Ngày 4-3, Đại tá Sergei Skripal, một cựu điệp viên hai mang của Nga, người từng bị kết án và giam giữ ở Nga vì tội chuyển tài liệu mật cho phía Anh, và con gái được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh tại một trung tâm thương mại ở thành phố Salisbury (Anh). Sau điều tra sơ bộ, phía Anh nhanh chóng kết luận rằng hai cha con ông Skripal bị đầu độc bằng một chất độc thần kinh được cho là nghiên cứu và phát triển tại Nga và cáo buộc phía Nga đã thực hiện vụ đầu độc này.
    |
 |
Ông Sergei Skripal và con gái. Nguồn: news.sky.com |
Ngay lập tức, Nga đã kiên quyết bác bỏ và yêu cầu Anh đưa ra bằng chứng. Tới nay, phía Anh vẫn chưa đưa ra được bằng chứng để chứng minh sự liên quan của Nga nhưng đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Ăn miếng trả miếng, Nga cũng đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh.
Vụ việc không chỉ khiến quan hệ giữa Anh và Nga rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau “Chiến tranh lạnh” mà nhiều nước châu Âu và Mỹ cũng đứng về phía Anh để chống lại Nga. Nước Nga, vốn vẫn đang chịu nhiều lệnh trừng phạt và bao vây về kinh tế, giờ lại đang ở thế bị cô lập về chính trị và ngoại giao với các nước phương Tây. Đây quả là sự trở lại của “Chiến tranh lạnh”.
Từ khi vụ việc diễn ra, Nga và phương Tây đã “ăn miếng trả miếng”. Tới nay, Mỹ và các nước phương Tây đã trục xuất hơn 150 nhân viên ngoại giao Nga và Nga đáp trả tương tự. Quan hệ ngoại giao giữa Nga và các nước trên tiếp tục xấu đi vì phương Tây không có thiện chí hợp tác với Nga hay tích cực điều tra để đưa ra bằng chứng, dù hơn 160 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã yêu cầu Anh phải có bằng chứng chứng minh cáo buộc nhằm vào Nga.
Vì sao phương Tây lại quy kết Nga phải chịu trách nhiệm khi không có bằng chứng? Câu trả lời đơn giản là phải có ai đó chịu trách nhiệm và đây là cớ hợp thời nhất để cô lập và làm suy yếu nước Nga.
Nếu không đổ lỗi cho Nga thì Anh và các nước phương Tây cũng chẳng biết đổ lỗi cho ai để nhanh chóng trấn an dư luận trong nước. Với xu hướng cạnh tranh và đối đầu với Nga kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đây cũng là một cái cớ mới để tăng cường bao vây, cấm vận và cô lập ngoại giao đối với Nga một cách toàn diện hơn khi Tổng thống Vladimir Putin vừa tái đắc cử với tỷ lệ phiếu bầu rất cao. Một nước Nga rộng lớn, hùng mạnh về quân sự và kinh tế ở châu Âu luôn là một thách thức lớn.
Nhìn tổng quan, mối quan hệ giữa Nga, Mỹ và các nước phương Tây hiện nay chính là một loại hình “Chiến tranh lạnh” kiểu mới nhằm cô lập và suy yếu nước Nga về mọi mặt. Những tưởng một nước Nga sẽ không thể phát triển và cạnh tranh được với phương Tây sau khi Liên Xô tan rã, nhưng sự hồi phục mạnh mẽ của Nga về kinh tế, quân sự và ngoại giao với sự “chèo lái” nhiều năm của Tổng thống Putin là điều châu Âu lo ngại. Tuy chưa đến mức các bên sử dụng đến các đòn răn đe quân sự mạnh như thời “Chiến tranh lạnh”, nhưng thế giới đang ngộp thở theo dõi diễn biến, bởi nếu xử lý không tốt thì thế đối đầu có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thực sự.
Hơn hết, Anh và các nước phương Tây nên tìm giải pháp hợp tác với Nga để xử lý căng thẳng và cùng phát triển trong hòa bình.
NGỌC HẢI