Phóng viên (PV): Xin chào họa sĩ Phạm Hà Hải. Anh là một trong số những họa sĩ Việt Nam có tranh xuất hiện ở nhiều quốc gia. Hôm nay, tôi muốn được nghe anh kể về điều đó. Con đường để các tác phẩm hội họa đi từ trong nước ra với thế giới khó đến chừng nào?
Họa sĩ Phạm Hà Hải: Thế hệ họa sĩ Đông Dương đã ghi tên mình trên các chỉ dấu về mỹ thuật xứ Đông Dương tại các cuộc trưng bày ở Paris những năm 30 của thế kỷ trước. Đó có thể nói là thời kỳ phát triển của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Những bức tranh của các họa sĩ Việt Nam được người Pháp chọn, trên cơ sở đánh giá vô cùng khắt khe của họ để đưa sang Paris. Và như thế, tranh của Việt Nam đã được quốc tế hóa từ thời điểm đó. Thế hệ sau đổi mới, những tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam được giới thiệu ra thế giới đa dạng hơn, đó là các giao lưu, các đại hội nghệ thuật lưỡng niên, các chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam, các hội chợ nghệ thuật, các nhà kinh doanh (gallery) trong nước và nước ngoài đã như một cơn sóng và rồi chìm lặng vào đầu năm 2000. Hai mươi năm nay, Việt Nam hội nhập khá mạnh mẽ nhưng ở lĩnh vực này thì dường như dấu ấn mỹ thuật Việt Nam ở thị trường quốc tế còn rất khiêm tốn. Có thể nói nửa đầu thập niên 1990, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mỹ thuật nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, nhưng tự chúng ta chưa đầu tư xứng đáng để duy trì vị trí này thì các quốc gia như: Singapore, Indonesia, Thái Lan... đã vượt lên. Sự thực rằng vai trò nhà nước lẫn hội nghề nghiệp và các nhà kinh doanh trong nước đều chưa có hiệu quả đáng kể. Cá nhân các họa sĩ chỉ có những phương án hợp tác, giới thiệu mỹ thuật khá thụ động và một kênh khác là chủ động mang tranh mình đi. Đáng lẽ thời điểm này tôi đang ở New York, nhưng vì dịch Covid-19 nên hoãn lại. Họ tổ chức art fair (hội chợ nghệ thuật) rất lớn. Mỗi đợt như vậy có hàng chục vạn lượt người xem. Chi phí cho việc đó bao gồm đi lại, sinh hoạt và chỗ treo tranh nhưng quan trọng là bạn cần có gallery đại diện. Họ đứng ra mua không gian, bày tranh của bạn và thu phí giao dịch, tùy trường hợp bạn sẽ được hỗ trợ phần nào khoản phí trưng bày mà họ mua từ nhà tổ chức.
|
|
“Khúc giao mùa”-tranh sơn dầu của họa sĩ Phạm Hà Hải, sáng tác năm 2015. |
PV: Nhưng tôi vẫn chưa hình dung ra, làm cách nào để tranh của anh có thể lọt vào các gallery trên thế giới. Là do may mắn, ngẫu nhiên, hay một nỗ lực nào?
Họa sĩ Phạm Hà Hải: Lần đầu tiên tôi tham dự một art fair là ở Singapore năm 2001. Đó là art fair đầu tiên của Singapore và họ mời các gallery ở những nước xung quanh khu vực Đông Nam Á tham dự, trong đó có Gallery Opera ở Việt Nam. Và Opera đã mang tranh của tôi đi. Khi tranh của tôi được bán ở Singapore, người mua đó lại đến từ một thị trường khác và nếu bạn không nằm trong sự độc quyền của gallery thì họ sẽ xúc tiến giao dịch mua tiếp những bức khác để phân phối với nhu cầu của họ. Trên thế giới, việc mua bán tranh ở hội chợ là một hoạt động đã chuyên nghiệp, có nguyên tắc và là cơ hội cho cả giới chơi tranh, nhà môi giới, đầu tư và kinh doanh cũng như họa sĩ kết nối với nhau.
PV: Vậy thì art fair thực sự rất quan trọng?
Họa sĩ Phạm Hà Hải: Art fair-hội chợ nghệ thuật là một mảng rất lớn trong toàn cảnh giới thiệu và giao dịch tác phẩm nghệ thuật. Loại hội chợ này có những quy mô khác nhau từ trung bình đến lớn và rất lớn, được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới như: Singapore, Hồng Công (Trung Quốc), Thụy Sĩ, Pháp, Mỹ... Ví dụ như Hội chợ nghệ thuật Art Basel ở Hồng Công (Trung Quốc), đó là quy mô rất lớn hội tụ vài trăm gallery và các bộ sưu tập từ vài chục quốc gia với phí thuê mỗi gian hàng là hàng trăm nghìn đô-la Mỹ. Hội chợ này có thể gọi là siêu thị nghệ thuật, là cơ hội cho các thành tố trong thế giới nghệ thuật từ nghệ sĩ đến công chúng, nhà sưu tập, nhà đầu tư đến các thành phần trung gian như nghiên cứu, phê bình, môi giới, kinh doanh. Ở đó, họ tạo ra những hoạt động hội thảo, giao lưu, công chúng được xem các tác phẩm từ những bậc thầy kinh điển đến các tài năng mới xuất hiện và ở giai đoạn đầu sự nghiệp. Lẽ đương nhiên, sự kiện nổi bật như vậy sẽ thu hút du lịch và các lợi ích khác cho địa phương. Nếu có thể, tôi muốn nói thêm là các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần tính đến cơ hội này trong chủ trương đã nêu về công nghiệp văn hóa.
|
|
Họa sĩ Phạm Hà Hải. Ảnh: Đỗ Bích. |
PV: Nhân việc anh nói tới các nhà đầu tư, có phải là các gallery có vai trò rất quan trọng đối với thị trường hội họa trên thế giới?
