Không phải những vũ khí tối tân đầy uy lực như xe tăng, pháo binh, mà chính những chiếc máy bay không người lái (UAV) nhỏ bé và nghệ thuật sử dụng nó mới là yếu tố quyết định trên chiến trường Nagorno-Karabakh. Hàng nghìn binh sĩ cùng cả trăm xe tăng hiện đại của Armenia bị loại khỏi vòng chiến đấu chỉ trong 4 tháng giao tranh với Azerbaijan đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về vai trò của UAV trong chiến tranh hiện đại, yếu tố quyết định khiến Yerevan không còn con đường nào khác phải chấp nhận thỏa thuận hòa bình, thực chất là thừa nhận thất trận trước Baku.
Nhiều năm nay, với nguồn thu lớn từ dầu lửa, Azerbaijan đã âm thầm mua sắm nhiều UAV quân sự, cả trinh sát và tấn công, từ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Nếu như các UAV có tên gọi Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đáng sợ bởi khả năng bay thấp luồn tránh radar cùng hệ thống dẫn đường hiện đại thì các UAV cảm tử của Israel lại có tính năng lao thẳng vào mục tiêu khiến đối phương không kịp trở tay.
Chính các UAV nhỏ bé và tàng hình này đã quét sạch xe tăng, pháo binh và binh lính của đối phương, giúp Azerbaijan giành thế thượng phong trên chiến trường trước đội quân Armenia vốn được coi là những chiến binh thiện chiến trên vùng núi Kavkaz hiểm trở. Dù được huấn luyện tốt và từng chiếm ưu thế trong các cuộc đối đầu với Azerbaijan trước đây, binh lính Armenia lần này đã hoàn toàn bất lực trước phương pháp tác chiến mới của đối phương.
Tất nhiên, không phải đến cuộc chiến Nagorno-Karabakh, người ta mới biết tới sự nguy hiểm của UAV. Mới tháng 9 năm ngoái, những chiếc UAV được cho là của Iran với chiến thuật bầy đàn đã dễ dàng qua mặt hệ thống cảnh giới, hệ thống phòng không của Saudi Arabia và thậm chí là cả của Mỹ để phá hủy hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ tại vùng Vịnh. Dù đồn trú tại Bahrain, cách hai nhà máy lọc dầu bị tấn công chỉ khoảng 50km, Hạm đội 5 hải quân cùng nhiều căn cứ không quân Mỹ tại Trung Đông đều tê liệt vì không phát hiện được các UAV này.
Nhưng trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh, vai trò của UAV đã được nâng tầm lên một mức mới. Nó cho thấy bức tranh toàn cảnh về phương thức tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại, khi các UAV kết hợp với sức mạnh của hệ thống máy tính và mạng lưới kết nối thông tin tạo dựng bức tranh chiến trường thống nhất đã giúp giải quyết nhanh chóng mọi chuyện trên chiến trường, đẩy đối phương vào tình thế không có sự lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận thua trận.
Cuộc chiến Nagorno-Karabakh còn cho thấy những bài học về phòng thủ, tác chiến, và một điểm đáng lưu ý nữa là vai trò của cuộc chiến truyền thông mà Azerbaijan đã khôn khéo áp dụng. Các video ghi lại những cuộc tấn công tàn khốc bằng UAV nhằm vào lực lượng Armenia được chia sẻ công khai trên website Bộ Quốc phòng Azerbaijan và các mạng xã hội lớn đã giáng đòn tâm lý nặng nề, làm tê liệt ý chí chiến đấu của các binh sĩ người Armenia trong chiến hào cùng giới lãnh đạo Armenia ở thủ đô Yerevan.
Với thỏa thuận mà Armenia buộc phải ký kết với Azerbaijan, bàn cờ chính trị vùng Nam Kavkaz đã thay đổi. Armenia buộc phải chuyển giao nhiều vùng lãnh thổ mà mình đang kiểm soát ở bên trong và ngoài khu vực Nagorno-Karabakh cho Azerbaijan. Sau nhiều thập kỷ bị Armenia lấn át, tương quan lực lượng giờ đã nghiêng về phía Baku. Chưa ai biết tương lai của khu vực Nagorno-Karabakh với đa số người Armenia sẽ như thế nào sau thất bại của Yerevan.
Cùng với đó là sự nổi lên của Thổ Nhĩ Kỳ-đồng minh thân cận của Azerbaijan trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh. Là người kế thừa đế chế Ottoman hùng mạnh từng thống trị suốt hơn 6 thế kỷ trên vùng đất rộng tới 5,6 triệu km², trải dài suốt từ Tiểu Á, Trung Đông, Bắc Phi, đông-nam châu Âu đến tận Kavkaz, Thổ Nhĩ Kỳ đang ấp ủ tham vọng tái hiện tầm ảnh hưởng như đế chế này. Những hành động cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Libya, gây căng thẳng với Hy Lạp, không ngại mâu thuẫn cả với Mỹ, EU, Nga, và bây giờ là sự can dự vào cuộc chiến Nagorno-Karabakh, cho thấy Ankara đang chứng tỏ sức mạnh để buộc các nước phải thừa nhận vai trò của mình.
Dù chưa thể giành được vị thế lớn hơn như tham gia dàn xếp, ký kết thỏa thuận ngừng bắn hay điều phối lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đạt mục tiêu bước đầu là gia tăng ảnh hưởng và hiện diện quân sự lâu dài ở Azerbaijan. Khi thỏa thuận ngừng bắn vừa ký kết, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ lập tức ra nghị quyết về việc triển khai quân đội ở Azerbaijan để giám sát, gìn giữ hòa bình. Điều đó cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có trù tính trước và ý định lâu dài. Trong tương lai, Thổ Nhĩ Kỳ có điều kiện kết nối tuyến đường từ bờ biển Địa Trung Hải đến bờ biển Caspian cũng như duy trì ổn định nguồn cung cấp khí đốt và các lợi ích khác từ Azerbaijan.
Giao tranh ở Nagorno-Karabakh đã lắng xuống nhưng nó lại làm nổi lên câu hỏi về vai trò của con người và trí tuệ nhân tạo (AI) trong chiến tranh hiện đại. Nó cũng làm lộ dần những ý đồ chiến lược của các nước liên quan, nhất là các nước lớn, cùng cục diện mới ở khu vực Nam Kavkaz.
TƯỜNG LINH