Phóng viên (PV): Nguồn nước là tài sản quốc gia, luôn cần được bảo vệ. Thế nhưng, trong vài thập niên trở lại đây, sông ngòi nước ta đang bị đối xử tàn tệ. Vì lợi nhuận, con người đã phớt lờ những cảnh báo tác hại của việc hủy hoại môi trường nước, xâm hại những dòng sông. Ông có thể khái quát điều đó?
TS Đào Trọng Tứ: Việt Nam ở vùng nhiệt đới gió mùa nên được thiên nhiên ưu đãi, có hệ thống sông ngòi dày đặc. Đấy là điều rất thuận lợi để ta phát triển các khu dân cư và nông nghiệp. Hiện nay, ở Việt Nam có hơn 3.000 con sông. Hằng năm, lưu lượng nước chảy qua hệ thống sông ngòi đổ ra biển ở nước ta khoảng 830-840 tỷ mét khối, tùy thời tiết mỗi năm. Với dân số hiện khoảng hơn 92 triệu người, như vậy tính bình quân, mỗi người Việt Nam có hơn 9.000m3 nước/năm. Tuy nhiên, nguồn nước ở Việt Nam có một đặc điểm là bị phụ thuộc rất lớn nguồn nước từ nước ngoài (63% nước chảy từ nước ngoài vào). Sông Hồng có 39% nước từ Trung Quốc, 1% từ Lào. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chúng ta chỉ có 5% lượng nước, 95% nước chảy về từ thượng nguồn, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, 6% từ Tây Nguyên (nhưng chảy qua Lào, Campuchia trước rồi mới chảy về Việt Nam). Đó là bức tranh nguồn nước ở Việt Nam.
Tuy nhiên, đến bây giờ chúng ta mới trăn trở về câu chuyện nhìn nhận sông ngòi ở Việt Nam. Tại sao vậy? Sau những năm 90 của thế kỷ trước, khi chúng ta chú trọng phát triển kinh tế thì bắt đầu cần năng lượng. Mà nguồn năng lượng dễ chịu nhất, phát triển nhanh nhất là thủy điện. Muốn phát triển thủy điện phải đắp đập, ngăn các dòng sông. Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) mới đây đã công bố kết quả khảo sát, điều tra về hồ chứa, đập và đập thủy điện tại 10 dòng sông lớn của Việt Nam. Theo đó, hệ thống sông Hồng-sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Ba, sông Vu Gia-Thu Bồn, sông Sêrêpôk, sông Sê San, sông Mê Công đang có hàng ngàn đập và đập thủy điện lớn, nhỏ.
Với tốc độ phát triển thủy điện ồ ạt như vậy chắc chắn tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái. Người ta gọi đó là việc chinh phục dòng sông, nhưng theo tôi, cách gọi như vậy là rất sai. Sau khi đi thực tế, tìm hiểu tôi nghĩ rằng, các dòng sông là tài nguyên, vật thể nuôi sống cả quốc gia thì không thể gọi là chinh phục. Chúng ta phát triển nên phải đánh đổi tài nguyên nước để lấy cái lợi lớn hơn, và ở góc độ nào đó chúng ta chấp nhận những thiệt hại. Đấy là hình thức xâm hại tài nguyên thiên nhiên.
Những năm 2012-2013, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam khởi xướng hỗ trợ tư vấn, trình bày với Quốc hội rằng, việc phát triển thủy điện một cách ồ ạt như vậy là không ổn. Nó gây tác động lớn đến môi trường sống, tàn phá rừng, nguyên nhân chính dẫn đến việc di dân… Năm 2013, Quốc hội đã ra nghị quyết, tạm dừng và đưa ra khỏi quy hoạch 483 thủy điện.
Việc xâm hại sông ngòi ở Hà Nội là một điển hình. Các dòng sông ở xung quanh Thủ đô bị lấn chiếm, xâm hại nghiêm trọng. Đi dọc sông Hồng, chúng ta nhận thấy vấn đề xâm hại rất lớn. Tương tự, đi vào miền Trung, miền Nam, vấn đề xâm hại hành lang thoát lũ là đáng báo động. Tôi có thể khẳng định, 100% các dòng sông của Việt Nam ở mức độ khác nhau đều bị xâm hại... Con sông liên tỉnh là tài sản chung của quốc gia, không ai có quyền đổ đất xuống sông để lấn chiếm. Khi người ta lấn sông không phải vì mục đích của dòng sông, mà để bán đất san nền sẽ tạo tiền lệ rất xấu. Chúng ta không coi dòng sông là mạch máu, cư xử với nó một cách cưỡng bức thì cơ thể quốc gia sẽ được nhận lại như vậy. Những người quản lý dòng sông dường như chưa ý thức được sông ngòi là tài sản quý báu của quốc gia. Mà đã là tài sản quốc gia thì phải quản lý theo luật.
