QĐND - Nếu như Liên Xô tan rã là một "cơn địa chấn chính trị của thế kỷ 20" thì sự sụp đổ của nền kinh tế hùng mạnh Liên Xô khiến rất nhiều người trong giới nghiên cứu kinh tế thế giới tiếc nuối. Cho đến nay, câu hỏi vì sao nền kinh tế Liên Xô sụp đổ vẫn còn nhiều cách trả lời và những thông tin dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc một góc nhìn ngõ hầu có thể giải thích được căn nguyên của sự sụp đổ đó.

Andropov: Cải cách đúng đắn và được ủng hộ!

Yuri Vladimirovich Andropov, Chủ tịch KGB, Ủy viên Bộ Chính trị (68 tuổi) được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 12-11-1982 sau khi Brezhnev từ trần. Andropov được biết đến là một người thực dụng công khai đối với chủ nghĩa ôn hòa trong chính trị và cải cách kinh tế. Sau khi lên nắm quyền, Andropov đã có những quyết sách đúng đắn về mặt cải cách kinh tế đối với Liên Xô.

Đầu tiên, Andropov đấu tranh rất mạnh mẽ với tệ tham nhũng và nạn biển thủ tài sản của Nhà nước. Tháng 12-1982, ông bắt đầu một chiến dịch nhằm chặn đứng nạn tham nhũng tại vùng Trung Á, tại Bắc Kakaz và Ngoại Kakaz. Andropov đã ủy quyền cho Ủy ban Kiểm tra Đảng trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô kiểm tra những tài sản của các cán bộ một cách kiên quyết. Đồng thời, với sáng kiến cá nhân của Andropov, một chiến dịch toàn liên bang nhằm củng cố kỷ luật lao động và đấu tranh với nạn say rượu tại nơi sản xuất đã bắt đầu được triển khai. Việc chống uống rượu của Andropov được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ vì nó không ngăn cấm việc uống rượu sau khi đã về nhà.

Về kinh tế, nếu như trước đó, nền sản xuất công nghiệp hằng năm tăng không đáng kể còn nông nghiệp bị mất mùa liên tiếp trong 4 năm liền thì trong những năm 1982-1983, dưới thời Andropov đã có mức tăng trưởng khá. Nguyên nhân là do Andropov đã áp dụng yếu tố kích thích của nền kinh tế thị trường. Trong bài “Học thuyết Mác và một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô”, Andropov đã đề ra các quan điểm của mình đối với nền kinh tế Xô-viết, nhấn mạnh phương hướng phát triển kinh tế quan trọng nhất là thỏa mãn nhu cầu của xã hội; chỉ có tiến bộ kinh tế và nâng cao tiềm lực của đất nước mới có thể làm cơ sở cho việc dân chủ hóa xã hội tiếp theo. Chính nhờ cách nhìn nhận này của Andropov nên lần đầu tiên sau nhiều năm, mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 4,7%, năng suất lao động tăng 3,9%. Trong nông nghiệp, mức tăng trưởng là 5%. Kể từ thời Stalin, đất nước chưa từng biết tới nhịp độ này. Về khách quan có thể nói thêm rằng, trong những năm đó, Liên Xô đã thu được gần 30 tỷ USD từ việc bán dầu và khí đốt ra nước ngoài.

Mặc dù là người có quan điểm cấp tiến trên nhiều vấn đề song Andropov rất kiên định nền tảng tư tưởng trong hoạt động của Đảng và Nhà nước. Anatoly Ivanovich Lukyanov, Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô (1988-1990) đã viết về Andropov như sau: “Yuri Vladimirovich là người bảo vệ cương quyết Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, một chủ nghĩa mà ông đã từng biết tới nó không phải qua những trích đoạn đã được các chuyên gia chọn lọc đặc biệt, mà là qua nguyên bản ban đầu”. Trước nhu cầu đổi mới nền kinh tế nhưng Andropov đã không sử dụng Yakovlev, “kiến trúc sư” của cải tổ khiến Liên Xô sụp đổ (sau này) như Gorbachev. Một lần, khi trả lời những lý lẽ của Gorbachev về việc cần phải nhanh chóng để cho Yakovlev về nước, Andropov đã nói: “Anh ta có đầu óc thông minh nhưng không phải chỉ có một cái đầu. Chính vì vậy phải cân nhắc và không vội vàng”. Khi Yakovlev được về nước, Andropov cũng không đưa Yakovlev vào chức Bí thư Trung ương và chỉ rõ rằng: “Yakovlev đã biến chất”.

