Phóng viên (PV): Thưa họa sĩ Tô Ngọc Thành, cha ông-cố danh họa Tô Ngọc Vân có ảnh hưởng đến con đường nghệ thuật của ông như thế nào?

Họa sĩ Tô Ngọc Thành: Tôi được nghe kể lại rằng, từ khi tôi chừng 2-3 tuổi, mỗi lần bố tôi đi công tác về mang theo những món đồ chơi làm quà cho các con, trong khi các anh thường vui mừng chạy ra lấy đồ chơi thì chỉ có tôi là chạy đến ôm hôn bố. Khi đó ông thường nói tôi là đứa tình cảm, quý bố nên ông hay cho vào xưởng vẽ chơi mỗi khi ông vẽ tranh. Thế rồi tôi quen với những bảng màu, khung tranh, giấy... dần dần thích vẽ. Năm tôi 4 tuổi, tranh tôi vẽ ra được bố và các bác bạn của ông khen. Bác Nguyễn Tư Nghiêm sau này vẫn kể lại là từ lúc nhỏ, tranh tôi vẽ đã hiện đại lắm. Thỉnh thoảng có những bức vẽ hỏng, bố cho tôi vẽ vào mặt sau. Tôi nhớ mỗi khi ông đưa cho tôi từng mẩu giấy để vẽ, ông thường kể: Ngày xưa bố còn không có giấy vẽ đâu, toàn vẽ bằng than lên nền nhà, nền đất, bị bà mắng suốt vì bẩn nhà. Rồi những khi bố rảnh, hai bố con tôi ngồi làm mẫu vẽ cho nhau. Nhưng do điều kiện thời đó nên không bức nào của tôi được giữ lại, chỉ đến khi tôi 9 tuổi, theo bố đi kháng chiến trên Việt Bắc, ông cho tôi cuốn sổ tay để vẽ thì mới lưu giữ được đến sau này. Và cũng tận 10 tuổi tôi mới được đi học dự thính văn hóa, thế nên người ta bảo tôi biết vẽ trước cả khi biết chữ. 11 tuổi, tôi có tranh dự triển lãm toàn quốc.

Có thể nói, người thầy đầu tiên trong cuộc đời và trong nghệ thuật của tôi chính là bố. Tôi vẫn cho rằng, một trong những điều học được từ bố chính là lòng yêu nghề, công việc mình làm, yêu lao động, rồi đến tình yêu nghệ thuật.

leftcenterrightdel
Họa sĩ Tô Ngọc Thành

PV: Ông có khi nào thấy áp lực bởi cái bóng nghệ thuật lớn của bố?

Họa sĩ Tô Ngọc Thành: Bố mẹ tôi có 5 người con, lớn lên đều theo học ngành liên quan nghệ thuật nhưng hầu hết công việc đều rẽ sang hướng khác. Anh thứ hai của tôi từ nhỏ cũng vẽ đẹp nhưng bố tôi vẫn chê là cứng, không có chất hội họa. Sau này mẹ tôi có nhờ họa sĩ Trần Văn Cẩn rèn giũa anh để thi vào trường mỹ thuật nhưng thi 2 năm đều không được. Vậy là chỉ có tôi theo nghiệp cầm cọ của bố.

Thật ra, tôi không thấy áp lực từ bố, nhưng nói như anh Nguyễn Đình Chính thì con của những người nổi tiếng thường rất mệt bởi bị gièm pha, đố kỵ của người đời. Vậy nên nói thật là đôi khi tôi chỉ thấy áp lực bởi những lời gièm pha ác ý của thiên hạ. Có người còn nói xã hội làm gì có chuyện bố giỏi rồi con lại giỏi... Tôi nghĩ, Tô Ngọc Vân và Tô Ngọc Thành tuy có cùng dòng máu nhưng là hai con người khác nhau, phong cách khác nhau, không thể lẫn được. Cũng có thể vì là con của danh họa nổi tiếng thì tôi sẽ có may mắn hơn, được nhiều người biết hơn, tranh có thể dễ bán hơn... nhưng điều đó không quyết định được tất cả. Trên con đường nghệ thuật, tôi vẫn đi bằng đôi chân của mình chứ không phải đi bằng sự nổi tiếng của bố. Vậy nên tôi vẫn nói “thiên hạ gièm pha đều vứt xó, vùi đầu vào vẽ bất cần ai...”. Bởi thế nên tôi mới đi cùng nghệ thuật được đến bây giờ.

