất ít... Nước ta đang có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép.
PV: Như vậy, nhu cầu ghép tạng hiện tại là rất lớn và nguồn cho tạng rất thiếu?
GS, TS Trịnh Hồng Sơn: Nguồn tạng như tôi thấy hiện nay không thiếu, thậm chí khá dồi dào, nhưng chúng ta chưa tiếp cận được. Theo tôi biết thì năm 2016, cả nước có gần 9.000 người chết vì tai nạn giao thông. Trong số này theo tôi có khoảng 1/4 được xác định là chết não. Nhiều bệnh viện tỉnh hàng ngày hàng giờ có rất nhiều bệnh nhân chết não do tai nạn sinh hoạt, do những tai nạn bệnh lý như tai biến mạch máu não, bệnh lý phình não vỡ... Riêng Bệnh viện Việt Đức, theo thống kê mỗi ngày trung bình có 1-2 người có thể cho tạng được. Một người chết não hiến tạng có thể đem lại sự sống cho hơn 10 người khác. Nếu tất cả những nạn nhân trong những vụ tai nạn giao thông đều đồng ý hiến tạng từ trước thì sẽ cho rất nhiều người cơ hội sống khỏe mạnh, như thế thì chỉ trong hai năm có thể sẽ có đến 2/3 danh sách những bệnh nhân đang chờ ghép gan hiện nay được cứu.
Hiện nay, nguồn cho tạng chính nằm trong hai nhóm là nhóm người cho còn sống và nhóm người hiến đã xác định là chết não. Những năm trước, trên thế giới nguồn cho chết não rất nhiều, nhưng bây giờ họ cũng khan hiếm như mình, thậm chí khan hiếm hơn mình nhiều.
PV: Mô hình tiếp cận nguồn tạng trên thế giới hiện nay và ở nước ta như thế nào, thưa GS?
GS, TS Trịnh Hồng Sơn: Theo quy định của pháp luật ở nhiều nước phương Tây, nếu người bị chết não không có đơn từ chối cho tạng từ trước thì các bác sĩ được quyền mặc định rằng người đó đã đồng ý hiến tạng cứu người. Cụ thể, ở Pháp, luật quy định những ai đồng ý cho tạng thì không cần đến đăng ký, còn những ai không đồng ý cho tạng, trên 18 tuổi phải đến cơ sở y tế gần nhất để đăng ký là không đồng ý cho tạng. Chúng ta nên tham khảo những mô hình này.
Ca ghép phổi cho trẻ em từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công vào tháng 2 vừa qua. Ảnh do Bệnh viện Quân y 103 cung cấp.
Trong ghép tạng có một khâu rất quan trọng là chẩn đoán chết não. Khi được kết luận chết não đồng nghĩa với việc bệnh nhân đã chết, không có ngoại lệ. Ở nhiều nước, sau khi khám lâm sàng là đã có thể kết luận. Tại Đức, bác sĩ được quyền xác nhận bệnh nhân đã chết sau khi các chức năng về thần kinh, tuần hoàn và hô hấp không hồi phục trên 3 giờ. Ở một số bang của Mỹ, thậm chí không cần những tiêu chuẩn cận lâm sàng, chỉ cần những dấu hiệu lâm sàng và có bác sĩ có kinh nghiệm kết luận là đủ.
Ở ta, khi đã chẩn đoán chết não rồi, bác sĩ phải đợi 12 tiếng để khám cận lâm sàng, rồi đợi tiếp để tiến hành khám cận lâm sàng lần 2, lần 3 sau đó mới cho tạng được. Với số thời gian đó, việc hồi sức cho bệnh nhân rất vất vả và tốn kém. Hơn nữa càng để lâu thì chất lượng tạng càng giảm.
Một điều nữa, nếu ở tình huống bệnh nhân bị chết não, trong lúc đang phải trải qua những mất mát, đau thương quá lớn thì việc đồng ý hiến tạng của người nhà bệnh nhân thực không dễ dàng.
PV: Theo ông, cần có những biện pháp gì để nâng cao nguồn tạng cả về chất lượng và số lượng?
GS, TS Trịnh Hồng Sơn: Về mặt pháp luật, khi muốn hiến tạng thì người hiến phải đến trung tâm đăng ký và làm thẻ. Nhưng khi người hiến qua đời mà gia đình họ không đồng ý cho tạng thì thẻ đó cũng chẳng có giá trị gì. Còn những người không đăng ký, làm thẻ nhưng khi họ vì lý do nào đó bị chết não, gia đình muốn hiến tạng thì có thể hiến được ngay mà không cần thẻ. Do vậy tôi thấy việc cấp thẻ này không cần thiết.
