Những ngày cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đạo diễn Roman Karmen cùng hai đồng sự Evghenhi Mukhin và Vladimia Echurin được Nhà nước Liên Xô giao nhiệm vụ sang Việt Nam làm phim tài liệu về chiến dịch này. Được sự chỉ dẫn của Bác Hồ, sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp và nhân dân Việt Nam, Karmen đã miệt mài lao động, hoàn thành xuất sắc bộ phim màu "Việt Nam" (1954) ghi lại những giây phút hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và những ngày tháng hòa bình đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam. Những thước phim tư liệu mà Roman Karmen để lại thật sự là bản anh hùng ca huyền thoại.

leftcenterrightdel
Bức ảnh cuối đời của Roman Karmen. Người chụp là một sinh viên người Nepal ở Moscow. 

Roman Karmen thời trẻ từng bắt đầu sự nghiệp điện ảnh với chiếc máy quay mà cha ông đã tặng. Ông đã ghi hình lễ tang Vladimir Lenin, cuộc trở về của thủy thủ tàu Chelyuskin, cảnh bắt sống thống chế quân đội phát xít Đức Friedrich Paulus và phiên tòa Nurnberg. Ông cũng từng thực hiện những thước phim tài liệu về Luis Corvalan và Enver Hoxha, có quan hệ thân thiết với Fidel Castro và Ernest Hemingway.

Đạo diễn Roman Karmen sinh tháng 11-1906, ở thành phố cảng Odessa. Cha ông là nhà văn Lazar Karmen-từng được gọi là “Maxim Gorky của Odessa”. Nhà văn Lazar từng kết bạn với những tên tuổi lớn của nền văn học Nga như Korney Chukovsky và Aleksandr Kuprin. Ông cũng là người đầu tiên trong dòng họ gốc Do Thái sử dụng biệt danh Karmen làm họ chính thức thay cho cái họ mang đậm đặc gốc gác Do Thái Koreman.

Nhà đạo diễn tương lai mồ côi cha khi mới 14 tuổi. Ở thời điểm ấy, nhà văn Lazar Karmen qua đời vì căn bệnh lao đột biến do bị viên tướng Bạch vệ Anton Denikin giam vào tù. Sau khi Lazar mất, bạn bè nhà văn đã tìm cách xuất bản một tuyển tập truyện ngắn của ông và mang tiền nhuận bút tới cho người vợ góa của ông. Nhờ thế nên bà đã có lộ phí để cùng hai cậu con trai mồ côi cha chuyển về Moscow. Để gia đình không bị chết đói, Roman Karmen, dù vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của bệnh sốt phát ban, đã gắng gượng đi làm chân sai vặt cho một tiệm cầm đồ. Cậu cũng đã cố gắng thi vào Trường Kỹ nghệ Moscow (hiện là Đại học Bauman lừng danh), nhưng không thành công.

leftcenterrightdel
Hình ảnh bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954 trong bộ phim tài liệu "Việt Nam" của Roman Karmen.  

Mẹ của Roman Karmen nhận việc đánh máy bản thảo cho tạp chí "Ngọn lửa nhỏ", ấn phẩm từng rất ăn khách ở nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười năm 1917 và ở thời điểm đó mới được tục bản. Theo ý tưởng của biên tập viên tạp chí này, Mikhail Koltsov, để ấn phẩm thu hút được cả những độc giả mù chữ thì phải có thêm nhiều ảnh. Sau khi xem những bức ảnh Roman Karmen chụp, Koltsov đã đồng ý cấp cho cậu thẻ phóng viên ảnh của tạp chí.

Roman Karmen đã mau chóng trở thành một tay máy cứng cựa của tạp chí "Ngọn lửa nhỏ". Để có được những khuôn hình gây ấn tượng mạnh, chàng phóng viên không ngại những tình huống mạo hiểm và rất thích các trò thử nghiệm-anh đã cầm máy lên chụp ở đỉnh cần cẩu hay trên những nóc toa tàu đang chạy. Gom góp những khoản tiền nhuận bút ảnh đầu tiên, Roman Karmen mua một bộ y phục rất chững chạc vì anh hiểu rằng, tới nơi sang trọng thì cần phải ăn mặc tử tế. Khi Lenin qua đời, Roman Karmen đã khéo léo xin được đủ các loại giấy vào cửa của nhiều cơ quan chức năng tham gia quá trình tổ chức tang lễ cho nhà lãnh tụ của giai cấp vô sản toàn thế giới.

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn sách "Ánh sáng trong rừng thẳm" của Roman Karmen, Nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2015.

Dần dà, Roman Karmen cảm thấy nghề phóng viên nhiếp ảnh chật chội so với những khát vọng sáng tạo của mình. Năm 1932, anh tốt nghiệp khoa quay phim trường đại học điện ảnh. Trước khi nhận bằng tốt nghiệp hai năm, anh xin được vào làm việc ở xưởng phim thời sự tài liệu liên bang.

