Đây là vị tổng thống thứ năm của Moldova kể từ khi quốc gia này nhận được quyền độc lập sau khi Liên bang Xô viết tan rã và cũng là vị tổng thống mới cuối cùng trên thế giới nhậm chức trong năm 2020. Trong cuộc bầu cử gần đây nhất, diễn ra ngày 15-11-2020, bà Maia Sandu đã nhận được 57,72% số phiếu bầu, còn cựu Tổng thống Igor Dodon chỉ nhận được 42,28% số phiếu bầu...

Trước tiên là chống tham nhũng

Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức, tân Tổng thống Moldova đã nêu ra những trọng tâm công tác của mình trong nhiệm kỳ này: Trước hết, đó là đấu tranh chống lại nạn tham nhũng ở mọi cấp và nâng cao mức sống của mọi tầng lớp dân cư. Bà nhấn mạnh: “Không thể tiếp tục làm chính trị bằng việc bảo vệ quyền lợi của các đại gia. Chúng ta có thể dọn sạch đất nước khỏi nạn tham nhũng... Chương trình mà tôi đã đưa ra sẽ được thực thi một cách tối đa trong chính phủ và quốc hội. Để đạt được mục đích này, cần phải tổ chức bầu cử trước thời hạn, không thể nào làm khác được...”.

Bà Sandu cũng hứa sẽ tôn trọng hiến pháp và hệ thống luật pháp của đất nước: “Chúng ta cần nhiều dân chủ hơn. Sự lựa chọn chính trị của người dân không thể tiếp tục trở thành nguyên nhân của sự truy đuổi...”. Bà Sandu cũng dự định đưa “đất nước thoát khỏi sự cô lập quốc tế” và “đẩy mạnh công tác đối ngoại thiết lập những cầu nối chứ không phải xây dựng những bức tường”. Nữ tổng thống mới đã tuyên bố bằng tiếng Moldova (ngôn ngữ chính thức của nước cộng hòa) và bằng tiếng Nga, tiếng Ukraina, tiếng Gagauz và tiếng Bulgari (ngôn ngữ của những cộng đồng dân tộc chính cư trú tại Moldova) rằng, bà sẽ hành động “phù hợp với quyền lợi của mọi công dân để nâng cao mức sống của mọi người”...

leftcenterrightdel
Bà Maia Sandu trong lễ nhậm chức tổng thống ngày 24-12-2020. Ảnh: AFP 

Nhiệm kỳ tổng thống mới của bà Sandu còn trở nên khó khăn hơn bởi những yếu tố khách quan. Ngay trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống, bà Maia Sandu đã phải tuyên bố: “Đại dịch đã đẩy chúng ta tới thảm cảnh là không thể cung cấp các dịch vụ y tế cho mọi người”... So với châu Âu, con số những người nhiễm Covid-19 ở Moldova tạm thời còn thấp (hơn 1,4 nghìn người ở thời điểm giữa tháng 12-2020) nhưng đó cũng đã là quá nghiêm trọng so với hệ thống y tế công cộng ở đây...

Chức trách của nguyên thủ quốc gia ở Moldova khá hạn chế. Tổng thống trong những điều kiện nhất định có thể triệu tập hoặc giải thể quốc hội, ký các đạo luật, có quyền đưa ra các sáng kiến lập pháp, đề cử thủ tướng... Tuy nhiên, mọi quyết định quan trọng trong nước cộng hòa không phải do tổng thống mà là do quốc hội thông qua...

Những chặng đường không đơn giản

Bà Maia Sandu sinh ngày 24-5-1972, tại Risipeni, huyện Phalesti, nước Cộng hòa Moldova, Liên Xô (trước đây). Bà không có chồng và không có con. Theo kê khai chính thức, trước khi trở thành Tổng thống Moldova, bà cư trú trong căn hộ hai phòng có diện tích 75m2 ở Kishinev, sử dụng xe Toyota RAV4 xuất xưởng từ năm 2007... Bà Sandu biết tiếng Rumani, Nga, Anh và Tây Ban Nha. Bà Sandu còn là công dân của Rumani và ủng hộ việc nhập Moldova với Rumani.