PV: Ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2010 cho rằng, hằng ngày, các con sông nước ta phải tiếp nhận 1,1 triệu mét khối nước thải công nghiệp, đến năm 2020, con số này khả năng sẽ tăng lên 2,4 triệu mét khối. Nếu tình trạng xâm hại các dòng sông không được ngăn chặn và đẩy lùi thì các con sông sẽ bị chết dần chết mòn vì ô nhiễm. Khi đó, con người sẽ phải chịu luật "nhân quả" của thiên nhiên. Theo ông, "quả báo" của tình trạng xâm hại các dòng sông sẽ như thế nào?
TS Đào Trọng Tứ: Tất cả do vấn đề xâm hại từ thượng nguồn. Sự xâm hại ở khía cạnh xâm lấn làm thay đổi dòng chảy của các dòng sông. Về vấn đề xói lở, nhiều làng mạc bị biến mất rất nhanh, trước đây ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, hiện tại ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chúng ta thấy rất rõ. Câu chuyện sạt lở bờ sông ở ĐBSCL chính là vì chúng ta không có quy hoạch tốt, không có quy hoạch tử tế. Người dân ở đó áp sát các dòng sông.
Hiện nay, dòng chảy sông Hồng ở Hà Nội bị biến đổi khủng khiếp, có chỗ sâu xuống 8m. Hình dung như vậy để thấy rằng, nước ở trên chảy xuống bao nhiêu thì tụt xuống "hủm" ấy bấy nhiêu, lấy đâu ra nước để qua các cống chảy vào các dòng sông nội thành? Chính vì vậy, đã có ý kiến xây dựng đập ở Hà Nội để nâng mực nước lên. Với tôi, đó là một điều kinh khủng tác động ghê gớm về mặt tâm linh, môi trường.
Câu chuyện xâm hại thứ hai là khai thác cát, cả trái phép và có phép. Bởi vì khai thác cát sinh siêu lợi nhuận nên hiện nay, chuyện cấm khai thác cát ở ĐBSCL đã đội giá vật liệu ấy lên rất nhiều lần. Đó là xâm hại dễ nhìn thấy.
Một loại nữa là sự tác động gây ra ô nhiễm. Ô nhiễm từ đô thị, khu công nghiệp (KCN) và nông nghiệp dẫn đến nguồn nước bị thoái hóa và cạn kiệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phải thốt lên, hiện nay ở Hà Nội có 6 con sông đã chết và đang "chết dần, chết mòn", đó là: Sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch; hai con sông lớn trong tình trạng "sống dở, chết dở" là sông Đáy và sông Nhuệ. Hãy nhìn xem, những mạch máu sống đó của chúng ta đang bị hủy hoại. Thử hỏi có ai dám dùng nước từ các con sông đó không khi chúng đều đã trở thành sông nước thải. Nguồn nước ô nhiễm không dùng được là hỏng, là nước chết. Tất cả việc xâm hại đều tác động rất lớn đến cuộc sống của chúng ta. Dần dần chúng ta sẽ mất cuộc sống bình yên.
PV: Pháp luật đã có quy định xử phạt rất rõ đối với việc gây ô nhiễm sông ngòi, ô nhiễm nguồn nước. Nhưng vài năm gần đây, tình trạng xả nước thải ô nhiễm của một số nhà máy, khu công nghiệp vẫn diễn ra, gây nên hậu quả nghiêm trọng. Phải chăng, hệ thống pháp luật của nước ta chưa đầy đủ, vẫn còn những kẽ hở để người ta luồn lách, hay còn nguyên nhân nào khác, thưa ông?
TS Đào Trọng Tứ: Có thể nói, hệ thống pháp luật của nước ta rất đầy đủ. Chúng ta điểm lại có: Luật Bảo vệ môi trường năm 2008; Luật Tài nguyên nước năm 2012, có hiệu lực năm 2013 và rất nhiều nghị định, trong đó có nghị định về cấp phép xả thải… Nhưng tại sao chúng ta vẫn để xảy ra ô nhiễm các dòng sông… Tôi có thể khẳng định, không phải chúng ta yếu về mặt pháp luật mà do năng lực thực thi pháp luật.
