Xem ra, cuộc chiến lần này ở vùng lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước cộng hòa từng là anh em trong đội hình Liên bang Xô viết trước đây không dễ dàng kết thúc, bất chấp những nỗ lực hòa giải trong các hoạt động liên kết làm cầu nối của Điện Kremli...

Nagorno-Karabakh đã là vết dằm trong mối quan hệ sắc tộc và chính trị giữa Armenia và Azerbaijan từ nhiều thập niên nay. Oái oăm là ở chỗ, sau rất nhiều sự kiện diễn ra trong quá trình lịch sử dài lâu và phức tạp, đây là vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận thuộc về Azerbaijan, nhưng đa số cư dân ở đó lại là người Armenia. Bạo lực sắc tộc đã lại trở nên gay gắt ở đây vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, dẫn tới việc xuất hiện nước cộng hòa tự trị Nagorno-Karabakh. Và sau khi Liên bang Xô viết tan rã, cũng chính tại đây đã bùng nổ một cuộc chiến tranh thực sự, khá đẫm máu. Chỉ tới năm 1994, giữa các bên xung đột mới đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Từ đó, vùng lãnh thổ tiềm ẩn các tranh chấp này nằm dưới quyền điều hành của Chính phủ nước cộng hòa tự trị Nagorno-Karabakh, được Armenia ủng hộ. Không những thế, ngoài phần đất danh chính ngôn thuận thuộc về mình, Chính phủ Nagorno-Karabakh còn được kiểm soát một số khu vực mà trước chiến tranh, đại đa số cư dân là người Azerbaijan (được gọi là “vòng cung an ninh của Nagorno-Karabakh”) như Agdam, Jabrayil, Fuzuli, Kalbajar, Qubadli, Lachin, Zangilan. Phần lớn cư dân ở đây đã phải ly hương, “bỏ của chạy lấy người” vì chiến sự diễn ra ở cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ 20...

Ảnh minh họa. Nguồn: ABC News.

Thỏa thuận ngừng bắn năm 1994 đã cho phép tiến hành các cuộc thương lượng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh dưới danh nghĩa nhóm các nước thành viên Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), với các đồng chủ tịch là Nga, Pháp, Mỹ cùng Belarus, Đức, Italy, Thụy Điển, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Armenia và Azerbaijan. Tuy nhiên, mọi sự đã lâm vào bế tắc, đặc biệt sau thất bại của kế hoạch hòa bình được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc từng đạt được ở Madrid (Tây Ban Nha) vào tháng 11-2007.

Từ đó tới nay đã không chỉ một lần xảy ra những vụ đụng độ vũ trang giữa các bên  trong khu vực Nagorno-Karabakh và cả ở vùng biên giới giữa Armenia với Azebaijan. Mỗi bên đều có những lý lẽ riêng để bảo vệ quyền lợi và vai trò của mình đối với khu vực lãnh thổ trường niên tranh chấp này...

Tuy nhiên, phải tới cuối tháng 9 năm nay, Baku với lực lượng quân sự vượt trội so với Yerevan mới thêm một lần bộc lộ quyết tâm dùng vũ lực giành lấy vùng lãnh thổ đã được quốc tế công nhận là của mình. Chiến sự đã diễn ra đặc biệt ác liệt theo hướng Hadrut-Jabrayil, trong lưu vực sông Aras, con sông vốn là đường biên giới tự nhiên giữa Azerbaijan với Iran. Từ sáng 27-9-2020, quân đội Azerbaijan đã mở những đợt tấn công như vũ bão với đông đảo lực lượng không quân, thiết giáp, pháo binh, xe bọc thép nhằm vào đối phương. Baku đã sử dụng cả những loại vũ khí tối tân nhất mà họ có thể mua được trên trường quốc tế...

Các bên tham chiến đều đưa ra những thông báo về vô số nạn nhân giữa quân đội và cả dân thường. Armenia và Nagorno-Karabakh tuyên bố tình trạng quân sự và tổng động viên. Trên toàn bộ lãnh thổ Azerbaijan cũng áp dụng tình trạng quân sự và ở nhiều khu vực tuyên bố lệnh giới nghiêm. Ngay từ ngày 28-9-2020, Yerevan ra lệnh cấm mọi đàn ông ở lứa tuổi quân dịch (trên 18 tuổi) rời khỏi đất nước, còn Baku cũng ra lệnh tổng động viên một phần...

Trong cuộc chiến tranh hiện nay, Azerbaijan nhận được sự hỗ trợ về trang thiết bị và chuyên gia quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng, Ankara sẽ đứng bên cạnh Baku không chỉ trong các hoạt động ngoại giao mà cả ở ngoài chiến trường. Có thông tin là Ankara còn đưa hàng nghìn lính đánh thuê Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ sang chiến trường Nagorno-Karabakh. Yerevan về danh nghĩa không đối đầu trực tiếp với Baku nhưng trong thực tế đã đứng sát cạnh chính quyền Nagorno-Karabakh, ít nhất là về mặt quân sự. Trong lực lượng chiến đấu của nước cộng hòa tự trị này có mặt những người lính tình nguyện gốc Armenia tới từ Syria, Lebanon và các quốc gia Mỹ Latin...

Tuyệt đại đa số các quốc gia chủ đạo trên trường quốc tế đều lên án những hoạt động bạo lực liên quan tới khu vực Nagorno-Karabakh và kêu gọi các bên tham chiến ngồi vào bàn đàm phán. Ngày 10-10 vừa qua, với vai trò trung gian của Nga, tại Moscow, Bộ Ngoại giao hai nước Armenia và Azerbaijan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong thực tế, thỏa thuận này đã không hề có hiệu lực... Ngay sau nửa đêm 18-10, Yerevan đã lên tiếng buộc tội Baku nã pháo và bắn tên lửa vào Nagorno-Karabakh. Còn Baku thì lại thông báo rằng, bất chấp những thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được, Armenia trong đêm đã bắn vào khu vực ngoại ô thành phố Jabrayil và những khu làng ở Nagorno-Karabakh mà Azerbaijan chiếm được...

Ở thời điểm hiện nay, có vẻ như ưu thế quân sự đang ở phía Azerbaijan cùng đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của mình. Nhiều nhà quan sát cho rằng, Ankara trong lúc “đổ thêm dầu vào lửa” của cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh đang ấp ủ những tính toán chiến lược dài hơi. Tuy nhiên, Armenia cũng như chính quyền nước cộng hòa tự trị Nagorno-Karabakh vẫn tiếp tục tỏ ra rất cứng rắn trong những quyết tâm bảo vệ quyền lợi của mình. Trong bối cảnh này, chấm dứt chiến sự ở đây sẽ là một triển vọng còn xa vời vợi...

HỒNG THANH QUANG