Các học giả “hậu” Liên Xô đánh giá Andropov rất cao. Đáng tiếc là Andropov mất vào ngày 9-2-1984. Konstantin Ustinovich Chernenko được bầu thay Andropov vào ngày 13-2-1984, nhưng ông mất chỉ sau 13 tháng cầm quyền.

Cải tổ nóng vội khiến kinh tế Liên Xô sụp đổ

Trước khi Gorbachev lên làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, bên cạnh những thành tựu to lớn trong mọi lĩnh vực, nền kinh tế Liên Xô cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế cần phải giải quyết. Nhưng chỉ trong khoảng 6 năm (1985- 1991), nền kinh tế Liên Xô đã diễn tiến từ “tiền khủng hoảng” đến khủng hoảng, rồi khủng hoảng trầm trọng và đổ vỡ.

Ngày 11-3-1985, Mikhail Gorbachev được chọn làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Khi nhậm chức, Gorbachev đã tuyên bố rằng: “Cho phép tôi được bày tỏ niềm tin tưởng rằng chuẩn bị cho Đại hội XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô, nhân dân và Đảng ta tập hợp xung quanh Ủy ban Trung ương sẽ làm tất cả để Tổ quốc Xô-viết của chúng ta ngày càng giàu có và hùng mạnh hơn, để cho sức mạnh tạo dựng của chủ nghĩa xã hội ngày càng được mở ra đầy đủ hơn”.

Gorbachev được Tạp chí Time (Mỹ) bầu chọn là nhân vật của năm 1989, khi kinh tế Liên Xô đang khủng hoảng nghiêm trọng.

Trong cuộc họp Trung ương vào tháng 4-1985, Gorbachev đã đưa ra “Chiến lược tăng tốc” và chiến lược này đã được cụ thể hóa tại Đại hội lần thứ XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô (1986), sau đó được đưa vào kế hoạch 5 năm lần thứ XII (1986-1990) với tên gọi “Tăng tốc sự phát triển kinh tế - xã hội”. Gorbachev nhấn mạnh rằng: “Chúng ta cần phải tăng tốc, tiến lên phía trước, thẳng thắn, khắc phục những sai lầm và thấy tương lai sáng lạn”. Gorbachev nêu ra 4 yếu tố đòi hỏi phải thực hiện tăng tốc: Thứ nhất, những nhiệm vụ xã hội gay gắt chưa được giải quyết; thứ hai, nguy cơ phá vỡ thế cân bằng chiến lược quân sự của Mỹ; thứ ba, bảo đảm sự độc lập hoàn toàn cho nền kinh tế của đất nước và cuối cùng là sự giảm sút tốc độ phát triển, sự suy thoái của nền kinh tế.

Đầu tiên, Gorbachev đã ban bố quyết định “Về các biện pháp bài trừ nạn nghiện rượu và say rượu và các sắc lệnh thích hợp” (ngày 16-5-1985) để “hạn chế sản xuất và tiêu thụ các đồ uống có cồn” mà người dân Nga gọi nôm na là “Luật khô”. Gorbachev quyết định tăng giá đồ uống có chất cồn cũng như hạn chế hình ảnh rượu, bia trên phim ảnh và các phương tiện đại chúng. Gorbachev cho rằng: “Nếu không sản xuất rượu thì người dân sẽ không uống rượu nữa”. Tuy nhiên, đối với một nước Nga truyền thống ưa rượu chè do khí hậu lạnh giá, cải cách này đã hoàn toàn thất bại. Không những không làm giảm chứng nghiện rượu mà càng làm giảm sức khỏe của người dân, bởi người dân Nga đã uống cả thuốc đánh răng, xi đánh giày và rượu lậu. Khan hiếm rượu mạnh làm gia tăng các tội phạm có tổ chức và nạn buôn lậu. Nó còn khiến ngân khố quốc gia sụt giảm ghê gớm, theo con số do Thủ tướng Ryzhkov đưa ra thì Liên Xô thiệt hại 67 tỷ rúp trong 3 năm (1986-1988), tương đương với 100 tỷ USD hối đoái lúc đó.

