16 tuổi làm chỉ huy trung đoàn

Tên khai sinh là Arkady Golikov, con của một nhà giáo có mẹ là họ hàng xa với Lermontov (trong gia huy quý tộc của mẹ Gaidar có hình cuốn sách và thanh gươm), từ bé đã mê theo binh nghiệp, 11 tuổi cậu lên tàu trốn ra mặt trận trong thời Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nhưng bắt buộc quay về. Ba năm sau, cậu trở thành Bolshevik và gia nhập Hồng quân. Vào tháng 3-1921, ở độ tuổi 16, Gaidar trở thành chỉ huy trung đoàn. Trong thời gian dẹp yên cuộc nổi dậy của nông dân Tambov những năm 1920-1921, Gaidar chỉ huy 6.000 binh sĩ. Cách đó không xa có một tài năng quân sự nữa cùng chiến đấu: Tên ông là Georgy Konstantinovich Zhukov, đang chỉ huy một đơn vị gồm 135 tay kiếm.

Thái độ của Gaidar sau những hành động ở Khakassia bị tòa án quy tội đàn áp chính trị trái pháp luật và binh nghiệp sáng sủa vừa mới bắt đầu đã bị đứt đoạn, không phải vì thiên hướng tàn bạo, mà vì căn bệnh nặng của ông từ năm 1919: Gaidar đã bị một vụ nổ lớn, hất ông khỏi lưng ngựa, ngã đập đầu, đập lưng xuống đất nên bị loạn thần kinh chức năng. Mắc căn bệnh này, tâm lý cũng như khả năng trí tuệ của bệnh nhân không bị ảnh hưởng mấy, tuy vậy thỉnh thoảng Gaidar lại bị đau đầu như búa bổ. 

Nhà văn có những vết rạch trên tay mình không? Quả thật là có, nhưng điều đó không hề liên quan đến ý nghĩ tự sát. Các nhà y học thường gọi đây là “phép điều trị quên lãng”-khi gặp chứng đau đầu, Gaidar thường dùng lưỡi dao sắc rạch tay mình để đau đớn ở vết rạch át đi đau đớn trong đầu và cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Rất may là bệnh tình lui dần, cho phép Gaidar tập trung khi làm việc.

leftcenterrightdel
Nhà văn Arkady Gaidar. Ảnh tư liệu 

Đang chờ bị bắt thì được huân chương

Bắt đầu từ năm 1928, không có năm nàoGaidar lại không công bố ít nhất một tác phẩm mới. Nhưng sự nghiệp văn học của ông chẳng thể gọi là suôn sẻ không vướng mây mờ. Tính chân thật và trực ngôn, phong cách không khuôn thước của ông làm cho những người có quan niệm tất cả đều phải theo một quy định nghiêm ngặt phải gờm. Thế là nhà văn bị phê phán và trong thời gian diễn ra cuộc “đại khủng bố”, Gaidar đã nghĩ mình có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Nhưng người ta lại chẳng đụng đến ông, và tháng 1-1939, ông còn được tặng Huân chương Danh dự, thế là những kẻ trước đó kết tội nhà văn “mang những tư tưởng xa lạ” lập tức im mồm.

Bạn có nhớ những tác phẩm của Gaidar? Năm 1940 ở Liên Xô có bộ phim “Timur và đồng đội” dựng theo kịch bản của ông, nhưng không phải tất cả đều biết rằng cuốn truyện nổi tiếng đó được viết trên cơ sở kịch bản mà tác giả soạn từ trước. Không phải ai cũng yêu thích “Timur và đồng đội”: Có những kẻ đã tung tin rằng tác giả biến tổ chức thiếu niên ấy thành những người hoạt động bí mật nào đó và tin này đến tai Stalin. Nhưng Stalin lại ủng hộ tác phẩm.

Hình như ĐArkady Gaidar tôn kính Stalin theo cách rất độc lập của mình. Trong khi những người còn lại ca tụng Stalin như thánh thì Gaidar nói chung là không hề nhắc tới, trong các cuốn sách về Tổ quốc Xô viết. Ông không bị trói buộc bởi bất cứ cá nhân nào.

