Như vậy là từ cuộc chiến về ngôn từ, giữa Nga và một số nước phương Tây đã chuyển sang giai đoạn một cuộc chiến ngoại giao thực sự, với những hành động trục xuất các nhà ngoại giao Nga và điều tiếp theo, đương nhiên, sẽ là những hành động trả đũa của phía Nga.

Tin tức cho biết có tới 16 trong số 28 quốc gia thành viên EU cùng ba nước Mỹ, Canada và Ukraine đã tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga như là một hành động nhằm bày tỏ tình đoàn kết với London trong vụ điệp viên KGB Skripal cùng con gái được phát hiện trong tình trạng nguy kịch bên ngoài siêu thị Salisbury.

leftcenterrightdel
Vụ đầu độc hai cha con ông Skripal châm ngòi khủng hoảng ngoại giao trầm trọng giữa Nga và phương Tây. Nguồn: viettimes.vn

Cho dù chưa có bất cứ một kết luận chính thức nào về động cơ cũng như thủ phạm của vụ việc được cho là đầu độc này nhưng ngay lập tức, London đã chỉ tay về phía Moscow. Ngay cả khi Moscow liên tục bác bỏ sự dính líu của mình đến vụ việc thì London đã đặt ra một bài toán khó mà người ta biết chắc là không có lời giải: Thay vì chứng minh (nhiều khả năng là vô vọng) rằng người Nga liên quan đến vụ việc, London lại yêu cầu phía Nga phải chứng minh rằng họ vô can!

Lẽ dĩ nhiên là người Nga không đời nào lại đi làm một công việc tréo ngoe như thế. Hậu quả ban đầu là London ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, một động thái bảo đảm để con số tương tự các nhà ngoại giao Anh cũng bị buộc phải rời khỏi nước Nga, đồng thời Moscow “khuyến mãi” thêm một đòn trả đũa nữa là chấm dứt luôn hoạt động của Hội đồng Anh tại Nga!

Vòng luẩn quẩn trả đũa lẫn nhau được nâng lên một mức mới, nghiêm trọng hơn, với việc Mỹ ủng hộ Anh bằng quyết định trục xuất cùng lúc 60 nhà ngoại giao Nga! Nhưng Washington đã cẩn thận gài lý do trục xuất không phải vì vụ việc điệp viên KGB Skripal (vì chưa có bằng chứng), mà do 60 người này (trong đó 48 người ở cơ quan Tổng lãnh sự Nga lại Seattle, 12 người ở phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc) “hoạt động tình báo” dưới vỏ bọc ngoại giao.

Tiếp đó là làn sóng trục xuất ồ ạt các nhà ngoại giao Nga ở hàng loạt nước và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục lan rộng nữa.

Có thể thấy gì phía sau “cuộc chiến tổng lực” chống lại các nhà ngoại giao Nga này?  

Hoạt động trục xuất các nhà ngoại giao giữa Nga và phương Tây thường xảy ra như cơm bữa trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tháng 3-1986, sau vụ đường dây gián điệp nhà Walker bị phát hiện trên đất Mỹ, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã quyết định ngay một lúc trục xuất 105 nhà ngoại giao Liên Xô trong số các phái bộ ngoại giao nằm trong Liên hợp quốc ở New York. 7 tháng sau, Mỹ trục xuất tiếp 74 nhà ngoại giao Nga. Đây là một trong những vụ trục xuất nhân viên ngoại giao lớn nhất trong lịch sử quan hệ Xô-Mỹ...

Nhưng sẽ thật ngây thơ nếu nghĩ rằng làn sóng ồ ạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga (và đương nhiên sẽ có các hành động đáp trả từ phía Moscow) hiện nay có căn nguyên chỉ từ hai chữ “gián điệp”.

Phía dưới bề mặt của các hành động trả đũa “mắt đền mắt, răng đền răng” này không thể bỏ qua những căn nguyên địa chính trị vốn lâu nay tiềm ẩn trong quan hệ không hề dễ dàng giữa nước Nga với phương Tây, cũng như xuất phát từ các tính toán lợi ích của chính các nước tham gia vào “cuộc chiến” này.   

Một sự bực tức không giấu giếm trước kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Nga với chiến thắng áp đảo của ông V.Putin, trước vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Syria.

Một đòn phối hợp tuyệt hảo nhằm hướng sự chú ý của công luận ra khỏi tình thế vô cùng khó khăn trong cuộc đàm phán Brexit giữa nước Anh với EU.

Cũng không loại trừ khả năng “đắm đò giặt mẹt”, một vài nước nhân cơ hội này “tát nước theo mưa”, giảm bớt số nhân viên hoạt động vì quyền lợi của nước Nga trên lãnh thổ của mình.

Hoặc đơn giản là để tỏ tình “đoàn kết”, như một số tuyên bố.

Có lẽ đấy mới là những căn nguyên thực sự của "cuộc chiến".

YÊN BA