Trước đó, bức tranh được bán đấu giá cao nhất trong lịch sử là “Les Femmes d’Alger” (Những người phụ nữ Alger-1955) của danh họa người Tây Ban Nha Pablo Picasso với mức giá 179,4 triệu USD vào năm 2015.

Theo nhà đấu giá Christie's New York, việc đấu giá “Salvator Mundi” được coi là “khám phá nghệ thuật lớn nhất thế kỷ 21”. Chỉ riêng phí đấu giá cho bức tranh này đã lên tới 50 triệu USD. Bức tranh hơn 500 tuổi được bán sau phiên đấu giá kéo dài 20 phút căng thẳng. Những người tham dự đã có những phút nín thở khi mức giá tăng từ vài chục triệu USD đến 225 triệu USD rồi tăng lên 260 triệu USD. Cuối cùng, Alex Rotter, đồng chủ tịch mảng nghệ thuật hậu chiến và đương đại của Christie's, đại diện cho một người mua qua điện thoại, đã thực hiện hai bước giá lớn, loại bỏ người mua còn lại của Francis de Poortere, người đứng đầu mảng hội họa trước thế kỷ 19 của nhà đấu giá Christie's với mức giá cuối cùng lên đến 450,3 triệu USD. Danh tính người mua bức tranh đã từ chối tiết lộ. Theo các tài liệu do tờ New York Times thu thập được, hoàng tử Bader bin Abdullah bin Mohammed bin Farhan al-Saud chính là người mua bức họa "Salvator Mundi". Hoàng tử Bader không đưa ra bình luận về thông tin này, tuy nhiên chi nhánh mới mở của Bảo tàng Louvre ở Abu Dhabi tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết, bức tranh "đang trên đường tới Louvre Abu Dhabi".

Bức họa nổi tiếng "Salvator Mundi" ra đời vào thế kỷ 16, cùng thời với tác phẩm "Mona Lisa". Được sơn dầu trên gỗ khổ 45,4cm x 65,6cm, “Salvator Mundi” của Da Vinci là mô tả chân dung Chúa Jesus trong trang phục màu xanh và đỏ thẫm, tay phải làm dấu ban phước, tay trái đang giữ một quả cầu pha lê trong suốt, mặc áo choàng xanh nhạt với những họa tiết màu vàng. “Salvator Mundi” là “chén Thánh” trong các tác phẩm của những họa sĩ bậc thầy trước thế kỷ 19. Nó giống như một giấc mơ huyền bí, không thể đạt được cho tới lúc này", đài CNN dẫn lời Alan Wintermute-chuyên gia cao cấp của Christie's về hội họa trước thế kỷ 19.

leftcenterrightdel
Kiệt tác “Salvator Mundi” tại phiên đấu giá của Christie's New York. Ảnh: 9news 

Chính vì đề cao giá trị của bức tranh nên hoạt động tiếp thị của Christie's là một chiến dịch “độc nhất” chưa từng có tiền lệ trong giới nghệ thuật. Đây là lần đầu tiên một nhà đấu giá thuê công ty bên ngoài quảng cáo cho món hàng. Christie's cũng phát hành video với hình ảnh các lãnh đạo hàng đầu và so sánh nó với "sự phát hiện một hành tinh mới". Đó là sức hút thương hiệu mà Christie's đã tạo ra cho bức tranh khi tiếp thị nó như một tác phẩm nghệ thuật đương đại hàng đầu hơn là một cuộc đấu giá tranh cổ kém hấp dẫn.

Theo nhà đấu giá Christie’s, bức họa từng thuộc về công chúa Henrietta Maria của Pháp, người sau này cưới vua Charles đệ nhất của Anh. Bức tranh được bà mang sang Anh khi xuất giá. Sau khi tô điểm cho bức tường hoàng gia Anh, bức tranh đã bị thất lạc do chiến tranh đến tận cuối thế kỷ 18. Trong thời gian bị thất lạc, bề mặt tranh đã được phủ thêm một vài lớp vẽ khác. Những năm của thập niên 1900 là thời điểm “Salvator Mundi” được tái xuất nhưng nguồn gốc của nó gần như bị lãng quên. Bức tranh từng được đưa ra đấu giá tại nhà đấu giá Christie's vào năm 1958 với giá chỉ 60USD. Năm 2011, tại phòng triển lãm Bảo tàng Quốc gia London, “Salvator Mundi” được xác định là tranh gốc của danh họa Da Vinci. Đến năm 2013, bức tranh thuộc về Yves Bouvier-một doanh nhân và nhà môi giới tranh người Thụy Sĩ-với giá 80 triệu USD. Ngay sau đó, ông đã bán nó với giá 127,5 triệu USD cho nhà sưu tập, tỷ phú người Nga Dmitry E.Rybolovlev-người bán bức tranh trong buổi đấu giá vừa qua. Đây là một trong số chưa đầy 20 tác phẩm từng được biết tới của Da Vinci và là tác phẩm duy nhất thuộc sở hữu tư nhân (khoảng 15 tác phẩm khác đang nằm trong các bảo tàng).

“Salvator Mundi” được xem là bức tranh cuối cùng của Leonardo da Vinci và cũng là phát hiện đầu tiên về những di sản của ông sau hơn một thế kỷ qua. Tác phẩm gần đây nhất của Leonardo da Vinci được phát hiện là vào năm 1909, bức “Benois Madona” (Thánh mẫu Benois).

Sự tồn tại của “Salvator Mundi” đã được biết đến từ lâu qua các tài liệu, nhưng quá trình tìm kiếm bức tranh rất gian nan. Trong khoảng thời gian 6 năm, từ 2011 đến nay là quá trình các chuyên gia nghiên cứu và phục chế làm việc để xác định tính nguyên bản của bức tranh trước khi được mang ra buổi đấu giá. Các chuyên gia thẩm định đã đồng ý đây là bản gốc “Salvator Mundi” của Leonardo da Vinci khi kiểm chứng tỉ mỉ từ rất nhiều nguồn: So sánh chữ ký của danh họa trên “Salvator Mundi” với 2 bức tranh khác của ông tại lâu đài Windsor, sự tương ứng thành phần chất liệu vẽ nên bức tranh với bản ghi chép mô tả về nó của Wenceslaus Hollas vào năm 1650, sự vượt trội phi thường trong nét vẽ của bức tranh khi được so sánh với 20 phiên bản sao chép cao cấp khác…

Leonardo da Vinci (1452-1519), tên đầy đủ là Leonardo di ser Piero da Vinci, là một thiên tài toàn năng của Italy. Các lĩnh vực ông quan tâm gồm: Sáng chế, sơn, điêu khắc, kiến trúc, khoa học, âm nhạc, toán học, kỹ thuật, văn học, giải phẫu, địa chất, thiên văn học, thực vật học, viết, lịch sử và bản đồ. Leonardo có những ý tưởng vượt trước thời đại, đặc biệt là khái niệm về máy bay trực thăng, xe tăng, dù nhảy, hội tụ năng lượng mặt trời, máy tính, sơ thảo lý thuyết kiến tạo địa hình, tàu đáy kép,… cùng nhiều sáng chế khác. Đặc biệt, ông đóng góp rất lớn vào giải phẫu học, thiên văn học, xây dựng dân dụng, quang học và nghiên cứu về thủy lực. Những tác phẩm của ông còn lưu lại đến nay chỉ còn khoảng 20 bức họa, một vài quyển sổ nháp tay. 
 

MỘC AN