Văn chương giống như mùa vụ
Phóng viên (PV): Năm 2018 vừa qua, điều gì làm chị hài lòng và điều gì chưa hài lòng?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Cảm ơn bạn. Cho tôi nghĩ một chút nhé (cười). Có lẽ điều tôi hài lòng nhất là in được một cuốn sách. Cuốn thứ 19, và là cuốn mà tôi thích nhất. Thích không phải vì nó hay (hay hay dở do bạn đọc đánh giá mới khách quan được), mà bởi vì đấy là cuốn mà tôi dành cho bản thân-trước khi dành cho bạn đọc. Tôi coi đó như một lần dừng lại và ngoái nhìn về phía sau, cái chặng đường mà tôi đã đi qua: Rời khỏi miền núi, về Hà Nội học và làm việc; trở thành một nhà văn mặc áo lính; những dấu mốc; những câu chuyện vui buồn mà sau khi đi qua nó khiến mình rắn rỏi hơn, sáng suốt hơn, điềm tĩnh hơn. Còn chưa hài lòng thì thực ra cũng có, nhưng nhỏ thôi, vài chuyện lặt vặt. Tôi bỏ qua rồi. Tôi tự thấy càng ngày mình càng sống giản dị, đơn giản đi, nhẹ nhõm hơn, biết bằng lòng, và bình thản đón nhận mọi thứ đến hoặc đi.
PV: Chị nghĩ gì khi có người nhận xét rằng, văn học về đề tài người lính thời bình hiện nay vừa thiếu, vừa nhạt?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Nhận xét đấy cũng có ý đúng, yêu cầu chúng ta nhìn thẳng vào mảng đề tài này trong đời sống văn chương đương đại. Tôi công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội (VNQĐ) đến nay đã bước sang năm thứ 18. Trong gần 20 năm ấy, những nhà văn quân đội chúng tôi luôn ở trong tình trạng âu lo về việc thiếu những tác phẩm nặng ký, thuyết phục về đề tài này. Hầu như chưa khi nào chúng tôi thấy bằng lòng, mỹ mãn với một số tạp chí thực sự đáp ứng được yêu cầu về đề tài người lính hôm nay. Viết về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hay bảo vệ biên giới, thời hậu chiến… thì khá nhiều, và nhiều tác phẩm hay, cả tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, trường ca, lý luận phê bình. Nhưng riêng đề tài người lính thời bình thì rất hiếm, và càng hiếm những tác phẩm hay. Chúng tôi trông đợi vào số những cây bút trẻ, đang ở đơn vị, vừa thực hiện nhiệm vụ đơn vị vừa sáng tác, cũng luôn tạo điều kiện, khích lệ họ, mời họ dự trại sáng tác v.v.. Tuy nhiên, số lượng những tác giả này ngày càng ít. Hiện giờ chỉ… đếm trên đầu ngón tay.
PV: Chị có ấp ủ nào về đề tài người lính thời bình?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi cũng ước muốn viết được một tác phẩm về đề tài ấy-cái đề tài luôn khan hiếm người viết, khan hiếm tác phẩm-như một thứ trách nhiệm, một thứ áp lực trĩu nặng trên vai, khi mình là một người lính cầm bút. Và mình lại đang cầm bút trong thời bình. Thế mà mình vẫn chưa viết được cái gì ra hồn về chính thế hệ của mình-sinh ra, trưởng thành sau chiến tranh. Nói chung là cũng… xấu hổ. Tuy vậy, tôi chẳng dám nói gì nhiều về những năm tháng sắp tới, càng không dám nói rằng mình sẽ viết được gì ra tấm ra món hay không. Văn chương, giống như mùa vụ, gieo có khi bội thu, có khi chỉ cho vài gốc rạ với những bông lép kẹp.
Không dễ để “xách ba lô lên đường”
PV: Các nhà văn quân đội trước đây phần lớn trưởng thành từ đơn vị, từ chiến trường về tòa soạn "tạm cất súng đi để cầm bút"; hiện nay nhiều nhà văn chuyên nghiệp quân đội từ môi trường dân sự vào. Theo chị, làm thế nào để tăng chất liệu thực tiễn đời sống quân đội trong tác phẩm của nhà văn?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Đây là một hiện thực đối với văn chương quân đội, tôi nghĩ cũng là tất yếu thôi. Thời chiến tranh mọi nguồn lực của xã hội đều dồn cho quân đội, nhân tài nào cũng dành hết sức lực trí tuệ cho chiến trường, các nhà văn trở thành nhà văn sau khi là một người lính. Đấy chính là điều kiện, là thế mạnh để chúng ta có cả một thế hệ những nhà văn mặc áo lính, vừa cầm súng chiến đấu vừa viết văn. Còn thời bình, mọi lực lượng đều phân tán ra. Như tôi nói ở trên, số các cây bút mặc áo lính hiện giờ rất ít.