PV: Như ông chia sẻ thì ông được đánh giá là có tài năng từ sớm nhưng sau này công việc của ông lại là họa sĩ hoạt hình. Điều đó có làm ông thấy chạnh lòng?

Họa sĩ Tô Ngọc Thành: Năm 1954, bố tôi nhận nhiệm vụ đi chiến trường Điện Biên Phủ, trước khi đi, ông dặn dò tôi chuẩn bị đợi bố về gợi ý cho để vẽ tranh dự triển lãm toàn quốc. Bố còn nói với mẹ tôi rằng, hoàn thành nhiệm vụ trở về ông mong sẽ được đi Liên Xô. Mẹ tôi nói dỗi là, ông đi được thì cứ đi mãi đi. Cuối cùng ông đi mãi thật…

leftcenterrightdel
Bức tranh của họa sĩ Tô Ngọc Thành

Bố mất, gia đình tôi rất vất vả để kiếm sống. Tôi phải đi làm công nhân. Năm 1956, tôi được ưu tiên suất học bổng đi học nước ngoài nhưng là ngành kỹ thuật, không phải ngành tôi thích nên tôi từ chối để dành suất cho người khác. Đến năm 1959, tôi được tuyển thẳng vào Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Năm 1962, ra trường, tôi được phân công về một bưu điện làm công việc vẽ tem, rồi thi tuyển sang xưởng phim hoạt hình, rồi được đi học nước ngoài.

Tôi quan niệm, công việc là phục vụ nhiệm vụ chính trị, cách mạng và vẫn phải làm hết mình, làm thật tốt. Tôi còn viết báo, minh họa báo, sách, một phần để kiếm tiền, và cũng là trách nhiệm của người nghệ sĩ trong lĩnh vực của mình với nhân dân. Bên cạnh đó, buổi tối hay cuối tuần tôi đắm mình vào vẽ tranh theo nghề bố. Tất nhiên, rất rõ ràng tranh tôi vẽ không bị ảnh hưởng bởi hoạt hình, giống như việc tôi học bố rất nhiều nhưng tôi có hướng đi của riêng mình, tranh của tôi có mạch, phong cách riêng. Với tôi, làm nghệ thuật là làm cho cuộc sống đẹp hơn, con người yêu đời hơn, có lẽ vì thế mà tranh của tôi thường có màu sắc tươi sáng, yêu đời.

Bao năm đi làm, tôi chỉ làm anh phó thường dân, nhưng cũng nhờ đó mà tôi mới có điều kiện làm nghệ thuật, theo đuổi điều tôi muốn, chứ nếu “chẳng may” được làm lãnh đạo, quản lý thì chưa chắc tôi đã có thời gian sống với đam mê vẽ. Nghĩ lại thấy cuộc đời tôi cũng nhiều gian truân mà với những người theo đuổi nghệ thuật thì chẳng có con đường nào dễ dàng cả; nhưng như cái tên bố mẹ đặt cho tôi vậy-“Thành” có nghĩa là bức tường vững chắc khó mà lay chuyển được, khi đã yêu là yêu đến cùng.

PV: Đến giờ, khi nhìn lại cuộc đời làm nghệ thuật “yêu đến cùng” của mình, ông thấy điều ý nghĩa nhất ông có được là gì?

