Năm 2015, AlphaGo - trí thông minh nhân tạo được phát triển bởi các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu DeepMind, một công ty con của Google. Phần mềm này từng được dự báo phải mất đến 10 năm để đánh bại con người. Thế nhưng, trên thực tế, nó chỉ cần một thời gian ngắn tự học, liên tục đấu với chính mình để "rút kinh nghiệm" và ngày càng thông minh hơn. Trong trận đấu với Kha Khiết, 50 nước đi đầu tiên của kỳ thủ này được cho là cực kỳ hoàn hảo. Thậm chí, Kha Khiết đã nghĩ tới một chiến thắng. Nhưng AlphaGo đã xử lý bàn cờ theo nhiều hướng tiếp cận, dần dần phá vỡ thế trận của Ke Jie, ép nhà vô địch thế giới vào thế bí và chấp nhận thua cuộc.

Sau chiến thắng vang dội trước kỳ thủ vô địch cờ vây thế giới, AlphaGo đã quyết định “rửa tay gác kiếm”. Các nhà phát triển trí tuệ nhân tạo này sẽ tập trung vào việc tạo ra những thuật toán cao cấp chung để giúp các nhà khoa học tìm ra cách chữa những căn bệnh hiểm nghèo, cũng như nghiên cứu cách giảm tối đa việc tiêu thụ năng lượng và tạo ra một cuộc cách mạng về vật liệu.

Lật lại quá khứ thì đây không phải là lần đầu tiên trí tuệ nhân tạo chiến thắng con người. Vào ngày 11-5-1997, siêu máy tính Deep Blue của IBM đã đánh bại đại kiện tướng cờ vua người Nga, Ga-ri Ki-mô-vích Ka-xpa-rốp (Garry Kimovich Kasparov). Ka-xpa-rốp được ví là kỳ thủ mạnh nhất trong lịch sử với hệ số ELO 2851, được xếp hạng cao nhất trong khoảng 20 năm từ năm 1985 đến 2005 và là nhà vô địch cờ vua thế giới không thể đánh bại từ năm 1985 đến 1993. Chiến thắng của Deep Blue hai năm trước đã gây chấn động không chỉ thế giới cờ vua. Chiến thắng này đã đánh dấu lần đầu tiên, một trí tuệ nhân tạo đã có thể chiến thắng trí não con người.

leftcenterrightdel
Kha Khiết đã thảm bại trước AlphaGo. Ảnh: wordpress 
Cờ vua và cờ vây là nơi thử thách trí tuệ nhân tạo trước trí óc con người một cách trực tiếp nên thường gây ra sự chú ý của toàn thế giới. Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực khác, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cũng vô cùng đáng kinh ngạc. Mới đây, một nhóm kỹ sư có tên là Google Magenta đã phát triển hệ thống NSynth. NSynth lấy mẫu từ khoảng 1.000 dụng cụ âm nhạc khác nhau và pha trộn chúng lại theo cách rất tinh vi và có độ phức tạp cao. Đầu tiên, NSynth tìm hiểu để xác định các đặc tính về âm thanh của từng loại nhạc cụ, sau đó nó tự tiến hành phối âm, để tạo ra một hỗn hợp các nhạc cụ âm nhạc mà không giống với bất kì một sự pha trộn các nhạc cụ nào trước đây. Theo các kỹ sư Google Magenta, NSynth cung cấp cho các nghệ sĩ khả năng kiểm soát trực quan về âm sắc và động lực học. Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện để các nhạc sĩ khám phá những âm thanh mới lạ, độc đáo.

Những năm gần đây, công nghệ phát triển vượt bậc đã tạo ra những rô-bốt ngày càng giống người thật về mặt hình thức. Nhưng đó chưa phải là tất cả, theo nhà khoa học Gioóc-đi Van-lơ-vơ-đu (Jordi Valleverdu), thuộc Đại học Bác-xê-lô-na (Barcelona), Tây Ban Nha, công nghệ mới đang tiến dần tới việc thiết kế ra “tử cung nhân tạo đáng tin cậy” để giúp sản sinh ra một cơ thể sống hoàn chỉnh trong rô-bốt. Hơn thế, bằng việc kết hợp công nghệ gien, các nhà khoa học có thể tạo ra một con người mang nhiều gien trội.

Trong Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, trí tuệ nhân tạo ngày càng thể hiện vai trò vượt trội. Ở lĩnh vực may mặc, rô-bốt đã có thể hoàn toàn thay thế con người. Cách đây chưa lâu, rô-bốt đã lần đầu may trọn vẹn được một chiếc áo mà không cần đến sự giúp đỡ, điều khiển của con người. Đây được xem là một thành tựu khoa học và một bước phát triển trong kế hoạch tự động hóa trong sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, với nhân loại, nó cũng lại là một dấu mốc đáng sợ. Khi rô-bốt có thể tự đảm đương toàn bộ quá trình lao động, con người dần dần mất việc làm, mất chỗ đứng và vị thế. Đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên là những nhân công giá rẻ. Từ đó báo hiệu một nguy cơ thất nghiệp cao mà con người phải đối mặt trong tương lai.

Trong tương lai xa hơn, các nhà khoa học dự báo, rô-bốt còn có thể hoàn toàn thay thế con người trong việc tạo ra chính đồng loại của chúng. Tức là, rô-bốt sẽ tự tạo ra được rô-bốt. Khi điều đó xảy ra, không chỉ trong lĩnh vực lao động chân tay mà ngay cả trong lĩnh vực lao động trí óc, trong chu trình chế tạo trí thông minh nhân tạo, rô-bốt cũng ngày càng thay thế được con người.

DƯƠNG NGỌC MỸ (theo Technology Review)