Kể từ khi bùng phát trên phạm vi toàn cầu, cuộc khủng hoảng sức khỏe mang tên Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống của tất cả quốc gia, trong đó có ngành thời trang. Quả thực, đại dịch đang tiến hành một cuộc “thanh lọc” rất nhiều nhà bán lẻ quần áo. Inditex, công ty sở hữu thương hiệu nổi tiếng Zara, phải đóng cửa khoảng 1.200 cửa hàng (tương đương 16%) trên toàn cầu. Pull&Bear, Oysho, Stradivarius cũng có động thái tương tự nhằm dồn doanh số và lợi nhuận về các cửa hàng trực tuyến. Thậm chí, Brooks Brothers, J.Crew và Neiman Marcus nằm trong số hàng trăm doanh nghiệp thời trang bị đẩy đến nước đường cùng là phá sản.
Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn với tờ Nikkei Asian Review, tỷ phú Yanai Tadashi đã chứng tỏ mình không thuộc tuýp người “bó tay chịu trói” trước khó khăn. Người đàn ông 71 tuổi này khẳng định: “Covid-19 là một “siêu bão” đối với các công ty trên toàn thế giới, nhưng nó cũng mang lại một cơ hội kinh doanh lớn. Các công ty thành công luôn biết cách thoát ra khỏi khủng hoảng”. Câu nói đó không hề là “khua môi múa mép”.
 |
Tỷ phú Yanai Tadashi (bên phải) và tay vợt cựu số một thế giới Roger Federer - đại sứ thương hiệu toàn cầu của Uniqlo. Ảnh: Getty Images
|
Kể từ khi Uniqlo được thành lập, ông Yanai Tadashi luôn giữ cho hãng đi theo đúng tôn chỉ độc nhất là LifeWear (triết lý thiết kế đại chúng, hướng đến mục đích phục vụ tốt hơn cuộc sống hằng ngày cho tất cả mọi người). Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tài chính của người tiêu dùng, khiến họ phải giảm bớt chi tiêu cá nhân và chỉ sử dụng những sản phẩm cần thiết, phù hợp với nhu cầu. Chính vì vậy, dòng sản phẩm LifeWear mà Uniqlo thúc đẩy quảng bá đã trở nên đặc biệt phù hợp với thời kỳ đại dịch năm nay, trong đó có khẩu trang thoáng khí, quần áo thân thiện với môi trường cách ly hay set đồ áo phông-quần cộc nhưng vẫn bảo đảm lịch sự khi người dùng sử dụng ứng dụng phần mềm Zoom cho làm việc, học tập trực tuyến...
Chính vị chủ tịch này đã đưa ra nhận định: “Mối quan tâm của người tiêu dùng đang xoay quanh dịch Covid-19. Các biện pháp an toàn là cách tốt nhất để thu hút khách hàng”. Có thể nói, những chiếc khẩu trang AIRism là biểu tượng thành công và dễ nhận biết nhất của Uniqlo. Chúng trở thành sản phẩm chủ lực của dòng LifeWear bởi nhu cầu quá lớn của người tiêu dùng. Ngay khi ra mắt vào tháng 6 tại Nhật Bản, khẩu trang AIRism đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút khách hàng quay lại các cửa hàng của nhà bán lẻ quần áo lớn thứ ba thế giới. Nhiều người đã xếp hàng hàng giờ để mua chúng.
Thực tế, công ty mẹ Fast Retailing cũng buộc phải đóng cửa nhiều cửa hàng trên toàn thế giới, khiến doanh thu trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8 vừa qua được dự báo chỉ đạt 17,9 tỷ USD, giảm 13% so với năm trước. Tuy nhiên, với riêng Uniqlo, thương hiệu này lại được “cứu” bởi chính khách hàng thân thiết của mình. “Tôi đã mua rất nhiều quần áo Uniqlo trong năm nay. Chúng có giá cả hợp lý và đặc biệt hữu ích vì tôi không ra ngoài nhiều trong tình hình dịch bệnh”, chị Ono Akari chia sẻ khi đến mua sắm tại một cửa hàng Uniqlo ở khu Harajuku thuộc thủ đô Tokyo của Nhật Bản.
Là người giàu có, tỷ phú Yanai Tadashi hoàn toàn có thể khoác lên mình các bộ đồ đắt tiền, thời thượng. Nhưng trái lại, ông thường xuất hiện với những trang phục có thể tìm thấy ở mọi cửa hàng Uniqlo. Điều đó đã góp phần quảng bá phong cách thời trang “thực dụng” nhưng vẫn bảo đảm tính thẩm mỹ cao cho mọi loại hình công việc cũng như đời sống hằng ngày của khách hàng-“kim chỉ nam” mà Uniqlo luôn theo đuổi. “Trang phục bình thường có thể mặc mọi lúc, mọi nơi một cách tự do bởi bất cứ ai”, ông viết trong cuốn tự truyện năm 2003.
Ngoài ra, Chủ tịch Yanai Tadashi đã sớm đưa ra định hướng kết hợp mô hình cửa hàng vật lý với công nghệ kỹ thuật số. Các cửa hàng được trang bị nhiều màn hình hiển thị gợi ý cho khách hàng về phong cách thời trang và các sản phẩm được bán tại chỗ và trực tuyến. Thêm vào đó, từ nhận định rằng trong tình hình dịch bệnh lây lan, người tiêu dùng đang có xu hướng mua sắm ở những khu vực lân cận họ sinh sống, ông cũng cho chuyển nhiều cửa hàng từ các trung tâm bán lẻ đến các khu vực dân cư nông thôn. Tại Nhật Bản-thị trường lớn nhất của Uniqlo, khoảng 1/3 trong số hơn 820 cửa hàng được đổi mới về thiết kế hoặc địa điểm. Vì vậy, bên cạnh việc bán hàng trực tuyến, Uniqlo vẫn duy trì hơn 2.200 cửa hàng trên toàn cầu. Theo dữ liệu của hãng phân tích tài chính Quick-FactSet, doanh số trung bình hằng tháng của Uniqlo tăng trưởng 10% tính đến tháng 9-2020 và công ty còn có tham vọng mở rộng thêm nhiều cửa hàng truyền thống nữa.
Bất chấp “cơn bão” Covid-19, “con thuyền” Uniqlo dưới sự chèo lái của “thuyền trưởng” Yanai Tadashi vẫn trụ vững thành công.
VĂN HIẾU