Quá trình đào tạo của bà Sandu đã khiến trong bà hình thành một tư duy thiên về phương Tây hơn là tiếp thu những giá trị truyền thống từ thời Xô viết. Trong những năm 1989-1994, bà đã học tại Khoa Quản trị thuộc Học viện Nghiên cứu Kinh tế Moldova (ASEM). Từ năm 1995 đến 1998, bà theo học chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Học viện Hành chính (AAP) trực thuộc Tổng thống Moldova ở Kishinev. Năm 2010, bà tốt nghiệp trường quản lý quốc gia mang tên John F.Kennedy tại Đại học Harvard...

Từ tháng 1-1994, Maia Sandu là chuyên gia chính của Phòng Hợp tác với Liên minh châu Âu và các nước thuộc khu vực Biển Đen tại Vụ Đối ngoại, Bộ Kinh tế Moldova. Từ tháng 6-1996, bà làm tư vấn tại Tổng cục Hợp tác với các tổ chức kinh tế quốc tế.

Trong những năm 1997-1998, Sandu là Quyền Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác với các tổ chức kinh tế quốc tế. Trong hai năm 1998-1999, bà làm tư vấn, rồi trong những năm 1999-2005, bà làm ở cơ quan đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Kishinev.

Trong hai năm 2005-2006, Sandu làm tại Bộ Kinh tế Moldova trên cương vị Giám đốc Tổng cục Điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và các chương trình phát triển. Từ tháng 3 đến tháng 9-2007, bà là người điều phối các chương trình trong khuôn khổ chương trình của Liên hợp quốc về phát triển ở Moldova... Từ năm 2007 đến 2009, Sandu là chuyên gia tư vấn về cải cách điều hành quan hệ công khai trung ương. Từ năm 2010 đến 2012, bà là cố vấn cho Giám đốc điều hành WB tại Washington, Mỹ.

Ngày 24-6-2012, bà Sandu được đưa lên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Moldova. Trên cương vị này, bà đã thể hiện rõ lòng dũng cảm, dám đổi mới và thực hiện một loạt cuộc cải cách, trong đó có thay đổi quy trình tổ chức các cuộc thi quốc gia. Cụ thể, tiến hành tăng cường hệ thống giám sát quá trình thi, tại nhiều trung tâm đã thiết lập các máy phát hiện kim loại ở cửa ra vào phòng thi cử nhân, mọi phòng thi đều được lắp camera. Đồng thời, các bài thi của những thí sinh bị phát hiện vi phạm quy chế thi đều bị hủy bỏ và các thí sinh này sẽ không có quyền thi lại. Những thay đổi nghiêm khắc như vậy đã tạo ra những dư luận trái chiều ở Moldova. Một số công dân và một số chính khách đã cho rằng, làm vậy thì sẽ tạo ra những sức ép tâm lý căng thẳng đối với các thí sinh...

Tới cuối năm 2014, dự thảo mới về Quy chế giáo dục đã được đưa ra thảo luận công khai ở Moldova. Theo dự thảo này, việc học là bắt buộc đối với tất cả những ai dưới 18 tuổi, các hiệu trưởng chỉ có thể ở trên vị trí của mình tối đa là hai nhiệm kỳ liên tục, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ bắt buộc trong các chương trình giáo dục, còn tiếng Nga là thứ tiếng mà học sinh ở cấp dưới đại học có thể tự chọn để học. Thêm vào đó, dự thảo còn xem xét tới việc áp dụng hệ thống chấm điểm tại bậc đại học trở lên theo cách của châu Âu.

Chính thái độ không “liễu yếu đào tơ” của bà Sandu trên cương vị người đứng đầu ngành giáo dục đã khiến bà bước đầu thu hút được cảm tình của các lực lượng chính trị cấp tiến. Sau khi nội các do ông Kirill Gaburich đứng đầu từ nhiệm, Đảng Dân chủ Tự do Moldova (LDPM) đã đưa bà Sandu ra làm ứng cử viên ghế thủ tướng. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, bà đã không nhận được sự ủng hộ của các chính đảng khác trong liên minh cầm quyền mới được thành lập “Liên minh ủng hộ hợp tác với châu Âu 3”. Ngày 30-5-2015, sau khi nội các của Thủ tướng Valeri Streltsom được phê chuẩn, bà Sandu bắt buộc phải rời khỏi chức bộ trưởng vì theo quy chế thành lập chính phủ liên hiệp, vị trí này phải dành cho Đảng Tự do.