Phóng viên xung trận

Trong những ngày đầu của Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nhà văn viết kịch bản mới với tiêu đề “Lời thề của Timur” (nhân vật Timur được đặt theo tên con trai của Gaidar). Phim quay xong năm 1942, khi đó Gaidar đã không còn sống. Trước đó, tháng 6-1941 đã mở cuộc tổng động viên nhà văn Xô viết ra mặt trận làm phóng viên và biên tập viên cho báo chí Hồng quân, Gaidar không liên quan đến việc đó: Ông được miễn đầu quân, do căn bệnh của mình. Dẫu vậy, ngày 23-6-1941, ông vẫn đến gõ cửa Ủy ban Quân sự trình bày nguyện vọng, họ nghe với thái độ tôn trọng nhưng nhất quyết không chịu làm điều ngoại lệ. Thế mà một tháng sau, ông vẫn cứ ra mặt trận, lần này là với tư cách phóng viên của Báo Komsomolskaya Pravda. Khi ấy, những người từng gặp ông đều nhất loạt khẳng định: Ông ra trận không chỉ viết, mà còn chiến đấu.

Tiểu đoàn trưởng Ivan Prudnikov-nhân vật một phóng sự chiến trường của Gaidar-nhớ lại: Nhà văn cùng với Trung đội 6 của tiểu đoàn ông đã đích thân tham gia cuộc chiến với quân Đức và thu được chiến lợi phẩm là một khẩu tiểu liên tự động. Những nhân chứng khác đều chứng nhận thêm là trong các trận đánh quân phát xít, có không ít lần phóng viên mặt trận Gaidar trực tiếp cầm súng. Ông chứng tỏ, không chỉ là người chỉ huy cấp trung đoàn tài năng, khi lâm trận như một chiến sĩ, ông cũng gan dạ và cừ khôi. Trong chiến dịch phòng thủ Kiev, Hồng quân chịu thiệt hại nặng, bị quân Hitler bao vây và đánh bại, phải rút khỏi thành phố. Ngày 18-9-1941, nhóm phóng viên các báo trung ương được rút về bằng máy bay, nhưng Gaidar đã từ chối bay. Ông cùng với anh em phòng chính trị Đơn vị 37 chuyển sang hữu ngạn sông Dnepr. 

Xạ thủ của du kích quân

Cuối tháng 9-1941, nhà văn biên chế trong một đơn vị do Đại tá Orlov-thủ trưởng sư đoàn phòng không thành phố Kaniv bên sông Dnepr-đứng đầu. Trong lần cố gắng thoát vòng vây, đơn vị này gặp một đội du kích do Bí thư Huyện ủy Fyodor Gorelov chỉ huy. Đơn vị của Orlov quyết định tiếp tục thoát vây, nhưng Gaidar thì xin ở lại với đội du kích, làm xạ thủ súng máy. Ngày 22-10-1941, trại du kích bị bọn Đức tấn công, do một kẻ nội phản, nhưng bọn phát xít không đánh bại được những người yêu nước-đội của Gorelov tuy bị tổn thất nhưng kịp chia thành những nhóm nhỏ. Nhóm của Gaidar lên kế hoạch phải đến được vùng rừng rậm Chernihiv để tạo nên đơn vị mới có sức chiến đấu hơn. Họ cử 5 người quay về trại cũ để lấy lương thực, thực phẩm còn sót lại, trong đó có Gaidar, trên đường đi không gặp sự cố gì và sáng ngày 26-10 đã đến được làng Liplyave.

Phát ra tín hiệu

Đã gần đến trại mới, nhóm du kích dừng chân nghỉ và xảy ra sự cố ở gần lán của người dẫn đường. Trong mô tả những phút cuối cùng của nhà văn có những khác nhau về chi tiết. Được biết, Gaidar tách ra khỏi nhóm-theo một trong những nguồn tin-tay xách xô đến chỗ người dẫn đường quen biết định lấy khoai tây. Chính Gaidar và những du kích kia không ngờ lại xuất hiện mối nguy hiểm. Đến gần lán, Gaidar phát hiện quân Đức bao vây. Thì ra, bọn phát xít đã theo dõi đường đi của nhóm du kích và định bắt sống họ.

