    |
 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà Tết cho người nghèo tỉnh Cà Mau. Ảnh do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cung cấp |
Phóng viên (PV): Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã bước sang năm thứ 20. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, giá trị lớn nhất chương trình mang lại là gì, thưa ông?
Ông Trần Quốc Hùng: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được triển khai từ năm 1999. Sau 20 năm phát động, phong trào đã được triển khai ngày càng sâu rộng, có sức lan tỏa trong cộng đồng, nhận được sự quan tâm và trực tiếp tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền; các ngành, đoàn thể, các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Đây là phong trào mang đậm tính nhân văn, thể hiện tinh thần “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Điểm nổi bật của phong trào là vận động được nguồn lực mạnh mẽ và tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội, qua đó góp phần giáo dục lòng nhân ái, tính hướng thiện trong các tầng lớp nhân dân.
Người Việt Nam có truyền thống tương thân tương ái, khi nhận được sự hỗ trợ đều thấy đáng quý nhưng đặc biệt vào những thời điểm khó khăn hay dịp Tết thì sự giúp đỡ còn có ý nghĩa hơn rất nhiều. Với những người có điều kiện thì việc lo một cái Tết rất đơn giản nhưng ở nước ta còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và với những người hằng ngày còn không đủ ăn thì Tết là điều gì đó rất xa xỉ. Những dịp như thế thường khiến họ dễ tủi thân. Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” vừa mang giá trị vật chất, vừa mang giá trị tinh thần lớn lao, có ý nghĩa đặc biệt vào dịp Tết đến, Xuân về, gia đình sum họp. Đây cũng là dịp các doanh nghiệp, nhà hảo tâm muốn được chia sẻ, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Trên tinh thần người nhận đang cần và người cho muốn làm việc thiện, vào dịp Tết, khả năng vận động, lôi cuốn mọi người tham gia hỗ trợ người nghèo có thuận lợi và mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể những kết quả đã đạt được của phong trào này trong những năm gần đây?
Ông Trần Quốc Hùng: Qua 19 năm thực hiện phong trào (1999-2017), các cấp hội trong toàn quốc đã vận động được 5.460 tỷ đồng, trợ giúp hơn 19 triệu lượt hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, tính riêng từ năm 2013 đến nay, các cấp hội đã vận động được 3.602 tỷ đồng, trung bình 720 tỷ đồng/năm, trợ giúp trung bình hơn 1,9 triệu hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam vui Tết, đón Xuân mỗi năm.
Những năm gần đây, phong trào đã có sự tham gia ngày càng nhiều của các cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp, kết quả năm sau cao hơn năm trước. Nguồn lực hỗ trợ cao hơn, số lượng suất quà nhiều hơn, cách thức hỗ trợ đa dạng, thiết thực hơn, công tác truyền thông tốt hơn… đã làm cho phong trào lan tỏa rộng khắp. Đặc biệt là nhận được sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước một cách trực tiếp, thường xuyên hơn. Dịp Tết năm nay sẽ có 30 đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi tặng quà, thăm hỏi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc có sự tham gia của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các hoạt động nhân đạo có ý nghĩa rất lớn.
Bên cạnh đó, hoạt động nhân đạo những năm gần đây ngày càng thiết thực hơn. Ngoài trao quà, nhân dịp Tết còn có các hoạt động hỗ trợ bền vững, lâu dài thiết thực cho bà con như tặng nhà, bò giống, vật dụng sinh hoạt, sửa nhà… Ví dụ như vào dịp Tết năm nay, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ cùng đoàn công tác của hội đến Thừa Thiên-Huế trao 10 căn nhà Chữ thập đỏ.
Ngoài ra, những năm gần đây, hội cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ bà con ở sát vùng biên, kiều bào ở các nước Lào, Campuchia thông qua các chương trình hợp tác với Hội Chữ thập đỏ các nước như tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí, tặng quà bà con không có điều kiện về nước ăn Tết…
PV: Năm 2017, nhất là vào những tháng cuối năm, nước ta chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai khiến đời sống của bà con ở nhiều vùng, địa phương gặp nhiều khó khăn. Vậy công tác chăm lo Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn năm nay có những điểm gì khác biệt không, thưa ông?
Ông Trần Quốc Hùng: Chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2018 có điểm khác những năm trước, đó là tập trung nguồn lực hỗ trợ bà con vùng chịu thiệt hại bởi thiên tai để sớm ổn định cuộc sống, như: Chương trình tổ chức Tết sớm cho đồng bào vùng chịu ảnh hưởng từ thiên tai, hỗ trợ sửa nhà, cung cấp bộ dụng cụ sửa nhà, hỗ trợ sinh kế như tặng bò giống và hỗ trợ tiền mặt… Chúng tôi tăng nguồn lực tập trung hỗ trợ không chỉ tiền, hàng hóa mà số lượng suất quà cũng nhiều hơn, địa bàn hỗ trợ rộng hơn. Chỉ tiêu suất quà năm nay tăng từ 1 triệu suất ở các năm trước lên 2 triệu suất và vẫn vận động ủng hộ qua phát động nhắn tin ủng hộ người nghèo dịp Tết Mậu Tuất 2018 đến 24-2-2018 để tiếp tục hỗ trợ bà con.
