QĐND - Với tình yêu điện ảnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn về thực trạng và giải pháp để phát triển một nền điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ mới.

Phóng viên (PV): Ông có xem nhiều phim Việt Nam không? Phim Việt hiện nay như thế nào?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh: Documentary

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khẩu hiệu này, tôi nhớ là đầu thế kỉ XX, doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã nêu ra. Hơn thế, ông đã có những động thái thực tế để đội tàu của ông cạnh tranh với giao thông đường thủy của Pháp quốc, Hoa quốc. Thất bại của ông sau đó là bài học cho tất cả chúng ta.

Mỗi thời để lại cho chúng ta những bài học ngụ ngôn của nó. Điện ảnh của Việt Nam cũng vậy. Là một sản phẩm văn hóa, trước hết, nó phải đại diện cho tâm thức một cộng đồng. Tôi có xem và vẫn xem phim Việt với ba tư cách. Thứ nhất là công dân Việt muốn biết chuyện nước mình. Thứ hai là người bỏ tiền ra để hưởng thụ văn hóa. Thứ ba là người nghiên cứu văn hóa. Với tư cách một và tư cách ba, tôi vẫn theo dõi và xem phim Việt qua rạp, qua truyền hình, qua các đợt liên hoan phim. Với tư cách hai (bỏ tiền để hưởng thụ văn hóa), tôi không xem phim Việt.  Nhiều người cũng vậy. Cứ có phim Việt trên truyền hình là người ta chuyển kênh ngay, xem cái khác. Lâu lâu mới có một phim hơi đáng xem một tí, nhưng cái dở vẫn nhiều hơn cái hay. Đó là thực tế.

PV: Nhưng không thể phủ nhận giá trị của điện ảnh Việt Nam trong thời kì chiến tranh?

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Tôi cũng không phủ nhận. Thế hệ chúng tôi thừa hưởng những giá trị tinh thần đó. Các anh chị những khóa đầu tiên sân khấu điện ảnh như Trà Giang, Thế Anh, Trần Phương, Trịnh Thịnh, Lâm Tới... chúng tôi quên sao được. Quên quá khứ là thiếu lịch lãm. Nhưng bình tâm mà xem lại đi, tất cả những tác phẩm điện ảnh thời kì đó, có những đặc điểm như sau: Hồn nhiên, đam mê, thô sơ, đầy nhiệt huyết và đầy tính lý tưởng. Lao động nghệ thuật cũng công phu hơn. Nó đáp ứng môi trường thị hiếu thời kì đó: Hiếm hoi nên lạ lẫm và kì diệu.

PV: Còn chúng ta bây giờ thì sao?

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Tôi có hai kỉ niệm vừa vui vừa đắng lòng. Kỉ niệm thứ nhất là khoảng sau năm 2000, tôi gọi điện thoại thăm hỏi mẹ tôi, một người già hơn 80 tuổi ở quê. Mẹ tôi nói: "Sao con gọi mẹ vào giờ này?". "Sao thế hở mẹ?". "Mẹ đang xem phim Hàn Quốc!". Tôi lặng người đi. Kỉ niệm thứ hai là sau đó, tôi đi nghiên cứu miền núi, thấy đồng bào Cơ Tu đua nhau đặt tên con mình bằng các tên nhân vật, diễn viên Hàn Quốc mà họ yêu thích.

Sao lại như vậy? Ngoại trừ quy luật tâm lý là người ta hay liếc vào cửa sổ nhà khác vì tò mò thì phải nói rằng: Mẹ tôi xem phim Hàn là hướng thiện, đồng bào đặt tên cho con mình là hướng thiện. Thế sao phim Việt không làm được điều hướng thiện đó cho nhân dân mình. Bao giờ thì một bà mẹ Hàn Quốc cách Xơ-un hàng trăm cây số nói với con mình là trí thức ở thủ đô: "Mẹ đang xem phim Việt Nam!". Đắng lòng lắm!

 

Diễn viên Trà Giang, Thế Anh, Lâm Tới- “thế hệ vàng” của điện ảnh Việt Nam. Ảnh tư liệu

 

Sao lại như vậy? Sao qua phim họ trưng được ra trên thế giới văn hóa Hàn Quốc, trai thanh gái lịch Hàn Quốc... và phim Hàn từ chỗ vô danh nay đã có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới. Họ làm thế nào để cho ra lò những bộ phim được lòng dân đến vậy! Rõ ràng, họ có hẳn một đường lối gia tăng "quyền lực mềm" trên thế giới.

