Trong mấy tháng qua, Thunberg đã trở thành cái tên gây chú ý trên toàn cầu khi cô được mời làm diễn giả của Hội nghị TEDxStockholm, gây chấn động thế giới với bài phát biểu thẳng thắn tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 hồi tháng 12-2018 ở Ba Lan và tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi tháng 1-2019. Được Tạp chí Time đưa vào danh sách 25 thanh thiếu niên có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2018 và được bình chọn là Người phụ nữ quan trọng nhất năm 2019 ở Thụy Điển, nhà hoạt động vì khí hậu này đã truyền cảm hứng cho hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên trên 105 quốc gia tham gia vào một cuộc bãi khóa quy mô toàn cầu về chống biến đổi khí hậu diễn ra vào ngày 15-3 vừa qua. Giới trẻ trên khắp năm châu đã giương cao biểu ngữ “Fridays for future” (Thứ sáu vì tương lai), yêu cầu các chính trị gia phải hành động khẩn cấp vì khí hậu. Đây được xem là một động thái gây tác động mãnh liệt và nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà hoạt động môi trường.

leftcenterrightdel
Greta Thunberg. Ảnh: Getty Images

Freddy Andre Oevstegaard, một trong 3 nghị sĩ Na Uy đề cử Greta Thunberg cho Giải Nobel Hòa bình giải thích: “Chúng tôi đề cử Greta Thunberg bởi mối hiểm họa về khí hậu có thể trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chiến tranh, xung đột và tị nạn. Greta Thunberg đã phát động một phong trào quần chúng mà chúng tôi đánh giá là sự đóng góp to lớn cho hòa bình”. Đây là thành tựu xuất sắc đối với nữ sinh 16 tuổi và nếu được vinh danh vào tháng 10, cô sẽ trở thành người trẻ tuổi nhất được nhận giải Nobel Hòa bình (hiện danh hiệu này thuộc về Malala Yousafzai người Pakistan, giành giải Nobel Hòa bình năm 2014 cho những nỗ lực bảo vệ quyền trẻ em).

8 tháng trước, tất cả những điều kỳ diệu này dường như là không tưởng với Greta-vốn nhút nhát, sống nội tâm và cho rằng mình không thể tạo sự khác biệt vì bản thân quá nhỏ bé. Bị ám ảnh bởi những thước phim tài liệu về rác thải nhựa trên đại dương và những chú gấu Bắc cực đang chết dần vì đói mà cô được xem hồi lên tám tuổi, cảm thấy bất lực vì không làm được gì và thất vọng khi thấy người lớn không xem xét vấn đề biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc, Greta đã rơi vào trầm cảm. 4 năm trước, cô được chẩn đoán mắc hội chứng Asperger (hội chứng tự kỷ dạng chức năng cao). Là một cô bé thông minh khác thường, cô đã tìm được cách rũ bỏ những mối lo lắng về khủng hoảng khí hậu ra khỏi lồng ngực mình. Trước tiên, cô thuyết phục bố mẹ mình thay đổi thói quen và lối sống có lợi cho môi trường. Kết quả là mẹ của cô-Malena Ernman-nghệ sĩ opera nổi tiếng của Thụy Điển, đã từ bỏ việc di chuyển bằng máy bay, mặc dù điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp diễn xuất của bà, còn bố của cô-Svante Thunberg-diễn viên kiêm nhà văn, đã trở thành người ăn chay giống con gái. Gia đình Thunberg đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời trong nhà, sử dụng ô tô điện hoặc tàu khi cần đi xa, còn trong phạm vi Stockholm, cả nhà chủ yếu đi lại bằng xe đạp.

Với niềm tin mãnh liệt có thể thay đổi được bố mẹ thì cũng sẽ thay đổi được suy nghĩ của nhiều người khác, sau đợt nắng nóng kỷ lục ở khu vực Bắc Âu vào mùa hè năm ngoái, tháng 8-2018, Greta quyết định hằng ngày đến ngồi trước thềm tòa nhà Quốc hội Thụy Điển ở Stockholm trong 3 tuần liền cho đến cuộc bầu cử Nghị viện Thụy Điển nhằm phản đối lãnh đạo nước này thờ ơ trước vấn đề biến đổi khí hậu. Trong suốt 8 tháng sau đó, cô đến đây vào mỗi thứ sáu hằng tuần, bất chấp thời tiết, ngồi cạnh tấm bảng có dòng chữ “Bãi khóa vì khí hậu”. Mục đích của cô là yêu cầu Chính phủ Thụy Điển giảm lượng khí thải carbon theo Thỏa thuận Paris và đạt được thỏa thuận giữ sự gia tăng nhiệt độ Trái đất ở dưới mức 2oC.

Từ chỗ bố mẹ can ngăn, bạn bè không ủng hộ, người qua đường tỏ vẻ thương hại trước cuộc biểu tình đơn độc của cô, sự quyết tâm, lòng kiên định và tinh thần đấu tranh quả cảm của Greta đã truyền cảm hứng cho hàng chục nghìn thanh thiếu niên ở châu Âu và trên thế giới tham gia diễu hành kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động chống biến đổi khí hậu. Cuộc chiến của cô không còn đơn độc nữa. Greta Thunberg là minh chứng hùng hồn cho câu nói nổi tiếng của chủ nhân giải Nobel Hòa bình-Malala Yousafzai: “Tất cả mọi người đều có thể tạo sự thay đổi vĩ đại, đừng vì nghĩ mình còn trẻ mà tự giới hạn, kìm hãm bản thân”.

THU NGỌC