leftcenterrightdel
 

Chuyện cụ thể là nỗi nhớ của tình yêu nam nữ. Tổng quát lên thành lòng yêu nước. Cao hơn nữa là sứ mệnh làm người. Cổ kim đông tây, chuyện làm người là chuyện của mọi chuyện. Làm người đúng nghĩa không phải là sống thụ động, e dè, nơm nớp, hay tội nghiệp… mà là sống “kiêu hãnh”. Sống kiêu hãnh nghĩa là sống đẹp nhất có thể. Đẹp nhất là hòa hợp tối ưu với đồng loại và đồng sinh thể trong bao la trời đất. Nghĩa là tự hào rằng mình hơn hẳn các loài khác là không tranh cướp nhau hay ăn thịt nhau để tồn tại. Trái lại, tự trọng và tôn trọng nhau, dứt khoát giúp nhau cùng được sống bằng lao động của mình, không xâm phạm quyền sống của bất kỳ sinh thể nào. Hẳn “kiêu hãnh (làm người)” là đúc kết của nhiều đúc kết trong quá trình chiêm nghiệm nối tiếp không ngừng của Nguyễn Đình Thi.

“Người-tiếng ấy vang vang tự hào”, câu này của văn hào Nga Xô-viết Maxim Gorky (1868-1936) chắc chắn đã lay động mạnh mẽ tác giả các vở kịch Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Hoa và Ngân… để ông đi tới đúc kết vừa nêu. Đúc kết ấy được coi như nền tảng của cuộc sống Con Người, nền tảng của lòng yêu nước, nền tảng của đời sống tinh thần, nền tảng của tình yêu đôi lứa. Con Người cần và phải sống với ý thức rằng giá trị của mình là vẻ đẹp tối cao của vũ trụ, mình là chủ nhân của vũ trụ. Từ đó, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, môi trường sống tất yếu cho mỗi cá nhân, chống các thế lực vi phạm quyền sống nói trên, là thiêng liêng và cốt tử. Suy cho cùng, cuộc chiến đấu ấy là nhằm bảo vệ quyền làm người. “Thức nhận” đúng đắn ấy khiến Nguyễn Đình Thi tạo được một không gian thơ điềm tĩnh, không bợn chút ủy mị, xót xa hay bi quan nào. Xin mở một ngoặc đơn: Không gian thơ này thường xuất hiện lộng lẫy không hề ngẫu nhiên ở những kiệt tác gần như duy nhất, chẳng hạn Mùa gieo hạt, buổi chiều tà của Victor Hugo (Pháp); Con đường mùa đông của Aleksandr Sergeyevich Pushkin (Nga); Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế (Trung Quốc); Ông đồ của Vũ Đình Liên (Việt Nam)… Không gian thơ đó là điều kiện tiên quyết cho vẻ đẹp chói ngời và sức thanh xuân vĩnh cửu của mỗi áng thơ tuyệt bút.

Không gian của Nhớ - đêm sao sáng và lửa rừng bập bùng, hai chi tiết được chắt lọc vừa tự nhiên vừa tinh tế từ vô vàn chi tiết thời chiến bấy giờ, được hiểu như biểu tượng đắt giá của lý tưởng cách mạng, lý tưởng sống (ngôi sao) và tình yêu lứa đôi, tình yêu đời (ngọn lửa)-đặc tả chí lý hồn cốt cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, gợi ra chiến thắng cuối cùng không thể đảo ngược của nó. Không gian đó cũng đúc kết chí lý lẽ sống của bất cứ người lương thiện nào: Một là, sống chủ động và tích cực bằng năng lượng và động lực bất tận là tình yêu nói chung, trong đó có tình yêu trai gái, tình yêu nhân loại và đặc biệt là tình yêu Tổ quốc… Xin ghi nhận, Nguyễn Đình Thi đúc kết thật hay, nếu không muốn nói là hay hơn cả, hình ảnh Tổ quốc Việt Nam “vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”. Hai là, sống là phụng sự lý tưởng chung của nhân loại, có thể hiểu là thực hiện cho được những khát vọng cơ bản: Độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái. Ba là, sống tức là suốt đời làm chiến sĩ, hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này. Ấy là khắc phục những khiếm khuyết của bản thân, hạn chế và xóa bỏ những thói hư tật xấu của đồng loại, chống lại và đánh bại chủ nghĩa vị kỷ, vốn dẫn đến nhiều tai ương và khốn khổ cho nhân dân…

“Thức nhận” ấy quyết định cấu tứ bài thơ, việc chọn chi tiết, lối dùng từ ngữ như lời nói thường. Tất cả diễn ra tự nhiên, đúng luật, như thăng hoa từ tận đáy lòng, chung đúc nên “Bài ca cuộc sống”. Toàn bộ vũ trụ mênh mông tràn ngập tình yêu, với ba nhân vật chính là “ngôi sao”, “ngọn lửa” và “người chiến sĩ”. Ba nhân vật này biểu trưng chuẩn xác cho sứ mệnh sống và bản chất cõi đời. Những kết luận về tình yêu, về lòng yêu nước, về cuộc chiến đấu cho quyền làm người, về sứ mệnh làm người - chắc chắn là thống nhất cho tất cả độc giả. Cho nên, Nhớ - lời lẽ cực tiểu, tâm tình cực đại, một điển hình của ý tại ngôn ngoại, của chiêm nghiệm muôn đời qua một “tiểu tiết” đắc địa - thuộc nhóm những áng thơ đẹp nhất của đất nước Việt Nam.