Tôi có thói quen dành thời gian từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng để xem các loại phim trên các kênh ti vi. Tôi xem để so sánh với điện ảnh Việt Nam. Tôi xem người ta dựng cảnh, lấy cảnh, góc máy, di máy, viễn cận, lắp ghép cảnh, kể chuyện, tốc độ hình ảnh, kịch bản, đối thoại, âm thanh, âm nhạc, cấu trúc tự sự và biểu hiện... Mỗi phim tôi chú trọng xem một đặc sắc của nó. Sau đó, tôi lại quay ra xem phim Việt để so sánh. Mồm lẩm bẩm đếm một, hai, ba, bốn để tính giây cho các cú máy. Tôi nghiệm ra rằng, trong một phút của cảnh đối thoại, phim Tây cung cấp cho ta khoảng 20 tự sự bằng hình ảnh khác nhau thì phim Việt chỉ một hình ảnh bất biến thôi, như đá câu giờ vậy. Ai mà chịu nổi? Còn bây giờ thì tôi quả quyết rằng, các nhà biên kịch của chúng ta, ít người bỏ công đầu tư viết một đối thoại cho ra hồn. Họ chỉ có phổ biến là: Câu phát vấn-câu trả lời. Hết! Ít người biết viết một câu đáp có ý tưởng, dành cho người xem tư duy, mở ra một thế giới tưởng tượng cho khán giả. Hình ảnh giẫm đạp lên lời thoại một cách phí phạm là điều thường thấy. Thô sơ như kể truyện cổ tích vậy. Làm sao mà có phim hay được. Đó là tỉ dụ đôi cái.

PV: Nhưng như vậy cần có nhiều kinh phí, mà ta lại rất nghèo!

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Tôi đồng ý, điện ảnh là một ngành kinh doanh cần vốn rất nhiều. Ta chưa có những trường quay tốn kém và hiện đại. Đạo diễn chủ yếu là đi chọn cảnh phù hợp rồi làm phim. Tuy nhiên, nếu đầu tư ngay trường quay hiện đại hàng ngàn tỉ thì liệu phim ta có đủ hay ngay không? Chưa chắc! Chính quy, hiện đại mà thắng là một chuyện, nhưng đánh du kích vẫn có thể thắng cơ mà. Không du kích mãi được nhưng tùy điều kiện, chúng ta vẫn có thể đánh. Ngồi mà chờ hiện đại mới đánh thì sẽ thua trước. Suy cho cùng, mỗi bộ phim đều kể một câu chuyện bằng nghệ thuật điện ảnh. Làm thế nào để kể cho hay tùy theo hoàn cảnh của anh ta. Mà nếu chỉ tính theo đề tài, Việt Nam chắc chắn "lắm chuyện" hơn so với Hàn Quốc, Nhật Bản: Một lịch sử đằng đẵng những bi hài với hơn 54 dân tộc, không lắm chuyện thì còn gì nữa. Trong khi, nhiều phim Tây có cốt truyện rất đơn giản nhưng vẫn thú vị, đẹp đẽ. Vậy, kinh phí cũng chỉ là một yếu tố thôi, cho dù là quan trọng. Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, vẫn có thể có phim hay.

Trong đời sống nghệ thuật, chúng ta thường tạo thói quen là khen phim hay nhưng rất ít chê phim dở. Cho dù là chê để rút kinh nghiệm thì cũng bị dị ứng, phản ứng, bao biện...

PV: Theo ông thì chúng ta nên làm thế nào?

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Với tư cách là một nghệ thuật tổng hợp, điện ảnh có nhiều lợi thế nhất để chuyển tải các bản sắc văn hóa ra thế giới. Tính phổ dụng của văn hóa nghe nhìn tạo nên hiệu quả vô song của nó.

Thiết chế văn hóa của chúng ta cần thiết phải hoạch định rõ ràng đâu là chính thống, đâu là thị trường, đâu là công lập, đâu là dân lập. Nó còn bùng nhùng ngay trong tư duy. Tôn trọng các thành phần nhưng cũng có phân định hết sức rõ ràng. Đã phân định rõ ràng thì đầu tư cũng phải rõ ràng và xứng đáng. Nhà nước đầu tư có mục đích của Nhà nước và tư nhân đầu tư có mục đích của tư nhân. Không hoạch định rõ ràng thì sẽ đầu tư dàn trải tạo ra tình trạng bỏ công cạnh tranh dự án mà không bỏ công tập hợp tinh hoa. Ở ta, không chỉ điện ảnh mà ở các lĩnh vực khác, sự phân định hàn lâm và ứng dụng rất mờ nhạt. Hàn lâm chỉ cần ít nhưng phải là tinh hoa. Không có tư duy hàn lâm, không sinh ra được Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... đâu! Điều này phải là ý thức thường trực của các nhà quản lý. Những tác phẩm phát ngôn cho thể chế chính thống phải được thể chế ý thức và ưu tiên đặc biệt để có thể đào tạo, sáng tạo nên những giá trị tinh hoa nhất.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nhà văn NGUYỄN THẾ HÙNG (thực hiện)