Phóng viên (PV): Thưa ông, KCB trực tuyến không còn mới lạ trên thế giới. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị đầu tiên triển khai chương trình KCB từ xa (Telehealth). Chương trình này có gì khác so với các hình thức KCB trực tuyến trước đó, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu: KCB trực tuyến trên thế giới và nước ta cũng đã làm từ lâu. Sau những chuyến công tác, tập huấn ở nước ngoài về thì học trò tại các nước ấy, như: Myanmar, Ấn Độ, Philippines vẫn thường gửi hình ảnh những ca can thiệp khó nhờ tôi tư vấn, hỗ trợ. Thường thì chủ yếu qua Zalo, Viber nên chỉ thấy được hình ảnh cố định trong thời điểm nhất định, vì vậy, quá trình trao đổi, điều trị cho người bệnh khó khăn hơn rất nhiều. Tôi đã nghĩ đến một viễn cảnh có thể sử dụng những ứng dụng công nghệ cao để hình ảnh thường xuyên, rõ nét hơn và đặc biệt có thể làm trực tuyến.

Ở Việt Nam, chương trình Telemedicine với sự đầu tư của Bộ Y tế cùng hệ thống đường truyền riêng, hệ thống camera chuyên dụng, hình ảnh rất sắc nét đã triển khai và đạt kết quả rất tốt. Nhưng Telemedicine chỉ dừng lại ở hội chẩn trực tuyến, tức là các bác sĩ trao đổi, làm việc với nhau nên mỗi lần chỉ một người bệnh được hội chẩn, vài bác sĩ được tham gia, được học hỏi và đặc biệt sự phản hồi lại cho bác sĩ không nhiều. Còn Telehealth chính là hệ thống Telemedicine mở, chính là y học từ xa. Hệ thống mở sẽ có nhiều lợi ích, thứ nhất giúp các bệnh viện ở tuyến dưới được nâng cao uy tín khi người dân, người bệnh thấy bệnh viện rất cầu thị, chịu học và có các bệnh viện lớn, chuyên gia đầu ngành đứng sau hỗ trợ. Thứ hai, quan trọng hơn là việc học tập sẽ được lan tỏa, không chỉ một mà nhiều bệnh viện sẽ được học, các giáo sư, phó giáo sư, người thầy cũng được học. Chính vì vậy, Telehealth trong giai đoạn một sẽ là nâng cao vị thế của cả hai bệnh viện, tuyến dưới và tuyến trên để bệnh nhân tiếp tục thêm tin tưởng vào hệ thống y tế.

PV: Sau một năm triển khai, ông đánh giá hiệu quả của Telehealth như thế nào?

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu: Tháng 4-2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và được sự đồng ý của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), ngày 19-4, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã triển khai hội chẩn trực tuyến lần đầu tiên. Từ hai đơn vị tham gia đầu tiên là Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai), Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), đến nay, đã có 188 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã và 3 bệnh viện của Lào, Campuchia, Hàn Quốc tham gia, sắp tới chúng tôi sẽ hợp tác với Nhật Bản. Tính đến hết tháng 1-2021, chương trình đã có 120 bác sĩ tham gia; 128 báo cáo khoa học; 498 lượt hội chẩn, tư vấn, trong đó chỉ có 93 ca bệnh phải chuyển viện lên tuyến Trung ương do tuyến huyện còn thiếu thốn nhân lực và trang thiết bị.

Tôi cho rằng, Telehealth là hướng đi đúng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Hơn nữa, hoạt động KCB từ xa cũng là mục tiêu của Bộ Y tế và Chính phủ. Thứ nữa, may mắn khi chương trình có sự đồng hành của rất nhiều bác sĩ, lãnh đạo các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi đã tới được những bệnh viện xa nhất ở Lào Cai, Hà Giang, Trường Sa... Chính nhờ sự tâm huyết ấy, chương trình mới thành công được. Nếu bạn theo dõi thì sẽ thấy sau một năm thực hiện, số người xem ngày càng nhiều, số bệnh viện, số ca bệnh đăng ký tham gia cũng ngày càng tăng. Với Telehealth, các đối tượng tham gia được mở rộng, chương trình được công khai trên các trang mạng xã hội Facebook, YouTube để người dân cùng trực tiếp theo dõi. Và không chỉ là hàng trăm bệnh nhân được hội chẩn, không chỉ là những bài học y khoa qua các báo cáo và những ca lâm sàng, theo tôi, cái được lớn nhất của Telehealth là nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống y tế Việt Nam, hướng tới một nền y tế không khoảng cách, nền y tế vì những người yếu thế.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: KIM THU

PV: Lợi ích của Telehealth mang lại cho người bệnh có thể thấy rất rõ, còn đối với đội ngũ y sĩ, bác sĩ thì sao, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu: Chuyên khoa của tôi là tim mạch nhưng trong lĩnh vực này, tôi cũng không thể hiểu biết hết được. Với riêng tôi, mỗi buổi Telehealth là một buổi học lâm sàng quý báu. Mỗi buổi KCB trực tuyến có hàng nghìn người xem và hàng chục nghìn người xem lại. Telehealth là cơ hội học tập cho các y sĩ, bác sĩ, sinh viên y khoa, điều đó rất rõ ràng.

