Trong số các sự kiện âm nhạc “lỗi hẹn” với khán giả yêu âm nhạc phải kể đến những sự kiện lớn với hàng chục, hàng trăm nghìn khán giả tham dự như Lễ hội âm nhạc và nghệ thuật thung lũng Coachella (Mỹ), Lễ hội âm nhạc điện tử Tomorrowland (Bỉ), Cuộc thi ca khúc truyền hình châu Âu, và Lễ hội Glastonbury (Anh). Hàng loạt ca sĩ và ban nhạc nổi tiếng như: Lady Gaga, Taylor Swift, Madonna, BTS, Green Day, Foo Fighters... đều công bố hủy các chuyến lưu diễn của mình.
    |
 |
Lễ hội Glastonbury 2019 thu hút hàng triệu khán giả tham dự. Ảnh: Getty |
Khi các hoạt động biểu diễn bị hủy đồng nghĩa với việc ban tổ chức sự kiện sẽ phải đối mặt với thua lỗ nặng nề khi mọi chi phí đã bỏ ra trước đó cho việc chuẩn bị địa điểm, phục trang, quảng cáo... Đó là chưa kể đến việc các công ty tổ chức phải xoay xở để hoàn lại tiền vé cho người mua. Điều này không những ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của chính đơn vị tổ chức, thu nhập của các ca sĩ, nhạc sĩ mà còn tác động đến tổng doanh thu của nền công nghiệp âm nhạc của mỗi nước cũng như toàn cầu. Lễ hội âm nhạc Glastonbury là một ví dụ điển hình. Đây là lễ hội âm nhạc lớn nhất nước Anh, ước tính phải chịu thua lỗ đến 100 triệu bảng Anh, khiến ngành công nghiệp âm nhạc nước này càng thêm lao đao. Tương tự, các hoạt động biểu diễn ở Australia không được phép tổ chức do lệnh cấm tập trung đông người đã làm ngành công nghiệp âm nhạc của nước này đứng bên “bờ vực của sự sụp đổ”.
Trước những thách thức tàn khốc mà đại dịch Covid-19 đặt ra cho ngành công nghiệp âm nhạc, nhiều người lo ngại rằng ngành công nghiệp với đóng góp đáng kể cho nền kinh tế thế giới sẽ không thể trụ vững. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ kịp thời của chính phủ các nước cùng với sự ứng phó nhanh nhạy của đội ngũ hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc thời gian vừa qua là cơ sở để tin tưởng vào sự hồi sinh nhanh chóng của ngành công nghiệp này.
Khi các hoạt động biểu diễn ngưng trệ do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các nghệ sĩ và ngành công nghiệp âm nhạc đã nhanh chóng tìm ra lối thoát bằng việc tiêu thụ âm nhạc trực tuyến và thu được kết quả đáng khích lệ. Theo thống kê của Diễn đàn kinh tế thế giới, trong 6 tháng đầu năm 2020, các giao dịch trên internet đã tăng từ 9% lên 47% tổng số doanh thu toàn cầu của ngành âm nhạc. Doanh thu trong quý I từ âm nhạc trực tuyến tăng 70% so với cùng kỳ năm trước, đạt 42,7 triệu người (tăng 50,4% so với năm trước). Nhiều ca sĩ cũng nỗ lực tiếp cận với khán giả theo nhiều hình thức khác nhau, như tổ chức các chương trình phát trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. “Nhờ đó mà thu nhập của nhiều nghệ sĩ đã tăng từ 50% đến hơn 100%”, theo Công ty âm nhạc trực tuyến Tencent Music Entertainment cho biết.
Một cơ sở nữa để có thể tin tưởng ngành công nghiệp âm nhạc sẽ sớm vực dậy khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát trên toàn cầu chính là tình yêu bất tận của khán giả dành cho âm nhạc nói chung và các sự kiện trực tiếp nói riêng. Theo một báo cáo của công ty đo lường toàn cầu Nielsen, có tới 52% dân số Mỹ trả lời đã tham gia các sự kiện âm nhạc trực tiếp hằng năm. Còn theo kết quả khảo sát mới đây của nền tảng đặt vé lễ hội âm nhạc Festicket của Anh, 82% khán giả được hỏi đã khẳng định sẽ rút “hầu bao” để mua vé tham dự các sự kiện âm nhạc được tổ chức sau khi lệnh phong tỏa ở các quốc gia được dỡ bỏ.
LINH AN