Nhớ ở đây là nhớ người yêu phương xa, một phụ nữ Pháp cùng điệu tâm hồn. Năm 1951, nữ nhà báo Madeleine Riffaud, sinh năm 1924, cùng tuổi Nguyễn Đình Thi, tới Đông Berlin làm việc cho Đại hội Thanh niên Dân chủ thế giới lần thứ ba. Madeleine Riffaud, phóng viên Báo Nhân đạo, nổi bật trong suốt thời gian diễn ra đại hội, không chỉ bởi chị đẹp một cách thanh tú và mê hoặc hay vì chị là tác giả của tập thơ Con ngựa đỏ đã được trao giải văn chương Pháp, mà Madeleine Riffaud từng là đội viên du kích chống phát xít, nữ du kích đầu tiên tiêu diệt một sĩ quan Nazi giữa lòng Paris. Madeleine Riffaud bị Gestapo bắt năm 1944, bị kết án tử hình và được giải cứu thành công chỉ 6 ngày trước ngày hành quyết. Năm 1946, Madeleine Riffaud được nước Pháp phong tặng danh hiệu anh hùng và được thưởng huân chương Bắc Đẩu bội tinh, phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp. Với một quá khứ lẫy lừng như thế, việc Madeleine Riffaud được nhiều người quan tâm, ngưỡng mộ không phải là lạ.

Vốn đã được đọc Madeleine Riffaud, qua nguyên bản, Nguyễn Đình Thi, thành viên đoàn Việt Nam, ngỏ ý muốn gặp tác giả trẻ gây cho ông nhiều ấn tượng tốt đẹp. Một nữ đồng nghiệp của Madeleine Riffaud vui vẻ giúp ông toại nguyện. Hơn cả kinh ngạc, thậm chí có thể nói là một tình yêu sét đánh đã đến với hai người. Tất nhiên là hai nhà thơ ở hai đất nước khác nhau, cùng là chiến sĩ của phong trào thanh niên dân chủ thế giới, họ biết “quản lý” trái tim mình phù hợp với đạo lý và văn hóa dân tộc. Hơn nữa, cũng vì Nguyễn Đình Thi đã có gia đình với vợ và ba con ở quê nhà. Madeleine Riffaud thì đã ly dị chồng (kết hôn năm 1945, chia tay năm 1948), Pierre Daix, là thư ký bộ trưởng trong chính phủ Charles de Gaulle. Kể từ khi gặp Nguyễn Đình Thi, trái tim Madeleine Riffaud luôn hướng về đất nước Việt Nam đang chìm trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Sau khi biết tin vợ Nguyễn Đình Thi mất, Madeleine Riffaud đã đến Việt Nam, vừa an ủi người mình yêu, vừa lấy tư liệu viết nên những bài báo về cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam, gây tiếng vang lớn trên báo chí quốc tế. Chính chị cũng là người đưa các tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi ra khỏi biên giới Việt Nam.

leftcenterrightdel
Madeleine Riffaud và Nguyễn Đình Thi. Ảnh tư liệu

Với Madeleine Riffaud, tình yêu với Nguyễn Đình Thi là tình yêu trọn đời, tình yêu lý tưởng, và có thể nói là tình yêu duy nhất. Là một nhà báo nổi tiếng và xinh đẹp giữa Paris hoa lệ nhưng kể từ khi gặp Nguyễn Đình Thi năm 1951, bà không nhận lời yêu ai, không lập gia đình. Nguyễn Đình Thi và nữ chiến sĩ cộng sản người Pháp đã duy trì một “mối tình” đặc biệt, thường xuyên thư từ qua lại. Nhà thơ Huy Cận, bạn thân của Nguyễn Đình Thi từng kể lại: “Cuối năm 1951, một hôm tôi nhận được bức thư của chị Madeleine Riffaud gửi cho anh Thi, nhờ tôi chuyển. Ngoài phong bì có đề “Xin mở xem thư và nhớ học thuộc lòng càng tốt, để đọc lại cho anh Thi nghe, nhỡ mà thư có thể trôi mất hoặc ướt khi qua suối qua đèo”. Tôi mở thư ra đọc, thư bắt đầu bằng hai câu ca dao Việt Nam: “Đôi ta làm bạn thong dong/ Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”, tiếp theo là thư bằng tiếng Pháp”.

Madeleine Riffaud từ thiếu thời đã xông vào cuộc chiến đấu cho công bằng và lẽ phải, cho nhân phẩm và sự tôn trọng con người, như đề cập bên trên. Bà thực sự là người phụ nữ của thi nhân cách mạng Nguyễn Đình Thi, tức người phụ nữ đồng điệu trọn vẹn về tất cả các mặt. Không có mối tình huyền thoại ấy, hẳn Nguyễn Đình Thi không có được Nhớ. Có lẽ, tâm tình của bà đã dẫn dắt Nguyễn Đình Thi - thành thạo tiếng Pháp - đi đúng hướng, để đạt đến một kiệt tác về tình yêu, về lẽ đời và về thế giới con người. Thế giới đó là bất khả xâm phạm. Thế giới đó là một vũ trụ thống nhất, bởi khát vọng chung, bởi hành động chung, bởi mối “tương tư” nên thơ của mọi thành viên dành cho nhau từ mọi chân trời góc bể…

NHỚ

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh

Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây

Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh

Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây

 

Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần

Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước

Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn

 

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt

Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời

Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực

Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người.

NGUYỄN ĐÌNH THI

QUẢNG VĂN