Chúng tôi dự định sẽ triển khai đào tạo y khoa liên tục (CME) và xin phép Bộ Y tế được cấp chứng chỉ CME cho mỗi buổi Telehealth. Đây sẽ là cách học đơn giản, hiệu quả nhất cho các bác sĩ trẻ, tất nhiên cả bác sĩ không còn trẻ. Hơn thế, với Telehealth, chúng tôi đang có kho tàng vô giá với hơn 500 ca bệnh lâm sàng và ngày càng tăng. Chúng tôi sẽ cắt video theo các bệnh lý, tập hợp lại thành phương tiện giảng dạy cho các trường đại học y. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam tạo ra hình thức học tập mới, gần với thực tế hơn và nhất là rẻ nhất trên thế giới. Tôi nghĩ trên thế giới, cũng chưa có mô hình giảng dạy như vậy.

Telehealth sẽ không giúp cho bác sĩ thành ông nọ bà kia nhưng chắc chắn sẽ giúp họ thành bác sĩ giỏi hơn. Chúng ta không cần thay đổi hệ thống giáo dục mà song hành, hỗ trợ để tạo nên hệ thống giáo dục mới với “hai chân” vững vàng cả lý thuyết và thực hành.

PV: Như vậy, không chỉ là hướng đi đúng mà Việt Nam hoàn toàn có lợi thế để phát triển y học từ xa?

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu: Thuận lợi lớn nhất và đầu tiên đó là chương trình được Chính phủ ủng hộ, Bộ Y tế rất quyết tâm, tạo hành lang pháp lý để thực hiện. Ở nước ngoài, hiện hình thức KCB như này chưa có, nếu chúng ta hoàn thiện được hành lang pháp lý thì sẽ có trước cả nước ngoài. Thuận lợi nữa là mặc dù hệ thống y tế cơ sở của chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng những người ở tuyến cơ sở rất mong muốn tham gia, học tập.

Mặc dù vậy, khó khăn cũng như điểm cần khắc phục vẫn rất nhiều. Lo lắng lớn nhất của các nhà quản lý sau một thời gian triển khai chính là người bệnh, gia đình sẽ phản ứng với việc công khai KCB trực tuyến. Thật mừng khi tôi là người tham gia thường xuyên và cũng theo dõi các phản hồi, bình luận thì thấy bệnh nhân, người nhà rất ủng hộ, khen ngợi. Tuy nhiên, khó khăn nhất lại chính là luật. Tôi là người rất quyết liệt, đấu tranh nhiều trong việc này nhưng hiện tại, Luật KCB sửa đổi đã nhiều lần đề xuất trình Quốc hội nhưng chưa được thông qua. Luật hiện tại chưa có mục KCB từ xa. Một năm nay, chúng tôi làm Telehealth thật ra chưa có chút thù lao nào, chủ yếu là trên tinh thần khai phá. Cần có quy định rõ ràng hơn về chi phí KCB từ xa như thế nào, đặc biệt quy trách nhiệm của hai bên. Chúng ta vẫn biết là việc ký bệnh án, đơn thuốc rất quan trọng, có tính pháp lý nhưng luật cũng chưa cho phép ký đơn thuốc từ xa nên người chịu trách nhiệm vẫn là bệnh viện tuyến cần hỗ trợ ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, bác sĩ tuyến Trung ương sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm ấy, cùng ký đơn thuốc cho người bệnh, như thế bệnh nhân cũng sẽ tin tưởng hơn rất nhiều.

Một khó khăn nữa là hiện nay, các nhà quản lý ở nhiều bệnh viện vẫn chưa thấy đây là hướng đi đúng, thậm chí có người vẫn hiểu Telehealth là Telemedicine. Vì thế, dù chương trình Telehealth kết nối tới hơn 1.000 điểm cầu nhưng số bệnh viện tham gia thì còn rất ít, nhất là ở phía Nam.

PV: Như ông nói, để hướng đến một nền y tế không khoảng cách, nền y tế vì những người yếu thế thì Telehealth sẽ cần phát triển như thế nào?

 Một buổi Telehealth tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu: Tất nhiên, chương trình sẽ còn nhiều mục tiêu lớn hơn nữa. Chúng ta vừa trao đổi là giai đoạn một của Telehealth, tức là KCB từ xa qua đầu cầu các bệnh viện. Giai đoạn hai sẽ là những phòng khám từ xa. Nghĩa là, bệnh nhân đến bệnh viện huyện, tỉnh có thể đề nghị khám một giáo sư, bác sĩ ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh và bác sĩ ấy sẽ xuất hiện trên màn hình cùng khám cho bệnh nhân. Nhu cầu ấy sẽ không chỉ dành cho người nghèo mà dành cho cả người có nhu cầu, nhất là các ca bệnh khó để không phải đến tuyến Trung ương. Chúng tôi mong muốn năm 2021 sẽ là điểm nhấn cho sự phát triển của giai đoạn này. Hiện tại, chúng tôi đang triển khai thử nghiệm tại 22 bệnh viện với gần 300 lượt khám ở 19 chuyên khoa và mang lại hiệu quả rõ rệt. Ví dụ, phòng khám ở bệnh viện tại Lào hiện nay, có không dưới 10 bệnh nhân đăng ký mỗi ngày. Tôi tin chắc giai đoạn 2 sẽ thành công.

Giai đoạn 3 là KCB tại nhà. Chúng tôi đã triển khai thí điểm và thu được một số kết quả nhất định. Tất nhiên, giai đoạn này sẽ còn rất lâu mới thành công vì chúng ta vẫn chưa làm chủ được kỹ thuật, trang thiết bị và người Việt chưa có thói quen tầm soát, khám sức khỏe tại nhà định kỳ. Chúng ta cứ làm từng bước một.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THU HÒA (thực hiện)