Gaidar hoàn toàn có thể làm ra vẻ không phát hiện ra quân Đức và náu mình đi, nhưng như thế thì đồng đội chắc sẽ phải chết... Ông làm khác và lên tiếng: “Các đồng chí ơi! Quân Đức!”. Bọn địch lập tức xả đạn và nhà văn hy sinh. Tiếng kêu của Gaidar mở đầu cho phản xạ tức thì của du kích, lựu đạn bay tới tấp về phía địch, và trong mịt mù khói, nhóm đã kịp thoát vây. Về sau, những người du kích trở lại lán, người dẫn đường kể lại: Quân Hitler đã thu các huân chương, lục túi áo ngực lấy đi những sổ tay và vở ghi chép, sau khi chúng rút, người dẫn đường đã chôn cất Gaidar.

Mộ nhà văn có thể không ở Kaniv, mà ở Moscow

Một số nhà nghiên cứu viết rằng, ở Moscow không có chứng cứ xác thực về tồn nghi nhà văn phản bội chạy theo phía đối phương. Nếu như Gaidar ở thời điểm đó lên đài phát thanh kêu gọi “quay súng chống lại Stalin”, thử hỏi đòn tâm lý ấy sẽ mạnh ra sao? Điều chắc chắn là đầu năm 1942, lãnh đạo Liên Xô đã tin chắc Arkady Gaidar hy sinh tại trận, trong trường hợp ngược lại, không đời nào bộ phim “Lời thề của Timur” lại được quay và ra mắt khán giả. Moscow biết chính xác là Gaidar đã hy sinh anh dũng, dẫu tài liệu còn chưa mang tính chính thức, nhưng tại sao biết chỗ Gaidar hy sinh sau khi tìm thấy ngôi mộ của ông từ năm 1944 trên lãnh thổ vừa được giải phóng mà chính quyền lại không chính thức thông báo? Có thể có ai đó ghen tỵ với tài của nhà văn và trả thù hèn hạ với người đã khuất?

Năm 1947, nhà văn được chôn cất trọng thể tại thành phố Kaniv, nhưng quả là không phải mọi người đều biết: Ban đầu, nơi yên nghỉ cuối cùng của Gaidar phải là Novodevichy ở thủ đô Moscow-nghĩa trang bên cạnh Tu viện Novodevichy, di sản thế giới. Nhưng Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Ukraine nhất quyết đòi phải được chôn cất nhà văn ở nước mình. 

Arkady Petrovich Gaidar (sinh ngày 22-1-1904, hy sinh ngày 26-10-1941) đã bị phản bội biết bao lần-không thể kể xiết. Kẻ phản bội, đó là những cậu bé, cô bé nhờ những tác phẩm của ông-“Trường học dũng cảm”, “Chú bé đánh trống”, “Timur và đồng đội”-mà lớn lên, khi trở thành người lớn đã không phải bảo vệ đất nước mà nhà văn yêu hơn cả tính mạng mình. Đó cũng là đám nhà báo, nhà văn đã bỏ ra nhiều năm để soạn ra những bài về “đao phủ” Gaidar, “bệnh nhân tâm thần” Gaidar và “kẻ phản bội” Gaidar. Đến cả cháu nội ông (Yegor, con trai Timur Gaidar, được Boris Yeltsin phong làm quyền Thủ tướng Chính phủ Nga năm 1992) cũng để lại tai tiếng với chính sách kinh tế tự do gây tranh cãi.

Có lẽ Gaidar đã trêu tức những kẻ tự coi bổn phận của mình là phải chứng minh Liên Xô chẳng có chi hay ho và toàn bộ lịch sử đất nước chỉ gồm những đàn áp và hy sinh vô nghĩa. Mộ Arkady Gaidar hiện nay vẫn nằm trên lãnh thổ Ukraine, nơi nhà văn đã chiến đấu và anh dũng hy sinh.

ĐĂNG BẨY