Shiota sinh năm 1972 tại Osaka, Nhật Bản. Cô khởi nghiệp là sinh viên Khoa Hội họa, Trường Đại học Kyoto Seika, (Nhật Bản) và có một học kỳ trao đổi tại Trường Nghệ thuật Canberra (Australia). Đó là thời điểm cô thực hiện buổi biểu diễn đầu tiên của mình mang tên "Becoming Painting" vào năm 1994. Đối với Shiota khi đó, bức tranh đơn giản là vẽ màu lên vải. Do đó, cô tìm cách cải thiện loại hình nghệ thuật này với một sắc thái riêng. Shiota đã quấn mình trong một tấm vải trắng, sau đó đổ sơn màu đỏ lên người. Một sự khởi đầu sáng tạo để Shiota đến với nghệ thuật sắp đặt sau này.

leftcenterrightdel
 Chiharu Shiota với một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của mình. Ảnh: EMMA

 

Cũng trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường, Shiota nhận ra rằng bức tranh hai chiều không còn đủ nữa. Vì thế, cô bắt đầu khám phá không gian ba chiều vô hạn xung quanh mình. “Để thành công với nghệ thuật sắp đặt ở Nhật Bản, trước hết phải thành công ở Mỹ hoặc châu Âu”, Shiota tự nhủ. Năm 1997, Shiota quyết định sang Đức học và nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của nghệ nhân người Serbia, bà Marina Abramovic-một bậc thầy về biểu diễn nghệ thuật sắp đặt. Abramovic là người có ảnh hưởng rất nhiều đến Shiota sau này.

Để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, Shiota sử dụng các đồ vật cũ như giường, khung cửa sổ, giày, dép, vali... Sau đó, cô dùng những sợi chỉ, có thể là màu trắng, đen hoặc đỏ, kết nối những đồ vật cũ trên bằng cách dệt mạng nhện khá phức tạp và không thể xuyên thủng. Không giống như vẽ tranh phải phác thảo hay dựng mô hình chi tiết trước, Shiota đơn giản để sợi chỉ dẫn dắt bản thân. “Khi tôi tạo một tác phẩm sắp đặt, nó giống như vẽ tranh trong không khí”, Shiota giải thích. 

Người xem gần như nín thở mỗi khi chiêm ngưỡng tác phẩm của Shiota. Hàng nghìn, hàng nghìn sợi chỉ đan chéo vào nhau tạo thành một mạng nhện khổng lồ. Đơn cử như tác phẩm mang tên “Đối thoại từ ADN” của Shiota lần đầu tiên được biểu diễn ở Ba Lan, sau đó được tái hiện ở Đức và Nhật Bản. Tác phẩm được tạo thành từ những đôi giày buộc lại bằng sợi chỉ đỏ, mỗi đôi giày đều có ghi chú viết tay về chủ nhân của nó. Nữ nghệ nhân cho biết, ý tưởng tạo ra tác phẩm độc đáo này xuất hiện khi cô đi du lịch ở Nhật Bản. “Lúc đó tôi đi một đôi giày cũ và chợt nhận ra rằng chúng không còn phù hợp nữa. Vì muốn khám phá khoảng cách giữa tình cảm của mình và đôi giày, tôi đã nhờ mọi người tặng giày của họ kèm theo những lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa”, Shiota kể lại.

Tại La Biennale, một trong những triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất và uy tín nhất trên thế giới ở Venice (Italy) năm 2015, Shiota đã dùng những sợi chỉ đỏ dày đặc, ngoằn ngoèo, móc vào những chiếc chìa khóa han gỉ bên trên những chiếc thuyền cũ nát. “Tác phẩm nói về những cuộc di cư đương đại và băng qua biển cảm xúc để đến một nơi không xác định”, Shiota chú thích cho tác phẩm của mình.

Cho đến nay, Chiharu Shiota đã có hàng trăm cuộc triển lãm trên khắp thế giới, từ Nhật Bản, Australia, Anh đến Mỹ. Trong năm 2022, nữ nghệ nhân Nhật Bản dự định tổ chức 25 triển lãm cá nhân ở Pháp, Mỹ và một số nơi.

 VY ANH