Là một người tài hoa trong nghề, Roman Karmen cũng là người đàn ông lãng mạn và trải qua nhiều chuyện khó tin nhưng có thật trong đời tư. Người bạn đời đầu tiên mà ông đã làm quen được từ năm 1929, đó là Mariana, con gái của nhà cách mạng Emelyan Yaroslavsky (Miney Gubelman). Người vợ thứ hai của Roman Karmen là Nina Orlova, hai người đã sống với nhau hơn 20 năm. Đạo diễn đã “giành lấy” mỹ nhân này từ Vasily Stalin, con trai của nhà lãnh đạo tối cao ở đất nước Xô viết. Người vợ thứ ba của Roman Karmen, Maya Ovchinnikova đã có mối quan hệ tình cảm ngoài luồng suốt 10 năm với nhà văn lề trái Vasily Aksenov, khi chị còn mang danh nghĩa vợ của đạo diễn. Sau khi Roman Karmen qua đời, Ovchinikova đã chính thức lấy Aksenov làm chồng.

Roman Karmen từng kết bạn thân thiết với Yulian Semenov, tác giả của nhiều tiểu thuyết trinh thám lừng danh, như: “17 khoảnh khắc của mùa xuân”, “TASS được quyền tuyên bố”... Ông từng viết lời tựa cho tuyển tập tác phẩm của bạn mình. Bản thân Roman Karmen cũng là tác giả của một số tập sách, trong đó có những cuốn được nhiều người đọc như: “Xe ô tô đi ngang qua sa mạc”, “Dưới làn đạn súng máy", "Ghi chép của một người quay phim chiến trường”...

Cả hai con trai của Roman Karmen (người con cả sinh ra trong cuộc hôn nhân đầu của ông, được đặt tên của cha và cũng đi theo con đường nghề nghiệp của cha; người con út về sau làm phóng viên quốc tế) đều qua đời năm 2013. Cháu nội của đạo diễn hiện làm nghề quay phim và là một nhà sản xuất phim.

Theo đánh giá của nhà văn Xô viết lừng danh Konstantin Simonov, vai trò của Roman Karmen trong phim tài liệu chiến tranh Xô viết có thể sánh ngang với nhà văn Ilia Errenburg trong văn học chính luận. Ông đã đặt chân qua mọi chiến trường của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Ông đã chứng kiến tận mắt cuộc phong tỏa Leningrad và trận chiến bảo vệ Moscow. Ông từng nhận được những kinh nghiệm quay phim chiến trường đầu tiên ở Tây Ban Nha khi ghi hình cuộc nội chiến giữa thập niên 1930 trên quê hương của đấu bò tót.

Với tư cách nhà quay phim tài liệu, Roman Karmen đã bộc lộ những đức tính dũng cảm và khéo léo. Ở giai đoạn đầu sự nghiệp, một lần, Roman Karmen quay cảnh cất cánh của khí cụ bay. Và ngay khi khí cụ bay này chuẩn bị rơi xuống thì Roman Karmen vẫn tiếp tục quay dù biết rằng mình đang có nguy cơ bị nó đè bẹp. Ngoài chiến trường, để ghi lại những hành động dũng cảm của các quân nhân, Roman Karmen đã cầm máy quay phim cùng với họ xông lên phía trước. Ông cũng từng bộc lộ lòng dũng cảm như thế khi quay các trận chiến trên biển-những hình ảnh mà ông ghi lại về sau được đưa vào phần “Trận chiến trên biển” của bộ phim nhiều tập “Cuộc chiến tranh không được biết tới”.

Trong những năm 1937-1938, khi nhiều người ông quen biết bị sa vào cạm bẫy của thời cuộc và đi tù, Roman Karmen đã xin được đi công tác ở những nơi xa xôi, thậm chí sang cả châu Á, thí dụ như sang Trung Hoa. Rốt cuộc thì ông cũng đã thoát được những tai nạn lâm thời ở đất nước Xô viết. Cũng trong chuỗi công tác sang châu Á, ông đã có mặt ở Việt Nam vào giữa thập niên 1950 và thực hiện rất thành công bộ phim tài liệu nghệ thuật về Việt Nam và Điện Biên Phủ. Tác phẩm điện ảnh “Việt Nam” (còn có tên: “Việt Nam trên đường thắng lợi”) của ông đã được đánh giá cao. Sau bộ phim "Việt Nam", Roman Karmen còn viết hai cuốn sách về những kỷ niệm ở Việt Nam là "Ánh sáng trong rừng thẳm" (1957) và "Việt Nam chiến đấu" (1958) với nhiều câu chuyện hay và cảm động.

Đối với nền điện ảnh cách mạng Việt Nam non trẻ, Roman Karmen như người thầy, người anh, người bạn lớn. Bộ phim "Việt Nam" của ông đã để lại dấu ấn và những kinh nghiệm sâu sắc cho nền điện ảnh Việt Nam. Ngày 18-7-1955, đạo diễn Roman Karmen vinh dự được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Roman Karmen mất ngày 28-4-1978. Mộ ông ở nghĩa trang Novodevichie tại Moscow. Sau đó một phần tư thế kỷ, đây cũng là nơi mai táng người vợ đầu tiên của ông; bà mất ở tuổi 88.

HỒNG THANH QUANG