Hầu như có cây bút nào toả sáng chúng tôi đều tìm cách xin về VNQĐ, tuy vậy vẫn không thể đủ được, khi mà hàng chục, vài chục nhà văn thế hệ trước lần lượt nghỉ hưu. VNQĐ buộc phải bổ sung vào đội ngũ những nhà văn chưa phải là lính. Tôi là một trong số đó. Nguồn kế cận này hầu hết được chọn lựa từ các cuộc thi do VNQĐ tổ chức. Về sự vững vàng trong nghề, về tài, về đạo đức nghề nghiệp, về khát vọng cống hiến chúng tôi đều có, nhưng chúng tôi thiếu cái căn bản nhất của một nhà văn mặc áo lính, đó là sự hiểu biết, trải nghiệm, thẩm thấu cái đời sống một người lính trong quân ngũ, trước khi trở thành một nhà văn. Đấy là trở ngại vô cùng lớn đối với những tác giả từ ngoài dân sự tuyển dụng vào quân đội.
Để mà khắc phục thì chỉ có một cách là đưa anh chị em đi thực tế nhiều hơn ở các đơn vị trong toàn quân, các quân binh chủng, lực lượng… Tuy nhiên, cũng không đơn giản cái việc nói đi là đi, vì còn phải làm báo, còn phải sáng tác. Không dễ gì một chốc một lát nói đi là xách ba lô lên đường, về một đơn vị nào đó luôn vài ba tháng hay một năm, dầm mình vào đời sống quân ngũ thực sự, lấy tư liệu viết văn.
PV: Năm 2019 đã đến với bao dự định, chị có chia sẻ gì với bạn đọc Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Năm 2018 dương lịch vừa qua rồi, chúng ta đang đón chào năm mới. Với tư cách là một nhà văn, yêu màu áo lính và khát khao được cống hiến những trang sách đầy tính nhân văn, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần bộ đội, tôi xin gửi lời chúc tới các bạn sĩ quan trẻ, những người lính trẻ một năm mới dồi dào sức khoẻ, tràn đầy khát vọng, ước mơ, cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước, quân đội.
    |
 |
Nhà văn Đỗ Bích Thúy. Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Cảm ơn những dấu yêu đã níu giữ trái tim, tâm hồn này. Tôi tặng tôi cho bạn, bằng vào những mến thương tha thiết mà chúng ta có thể chạm tới”, như một sự tạm khép lại cánh cửa tâm hồn của nhà văn Đỗ Bích Thúy trong tập tản văn mang tính tự sự đầy cảm xúc “Tôi đã trở về trên núi cao” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhà sách Liên Việt.
Nói đến nhà văn Đỗ Bích Thúy, chắc chắn những người yêu văn chương Việt đương đại khó quên được một cú “sốc” ở Nhà số 4 - Nickname của Trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội, vào 18 năm trước, cô sinh viên người Hà Giang mới tốt nghiệp đại học đã đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tạp chí với chùm truyện ngắn gửi đến vào những khoảnh khắc cuối cùng, đánh bật rất nhiều tên tuổi “cây đa cây đề” của làng văn chương Việt lúc ấy. Và hiện tại, nhà văn Đỗ Bích Thúy sau 19 cuốn sách từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, những kịch bản phim... như một quãng dừng, hay sống chậm lại để nhìn vào chính mình, để trải lòng với những độc giả thân yêu bao nhiêu năm qua của mình trong “Tôi đã trở về trên núi cao”.
Có thể nhận ra một sự liên kết xuyên suốt qua 30 tản văn được tác giả “ngầm” chia ra ba phần, từ thuở niên thiếu trong veo như giọt sương sớm ở miền rừng cao nguyên đá, đến khi trưởng thành dù hòa vào cuộc sống phồn hoa đô hội Thủ đô vẫn giữ trong sâu thẳm khí chất “rừng và đá” trên từng trang viết , và tình bạn đẹp như trăng sao trong thế giới màu sắc đa chiều của những thi-họa tài hoa Việt…
Trích: “Đọc “Tôi đã trở về trên núi cao” của nhà văn Đỗ Bích Thúy”, Hoài Hương (VOV.VN)
|
HỒNG HẢI (thực hiện)