Người ta vẫn thường nói “văn là người”. Cũng đã có những lúc, tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn gây nhiều tranh cãi, chưa được nhiều người đón nhận... Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, ông Thắng đã giúp bạn đọc hiểu hơn về con người, sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Huy Thắng. Ảnh: THU HÒA

Nhà văn để lại dấu ấn ở nhiều thể loại

Phóng viên (PV): Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mất sớm khi sự nghiệp còn dang dở, nhưng đã để lại dấu ấn đậm nét ở nhiều thể loại. Khi tìm hiểu về cha mình, ông thấy đâu là thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của cha mình?

Ông Nguyễn Huy Thắng: Cha tôi mất năm 48 tuổi, khi đang ở độ chín của sự nghiệp, nhưng ông cũng đã để lại một sự nghiệp sáng tác có thể nói là phong phú và dày dặn, được triển khai trên nhiều bình diện, bao quát nhiều đề tài, thuộc nhiều thể loại sáng tác khác nhau. Trong đó nổi lên hai mảng chính là đề tài lịch sử và đề tài Hà Nội. Các sáng tác khai thác đề tài lịch sử của ông bao gồm cả tiểu thuyết, kịch và truyện thiếu nhi. Sáng tác về Hà Nội thì ông tập trung miêu tả cuộc kháng chiến bảo vệ Thủ đô. Qua các tác phẩm, ông thể hiện một tình yêu mãnh liệt, thiết tha với Hà Nội.

Về thể loại, Nguyễn Huy Tưởng được biết đến là cây bút văn xuôi đồng thời là một nhà viết kịch. Nhiều truyện, ký của ông đã trở nên khá quen thuộc với độc giả, trong đó “Đêm hội Long Trì”, “Sống mãi với Thủ đô” từng được làm phim, cả phim nhựa và phim truyền hình. Nguyễn Huy Tưởng cũng được ghi nhận là một trong những người sáng lập nền văn học cho thiếu nhi dưới chế độ mới. Ông không chỉ là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng mà còn trực tiếp viết những truyện thiếu nhi, như: “Tìm mẹ”, “Con cóc là cậu ông trời”, “An Dương Vương xây thành ốc”, “Kể truyện Quang Trung”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”... Các sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng không nhiều, nhưng luôn được coi là những mẫu mực trong văn học viết cho thiếu nhi. Một nhà văn từng nhận xét: Trong văn học cho thiếu nhi của ta, kể chuyện lịch sử và cổ tích, chưa ai chuyên và đã thành công như Nguyễn Huy Tưởng.

Tuy nhiên, với các tác phẩm kịch, Nguyễn Huy Tưởng mới đạt tới đỉnh cao nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình. Bắt đầu là vở “Vũ Như Tô”, được khởi bút năm 1942, đăng tạp chí Tri tân năm 1943 và gây được sự chú ý của dư luận. Nhưng tác giả vẫn chưa hài lòng. Đến khi theo cách mạng, được tiếp thu bản Đề cương Văn hóa của Đảng, Nguyễn Huy Tưởng càng có ý thức hơn về trách nhiệm của người nghệ sĩ, nên ông quyết tâm “làm lại” (chữ dùng của Nguyễn Huy Tưởng) vở kịch này. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tập trung cấu tứ, viết lại tác phẩm, nâng lên thành một vở kịch bề thế 5 hồi với hàng loạt vấn đề được đặt ra về văn hóa và dân tộc. Đồng thời với kịch bản, Nguyễn Huy Tưởng cũng viết lời đề tựa cho vở kịch trong đó có câu: “Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Về sau, các nhà nghiên cứu coi đây là tuyên ngôn nghệ thuật của ông.

Năm 1946, Nguyễn Huy Tưởng viết vở “Bắc Sơn”, một tác phẩm có vị trí mở đầu cho sân khấu cách mạng. Vở kịch được dàn dựng rất thành công và được báo chí đương thời dành cho những lời đánh giá như: “Kịch Bắc Sơn là vở kịch cách mạng thành công nhất từ trước đến nay”; hay “Bắc Sơn đã mở ra một nền kịch mới”... Hiện nay “Bắc Sơn” và “Vũ Như Tô” là hai vở kịch được giảng dạy trong nhà trường.