Bên cạnh luật pháp thì lý do văn hóa cũng là một vấn đề lớn. Hiến tạng là khái niệm vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam và chúng ta vẫn còn giữ những quan niệm truyền thống nên sẽ không dễ dàng chấp nhận nó trong một sớm một chiều. Do đó rất cần những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội đứng ra làm gương, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn việc các y bác sĩ đi vận động trong hàng năm trời. Bộ trưởng Bộ Y tế đứng đầu danh sách những người hiến tạng đấy, nhưng chỉ mình chị Tiến thôi thì chưa đủ. Cần có thêm những người khác nữa mới có thể tạo ra được tầm ảnh hưởng thật sự.
Đã nói đến ghép tạng là tình nguyện. Nhưng mà tôi nghĩ là trong tương lai cũng cần có văn bản quy định khi mà người cho khi chết não thì nên có chế độ mai táng như thế nào để việc hiến tạng có ý nghĩa nhân văn hơn. Hiện chúng tôi đã làm điều đó, nhưng chưa có quy định cụ thể. Về lâu dài, chúng ta có thể áp dụng phương pháp tích-kê. Sau khi cho tạng thì người hiến nhận tích-kê. Ghép xong họ ra ngân hàng rút một khoản tiền hỗ trợ do Nhà nước chi trả, tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của đất nước. Cách làm này sẽ tránh được hiện tượng "cò mồi", "môi giới" mua bán tạng.
Điều quan trọng nhất là chúng tôi phải làm sao kỹ thuật mổ cho tốt và đặt mục tiêu “mổ bệnh nhân nào sống bệnh nhân đấy”. Những người được mang lại cơ hội sống thứ hai đó sẽ lại tiếp tục cống hiến, tiếp tục sản sinh ra của cải vật chất cho xã hội sẽ là minh chứng thuyết phục nhất. Ví dụ ca ghép tạng xuyên Việt, hơn một năm nay cả bốn bệnh nhân vẫn sống khỏe mạnh, rất vui vẻ và có ích cho đời. Cũng rất tiếc có những trường hợp có thể tử vong. Thật ra tỷ lệ ghép tạng không thành công trước đây cũng như thế.
PV: Là người đã có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và tham gia nhiều ca ghép tạng, GS có kỷ niệm đáng nhớ nào về lĩnh vực này không?
GS, TS Trịnh Hồng Sơn: Tôi là phẫu thuật viên cho nên việc tiếp xúc với gia đình bệnh nhân là không được phép. Còn kỷ niệm đáng nhớ là tôi đi tuyên truyền về hiến tạng, khi về nhà con gái tôi cũng bảo “Bố ơi con cũng muốn hiến tạng cứu người”. Khi ấy tôi rất cảm động vì con gái mình dù lúc đó còn nhỏ nhưng đã phần nào hiểu được giá trị của việc hiến tạng cứu người. Tuy nhiên tôi muốn đợi đến lúc cháu 18 tuổi, khi đã có sự chín chắn của một người trưởng thành rồi mới để cháu quyết định. Hay thỉnh thoảng, trong cuộc sống gặp đúng bệnh nhân mà tôi đã thực hiện ghép gan, gặp nhau bắt tay, chào hỏi nhau. Tôi rất vui. Họ từ một người bệnh, từ cõi chết nay được quay về, tiếp tục trở thành người có ích cho xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn GS!
Ngày 3-7-2007, ca phẫu thuật ghép thận cho ông An-phét rít-đờ (Alfred Riedl) - lúc đó là Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã thành công. Ông được cứu mạng nhờ quả thận của một thanh niên ở Thanh Hóa.
Tháng 7-2015, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh công bố ca chết não hiến đa phủ tạng đã cứu mạng được 6 người.
Ngày 15-3-2017, tại Bệnh viện Việt Đức, 4 người được cứu sống nhờ nguồn tạng của một bệnh nhân chết não.
Mới đây, cũng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Thị Sáng (19 tuổi) và hai em ruột của mình, trong nỗi đau mất mẹ đã đưa ra quyết định khiến các bác sĩ bất ngờ, rơi nước mắt: Hiến tạng của mẹ để cứu người. Hành động cao đẹp của các em đã mang đến sự lan tỏa lớn trong xã hội.
|
LIÊN VIỆT - HƯƠNG GIANG (thực hiện)