Đầu năm 1979, Gennady Obaturov, khi đó đang là Thượng tướng, được cử làm Cố vấn trưởng và Trưởng phái đoàn viện trợ quân sự đặc biệt của Liên Xô cho Việt Nam. Thật thú vị là chỉ ít lâu sau, ông đã được thăng quân hàm Đại tướng và giữ cương vị Trưởng đoàn cố vấn quân sự Liên Xô ở Việt Nam cho đến năm 1982. Sau ông, còn có hai vị tướng Xô viết khác giữ cương vị này (Đại tướng F.F. Krivda, từ năm 1982 đến 1984 và Thượng tướng Y.F. Zarydin, từ tháng 11-1985 đến tháng 12-1988).

leftcenterrightdel

 Đại tướng Gennady Obaturov. Ảnh tư liệu

 

Gennady Obaturov sinh ngày 9-1-1915, trong một gia đình nông dân có tới 5 người con ở tỉnh Vyatsk. Cha ông từng bị động viên đi lính trong Thế chiến thứ nhất và tử trận năm 1916. Những đồng hương may mắn sống sót sau trận chiến khi trở về quê đã kể lại rằng, họ bị lính Áo bao vây. Nhiều đồng ngũ đã đầu hàng địch, nhưng cha của Gennady Obaturov vẫn ngoan cường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và chấp nhận cái chết dũng cảm, quyết không chịu bó tay thúc thủ.

Khi cậu bé Obaturov lên 5 tuổi thì người mẹ cũng qua đời. Chính vì thế Obaturov sớm phải cày cuốc ngoài đồng ngay từ nhỏ. Cho đến khi gần 20 tuổi, Obaturov vẫn cần mẫn lao động chân tay, thoạt tiên ở nông trang rồi lên thành phố Vyatka, trong bộ phận phục vụ của một hợp tác xã công nhân đô thị. Đến năm 20 tuổi (tháng 10-1935), ông tình nguyện gia nhập Hồng quân và vào học tại trường cao đẳng tăng mang tên M.V. Frunze ở thành phố Oryol. Đây là một trong những trường cao đẳng chuyên ngành xe tăng quy chuẩn đầu tiên của Liên Xô, được thành lập trên cơ sở trường bộ binh Ivano-Voznesensky có từ năm 1918. Ở đây đào tạo một cách khéo léo những sĩ quan tăng giỏi cả về lý thuyết lẫn thực hành. Chỉ huy và giáo viên ở đó đều có kinh nghiệm chiến đấu trong Thế chiến thứ nhất và trong nội chiến sau Cách mạng Tháng Mười. Obaturov đã thích ứng rất nhanh với cuộc sống quân nhân và luôn đạt điểm tối đa trong học tập.

leftcenterrightdel
Đại tướng Gennady Obaturov (thứ hai, từ trái sang) và phu nhân (thứ hai từ phải sang) cùng gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng, ngày 1-9-1979, tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

 

Tốt nghiệp trường tăng năm 1938 và nhận quân hàm Trung úy, Obaturov đã được cử tới phục vụ tại Trung đoàn Cơ giới 31, Sư đoàn Kỵ binh 31 thuộc Tập đoàn quân đặc biệt Viễn Đông cho đến tháng 9-1939. Sau đó, ông tiếp tục được cử đi học tại Học viện Mô-tô và Cơ giới hóa mang tên I.V. Stalin và tốt nghiệp vào tháng 9-1941, tức là 3 tháng sau khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Tuy nhiên, ông không được cử ra chiến trường mà được phân công ở lại Học viện làm giáo viên cơ sở tại Khoa Chiến thuật (lúc này, Học viện đã được sơ tán tới Tashkent ở nước cộng hòa vùng Trung Á Uzbekistan).

Tháng 5-1942, Thượng úy Obaturov mới được ra mặt trận trên cương vị Phó tham mưu trưởng của Lữ đoàn Xe tăng 160. Ông chiến đấu rất dũng cảm và hiệu quả. Ngay tháng 6 năm đó, Obaturov đã được phong quân hàm Đại úy. Đến tháng 9-1942, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Lữ đoàn Xe tăng 239 thuộc Quân đoàn 11 của Phương diện quân Tây Bắc. Ông bị thương không chỉ một lần, nhưng hễ cứ hồi phục là lại có mặt ngay trên tuyến đầu. Từ tháng 10-1943, Thiếu tá Obaturov chiến đấu trong đội hình của Phương diện quân phía Nam, Phương diện quân Ukraine 3 và Phương diện quân Ukraine 2, lập nhiều chiến công. Trận chiến đấu cuối cùng của Thế chiến thứ hai mà ông tham gia là ở Slovakia. Kết thúc chiến tranh, Trung tá Obaturov được trao 7 huân chương và 1 Huy chương Quân công...