Vừa thỏa mãn bản thân, vừa phụng sự dân tộc

PV: Cảm tưởng như khi đặt bút viết, dù ở thể loại, đề tài nào, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đều biết mình sẽ viết gì, cần viết gì, biết và xác định con đường văn chương của mình?

Ông Nguyễn Huy Thắng: Cha tôi là người tự học, vươn lên bằng nỗ lực của mình, tất nhiên yếu tố tài năng là không thể thiếu, nhưng với ông còn là sự lao động khổ công. Khi đến với văn chương, ông vừa lo trau dồi ngòi bút của mình, đồng thời cũng xác định rất rõ trách nhiệm của người cầm bút đối với nhân dân, đất nước. Ví dụ, khi chọn đề tài lịch sử trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, ông ý thức viết về các bậc anh hùng có công với nước để khích lệ, cổ vũ đồng bào mình mà theo cách nói của ông là “để phấn khởi anh em tôi”. Khi chọn kịch ông tự nhủ: “Ngươi thích kịch, ngươi thích cổ, ngươi thích cái đẹp... Ngươi thích thì ngươi làm, sao ngươi còn đắn đo hoài nghi?”...

Có thể nói Nguyễn Huy Tưởng đến với văn chương, nghệ thuật vừa để thỏa mãn bản thân nhưng cũng là với ý thức phụng sự dân tộc. Một khi đã xác định được mục đích, ông quyết tâm theo đuổi và làm việc rất nghiêm túc. Nhiều tác phẩm của ông là kết quả của cả quá trình trăn trở tìm tòi và sự dụng công viết đi viết lại. Như vở “Vũ Như Tô” đã được ông thai nghén từ năm 1941, viết năm 1942, đăng báo năm 1943, nhưng phải đến năm 1946, khi có điều kiện tập trung viết lại mới có thể coi là hoàn thành. Nhưng bản thân tác giả khi đó vẫn tiếc không có thêm thời gian làm kỹ hơn và sau này còn muốn tiếp tục sửa lại...

leftcenterrightdel

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã để lại sự nghiệp văn chương phong phú. Ảnh do gia đình cung cấp

“Văn là người”

PV: Người ta thường nói “văn là người”, ông có thấy điều đó trong các tác phẩm của cha mình?

Ông Nguyễn Huy Thắng: Cha tôi mất khi tôi 5 tuổi, em gái tôi mới 3 tuổi. Quả thực ở tuổi đó tôi không nhớ được gì, không có được những kỷ niệm cụ thể, nhưng ký ức về cha tôi thì vẫn luôn sống động. Nhận thức của con người ta thì có thể phải đến một độ tuổi nào đó, nhưng tình cảm thì theo tôi, đã hình thành ngay từ khi ra đời. Tôi tin và tôi biết mình đã được nhận rất nhiều tình cảm của cha. Chúng tôi có 6 chị em tất cả, tôi là con thứ 5, cũng là con trai duy nhất. Khi biết mình sắp mất, ông luôn lo nghĩ cho vợ con, như ông đã viết trong nhật ký: “Ôi cuộc sống bơ vơ lam lũ của vợ con, của thằng Thắng mà ta chăm chút hơn cả chính ta đây”. Tình yêu thương của ông đã thấm đẫm vào mỗi chúng tôi, làm cho tôi luôn thấy gắn bó với ông và được ông che chở. Đến khi lớn, biết tự tìm hiểu thì tôi bắt đầu đọc tác phẩm của ông, nhật ký của ông. Đó là những thứ rất quan trọng giúp tôi hình dung ra thế giới tinh thần của ông, thậm chí là cả chính con người ông một cách sống động. Ví dụ nhân vật Trần Văn, một thầy giáo dạy sử trong “Sống mãi với Thủ đô” mang nhiều nét tính cách của ông. Cũng cả nghĩ, thiên về lí trí nhiều hơn hành động, thường hay băn khoăn. Chẳng hạn, nhân vật của ông có lúc tự nghĩ, liệu mình có đủ bản lĩnh thọc lưỡi lê vào địch lúc xung trận hay không? Nhưng bao giờ ông cũng chọn sự dấn thân, dấn thân đến với văn chương, dấn thân đi theo cách mạng và kháng chiến, dù biết là nguy hiểm. Thực tế trong nhiều trận chiến, ông và một vài văn nghệ sĩ suýt nữa thì rơi vào tay quân Pháp khi chúng nhảy dù.