Tháng 9-1985, trong cuộc gặp gỡ giữa Ban Chấp hành Trung ương với phong trào Stakhanov trước đây và những người tiên tiến trẻ tuổi, Gorbachev đã kêu gọi và động viên nghị lực của thanh niên trong những vấn đề do Đảng vạch ra, để biến các “dự trữ ẩn náu” thành hiện thực. Những "dự trữ ẩn náu" đó là: Sử dụng tối đa công suất máy móc, tiến hành làm 2, 3 và 4 ca một ngày lao động; củng cố kỷ luật lao động. Trên thực tế, dựa vào nhiệt tình lao động mà không được củng cố bằng kỹ thuật mới và trình độ tay nghề của công nhân, cũng như tổ chức lao động, đã không dẫn tới “tăng tốc” mà càng làm tăng nhanh các tai nạn, thảm họa trong những lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân. Lớn nhất là thảm họa ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (ngày 27-4-1986) gây hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng triệu người trong nhiều thế hệ.

bTrong bài phát biểu của mình nhân kỷ niệm 70 năm cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (1987), Gorbachev tuyên bố thay thế cải cách kinh tế bằng một cuộc “cải tổ” toàn diện cả về kinh tế lẫn chính trị - xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, các cải cách kinh tế của Gorbachev diễn ra chậm hơn rất nhiều so với những cải cách chính trị - xã hội.

Đầu tiên, Gorbachev đã xóa bỏ sự chỉ đạo của Trung ương đối với các xí nghiệp; chuyển quan hệ giữa các bộ và các xí nghiệp sang các quan hệ “đồng nghiệp”. Đặc biệt, Đạo luật về các cơ sở kinh tế (thường được gọi là Luật Hợp tác xã) và Đạo luật về lao động cá nhân được Gorbachev áp dụng từ tháng 3-1988 đã cho phép tư nhân có sở hữu trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất và có quan hệ thương mại với nước ngoài. Quá trình “tư nhân hóa” một cách vội vã, ồ ạt đã được bắt đầu từ đây.

Tháng 6-1990, bằng chỉ thị “Về quan niệm chuyển sang nền kinh tế thị trường có điều tiết của Liên Xô”, Gorbachev đã tuyên bố đến năm 1995, sẽ đưa khoảng 20% xí nghiệp công nghiệp nhà nước sang tư nhân hóa và tuyên bố xóa bỏ “chiến lược tăng tốc”. Mục đích của chiến lược “chuyển sang nền kinh tế thị trường có điều tiết” được Gorbachev chỉ ra là “thúc đẩy tư nhân hóa các xí nghiệp, ruộng đất, thủ tiêu độc quyền công nghiệp lớn, chuyển sang xí nghiệp cổ phần”.

Chính sách kinh tế đầy tham vọng nhưng thiếu cẩn trọng của Gorbachev đã dần đưa nền kinh tế Liên Xô tới bờ vực thảm họa. Trong nhiệm vụ của “Chiến lược tăng tốc”, Gorbachev nói chỉ cần tăng 4% thu nhập quốc dân giai đoạn 1986-1987 thì sẽ hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ XII thì đến năm 1989, tổng sản phẩm quốc dân giảm 4-5%, năng suất lao động xã hội giảm 2,5%, thâm hụt mậu dịch lên tới 5 tỷ USD và nợ nước ngoài 58 tỷ USD. Tình trạng khan hiếm các loại thực phẩm ở mức nghiêm trọng. Số tiền tồn đọng trong nhân dân tới 200 tỷ rúp nhưng không mua được hàng. Do đó, Liên Xô phải tái lập hệ thống phân phối thời chiến tranh, sử dụng tem phiếu hạn chế mỗi người dân chỉ được tiêu thụ sản phẩm ở một mức nào đó mỗi tháng. Đến đầu năm 1990, sự giảm sút thu nhập quốc dân đã lên tới 10%. Tổng thu nhập của Liên Xô là 1.500 tỷ USD, đã bị Nhật Bản vượt qua và thua kém rất xa so với tổng thu nhập của Mỹ (4.500 tỷ USD).