Người dân câu cá trên dòng sông Sêrêpôk. Ảnh: VĂN HẠNH
Theo quy định, các KCN ở nước ta có hai hệ thống xử lý nước thải. Một là hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung để chắc chắn trước khi đưa ra môi trường, nước phải đạt tiêu chuẩn nước sử dụng. Trong mỗi nhà máy của KCN lại có khu xử lý nước thải riêng biệt, đạt tiêu chuẩn rồi mới đưa ra hệ thống chung để thu gom, xử lý. Nhưng bản thân hệ thống thu gom chung của KCN do cơ quan Nhà nước quản lý vẫn tìm cách để xả trộm. Đó là điều tệ hại, kéo theo rất nhiều hệ lụy lâu dài và thảm khốc. Ở nước ngoài, người ta phạt rất nặng. Việc chúng ta phạt vài chục, vài trăm triệu đồng rồi cho chìm xuống... như vậy chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa".
PV: Vấn đề cấp thiết hiện nay đặt ra là cần phải giải cứu, trả lại sự trong sạch cho những dòng sông. Đó cũng là một trong những điều kiện bảo đảm cho cuộc sống trong tương lai được tốt đẹp hơn. Để thực hiện điều đó, theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì?
TS Đào Trọng Tứ: 3 năm một lần có một Diễn đàn Nước thế giới. Năm 2014, tôi được mời tham dự Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 7 được tổ chức tại Hàn Quốc. Tại diễn đàn này, cơ quan quản lý nước của Pháp đưa ra thông điệp: “Hãy trả lại cho các dòng sông không gian sống” để nó có thể giúp chúng ta ngăn ngừa biến đổi khí hậu và thiên tai. Ngoài ra, diễn đàn cũng kiến nghị trả lại vùng đất ướt, không gian ngập nước tự nhiên. Tuy mới chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết nhưng có thể thấy, trên thế giới người ta đang nhận thức vấn đề bảo vệ các dòng sông và nguồn nước trở nên rất bức thiết.
Trở lại vấn đề giải cứu các dòng sông của nước ta. Chúng ta đã có Luật Tài nguyên nước năm 2012, đã có Nghị định quản lý lưu vực sông năm 2008 và thành lập Ủy ban Quản lý các lưu vực sông. Để quản lý tốt các dòng sông thì không được chia cắt các dòng sông theo địa giới các tỉnh mà phải quản lý thống nhất. Chúng ta cần một cơ quan quản lý không phải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước nhưng có nhiệm vụ điều phối các dòng sông. Chính vì vậy, vấn đề trước tiên là thành lập các cơ quan quản lý tài nguyên nước trên các lưu vực sông. Điều này Nhà nước hiện nay đang làm, sắp tới sẽ thành lập 6 tổ chức quản lý nước trên lưu vực các sông gồm: Sông Hồng, sông Cửu Long, sông Đồng Nai, sông Sê San-Sêrêpôk, lưu vực Bắc Trung Bộ và lưu vực Nam Trung Bộ. Đây là biện pháp rất căn cơ về thể chế.
Câu chuyện thứ hai là phải thực thi tích cực, triệt để đối với vấn đề ô nhiễm nước ở các KCN, khu làng nghề. Vấn đề xả thải không được tác động đến nguồn nước. Phải có biện pháp xử phạt mạnh tay, quyết liệt đối với các trường hợp cố ý, tái phạm nhiều lần. Việc tái sử dụng nước rất lợi cho cơ sở sản xuất, giảm lượng nước thải cho các dòng sông. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp khó khăn. Khó có thể ngăn người dân ở các làng nghề không xử lý nước thải bởi rất tốn kém. Những chất thải của các làng nghề có độ độc hại rất lớn gồm hóa chất, chất thải rắn, kim loại nặng. Nói như vậy là để các cơ quan quản lý Nhà nước sớm có biện pháp tập trung nước thải làng nghề để xử lý trước khi thải ra môi trường. Còn các KCN, khu chế xuất thì ta đã có quy định rất đầy đủ, buộc phải xử lý cấp độ nào, xử phạt như thế nào. Quy định xử phạt ghi rất rõ, thứ nhất là anh bị xử phạt do thiệt hại anh gây ra. Thứ hai là phải hoàn nguyên lại, phục hồi nguyên trạng như cũ. Nhưng câu hỏi đặt ra là ai làm được như vậy, ai thực thi câu chuyện đó? Câu chuyện giải cứu dòng sông chúng ta phải nhìn nhận vấn đề quản lý, nó là tài sản vô giá của quốc gia. Phát triển là cần thiết nhưng không thể đánh đổi bằng mọi giá, phải có biện pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
VĂN TUẤN (thực hiện)