Đúng, văn là người. Trong các tác phẩm của ông, tôi có thể tìm được những nét chân dung, suy nghĩ của cha mình. Nhưng thứ trực tiếp, cụ thể nhất về cha mà tôi may mắn có được là những trang nhật ký của ông. Có những giai đoạn, ngày nào ông cũng viết nhật ký, cặn kẽ, trung thực, không chỉ công việc, tác phẩm mà cả những chuyện con cái, gia đình. Kiểu như ông viết hôm trở về sau chuyến đi thực tế Điện Biên, “cho Hòa cái kẹo thừa, Thắng ghen, phụng phịu”. Hòa là tên gọi trong nhà của chị trên tôi-chị Dục Tú, là người mà hồi nhỏ tôi rất hay chành chọe. Những ghi chép như thế của ông đã tác động rất mạnh mẽ tới các chị em tôi, khi biết rằng cha lúc nào cũng gần gũi bên mình và chăm chút cho từng cảm xúc của con.

Trong một bài viết về cha, tôi từng thổ lộ thế này: “Từ lâu tôi đã coi cha tôi như một đối tượng thẩm mỹ mà tôi không hết say mê tìm hiểu. Và càng tìm hiểu, tôi càng thêm yêu ông. Yêu như một người cha, một con người, một nhà văn yêu mến nhất”. Đọc cha nhiều, tôi thấy bản thân cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng từ ông. Có lẽ vì vậy mà dù ngành học được phân công là xây dựng, nhưng rồi tôi đã dịch chuyển dần sang lĩnh vực báo chí, xuất bản, làm công tác biên tập và viết báo, làm sách cho thiếu nhi. Trong các sách tôi tham gia biên soạn thì phần lớn là phổ biến kiến thức lịch sử và tôi rất xúc động mỗi khi được trích dẫn cha mình trong một trang viết cho các em.

Những tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị

PV: Ông có thể nói thêm điều gì về giá trị, sức sống trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đặc biệt là về kịch, khi mà lĩnh vực sân khấu hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn?

Ông Nguyễn Huy Thắng: Minh chứng rõ nét nhất cho sức sống của văn nghiệp Nguyễn Huy Tưởng chính là vở “Vũ Như Tô”. Mặc dù ngay từ khi ra đời, vở kịch đã được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng phải nửa thế kỷ sau, vở kịch mới được dàn dựng (Nhà hát Tuổi trẻ, 1996). Và cũng từ đây bắt đầu một đời sống thứ hai của tác phẩm, khi được rọi chiếu bởi ánh đèn sân khấu. Người ta như tái phát hiện một tác phẩm lớn của văn học nước nhà, một vở bi kịch đích thực có tầm nhân loại. Gần đây hơn, vở “Những người ở lại” của ông cũng được dàn dựng lại, do các thầy cô giáo và sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội thực hiện. Ra đời năm 1948, vở kịch và vở diễn từng gây nhiều ý kiến trái chiều, và mặc dù được công chúng hoan nghênh nhưng vẫn bị đánh giá là “tiểu tư sản” do đề cao những người trí thức-những bác sĩ, sinh viên, học sinh... đi theo kháng chiến. Được biết suốt nhiều năm qua, vở kịch vẫn khiến giới sân khấu trăn trở để cho “tái xuất” mà chưa gặp dịp. Nhưng rồi, điều phải đến đã đến, khi cuối cùng vở kịch cũng đã được dựng lại, sau khoảng thời gian cũng cả nửa thế kỷ như với vở “Vũ Như Tô”...

PV: Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ!

THU HÒA (thực hiện)