Họa sĩ Phạm Hà Hải: Cực kỳ quan trọng. Họ hoạt động rất chuyên nghiệp. Gallery lớn có thương hiệu hàng trăm năm, mạng lưới chi nhánh nhiều nước sẽ cho họa sĩ cơ hội phát triển nếu được chọn. Đó là một trong những khâu trung gian quan trọng kết nối họa sĩ và người sưu tầm.
PV: Vậy các gallery ở Việt Nam thì sao? Hiện nó đang có vai trò thế nào?
Họa sĩ Phạm Hà Hải: Gallery ở Việt Nam bắt đầu hình thành cuối những năm 80 của thế kỷ trước, rồi bùng nổ giữa những năm 90 và cuối cùng suy vi vào sau năm 2000. Đại đa số hoạt động theo tinh thần tiểu thương có gì bán nấy, họ không có nền tảng, không đủ vốn nhưng quan trọng nhất là không có niềm tin để vươn xa. Một vài gallery có năng lực thẩm định chất lượng nghệ thuật thì chết yểu vì không có năng lực phát triển kinh doanh. Một vài gallery duy trì tồn tại rất vất vả cũng dựa vào sự nỗ lực cá nhân người chủ bởi họ có nền tảng tri thức, đam mê và lý tưởng nhưng tiềm lực kinh tế hạn chế. Như thế, tình trạng gallery ở Việt Nam là thiếu và yếu.
PV: Nếu vậy thì hội họa Việt Nam cứ giậm chân tại chỗ thế thôi sao?
Họa sĩ Phạm Hà Hải: Không hẳn thế. Ở ta đang có những cơ sở để có thể tin rằng đời sống hội họa sẽ khởi sắc, tôi tin là thế.
PV: Cơ sở đó cụ thể là gì?
Họa sĩ Phạm Hà Hải: Hiện có một vài gallery định hướng chuyên nghiệp. Bình tĩnh lựa chọn họa sĩ để hợp tác, độc quyền để bảo đảm chủ động xây dựng thị trường, mang tranh của họ đi giới thiệu ở các nước trên thế giới. Người làm chuyên nghiệp như thế sẽ không bao giờ mở cửa cho tất cả các họa sĩ. Họ chọn lọc rất kỹ. Họ là người mang đến cho họa sĩ những sân bãi tử tế.
Bên cạnh đó, tranh của Việt Nam hôm nay có thể đánh giá là tốt về mặt sáng tác, xứng đáng được đặt ở các cuộc đối thoại. Người Việt Nam có thu nhập đang tăng, có nhu cầu và đủ điều kiện tài chính để chơi tranh, cũng không ít cá nhân có tài chính dồi dào có thể vừa chơi và vừa coi là kênh đầu tư. Tức là đã có hai yếu tố quan trọng, tác phẩm và người sưu tầm. Nhưng ta thiếu khâu trung gian tương xứng và đủ đáp ứng cung, cầu.
Khâu trung gian này gồm có nhà phê bình (art critic), nhà môi giới (art dealer), gallery. Công tác phê bình phải mạnh hơn, là dẫn hướng và cần chính xác. Lực lượng môi giới cần củng cố về quân số và cả uy tín để thuyết phục sự quan tâm của những nhà đầu tư, họ cần sử dụng tốt các phê bình chuyên môn để truyền tải đúng giá trị mà tác phẩm có được. Riêng các gallery thì có thể vừa là nhà đầu tư, vừa là nhà môi giới. Việt Nam hiện nay muốn nhanh chóng có một thị trường nghệ thuật nội địa thì hệ thống trung gian này rất quan trọng.
Nhưng để có một thị trường ở tầm vóc khu vực thì mấu chốt là cần đổ vào một lượng tài chính đủ lớn. Lúc này cần vai trò của chính sách. Chúng ta cần những khu trưng bày quốc gia về nghệ thuật, cần lập những hội chợ nghệ thuật tương đương quốc tế và cần có chính sách về thuế cho hoạt động này. Chúng ta cần có bảo tàng nghệ thuật đương đại, tạo art fair Việt Nam, cần hạ tầng, không gian lớn tương đương các quy mô quốc tế. Tổ chức định kỳ hằng năm, tiến tới mời các quốc gia tham dự để đạt được sự phong phú đầy đủ và sẽ thành một thương hiệu. Cũng cần đưa nghệ thuật Việt Nam ra quốc tế ở quy mô lớn mới tạo sự chú ý xứng đáng, nhưng chi phí rất tốn kém. Công cuộc này có thể tốn kém vài chục triệu USD để tạo cú hích cần thiết.
PV: Không biết anh thấy thế nào chứ tôi thì nghe đến con số triệu USD đã thấy toát mồ hôi rồi (cười). Câu chuyện về “xuất khẩu nghệ thuật”, tạm gọi như vậy, trong đó có hội họa chắc chắn sẽ còn là câu chuyện rất được quan tâm trong thời gian tới. Trân trọng cảm ơn anh vì đã dành thời gian trò chuyện. Chúc anh ngày càng thành công hơn nữa trong sự nghiệp và chúng tôi chờ mong những thông tin mới mẻ, tốt đẹp trong lĩnh vực hội họa nước nhà!
THANH AM (thực hiện)