Ngày 7-9-2014, trong cuộc mít tinh do LDPM tổ chức, bà Sandu đã tuyên bố về việc bà gia nhập chính đảng này. Tuy nhiên, tới tháng 5-2015, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình, bà lại nói rằng, tuy bà là “một phần” của đảng nhưng trên giấy trắng mực đen thì bà không là thành viên của LDPM. Và cuối năm 2015, bà Sandu tuyên bố thành lập chính đảng riêng của mình theo phong trào ủng hộ hợp tác với châu Âu “Làm một bước với Maia Sandu”. Về sau, chính đảng này đổi tên thành Đảng Hành động và Đoàn kết. Tại đại hội thành lập đảng ngày 16-5-2016, bà Maia Sandu được bầu làm Chủ tịch đảng.

Mùa thu năm 2016, bà Maia Sandu được đề cử làm ứng cử viên của Đảng Hành động và Đoàn kết trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 30-10-2016. Đảng này đã đạt được sự đồng thuận với ứng cử viên Andrei Nestas của Đảng Nền tảng phẩm giá và Sự thật về việc cùng đưa ra một ứng cử viên duy nhất là người được lựa chọn trong cuộc trưng cầu ý kiến xã hội của Viện Cộng hòa quốc tế và Quỹ Conrad Adennauer. Ngày 15-10-2016, đã chính thức có tuyên bố về việc bà Sandu trở thành ứng cử viên duy nhất của các lực lượng trung hữu đối lập (Đảng Hành động và Đoàn kết, Nền tảng phẩm giá và Sự thật”, LDPM) trong cuộc bầu cử tổng thống và Andrei Nestas tự rút khỏi vị trí ứng cử viên để ủng hộ cho bà Sandu.

Trong vòng thứ nhất cuộc bầu cử tổng thống ngày 30-10-2016, bà Maia Sandu chỉ về ở vị trí thứ hai với 38,71% số phiếu bầu. Trong vòng thứ hai, diễn ra ngày 13-11-2016, với 47,89% số phiếu bầu, bà cũng vẫn ở vị trí thứ hai, còn vị trí thắng lợi thuộc về ông Igor Dodon với 52,11% số phiếu bầu...

Ngày 8-6-2019, bà được bầu là vị thủ tướng thứ 13 của nước Cộng hòa Moldova... Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, Tòa án Hiến pháp đã bãi bỏ quyết định này và đưa ông Pavel Filip trở lại vị trí quyền thủ tướng.

Sau khi Tổng thống Igor Dodon bị huyền chức và quyền lực của tổng thống được chuyển cho ông Pavel Filip, ông này trong sắc lệnh đầu tiên của mình đã giải tán Quốc hội Moldova khóa X. Tuy nhiên, quốc hội và chính phủ mới đã chối từ thực hiện sắc lệnh này. Một cuộc khủng hoảng chính trị chuẩn bị nảy nòi... Ngày 12-10-2019, Quốc hội Moldova bày tỏ sự bất tín nhiệm đối với chính phủ của bà Sandu. Ngày 14-10-2019, ông Ion Kiku được bầu làm thủ tướng. Từ nội các của bà Sandu chỉ có một người được đưa vào nội các mới...

Không nản chí, ngày 18-7-2020, Đảng Hành động và Đoàn kết đã đưa bà Sandu ra làm ứng cử viên tổng thống. Trong vòng bầu cử ngày 1-11-2020, bà Sandu đã về nhất nhưng không đạt được mốc 50% phiếu bầu: Bà nhận được 36,16%, còn tổng thống đương nhiệm khi đó, Igor Dodon nhận được 32,61% số phiếu bầu. Chỉ tới vòng hai, ngày 15-11-2020, bà Sandu mới giành được thắng lợi...

ĐẶNG ĐÌNH NGUYÊN