Năm 1952, Đại tá Obaturov tốt nghiệp học viện quân sự cấp cao mang tên K.E. Voroshilov. Năm 1954, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng. Sư đoàn tăng mà ông chỉ huy từng tham gia chiến dịch chống bạo động ở Hungary năm 1956, tại Budapest. Sau sự kiện này, ông được trao tặng Huân chương Suvorov... Tháng 5-1960, Obaturov được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn Xe tăng cận vệ số 6 của Quân khu Kiev. Năm 1963, ông được thăng quân hàm Trung tướng. Từ tháng 7-1966, ông là Phó tư lệnh Quân khu Bắc Kavkaz. Từ tháng 5-1968, ông là Phó tư lệnh Quân khu Karpat. Đến tháng 8-1968, đa phần các đơn vị của Quân khu được đưa vào Tiệp Khắc để “xử lý” những rối loạn tại đó. Kết thúc sự kiện này, Obaturov được trao tặng Huân chương Sao Đỏ. Từ tháng 7-1969, ông là Quyền Tư lệnh và kể từ tháng 1-1970, ông là Tư lệnh Quân khu Karpat. Năm 1970, ông được thăng quân hàm Thượng tướng. Từ tháng 8-1973, ông là Phó chánh thanh tra thứ nhất của Bộ Quốc phòng Liên Xô.

Obaturov được đánh giá là vị tướng có nhiều kinh nghiệm trong hợp tác quân sự quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà ông được trao nhiều loại huân, huy chương của nhiều nước như Bulgaria, Hungary, Tiệp Khắc, Nam Tư, Mông Cổ, Cộng hòa dân chủ Đức, Ba Lan...

Tháng 1-1979, Obaturov đến Hà Nội với vai trò Cố vấn trưởng quân sự cho Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và chỉ gần một tháng sau đó, ngày 19-2-1979, ông được thăng quân hàm Đại tướng bởi một sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô. Theo các tài liệu của Bộ Quốc phòng Liên Xô, Đại tướng Obaturov có vai trò không nhỏ trong việc giúp trang bị và tổ chức lại Quân đội Việt Nam thời điểm đó. Hơn thế, ông còn tham gia vào việc thành lập LLVT Campuchia (năm 1979) và giúp đỡ trong việc xây dựng, phát triển quân đội Lào...

Theo lời Thiếu tướng Evstafy Melnichenko (cựu cố vấn tình báo trong đoàn công tác Xô viết thời điểm đó) trên báo Sao đỏ (số ra ngày 16-1-2001), sở dĩ tướng Obaturov được chọn làm Cố vấn trưởng và Trưởng phái đoàn viện trợ quân sự đặc biệt của Liên Xô cho Việt Nam vì ông được đánh giá là một vị tướng có đẳng cấp rất cao, biết nhiều và sâu sắc. Các đồng sự đều gọi ông là “bộ bách khoa toàn thư di động”. Ông nắm rõ tận chân tơ kẽ tóc những điều căn bản của chiến thuật và nghệ thuật tác chiến trong mọi quân, binh chủng, các đặc tính kỹ thuật của mọi loại vũ khí, khí tài và cách thức sử dụng chúng trong tác chiến hiện đại. Ông cũng được đánh giá là vị tướng có sức làm việc khổng lồ trong mọi điều kiện thực tế. Theo lời kể của Cố vấn thông tin liên lạc, Đại tá Evgeny Klochkov, Đại tướng Obaturov “có thể gọi các sĩ quan thuộc quyền lên gặp làm việc bất cứ lúc nào và mọi người đều phải báo cáo kỹ lưỡng, chi tiết về chủ đề mà ông quan tâm. Ông không chấp nhận sự đại khái, qua loa. Ông là nhân vật tầm cỡ quốc gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Ở Việt Nam khi đã 64 tuổi, nhưng ông vẫn nghiêm khắc duy trì phong độ thể lực của mình bằng cách tập yoga, trồng cây chuối mỗi buổi sáng, tập xà, chơi tennis... Các đồng chí Việt Nam rất khâm phục ông. Ông là một người trung thực và có tính nguyên tắc cao, cởi mở và tình cảm, rất dễ gần ở ngoài công vụ”.

Dù Đại tướng Obaturov chỉ ở Việt Nam trong thời gian không dài (khoảng 3 năm rưỡi), nhưng đất nước chúng ta đã để lại trong ông những ký ức tốt đẹp và chân tình nhất. Ông được Chính phủ ta trao tặng Huân chương Quân công hạng nhất... Cũng nhờ hiệu quả công việc trên cương vị Cố vấn trưởng và Trưởng phái đoàn viện trợ quân sự đặc biệt của Liên Xô cho Việt Nam mà Đại tướng Obaturov được Điện Kremli trao tặng Huân chương Lenin năm 1981. 4 năm sau (tháng 1-1985), ông được nhận Huân chương Lenin thứ hai.

Trong gần 10 năm, từ tháng 12-1982 cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 1-1992, Đại tướng Obaturov lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Học viện Quân sự mang tên M.V. Frunze, Thanh tra quân sự và Cố vấn cho Nhóm Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Liên Xô. Sau khi nghỉ hưu tại Moscow, ông viết hồi ký về những ngày tháng sôi động và máu lửa trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nhưng phải đến năm 2018, tập hồi ký này mới được xuất bản. Ông qua đời ngày 29-4-1996, tại Moscow và được an táng tại Nghĩa trang Troyekurovsky.

HỒNG THANH QUANG