Tháng 12-1990, Thủ tướng Liên Xô Ryzhkov tỏ thái độ bất bình khi hàng trăm đạo luật về kinh tế của Xô-viết tối cao không được Gorbachev thi hành, khiến nền kinh tế Liên Xô đang đứng trên bờ vực thẳm, đã từ chức. Chính phủ mới của Thủ tướng V.Pavlov đã nỗ lực cứu vãn nền kinh tế Liên Xô bất chấp áp lực của phe “dân chủ”. Trong khi đó, Gorbachev lại mong muốn phương Tây cứu giúp Liên Xô. V.I.Boldin, trợ lý của Gorbachev, viết: “Vào thời kỳ cuối cùng, nhiều người lãnh đạo các ngành, các xí nghiệp, đại biểu Xô-viết đã viết về tình hình khó khăn, về việc cần kíp phải tìm cách tháo dỡ khó khăn nhưng chẳng giải quyết được gì. Tổng thống thường nói: “Các đồng chí hãy tìm giải pháp đi. Tất cả mọi giải pháp hay đều được chấp nhận. Mà có ai quấy rầy các anh đâu, cứ làm đi”. Trong lời nói của ông ta cảm thấy có sự thiếu tin tưởng và sợ hãi, ông không dám quyết định điều gì quan trọng. Và Gorbachev dần dần chỉ gặp gỡ với người nước ngoài”.

Ngày 23-7-1991, Gorbachev đệ đơn xin cho Liên Xô gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới và được chấp nhận. Nhưng Gorbachev rất tức giận vì không vay được một đồng nào từ “hai túi tiền” này. Ông đã viết thư công kích Tổng thống Mỹ Bush (cha): “Thật là lạ, 100 tỷ USD có thể được chi ra cho một cuộc xung đột khu vực. Tiền có thể cung cấp cho những chương trình khác. Nhưng số tiền này có thể làm thay đổi Liên bang Xô-viết, đem lại sự tốt đẹp hoàn toàn mới, biến đất nước này trở thành một phần hoàn toàn của nền kinh tế thế giới, để nó không còn là một lực lượng gây rối và là một mối đe dọa tiềm tàng nữa”.

Ngày 25-12-1991, sau cuộc chính biến tháng Tám, Gorbachev từ chức Tổng thống Liên Xô và rời khỏi điện Kremli khi nền kinh tế đất nước đang “rơi tự do” xuống vực thẳm và bị xé nhỏ thành nhiều mảnh. Liên Xô đã biến mất trên bản đồ chính trị thế giới. Sau khi Liên Xô tan rã, Gorbachev thừa nhận mục đích cải tổ về kinh tế của mình nhằm phục vụ cho sự phục hồi chủ nghĩa tư bản, với mong muốn biến Liên Xô thành một “nước Mỹ song sinh”.

Gorbachev là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô nhưng lại là một kẻ phản bội Đảng. V.I.Boldin, trợ lý cũ của Gỏbachev, đã chua xót nói rằng: “Trong lịch sử chưa có trường hợp người đứng đầu Đảng phản bội lại các lý tưởng của Đảng, chà đạp các quan hệ đồng chí. Trong lịch sử cũng chưa có trường hợp người đứng đầu nhà nước một quốc gia-cường quốc vĩ đại có hành động xấu xa, quay lưng lại với đất nước của chính mình, đánh lừa và bỏ mặc số phận hàng triệu người”.

NGUYỄN VĂN TOÀN