PV: Việc chủ động quan tâm, chăm lo đến hoạt động nhân đạo ở các cấp hội cơ sở có vai trò hết sức quan trọng. Ông có thể cho biết ở các địa phương việc này được thực hiện như thế nào, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa?
Ông Trần Quốc Hùng: Hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các địa phương đều theo chỉ đạo của Trung ương Hội và hoạt động tốt, triển khai các chương trình hiệu quả. Trong chương trình nghệ thuật “Sức mạnh nhân đạo” vừa qua, 10 cụm thi đua của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đăng ký hỗ trợ 1,92 triệu suất quà cho chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2018. Các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay các tỉnh vùng Đông Nam Bộ thường là cánh chim đầu đàn trong phong trào. Với các tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thì nguồn lực huy động tại chỗ của tỉnh cũng gặp khó khăn nên nguồn kinh phí của Trung ương Hội sẽ ưu tiên hơn, các tỉnh, thành phố có nguồn lực lớn cũng sẽ hỗ trợ, chia sẻ để hoạt động nhân đạo ở các địa phương này tốt hơn.
    |
 |
Các tình nguyện viên Chữ thập đỏ gói bánh chưng tặng người nghèo dịp Tết. Ảnh do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cung cấp |
PV: Chúng ta cần chú trọng những gì để các hoạt động nhân đạo có thể mang lại hiệu quả thiết thực nhất, đến tận tay những người dân cần giúp đỡ, thưa ông?
Ông Trần Quốc Hùng: Hội Chữ thập đỏ có 4 cấp hội từ Trung ương đến các xã, phường, thậm chí từng thôn, xóm và hoạt động từ cấp cơ sở lên trên. Khi có chương trình hỗ trợ, cấp cơ sở sẽ kết hợp với ban hỗ trợ địa phương, lựa chọn đối tượng, bình xét từ cộng đồng, công bố danh sách… Khi thực hiện trao tặng quà, trong các phần quà có in số điện thoại của Trung ương Hội để người dân liên hệ nếu có thắc mắc. Đồng thời, người dân khi nhận hỗ trợ sẽ ký xác nhận và cần đến nhận trực tiếp, mang theo giấy tờ tùy thân để tránh tình trạng “nhầm” người... Đây cũng là một cách để hoạt động nhân đạo được đúng người và ngăn chặn những hành vi tư lợi. Ở mỗi chương trình hỗ trợ cụ thể, tùy từng tình hình thực tế sẽ được tính toán để có cách thức tổ chức phù hợp. Các chương trình lớn phải có đánh giá thiệt hại, xem xét nhu cầu thực tế, sau thực hiện có kiểm tra đánh giá 10% những đối tượng được hỗ trợ bất kỳ.
Tôi cũng phải nói thêm rằng, các chi phí cho việc tổ chức các hoạt động nhân đạo của hội đều từ ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, còn sự ủng hộ của các cá nhân, tập thể sẽ được chuyển đến người nhận nguyên vẹn. Các tiêu chí đánh giá, hoạt động cứu trợ nhân đạo của hội không chỉ theo các quy định trong nước mà còn cả các tiêu chí quốc tế.
Ngoài hoạt động của Hội Chữ thập đỏ thì những năm gần đây, hoạt động từ thiện mang tính tự phát cũng ngày càng nhiều, mang lại hiệu quả, ý nghĩa cao, giúp nhân lên các giá trị nhân đạo. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xem xét đến hiệu quả thực tế để hoạt động ấy mang ý nghĩa lớn nhất, giúp đỡ thiết thực nhất, tránh lãng phí…
PV: Thưa ông, với vai trò nòng cốt, là cầu nối, Hội Chữ thập đỏ cần làm gì để hoạt động nhân đạo có được sự tham gia của toàn xã hội?
Ông Trần Quốc Hùng: Trước hết, bất kể hoạt động nhân đạo nào cũng cần phải làm đúng, chu đáo, làm tốt mới mang lại hiệu ứng tốt, có sức lan tỏa và cũng cần nhờ sự tuyên truyền để nhiều người biết đến. Việc thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thật ra không quá phức tạp, đôi khi rất đơn giản như việc thực hiện nhắn tin ủng hộ với cú pháp TET gửi 1409 qua Cổng thông tin nhân đạo 1400 với 20.000 đồng/tin nhắn. Chỉ cần vài tin nhắn là chúng ta có thể hỗ trợ một hộ gia đình khó khăn có Tết đủ đầy hơn.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn mong các cơ quan, tổ chức, cá nhân chung tay góp sức để lan tỏa tinh thần nhân ái, nhân lên các giá trị vật chất và tinh thần. Khi sự ủng hộ được thổi vào đó tình cảm của người cho đi thì người nhận được 1 đồng hỗ trợ sẽ thấy giá trị lớn hơn rất nhiều lần.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
THU HÒA (thực hiện)