Họa sĩ Tô Ngọc Thành: Cuộc đời làm nghệ thuật vinh quang và cũng đầy cay đắng. Tôi vẫn bảo, cuộc đời có đẩy tôi vào ngõ cụt nhưng tôi tự hào là mình vẫn sống tốt, vẫn đơm hoa, kết trái. Và, tôi đã làm cho cuộc đời mình có ích. Tôi nhớ một câu chuyện, đó là một thanh niên đang buồn chán muốn tự tử nhưng vô tình xem triển lãm tranh của tôi thì thấy yêu đời hơn và không có ý định chết nữa. Đó là điều trân quý với người họa sĩ như tôi khi bỏ bao công sức cả cuộc đời làm nghệ thuật để cống hiến, tạo niềm vui cho người, cho cuộc đời.

Người ta nói “trẻ yêu như điên, già điên mới yêu”. Có người bảo tôi điên, đúng thế. Tôi đang “điên” thật khi lúc trẻ tôi vẽ như “điên”, bây giờ già rồi tôi vẫn “điên” để vẽ... Tôi đã vẽ từ trẻ, vẽ rất nhiều không nghĩ tới nổi tiếng, để vào hội này hội kia, để bán được nhiều tranh… chỉ đơn giản là thích vẽ. Lúc nào tôi cũng thấy cuộc sống rất đẹp khi được vẽ. Tôi cũng không quan niệm giàu hay nghèo bằng tranh, giá bán cao hay thấp. Tôi tặng tranh của mình rất nhiều, cho cả những người không thân thiết lắm. Cũng nhiều người mua tranh của tôi vài trăm USD rồi bán lại hàng chục nghìn USD. Tôi cũng không để tâm. Bởi tôi nhớ bố tôi từng nói: “Nếu thích tiền tài, danh vọng, địa vị thì đừng bước chân vào nghệ thuật làm gì cho phiền”. Với tôi, giá cả không phải vấn đề quan trọng, tôi vẫn có đủ tiền để mỗi năm đi khắp Bắc, Nam sáng tác, vậy là được rồi.

PV: Với nhìn nhận của cá nhân, ông thấy thị trường hội họa Việt Nam hiện nay như thế nào?

Họa sĩ Tô Ngọc Thành: Tôi thấy thị trường hội họa Việt Nam từ thập niên 1990 trở lại đây đang bão hòa, dần đi đến khủng hoảng. Người mua đang ngại, không dám mua tranh. Thứ nhất bởi nạn tranh giả rất nhiều, thứ hai là chính các họa sĩ đang chạy đua vẽ vì đồng tiền. Có câu chuyện thật rằng, một vị khách nữ đến mua tranh của họa sĩ thấy một bức rất đẹp, ưng ý. Sau khi thỏa thuận giá, gói bọc lại cẩn thận, vị khách xin đi tham quan tranh ở tầng trên thì ngỡ ngàng khi thấy có rất nhiều tranh của họa sĩ đó giông giống bức mình vừa mua. Đương nhiên vị khách ấy thấy rất tức giận, không mua nữa. Tức là, họa sĩ đã chép lại chính tranh của mình. Rồi nhiều khi họa sĩ gửi tranh ở một cửa hàng buổi sáng thì buổi chiều đã có tranh giả bức tranh đó bày ra bán, trong khi bức tranh thật họ cất trong nhà. Có người bảo phải ký tên lên tranh để tránh bị làm giả, nhưng tranh họ còn vẽ giả được thì chữ ký có gì khó đâu... Thị trường như vậy thì sao làm cho hội họa phát triển được.

Một họa sĩ muốn thành công, nổi tiếng trước hết phải có tài năng, năng khiếu; rồi được đào tạo qua trường lớp; phải có công chúng có trình độ, và cần có những mạnh thường quân am hiểu hỗ trợ, giúp đỡ. Nhà nước hiện nay hỗ trợ có hạn trong khi đòn bẩy về kinh tế rất quan trọng. Họa sĩ vẽ được tranh rồi lại phải bán được mới có tiền để đi sáng tác, triển lãm tiếp... Nghĩa là, hội họa phải có thị trường lành mạnh, thuận lợi mới phát triển được.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

DƯƠNG THU (thực hiện)